Áp xe tuyến Bartholin, nguy cơ đe doạ sức khoẻ sinh sản phụ nữ
Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh (Phú Thọ) vừa tiếp nhận người bệnh nữ, 35 tuổi, trong tình trạng đau nhức, nổi cục vùng âm hộ ngoài, kèm theo sốt nóng, đau bụng vùng hạ vị.
Qua thăm khám và làm các chỉ định cận lâm sàng cần thiết, người bệnh được chẩn đoán áp xe tuyến Bartholin trái. Các bác sĩ đã điều trị nội khoa khối áp xe khu trú và chỉ định phẫu thuật bóc khối áp xe cho người bệnh.
Sau phẫu thuật bóc khối áp xe tuyến Bartholin, người bệnh tiếp tục được chỉ định sử dụng kháng sinh, vệ sinh tầng sinh môn, theo dõi nguy cơ tụ máu và nguy cơ nhiễm khuẩn.
Video đang HOT
BSCKI. Đặng Thị Việt Phương – Trưởng khoa Phụ Sản – Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh cho biết: Tuyến Bartholin có chức năng tiết dịch nhầy, ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập. Khi tuyến bị tắc, u nang thường sẽ hình thành. Nếu u nang bị nhiễm trùng có thể dẫn đến áp xe tuyến Bartholin. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Áp xe tuyến Bartholin không phổ biến nhưng biến chứng của nó lại có thể đe dọa thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Triệu chứng của bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và chất lượng cuộc sống người bệnh.
Để phòng ngừa áp xe tuyến Bartholin, chị em nên giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Khi đó, vi khuẩn sẽ ít có cơ hội xâm nhập cơ quan sinh dục và gây nhiễm trùng. Ngoài ra, chị em nên khám phụ khoa định kỳ để làm xét nghiệm sàng lọc bệnh lây truyền qua đường tình dục nhằm kịp thời điều trị bệnh từ sớm.
Lao mào tinh hoàn gây áp xe bẹn bìu
Khoa Nam học, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận điều trị cho nam bệnh nhân 63 tuổi (Hải Phòng) bị áp xe bẹn bìu trái do lao mào tinh hoàn, tinh hoàn trái.
Cách đây 3 tháng, bệnh nhân thấy xuất hiện các triệu chứng sưng, đau bìu trái. Bệnh nhân đã đi khám và điều trị tại nhiều nơi với chẩn đoán viêm mào tinh hoàn trái, được dùng nhiều loại kháng sinh, chống viêm nhưng chỉ đỡ từng đợt, không khỏi bệnh. 2 tuần trước khi nhập viện, tổn thương vùng bẹn - bìu tăng kích thước, vỡ mủ vùng bẹn.
Qua thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị áp xe bẹn bìu trái do lao mào tinh hoàn, tinh hoàn trái, có chỉ định phẫu thuật.
Sau phẫu thuật cắt bỏ tổ chức viêm hoại tử 5 ngày, bệnh nhân tiếp tục được điều trị theo phác đồ chống lao. Hết đợt điều trị, bệnh nhân tái khám tình trạng ổn định.
Bệnh lao mào tinh hoàn là một dạng bệnh lao ngoài phổi ít gặp. Bệnh nhân mắc bệnh này có thể không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Bệnh thường phát triển chậm và khó chẩn đoán sớm; chẩn đoán muộn và chẩn đoán sai là phổ biến.
Gần đây, do sự xuất hiện của vi khuẩn đa kháng thuốc, kháng thuốc chống lao và việc sử dụng rộng rãi glucocorticoid, tỷ lệ mắc bệnh lao sinh dục nam, bao gồm cả bệnh lao mào tinh hoàn, ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Bệnh lao mào tinh hoàn vẫn là một vấn đề sức khỏe quan trọng ở nhiều nước đang phát triển.
ThS.BS Nghiêm Trung Hưng, Khoa Nam học cho biết: Hiện nay, chẩn đoán sớm, chính xác và điều trị theo phác đồ chống lao là chìa khóa để chữa bệnh lao ở hệ sinh sản nam giới. Tuy nhiên, do bệnh khởi phát muộn, các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu cũng như thiếu các phương pháp chẩn đoán nhanh, nhạy và đặc hiệu nên bệnh thường bị chẩn đoán sai hoặc chẩn đoán bị trì hoãn. Vì vậy, điều trị bằng phẫu thuật kết hợp với kháng sinh chống lao là phương pháp điều trị được ưa chuộng đối với căn bệnh này.
Đặc điểm bệnh lý của bệnh lao mào tinh hoàn là sự phá hủy mô và xơ hóa trên diện rộng, cuối cùng dẫn đến phá hủy mào tinh hoàn cũng như các mô và cơ quan sinh dục xung quanh và các biến chứng như vô sinh và các ảnh hưởng nghiêm trọng khác đến chức năng hệ sinh sản nam giới.
Lao mào tinh hoàn là một bệnh lý ít gặp và gây nên khó khăn trong chẩn đoán và điều trị. Nên đối với các trường hợp viêm tinh hoàn - mào tinh hoàn được điều trị nhiều lần bằng các nhóm kháng sinh phù hợp nhưng không khỏi, cần nghĩ đến do lao.
Người bệnh nếu xuất hiện các triệu chứng như trên bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa nam học để được chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh kịp thời, tránh các biến chứng do điều trị muộn không đáng có.
Thuốc bổ trứng, tăng trứng có giúp phụ nữ dễ thụ thai? Hiện nay nhiều phụ nữ có xu hướng trì hoãn việc lập gia đình, sinh con muộn. Đến khi có tuổi khó mang thai, nhiều phụ nữ tìm mua thuốc bổ trứng, tăng trứng với hy vọng những loại thuốc này sẽ giúp dễ thụ thai. Sản phụ khám thai định kỳ - Ảnh: BVCC Nhiều loại thuốc được quảng cáo trên mạng...