Apple suýt bị kiện vì không cung cấp mật khẩu cho người dùng
Quả táo đã từ chối cung cấp mật khẩu Apple ID trên iPad của người chồng quá cố cho vợ và yêu cầu bà xin trát của tòa án.
Apple là hãng công nghệ khá cứng rắn bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Hãng đã từng từ chối nhiều yêu cầu của tòa án liên quan đến việc mở máy của tội phạm nhằm phục vụ công tác điều tra.
Mới đây, một vụ việc hy hữu đã xảy ra tại Canada, bà Peggy Bush 72 tuổi đã đệ đơn lên tòa án để yêu cầu Apple cung cấp mật khẩu truy cập Apple ID của người chồng đã mất với mục đích nâng cấp trò chơi trên chiếc iPad.
Apple hiện đang gặp nhiều sức ép từ chính phủ các nước vì chính sách bảo mật của mình.
Trước đó, con gái của bà đã cung cấp giấy tờ liên quan đến chiếc iPad, giấy chứng tử và di chúc của bố mình. Tuy nhiên, Apple đã từ chối và yêu cầu gia đình phải có lệnh của tòa án. Cô trả lời phỏng vấn với CBC và tỏ ra khá thất vọng về quyết định của Táo khuyết: “Điều này thật vô lý, chúng tôi có thể chuyển tên chủ sở hữu ngôi nhà, ôtô chỉ bằng giấy chứng tử có công chứng và di chúc của cha mình”.
Bà Peggy Bush cho biết: “Tôi có thể nhận các khoản trợ cấp, các chính sách phúc lợi của người chồng quá cố từ chính phủ liên bang nhưng Apple đang làm khó dễ tôi bởi một mật khẩu ngớ ngẩn”.
Vụ việc đã kết thúc tốt đẹp sau khi CBC liên hệ với Apple để tìm câu trả lời. Qủa táo cho rằng, đây là sự hiểu lầm và đồng ý giải quyết cho bà Peggy Bush mà không cần đến trát của tòa án.
Video đang HOT
Trần Tiến
Theo Zing
iPhone 'đóng cặp' chất lượng kém xuất hiện ồ ạt tại Việt Nam
Đây là dấu hiệu đáng báo động khi nhu cầu nâng cấp iPhone của người dùng tại Việt Nam đang tăng cao trong dịp cuối năm.
iPhone cũ thường bị đóng cặp lại và bán ra thị trường Việt Nam - Ảnh: T.H
So với các sản phẩm chính hãng, iPhone xách tay thường rẻ hơn khoảng vài triệu đồng, phù hợp với túi tiền của đại đa số người tiêu dùng phổ thông. Tuy nhiên, không phải lúc nào iPhone xách tay cũng đem tới cho người mua sự tin tưởng về chất lượng.
Minh chứng là trong thời gian gần đây, nhiều cửa hàng kinh doanh tại Hà Nội như Lộc Mobile hay Handheld Care Centre đã đưa ra cảnh báo, iPhone đóng cặp chất lượng kém đang tìm cách tiếp cận thị trường di động Việt Nam.
Trong đó, người bán hàng sẽ lợi dụng xu hướng chuộng giá rẻ để đánh vào tâm lý mua sắm cuối năm của người dùng. Đại diện cửa hàng Lộc Mobile tại Hà Nội chia sẻ: "Các sản phẩm này có giá bán rẻ hơn từ vài trăm ngàn tới 1 triệu đồng so với các máy iPhone xách tay thông thường".
Cách nhận biết iPhone bị đóng cặp không hề dễ dàng - Ảnh: T.H
Bên trong những chiếc iPhone được đóng cặp lại đã được xào nấu những gì thì khó có thể phán đoán. Thậm chí, những chiếc iPhone kém chất lượng còn được lắp cả vỏ máy mới, nhằm qua mắt người tiêu dùng phổ thông, bất chấp những cảnh báo được đưa ra trước đó.
Anh Ngọc Long, một thợ sửa chữa lâu năm tại phố Lê Thanh Nghị, Hà Nội chia sẻ: "Trước đây, phương pháp iPhone đóng cặp lại chỉ dành cho một số dòng iPhone đời cũ, gặp phải sự cố với iCloud. Nhưng lâu dần, lợi dụng kẽ hở này, iPhone kém chất lượng được bán ra tại Việt Nam. Về cơ bản, các máy gặp sự cố với iCloud, sau khi được đóng cặp vẫn có thể hoạt động bình thường như iPhone nguyên bản. Nhưng vì đã bị can thiệp sâu vào phần cứng, nên iPhone đóng cặp rất dễ gặp sự cố hỏng hóc. Đặc biệt, chỉ cần va chạm nhẹ cũng dẫn tới nhiều lỗi phát sinh".
Nhìn chung, các máy gặp sự cố với iCloud sau khi được đóng cặp có tuổi thọ thấp, độ bền kém. Nhưng đáng nghi ngại là người dùng khó có thể phát hiện ra được iPhone đã đóng cặp. Ngay cả thợ lâu năm nhiều khi cũng phải bó tay, vì phải rã máy mới có thể nhận biết.
Người dùng nên tìm mua iPhone chính hãng, hoặc ở các cửa hàng có uy tín - Ảnh: T.H
Thực hư iPhone đóng cặp
iPhone đóng cặp là các máy bị mất, hoặc quên mật khẩu Apple ID không thể lấy lại được, dẫn tới tình trạng máy bị khóa iCloud. Sau đó, những chiếc iPhone này sẽ được thu mua về, đóng lại cặp, phù phép (thay vỏ, thay màn hình không nguyên bản...) thành máy mới.
Việc đóng cặp trên iPhone được hiểu là hình thức: thay thế một cặp linh kiện chứa IMEI và Serial đang tồn tại trên hệ thống của Apple (bao gồm CPU Baseband, ổ cứng và EEPROM). Nói cách khác, các máy này đã được can thiệp rất sâu vào phần cứng, dẫn tới giảm tuổi thọ máy.
Hiện tại, các dòng máy iPhone thường bị đóng lại cặp tại Việt Nam rơi vào các thế hệ iPhone cũ như iPhone 4, iPhone 4S, iPhone 5 và iPhone 5S. Tất nhiên, các trường hợp đóng cặp cũng xuất hiện trên iPhone 6 hoặc iPhone 6 Plus, nhưng số lượng không nhiều, do khó can thiệp.
Được biết, di chứng để lại trên iPhone đóng cặp cũng khôn lường. Một số máy sẽ bị mất IMEI sau đó, mất sóng, máy bị treo logo Táo, không khôi phục được cài đặt ban đầu. Và chung quy lại, người dùng sẽ mất thêm nhiều khoản phụ phí cho những chiếc iPhone kém chất lượng này.
Cách nhận biết iPhone bị đóng cặp
- Kiểm tra iPhone đóng cặp qua thông số IMEI trên thiết bị và vỏ hộp. Nếu 2 số IMEI không trùng khớp, đây rất có thể là các máy bị đóng cặp.
- Kiểm tra iPhone đóng cặp qua thông tin máy trên trang hệ thống Apple. Nếu hệ thống báo về thông tin không xác thực, rất có thể đây là chiếc iPhone đã bị đóng cặp. Bạn đọc có thể kiểm tra số serial tại đây:https://checkcoverage.apple.com/
- Kiểm tra iPhone qua phương pháp rã máy, nghĩa là kiểm tra phần mainboard trên iPhone. Cách này chỉ áp dụng với người dùng có hiểu biết.
Tuấn Hưng
Theo Thanhnien
Google cho đăng nhập không cần mật khẩu Bằng cách sử dụng smartphone, người dùng có thể truy cập các dịch vụ của Google mà không cần nhập mật khẩu, nhưng vẫn đủ bảo mật. Google xác nhận bắt đầu thử nghiệm phương pháp đăng nhập mới cho một số thành viên. Ưu điểm là giảm sự phức tạp do không phải gõ mật khẩu, trong đó smartphone chính là "chìa...