Apple lo ngại công nhân về quê ăn Tết, thiếu người làm iPhone
Trước Tết Nguyên đán và sự bùng phát của đại dịch Covid-19, hàng loạt nhà cung cấp quan trọng của Apple đang phải giải bài toán thiếu hụt nguồn lao động.
Tại Trung Quốc, hàng loạt nhà cung cấp quan trọng của Apple đang cố gắng tăng lương thưởng cho người lao động nếu họ không về nhà trong dịp Tết Nguyên đán. Do những lo ngại về đợt bùng phát Covid-19 mới, các công ty muốn công nhân ở lại để duy trì khả năng sản xuất, cũng như tránh nguy cơ lây lan chéo dịch bệnh.
Theo Nikkei Asian Review , tình trạng thiếu hụt lao động cũng như nỗi lo sợ sự ảnh hưởng của Covid-19 đang gây ra những tác động nhất định cho chuỗi cung ứng.
Đãi ngộ tốt để níu chân công nhân
Pegatron, một trong những nhà cung cấp iPhone lớn, quyết định thưởng cho công nhân làm việc tại dây chuyền 617 USD nếu họ quyết định ở lại nhà máy trong suốt Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, hãng công nghệ sẽ miễn phí thuê ký túc xá từ tháng 1-3/2021.
Luxshare Precision Industry, công ty chuyên sản xuất tai nghe AirPods và Apple Watch, đã đăng tải bức thư ngỏ kêu gọi nhân viên ở lại các nhà máy cùng những hứa hẹn về phần thưởng và hoạt động giải trí xuyên suốt kỳ nghỉ lễ.
“Đối với Lễ hội Mùa xuân 2021, chúng tôi kêu gọi nhân viên dành thời gian nghỉ bên cạnh những đồng nghiệp trong môi trường sinh hoạt an toàn. Tuy là một gia đình khác nhưng có chung niềm vui đoàn tụ. Hành động của bạn sẽ góp phần giúp cho bản thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, công ty và đất nước được an toàn”, Luxshare thông báo trên WeChat.
Công nhân ở lại nhà máy làm việc sẽ nhận được nhiều đãi ngộ tốt.
Công ty gia công lớn nhất của Apple – Foxconn – quyết định đăng bài quảng cáo tuyển dụng cho cơ sở sản xuất tại Longhua, Thâm Quyến. Cơ sở này không chỉ gia công thiết bị cho Apple mà còn cho các ông lớn công nghệ khác như Google, Amazon. Foxconn đồng thời kêu gọi những nhân viên tiềm năng ở lại địa phương đón Tết Nguyên đán.
“Chúng tôi dự kiến sẽ rất bận rộn trong kỳ nghỉ lễ và đang tuyển thêm lao động với nhiều mức đãi ngộ tốt. Ở tại địa phương trong thời gian đại dịch bùng phát trở lại chính là giúp ích cho bản thân bạn, cộng đồng cũng như đất nước”, bài đăng của Foxconn viết.
Video đang HOT
Tết Nguyên đán, hay còn gọi là Lễ hội Mùa xuân, là ngày lễ quan trọng nhất trong năm tại Trung Quốc. Đây là thời điểm người dân sinh sống trên khắp đất nước, thậm chí cả những công dân sống ở nước ngoài, trở về quê hương và đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, Covid-19 đang xuất hiện trở lại và có dấu hiệu gia tăng ở các khu vực như Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc, hay các tỉnh Đông Bắc Hắc Long Giang và Cát Lâm.
Bài học lớn từ năm 2020
Theo Nikkei , các công ty gia công nằm trong chuỗi cung ứng công nghệ đang tìm cách tránh lặp lại trường hợp năm 2020. Vừa phải đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động do các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt cũng như hạn chế giao thông, các công ty này cũng phải vật lộn để giữ cho khu vực sản xuất an toàn.
Sự gián đoạn đã ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch ra mắt một số sản phẩm của Apple, bao gồm cả iPhone 12.
Mục đích chính của các nhà máy gia công là giảm nguy cơ lây lan siêu rộng trong thời gian xuân vận. Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc ước tính sẽ có khoảng 1,7 tỷ lượt vận chuyển trong suốt khoảng thời gian từ ngày 28/1-8/3/2021.
Người lao động quay trỏ lại làm việc phải đáp ứng một số tiêu chuẩn phòng dịch của chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, một số lao động sẽ gặp nhiều trở ngại trước khi quay trở lại làm việc. Vì vậy, giải quyết vấn đề lao động thời kỳ “hậu Tết Nguyên đán” cũng là bài toán khó đối với các nhà máy.
Ngoài việc xét nghiệm âm tính với Covid-19, công nhân sẽ phải cách ly từ 7-14 ngày tùy vào quy định của chính quyền địa phương.
Trong bối cảnh nhu cầu về điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng, máy chủ và phụ tùng ôtô tăng mạnh, tình trạng thiếu chip và linh kiện sẽ gây ra không ít khó khăn cho các nhà cung cấp công nghệ.
Zhengzhou, nơi Foxconn đặt khu phức hợp lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới, đã thử nghiệm hệ thống phản ứng chuỗi polymerase (PCR) miễn phí cho tất cả người lao động sinh sống và làm việc tại Khu kinh tế Sân bay Trịnh Châu từ ngày 24/1-25/1.
Theo Foxconn, chính quyền địa phương đã thiết lập hơn 280 trạm kiểm tra PCR tạm thời và chỉ những phương tiện có giấy phép đặc biệt mới được tham gia.
“Chúng tôi đã chuẩn bị để duy trì càng nhiều công nhân càng tốt trong Lễ hội Mùa xuân. Tất cả nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất của chúng tôi không bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ lễ”, Foxconn chia sẻ với Nikkei .
Năm 2020, do các quan chức lo ngại công ty chưa sẵn sàng mở lại nhà máy, Foxconn thậm chí được chính quyền địa phương yêu cầu tạm dừng kế hoạch sản xuất. Phải đến cuối tháng 3/2020, Foxconn mới đảm bảo đủ số lượng công nhân để đáp ứng nhu cầu hoạt động.
Hôm 25/1, Quốc vụ viện Trung Quốc gửi thông báo cho tất cả chính quyền địa phương, yêu cầu người dân ở các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao nên ở lại địa phương trong dịp Tết Nguyên đán. Trong khi đó người dân ở các vùng có nguy cơ lây lan trung bình sẽ cần được cơ quan phòng chống dịch cho phép đi lại. Người dân nằm trong khu vực có nguy cơ thấp cũng được khuyến khích không nên đi du lịch trong kỳ nghỉ.
Giới chức Bắc Kinh đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân tặng lì xì đỏ cho nhân viên như một động lực khuyến khích họ ở lại làm việc.
Thấy gì qua việc Apple mang dây chuyền sản xuất iPad và MacBook tới Việt Nam?
Dưới áp lực của chi phí nhân công cũng như các rủi ro khác xoay quanh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cuối cùng Apple đã yêu cầu đối tác Foxconn chuyển một phần dây chuyền sản xuất iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Apple muốn tìm một địa điểm mới "bình yên" hơn cho dây chuyền sản xuất iPad và MacBook
Dự kiến, dây chuyền sản xuất iPad, MacBook ở Bắc Giang sẽ đi vào hoạt động vào nửa đầu năm sau và tai nghe không dây AirPods thế hệ thứ 3 cũng sẽ được sản xuất tại Việt Nam. Để hỗ trợ dây chuyền mới này tại Việt Nam, Foxconn thông báo khoản đầu tư lên tới 270 triệu USD để mở công ty con tên là FuKang Technology Co Ltd.
Có khá nhiều nguyên nhân sâu xa dẫn tới động thái lần này, nhưng nó diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khuyến khích các công ty Mỹ di chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, ngoài ra dưới thời của ông Trump, Mỹ cũng đã có sự phân biệt và áp mức thuế cao đối với các thiết bị công nghệ "made in China" cũng như hạn chế chuyển giao các linh kiện hoặc công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen thương mại. Ngoài ra, các dây chuyền sản xuất của Foxconn và các đối tác khác của Apple tại Trung Quốc lâu nay bị vướng vào nhiều chỉ trích về chế độ đãi ngộ, lạm dụng lao động và môi trường sinh hoạt, đây là lúc họ cần làm mới hình ảnh của mình trong mắt đối tác và truyền thông cũng như với giới đầu tư.
Do vậy, hành động này của Apple và đối tác của họ được cho là mang lại nhiều lợi ích, vừa giảm áp lực thuế nhập khẩu, giảm chi phí nhân công vốn đang tăng cao ở Trung Quốc, giảm thiểu rủi ro xoay quanh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ngoài ra, đây còn là nước đi làm hài lòng giới cầm quyền Mỹ và tạm thời loại bỏ bớt các chỉ trích về môi trường lao động "u ám" trong thời gian qua.
Ngay từ trước đó, các nhà sản xuất Đài Loan đã cảnh giác với cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng của hai quốc gia Trung - Mỹ, họ đã chủ động khảo sát và xem xét chuyển một phần dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các nước có môi trường ổn định hơn như Việt Nam, Mexico và Ấn Độ. Theo nguồn tin của Reuters, đây cũng là một yêu cầu của Apple nhằm đa dạng hóa sản xuất để giảm thiểu rủi ro.
Nhiều lợi ích và cũng không ít thách thức
Ngoài việc nhận được các lợi ích trực tiếp về mặt kinh tế và thuế doanh nghiệp thì Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì sau động thái này? Thực ra sự kiện lần này đã được dự báo từ trước sau khi rục rịch các thông tin về việc Apple khảo sát các sở sản xuất tại Bắc Giang vào hồi đầu năm, các báo chí và cơ quan truyền thông cũng từng bị "việt vị" vài lần nhưng cuối cùng thì nó đã được xác nhận. Văn phòng Chính phủ cũng vừa phát đi thông báo về việc Apple chuyển một phần dây chuyền sang Việt Nam, một động thái được dự báo sẽ tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến hệ sinh thái gia công phần cứng, chuỗi cung ứng cũng như môi trường đầu tư ở Việt Nam trong thời gian tới.
Chuỗi cung ứng nhân lực lao động trong nước sắp tới sẽ phải căng sức để đáp ứng yêu cầu của Apple
Ngay trước khi Apple vào Việt Nam mở xưởng sản xuất, chúng ta cũng từng đón nhận những làn sóng đầu tư dây chuyền công nghệ của hàng loạt tên tuổi lớn như Nikon, Canon, Microsoft/Nokia, Intel, LG... và đặc biệt là Samsung - đối thủ chính của Apple. Thậm chí, Apple cũng từng chuyển giao một phần dây chuyền sản xuất linh kiện của họ tại Việt Nam nhưng chỉ dừng lại ở những thành phần ít quan trọng như tai nghe có dây cho iPhone hay cáp sạc. Do vậy, việc Apple nghiêm túc đưa dây chuyền sản xuất những thiết bị quan trọng như iPad và MacBook cho thấy họ đã thấy được sự chín muồi của hệ sinh thái sản xuất và môi trường đầu tư tại đây.
Đã từ lâu, chúng ta mới lại tiếp tục đứng trước một cơ hội lớn để mở rộng đầu tư như vậy, khi mà các nhà máy Samsung, LG hay Intel đã phủ kín hết nhân lực và cơ hội việc làm thì giờ đây những lao động trẻ sẽ có thêm cơ hội và lựa chọn với các nhà máy mới của Foxconn để tham gia sản xuất các sản phẩm "đinh" cho Apple. Từ góc độ người tiêu dùng, sắp tới chúng ta sẽ có cơ hội sở hữu những sản phẩm iPad và MacBook sản xuất tại Việt Nam, bên cạnh các phụ kiện được sản xuất trong nước trước đó như tai nghe hay cáp sạc iPhone.
Sắp tới chúng ta sẽ được thấy những chiếc MacBook sản xuất tại Việt Nam bày bán khắp nơi trên thế giới
Đổi lại, để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của Apple, Việt Nam cũng phải cho thấy ngoài ưu đãi về đầu tư thì chúng ta có nguồn nhân lực trẻ có khả năng học hỏi và thích nghi nhanh, lao động chăm chỉ và chịu được áp lực công việc. Đó cũng là một bước trưởng thành tiếp theo của thị trường lao động và là phép đo khả năng cung ứng nguồn lực của các trường đào tạo ở Việt Nam, từ đội ngũ lao động nghề phổ thông cho tới các kỹ sư chất lượng cao. Nên việc Apple vào Việt Nam sẽ kéo theo nhiều thách thức và cơ hội cho cả chuỗi cung ứng trong nước, từ các công ty linh kiện cho tới chuỗi cung ứng nhân lực và đào tạo.
Sâu xa hơn, có thể coi động thái lần này cũng là một phép thử đối với Việt Nam, bởi nếu thành công có thể Apple sẽ tiếp tục dời dây chuyền sản xuất iPhone - một mặt hàng "nóng" hơn vào Việt Nam, một dây chuyền mà nhiều quốc gia muốn mời gọi Apple đem đến. Họ sẽ không cho không chúng ta điều gì cả, nhưng nếu Việt Nam là đất lành ắt hẳn Apple sẽ muốn "đến và sinh sôi nảy nở". Về phần mình, nếu chúng ta thành công trong việc "tiếp đón" Apple, thì sẽ có nhiều cơ hội để đón thêm các nhà đầu tư lớn khác, bên cạnh hàng loạt đối tác lớn trong chuỗi cung ứng của Apple như Foxconn, Pegatron hay Compal Electronics tiếp tục nhảy vào hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Nếu vuột mất cơ hội này, chúng ta sẽ mất nhiều thứ hơn là Apple.
Apple bị tố 'ngó lơ' cho chuỗi cung ứng Trung Quốc bóc lột lao động Theo một kết quả điều tra mới đây, các nhân công thời vụ ít được bảo vệ hơn khi được các nhà cung ứng của Apple sử dụng để đáp ứng nhu cầu gia công. Các nhân viên thời vụ của chuỗi cung ứng Apple ít được đảm bảo quyền lợi hơn Theo một báo cáo mới của The Information , Apple đã...