Âu lo theo mỗi bước chân con trẻ đến trường
Những nỗi đau mất mát thì không bao giờ hết. Học sinh, phụ huynh sẽ không thể yên tâm đến trường khi cứ nơm nớp lo sợ các sự cố, rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ảnh minh họa
Liên tiếp những ngày đầu tháng 9 đã có hàng loạt các vụ việc liên quan đến sự an toàn của học sinh khi đến trường đã xảy ra. Có những vụ thật sự quá thương tâm, khiến nhiều bậc làm cha làm mẹ không biết nơi đâu mới thực sự là chỗ an toàn để gửi gắm con trẻ hàng ngày…
Khoảng 9h ngày 11/9, một bức tường rào trước cổng Trường Tiểu học Nam Lộc, huyện Nam Đàn ( Nghệ An) đã đổ sập khiến một học sinh thiệt mạng. Trước đó chỉ vài ngày, cổng trường ở xã Khánh Yên Thượng ( huyện Văn Bàn, Lào Cai) cũng đổ sập, khiến 3 em nhỏ tội nghiệp ra đi.
Video đang HOT
“Có cháu bị văng ra, cháu thì mắc kẹt, đôi tay vẫn còn run run, chới với cầu cứu”, cảnh tượng có thể gọi là ám ảnh suốt một đời với những người thân của các em.
Biết nói sao đây khi ngoài gia đình, chỉ có nhà trường là nơi cha mẹ gửi gắm, trao trọn niềm tin, mong con cái có thể “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, là nơi an toàn nhất cho con được phát triển, học hành. Vậy mà, nhiều quá những vụ việc thương tâm…
Cũng là một người mẹ, cũng có con gửi đi học ở một ngôi trường, hàng ngày tôi vẫn thấp thỏm lo âu. Nhiều khi cũng ngồi hàng giờ xem camera để biết con đang làm gì, có sự cố gì xảy ra ở trường không. Vẫn biết đó là tâm lý chung của các bà mẹ, nhưng cũng có thể nói lên một điều rằng, môi trường lớp học, nhà trường chưa thực sự an toàn.
Sự việc xảy ra, lỗi vẫn của nhiều người. Như vụ cây phượng đổ đè chết học sinh mới xảy ra cách đây vài tháng. Lỗi có của nhà trường, có cả phụ huynh, cả những bộ phận liên quan khác… Nhưng khâu hậu kiểm, xử lý, liên hệ sau mỗi vụ việc như thế dường như vẫn còn bỏ ngỏ.
Trách nhiệm của những người làm giáo dục không phải chỉ là truyền dạy kiến thức cho các em, mà cần phải đảm bảo một môi trường thân thiện, lành mạnh cho các em khi đến lớp. Nếu phân chia thời gian của 1 ngày, học sinh ở trường chiếm một thời gian rất lớn. Có thể có những ngày ở trường nhiều hơn ở nhà. Vậy thì môi trường ấy phải làm sao để tất cả mọi người có thể yên tâm.
Nguyên nhân của tình trạng đổ sập cổng trường thời gian qua được Bộ GDĐT cho biết, chủ yếu do các công trình trường học được xây dựng từ lâu nhưng không cải tạo, bảo trì theo quy định; các cơ quan quản lý chưa làm tốt công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng xây dựng trường học…
Lại một lần nữa Bộ GDĐT, cả xã hội kêu gọi những người làm giáo dục bảo đảm an toàn cho trẻ khi đến trường. Nhưng những nỗi đau mất mát thì không bao giờ hết. Học sinh, phụ huynh sẽ không thể yên tâm đến trường khi cứ nơm nớp lo sợ các sự cố, rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chỉ mong rằng, tất cả chúng ta sẽ làm hết trách nhiệm, đừng chủ quan để không phải dằn vặt, hối tiếc vì xảy ra những chuyện đau buồn như đã từng.
Sự cố trong trường học: Lãnh đạo ngành giáo dục đều cho rằng đã quán triệt
Sau mỗi sự cố xảy ra, lãnh đạo ngành giáo dục đều cho rằng, họ đã có văn bản quán triệt thường xuyên. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục khẳng định, để xảy ra vấn đề trong trường học, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu.
Năm 2018, vữa trần phòng học Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) rơi trúng học sinh khiến 3 em phải nhập viện
Dù có nhiều văn bản, trên thực tế ở các địa phương vẫn xảy ra những chuyện đau lòng vì sự bất cẩn của người quản lý. Về sự cố đổ tường rào khiến 1 học sinh tử vong tại địa phương, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An, ông Nguyễn Trọng Hoàn, nói: "Sự cố hôm nay sẽ là bài học đau xót cho những người làm quản lý, phải tìm nguyên nhân để làm mạnh hơn nữa các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh".
Theo ông Hoàn, cứ kết thúc mỗi năm học, Sở làm việc với các huyện, thành phố về các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh. Cụ thể, đi rà soát sông suối gần trường, cắm biển báo nguy hiểm; rà soát cơ sở vật chất từ quạt trần, tường xây, hố ga, hố nước; làm việc với các nhà dân xung quanh trường học để tránh những nguy cơ mất an toàn khác. Tuy nhiên, vẫn xảy ra sự cố mà chính những người quản lý không lường hết được.
Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội), bà Phạm Thị Lệ Hằng, cho rằng, học sinh rất hiếu động, đặc biệt sau thời gian nghỉ học kéo dài, được đến trường sẽ chạy nhảy, leo trèo nhiều nơi. Do đó, các trường phải thường xuyên nhắc nhở, bố trí giáo viên, cán bộ Đoàn, Hội đi kiểm tra hành lang, cửa sổ, sân chơi... để kịp thời phát hiện, nhắc nhở. Ngoài ra, lực lượng bảo vệ, đội ngũ giáo viên, hiệu trưởng đều được tập huấn về phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh; học sinh được học kỹ năng tự bảo vệ, thoát hiểm trong những tình huống nguy hiểm như: có cháy, bị bỏ quên trên ô tô, bị xâm hại tình dục...
Theo bà Hằng, dù có làm nhiều việc như thế nhưng trường học với hàng nghìn học sinh vẫn có thể xảy ra những tình huống không lường hết được. Do đó, ngoài quy trách nhiệm cho hiệu trưởng, người đứng đầu nhà trường, rất cần ý thức cao của những người tham gia công tác giáo dục.
Sau các sự cố, mới đây, Bộ GD&ĐT gửi văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố đề nghị các địa phương rà soát cơ sở vật chất trường, lớp để đánh giá lại chất lượng các công trình trong nhà trường, nhất là khi mùa mưa bão sắp đến. Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, để xảy ra các tình trạng như sập cổng trường, sập trần nhà... ở một số địa phương là do công trình được xây dựng từ lâu nhưng không được kiểm tra, bảo trì, cải tạo theo quy định. Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh - sinh viên (Bộ GD&ĐT), nói rằng, ngoài đảm bảo an toàn các điều kiện cơ sở vật chất, trường học cần phải dạy học sinh kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm để các em có thể tự xử lý tình huống gặp phải. Phía Bộ GD&ĐT, ngoài việc ban hành văn bản, năm học 2020-2021, Bộ có kế hoạch kiểm tra chuyên đề về an toàn trường học, đạo đức nhà giáo ở 15 tỉnh, thành phố và các trường đại học. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, đơn vị chưa triển khai được, dự kiến từ tháng 10, đoàn sẽ đi kiểm tra, đánh giá các trường. Tuy nhiên, ông Linh nói rằng, trong trường học, hiệu trưởng, thầy cô phải là những người đưa ra nội quy, hướng dẫn và sát sao với học sinh để những chuyện đáng tiếc không xảy ra.
Phải chấn chỉnh nhiều vấn đề nóng Năm học mới chỉ bắt đầu được 1 ngày, Bộ GD-ĐT đã phải ra 2 văn bản để yêu cầu các địa phương kiểm tra, chấn chỉnh những sự vụ tưởng rất cũ là tai nạn trong trường học và lạm thu tiền trường, tiền sách. Tai nạn trong trường học là vấn đề nổi cộm xảy ra ngay trong ngày đầu tiên...