Australia có thêm 5 ca đông máu sau tiêm vaccine AstraZeneca
Australia vừa ghi nhận 5 trường hợp bị cục máu đông mới ở những người được tiêm vaccine ngừa COVID-19 AstraZeneca.
Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: Reuters
Cục Quản lý Dược phẩm Điều trị Australia (TGA) thông báo ngày 6/5 cho hay 5 trường hợp bị cục máu đông và tiểu cầu trong máu thấp đã được chẩn đoán là hội chứng giảm tiểu cầu huyết khối (TTS), có khả năng liên quan đến vaccine của AstraZeneca.
Theo Đài Sputnik, tổng số ca huyết khối sau tiêm vaccine tại Australia đã tăng lên 11 người. 5 bệnh nhân mới là một người đàn ông 74 tuổi và một phụ nữ 51 tuổi ở bang Victoria, một người đàn ông 66 tuổi ở bang Queensland, một phụ nữ 64 tuổi ở Tây Australia và một người đàn ông 70 tuổi ở Tasmania. Trong số 5 người nhập viện vì cục máu đông thì có 4 người đã được ra viện.
Tính đến ngày 2/5, Australia đã tiêm chủng 2,2 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó có 1,4 triệu liều là AstraZeneca.
Trong khi đó, Thủ hiến bang New South WalesGladys Berejiklian đã thông báo về việc áp dụng các biện pháp chống lây nhiễm nghiêm ngặt hơn cho khu vực Sydney sau khi xuất hiện hai trường hợp mắc COVID-19 mới trong cộng đồng.
Các biện pháp hạn chế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 6/5 đến ngày 10/5 và áp dụng cho khu vực Sydney và các vùng ngoại ô lân cận.
EP thống nhất quan điểm về chứng nhận tiêm vaccine
Ngày 29/4, Nghị viện châu Âu (EP) đã thống nhất quan điểm về việc chứng nhận tiêm vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nên vận hành như thế nào. Động thái trên đã đưa Liên minh châu Âu (EU) tiến gần hơn tới việc mở cửa cho đi lại nội khối.
Quan điểm trên đã được nhất trí trong cuộc bỏ phiếu tối 28/4, với sự ủng hộ của 540 nghị sĩ, 119 nghị sĩ bỏ phiếu chống và 31 nghị sĩ bỏ phiếu trắng.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại San Marino, Italy, ngày 26/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Kể từ tháng 6 tới, thời điểm bước vào kỳ nghỉ hè ở châu Âu, EU dự định cho phép sử dụng một loại chứng nhận để thể hiện việc tiêm phòng, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và/hoặc bằng chứng đã khỏi bệnh của người sở hữu loại giấy tờ này. Hiện các công tác kỹ thuật đang được thực hiện để đảm bảo rằng chứng nhận này được tất cả 27 quốc gia thành viên EU chấp thuận. EC và EP cũng nhất trí rằng các vaccine được chấp nhận trên toàn khối sẽ là những loại đã được Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) phê chuẩn, bao gồmvaccine của hãng BioNTech/Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson&Johnson. Trong khi đó, một số nước đã tiêm vaccine của Nga hoặc Trung Quốc, như Hungary, có thể chấp nhận các loại vaccine khác nếu muốn.
Tuy nhiên, các nghị sĩ châu Âu muốn đổi tên của loại giấy tờ này. Thay vì gọi là "chứng nhận xanh kỹ thuật số", họ muốn gọi đó là "chứng nhận COVID-19 của EU" để tránh bị hiểu đó là một loại "hộ chiếu vaccine". Họ cho rằng giấy tờ trên "không nên được dùng như một loại giấy thông hành, cũng không nên trở thành một điều kiện tiên quyết để thực hiện quyền tự do đi lại" và chỉ nên được giới hạn sử dụng trong 12 tháng.
Dự kiến, một cuộc thử nghiệm sử dụng chứng nhận trên sẽ được thực hiện vào tháng 5, trước khi sáng kiến này được khởi động trên toàn EU.
COVID-19 tới 6h sáng 9/4: Ấn Độ có ca mắc mới cao nhất thế giới; Vaccine AstraZeneca gây đông máu hy hữu Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 714.000 ca bệnh COVID-19 và trên 13.300 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 134 triệu ca, trong đó trên 2,91 triệu ca tử vong. Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn...