Arab Saudi đón hơn 100 “khách không mời” từ Israel
Một chiếc máy bay chở hơn 100 người Israel về nước từ quốc đảo Seychelles ở Ấn Độ Dương đã phải hạ cánh khẩn cấp ở Arab Saudi trước khi bay trở lại Tel Aviv ngày 29/8, điều mà Israel ca ngợi là “dấu hiệu thiện chí” trong bối cảnh Mỹ nỗ lực thiết lập quan hệ chính thức giữa hai nước.
Các du khách Israel tại sân bay Jeddah, Arab Saudi. Ảnh AP.
Chuyến bay của hãng Air Seychelles chở 128 hành khách Israel buộc phải hạ cánh hôm 28/8 vì sự cố điện. Bộ Ngoại giao Israel cho biết, các hành khách đã qua đêm tại một khách sạn ở sân bay ở Jeddah và được hãng hàng không đưa về bằng một máy bay khác.
Nhiều hành khách mô tả khoảng thời gian đáng sợ khi mùi khét tràn ngập cabin và phi công thông báo rằng máy bay sẽ buộc phải dừng khẩn cấp ở Arab Saudi, nơi vốn dĩ Israel không có liên kết hàng không hoặc quan hệ ngoại giao.
Dữ liệu theo dõi từ FlightRadar24.com cho thấy, chiếc Airbus A320 của Air Seychelles, chuyến bay số HM22, đã chuyển hướng đến Jeddah vào tối 28/8 khi đang ở trên biển Đỏ.
Video đang HOT
Một chiếc A320 khác của Air Seychelles đã bay đến Jeddah từ Dubai để đón các du khách và đưa họ đến Tel Aviv. Năm 2022, Arab Saudi dỡ bỏ lệnh cấm đối với các chuyến bay của Israel khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tới thăm vương quốc này.
Israel và Arab Saudi không có quan hệ chính thức, mặc dù hai nước bắt tay trong một số lĩnh vực trong những năm gần đây vì mối lo ngại chung về ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran. Sau khi Israel và 4 quốc gia Arab ký các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ vào năm 2020 dưới thời chính quyền của ông Donald Trump, Tổng thống Biden đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận tương tự với Arab Saudi.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu coi vụ việc máy bay hạ cánh khẩn cấp là cơ hội cải thiện mối quan hệ giữa hai nước. “Tôi đánh giá rất cao thái độ nồng nhiệt của Arab Saudi đối với những hành khách Israel có chuyến bay gặp sự cố”, ông Netanyahu cho biết.
Một thỏa thuận bình thường hóa với Arab Saudi, quốc gia Arab hùng mạnh và giàu có nhất, có khả năng định hình lại vị thế của Israel trong khu vực. Tuy vậy, việc môi giới đạt được một thỏa thuận như vậy là một gánh nặng lớn vì Arab Saudi cho biết họ sẽ không chính thức công nhận Israel trước khi có giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine kéo dài hàng thập kỷ.
Trung Quốc tìm cách trấn an Đức về vấn đề hoà bình tại Ukraine
Đại sứ Trung Quốc tại Berlin nói Trung Quốc là một thị trường khổng lồ mà các doanh nghiệp Đức có thể khai thác, đồng thời là một bên tham gia tích cực trong nỗ lực chấm dứt tình trạng xung đột tại Ukraine.
Đại diện của hơn 40 quốc gia - bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ chụp ảnh ở Jeddah, Saudi Arabia, tham gia hội nghị kế hoạch hoà bình Ukraine. Ảnh: Saudi Press Agency/Reuters
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Liên minh châu Âu (EU) hiện đang phát triển một chiến lược để "giảm thiểu rủi ro" trong quan hệ với Trung Quốc. Đức, một quốc gia có sự hiện diện kinh doanh lớn ở Trung Quốc, cũng bày tỏ sự ủng hộ chính sách này.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Berliner Zeitung, Đại sứ Wu Ken nói với rằng Trung Quốc sẽ không từ bỏ các nỗ lực gìn giữ hòa bình ở Ukraine, nhưng cuộc khủng hoảng không thể được giải quyết nếu không có sự tham gia tích cực của châu Âu và Mỹ.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có thể yêu cầu Nga ngừng chiến tranh hay không, vị quan chức ngoại giao cấp cao trả lời rằng cuộc khủng hoảng chủ yếu ảnh hưởng đến lợi ích an ninh của châu Âu và nếu "châu Âu và Mỹ không đóng vai trò tích cực, cuộc khủng hoảng sẽ không kết thúc sớm, không bất kể Trung Quốc hành động như thế nào". Ông nhấn mạnh Trung Quốc và Nga có "mối quan hệ láng giềng tốt đẹp".
Trung Quốc cho biết họ muốn đóng một vai trò mang tính xây dựng và đã đưa ra một kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm vào tháng 2. Đến tháng 4, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm đầu tiên với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky kể từ khi xung đột nổ ra và ông cũng đã cử các đặc phái viên tới Nga, Ukraine và các khu vực khác của châu Âu để đóng vai trò trung gian hòa giải.
Bắc Kinh đã từ chối lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, bất chấp các yêu cầu từ các nhà lãnh đạo Đức và phương Tây nói chung, nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Thái độ này của Bắc Kinh đối với cuộc chiến đã làm tổn hại đến quan hệ với Đức với những tác động tiềm ẩn đối với quan hệ thương mại trong tương lai. Chiến lược Trung Quốc của Berlin cũng cảnh báo rằng trong một số lĩnh vực, công nghệ Trung Quốc có thể được sử dụng cho mục đích quân sự và tình báo có thể làm suy yếu "hòa bình và an ninh quốc tế".
Khi được hỏi về chiến lược Trung Quốc của châu Âu, Đại sứ Wu chỉ trích việc coi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh và đối thủ có hệ thống" và nói rằng nó không phù hợp với lợi ích chung của hai nước. "Sự đồng thuận giữa Trung Quốc và Đức vượt xa sự khác biệt, hợp tác vượt qua cạnh tranh và hai bên là đối tác chứ không phải là đối thủ", ông nói thêm.
Trong cuộc phỏng vấn, Đại sứ Wu cũng cảnh báo chống lại "hành động chính trị hóa các hoạt động kinh doanh và thương mại" sau khi truyền thông Đức đưa tin rằng chính phủ đang xem xét loại trừ các công ty viễn thông Trung Quốc như Huawei và ZTE khỏi mạng 5G của nước này vì chúng được xác định là có nguy cơ bảo mật tiềm ẩn.
Huawei có lịch sử tham gia lâu dài vào thị trường Đức và công ty đã nhanh chóng mở rộng dấu ấn của mình tại Đức dưới thời thủ tướng tiền nhiệm Angela Merkel. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, Đức là quốc gia thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc vào năm 2021 và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong 7 năm qua. Mối quan hệ này cũng chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và EU tính theo khối lượng.
Ngoại trưởng Nga, Trung Quốc điện đàm về cuộc khủng hoảng Ukraine Theo hãng tin TASS, ngày 7/8, Bộ Ngoại giao Nga thông báo Ngoại trưởng nước này Sergey Lavrov đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị để thảo luận về các vấn đề quốc tế, trong đó có cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như quan hệ song phương Nga-Trung. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: AFP/TTXVN Thông báo...