Apple đề xuất khoản tiền hỗ trợ 84 triệu USD để thoát án chống độc quyền tại Hàn Quốc
Không lâu sau vụ Epic kiện Apple vì hành vi độc quyền, giờ đây Apple lại phải đối mặt với rắc rối khác đó là các cáo buộc độc quyền và hãng có thể sẽ phải trả hơn 84 triệu USD để giải quyết ổn thỏa mọi việc.
Theo cơ quan quản lý chống độc quyền của Hàn Quốc, Apple được cho đã ép buộc các nhà cung cấp dịch vụ di động phải chịu chi phí cho quảng cáo và bảo hành.
Và để giải quyết vấn đề này, công ty con của Apple tại Hàn Quốc đang đề xuất khoản tiền lên tới 84 triệu USD để giải quyết các mối lo ngại về độc quyền. Trong đề xuất, Apple sẽ chi số tiền này cho các dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, người tiêu dùng Hàn Quốc.
Cụ thể khoảng 42 triệu USD sẽ được dùng để xây dựng một trung tâm hỗ trợ R&D. Trung tâm sẽ chỉ hỗ trợ các nhà sản xuất nhỏ. Con số 21 triệu USD tiếp theo sẽ dùng để xây dựng các học viện đào tạo các nhà phát triển. Và 21 triệu USD còn lại sẽ dùng để giảm giá dịch vụ bảo hành cho người tiêu dùng.
Trước đó, Apple đã bị Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc ( KFTC) điều tra vì hành vi độc quyền do lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.
Giờ đây KFTC cho biết, Apple đã đồng ý sửa đổi các điều khoản “không công bằng” với các nhà khai thác. Ví dụ công ty sẽ thảo luận với các công ty viễn thông về việc chia sẻ chi phí quảng cáo. Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho các nhà khai thác.
Mặc dù vậy KFTC cho biết, họ chưa đưa quyết định cuối cùng và sẽ trưng cầu ý kiến của công chúng về đề xuất trên của Apple. Nếu công chúng ủng hộ, vụ điều tra sẽ khép lại và không còn bất cứ phán quyết nào liên quan đến vi phạm của Apple. Tuy nhiên nếu mọi thứ không như Apple mong đợi, công ty có thể phải đối mặt với một phán quyết bất lợi.
Theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint, Apple chiếm khoảng 18% thị trường smartphone tại Hàn Quốc vào năm ngoái. Tuy nhiên, hãng vẫn thua xa Samsung Electronics với thị phần 65%.
Quyền lực Apple trong cuộc chiến lịch sử với Epic
Cuộc chiến giữa Apple và Epic đang khiến hình ảnh của Apple xấu đi, dù họ đang nhiều tiền hơn bao giờ hết.
Cách đây 20 ngày, CEO Tim Cook xuất hiện trước Hạ viện Mỹ để điều trần về những cáo buộc Apple độc quyền. Tại đây, con số 30% gói dịch vụ mà Apple thu của các nhà phát triển trong năm đầu tiên đã được bàn tới rất nhiều.
Apple thể hiện "bàn tay sắt" với App Store
Video đang HOT
Đáp lại các cáo buộc về độc quyền, CEO Tim Cook tuyên bố mọi nhà phát triển đều được đối xử công bằng. Tuy nhiên, Epic Games, một đối tác lâu năm của Apple có lẽ không đồng ý với phát biểu của Tim Cook.
Ngày 13/8, Fortnite, một trong những tựa game nổi tiếng nhất tại thị trường Mỹ và châu Âu đã bị Apple xóa khỏi kho ứng dụng App Store vì "cố tình vi phạm thỏa thuận của 2 bên".
Cụ thể, ngay trước đó Epic giới thiệu một loại tiền ảo có tên V-Bucks trong game Fortnite. Người chơi sử dụng V-Bucks để mua sắm trong game thay vì thanh toán qua hệ thống của App Store hay Play Store sẽ được nhận mức giảm giá 20%.
Fortnite bị gỡ khỏi kho ứng dụng App Store do vi phạm quy định thanh toán vật phẩm trong game mà không cần thông qua cổng thanh toán của Apple.
Có lẽ Epic Games đã tính trước phản ứng của Apple khi đâm đơn kiện công ty này ngay sau khi Fortnite bị xóa khỏi kho ứng dụng, đồng thời dùng lời lẽ mạnh mẽ để chỉ trích Apple.
Đáp lại, Apple cũng tỏ ra cứng rắn trước những cáo buộc từ Epic Games. Họ dọa sẽ xóa tài khoản nhà phát triển của Epic và khẳng định sẽ không tạo ra ngoại lệ.
"Chúng tôi sẽ không tạo ra ngoại lệ dành riêng cho Epic Games. Chúng tôi không thể đặt đặt lợi ích kinh doanh của họ lên trên các nguyên tắc bảo vệ người dùng", Apple cho biết. Táo khuyết sẽ cho phía Epic Games hạn chót đến ngày 28/8 để gửi bản cập nhật mới.
Vì Apple xóa mất Fortnite, những chiếc iPhone X cài sẵn game này bỗng tăng giá trên eBay. Ảnh chụp màn hình.
Ngoài App Store, Fortnite còn bị xóa khỏi Play Store, cũng vì cách "lách luật" và tránh mức phí 30% của Google. Tuy nhiên, sự việc giữa Epic Games và Google không gây nhiều ồn ào bởi người dùng vẫn có nhiều cách cài đặt game trên thiết bị Android mà không thông qua Play Store. Chính Fortnite thời gian đầu cũng không xuất hiện trên Play Store mà chỉ chơi được trên smartphone Samsung.
"Gà đẻ trứng vàng" gây tranh cãi của Apple
Khi Apple giới thiệu App Store cách đây 12 năm, iPhone vừa tròn 1 tuổi và họ có khoảng 500 ứng dụng trên kho. Mức phí 30% được Apple quy định ngay từ những ngày đầu, nhưng rất ít nhà phát triển phàn nàn.
Đi cùng với sự tăng trưởng của iPhone, App Store trở thành "gà đẻ trứng vàng" khi tạo ra 519 tỷ USD doanh thu trong năm 2019, bao gồm cả doanh thu mua bán ứng dụng và các giao dịch thông qua ứng dụng trên iOS.
Giống như cửa hàng Apple từng là sự cách mạng trong giới bán lẻ, App Store cũng là sự cách mạng trong phân phối phần mềm.
Apple cho biết 85% trong con số 519 tỷ USD nói trên được phân bổ cho các nhà phát triển bên thứ ba và các doanh nghiệp. Dù vậy, mức "cắt phí" 30% của Apple vẫn gây tranh cãi.
"Tôi nghĩ chúng ta đã nhận ra rằng 30% là mức phí quá cao", Phillip Shoemaker, cựu lãnh đạo trong bộ phận App Store nói với New York Times. Ông Shoemaker cho rằng mức phí nên gần với phí các hãng thẻ tín dụng lấy cho mỗi giao dịch, vào khoảng 3%.
"Có rất ít công ty hoạt động với biên lợi nhuận 30%. Cách duy nhất chúng tôi có thể duy trì là chuyển mức phí này cho người dùng", Andy Yen, CEO ứng dụng ProtonMail chia sẻ. ProtonMail cũng bán gói cước giá thấp hơn khi người dùng mua trực tiếp trên website, nhưng ứng dụng của họ đã bị Apple hạn chế quảng cáo trên iPhone.
Những năm gần đây, số lượng nhà phát triển tên tuổi than phiền về mức phí ngày càng nhiều. Spotify, Facebook đều đã lên tiếng về mức phí này. Facebook thậm chí đổ lỗi cho Apple khiến cho các doanh nghiệp nhỏ không thể nhận đủ mức hoa hồng thu về từ Facebook.
Trước Hạ viện Mỹ, Tim Cook cho rằng mức phí 30% thực tế là mức hời, vì khi phần mềm còn được bán tại các cửa hàng máy tính thì mức phí cho trung gian lên tới 50-70%.
"Trong hơn 10 năm kể từ khi App Store ra đời, chúng tôi chưa bao giờ tăng mức phí. App Store đã phát triển cùng thời gian, và mọi sự thay đổi được đưa ra nhằm đem lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng và cơ hội kinh doanh tốt hơn cho các nhà phát triển", CEO Apple cho biết.
Trước Hạ viện Mỹ, Tim Cook cho rằng mức phí mà Apple thu còn là hời với các nhà phát triển.
Chính Apple từng tài trợ một nghiên cứu, cho thấy các nền tảng khác còn thu phí cao hơn. Nền tảng livestream game Twitch của Amazon thu phí 50%, eBay và Walmart cũng thu từ 6-17% phí cho mỗi giao dịch.
Tuy nhiên, phóng viên Jack Nicas của New York Times cho rằng Apple đã "quên" không chỉ ra rằng chính họ là người tiên phong, khiến con số 30% trở nên phổ biến. Apple đã thu mức phí tương đương từ thập niên 2000, khi họ kinh doanh nhạc trên iTunes.
"30% là con số nghiễm nhiên, kiểu như rõ ràng chúng tôi phải thu ngần ấy, và chẳng ai thắc mắc cả", ông Shoemaker kể lại.
Theo cố CEO Steve Jobs, Apple khi đó "chỉ muốn bán được nhiều iPhone" chứ không muốn làm đối tác của các nhà phát triển. Có lẽ chính Steve Jobs cũng không nghĩ được rằng sẽ có lúc App Store trở nên quan trọng đến vậy.
Apple trở thành "nạn nhân" của chính mình?
Theo số liệu từ công ty chuyên thống kê ứng dụng Sensor Tower, Apple đã thu về 19 tỷ USD từ tổng doanh thu 63,4 tỷ USD ở các dịch vụ bán ra trên iPhone, iPad năm 2019. Con số tương ứng của Google là 10 tỷ USD từ 33,8 tỷ USD doanh thu.
Dường như con số 30% mà Apple đặt ra vào năm 2008 có vẻ rất hợp lý, bởi App Store lúc đó là một nền tảng cách mạng. Tuy nhiên, sau 12 năm, các nền tảng ứng dụng đã trở nên quá phổ biến, và các nhà phát triển dường như muốn có nhiều lựa chọn hơn.
Bản thân Epic, ngoài việc là một nhà phát triển với nhiều game và engine nổi tiếng, cũng vận hành một kho game đang lớn mạnh và có tiềm năng cạnh tranh với Steam của Valve. Theo Epic, kho game của họ lấy phí 12%, nhưng vẫn đủ để đạt lợi nhuận 5-7%.
Epic cho rằng họ vẫn kiếm lời dù chỉ thu 12% phí trên Epic Games Store.
Trong năm 2019, Epic đạt doanh thu 1,8 tỷ USD từ Fortnite. Bản thân game miễn phí, nhưng phần lớn doanh thu đến từ đồng tiền ảo mà người chơi sử dụng để mua vật phẩm trong game.
Giống như Apple, Google cũng thu phí từ các nhà phát triển. Tuy nhiên, khoản phí này với Google không có tầm quan trọng bằng Apple do quảng cáo vẫn là nguồn thu chính. Từ trước tới nay Google cũng chấp nhận hàng loạt kho ứng dụng hoạt động song song trên nền tảng Android.
"Vụ kiện này là một lời nhắc rằng Apple còn rất nhiều thứ để mất", nhà phân tích Ben Thompson của Stratechery bình luận. Ông Thompson cho rằng Apple đang ngày càng phụ thuộc vào thành công lớn nhất của mình: chiếc iPhone. Mọi nỗ lực để mở rộng nguồn doanh thu, như mảng dịch vụ, đều lấy iPhone làm trung tâm.
"Apple liên tục cho rằng mình không nhận được phần hợp lý, mà cứ bỏ quên sự thật rằng họ đang có giá trị gần 2 nghìn tỷ USD vì iPhone đang trở thành thiết bị quan trọng nhất", ông Ben Thompson nhận định.
Apple trong vòng xoáy độc quyền Hai năm qua, Apple liên tục gây khó dễ cho nhiều nhà phát triển, mới nhất là Epic Games, và bị điều tra chống độc quyền ở cả Mỹ và châu Âu. Ngày 13/8, Apple xoá trò chơi Fornite khỏi App Store vì vi phạm chính sách thu phí trên kho ứng dụng này. Ngay sau đó, Epic Games, nhà phát triển Fornite,...