Áp thấp nhiệt đới gây gió giật cấp 9 trên biển
Chiều 22.2, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) nằm trên khu vực phía tây nam quần đảo Trường Sa, cách đảo Huyền Trân (thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 320 km về phía nam tây nam, cường độ mạnh cấp 6 – cấp 7 (từ 39 đến 61 km/giờ), giật cấp 8 – cấp 9.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, trong 24 giờ tới, ATNĐ giữ nguyên cường độ và di chuyển chủ yếu theo hướng nam tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Dự báo, chiều nay 23.2, tâm ATNĐ cách đảo Huyền Trân khoảng 510 km về phía nam tây nam. Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ kết hợp với gió đông bắc mạnh nên vùng biển quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6 – cấp 7, giật cấp 8 – cấp 9, biển động mạnh. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau, khu vực bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 – cấp 8, biển động. Trên đất liền, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với hoạt động của nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to
và giông.
* Cùng ngày, theo Trung tâm phòng chống lụt bão miền Trung – Tây nguyên, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận đã thông báo cho 38.953 tàu/166.979 lao động biết vị trí và hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động phòng tránh. Hiện có 617 tàu/5.509 lao động hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa, vùng chịu ảnh hưởng của ATNĐ.
Theo TNO
Video đang HOT
Tết của những người vợ lính Trường Sa
Có những người chưa từng được ăn Tết cùng chồng, nhưng họ luôn tươi cười và ủng hộ, vì đơn giản các anh là người lính.
Cháu Nguyễn Thị Hà Vy (10 tuổi) ê a đọc lại lá thư vừa viết gửi cho bố là Trung tá Nguyễn Văn Dũng - Chính trị viên - Phó đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa. Tết này, bố cháu xa nhà làm nhiệm vụ trên đảo.
Bé Hà Vy hờn dỗi sao bố cứ đi đảo biền biệt, không ở nhà chở bé đi sắm quần áo mới ăn Tết cùng gia đình. Vy cho biết: "Tết đến cháu rất nhớ bố, nhưng cháu biết bố đi là để bảo vệ cho biển đảo Tổ quốc...".
Cháu Hà Vy là kết quả của mối tình giữa anh lính Trường Sa Nguyễn Văn Dũng và chị Nguyễn Thị Lan Hương. Cả hai cùng quê ở Nghệ An. Anh là lính đảo Trường Sa, còn chị là giáo viên trong đất liền.
Cưới nhau 10 năm nhưng mỗi năm chỉ vài chục ngày phép là anh chị được gần nhau. Cả hai lần sinh con chị đều "vượt cạn" một mình. Bây giờ, nhà chỉ có 3 mẹ con. Ông bà nội, ngoại người thân đều ở xa, mọi công việc trong nhà đều do một tay chị lo liệu, từ nuôi dạy con, xây nhà đến cả những việc như thay bóng đèn, sửa ăngten... Tết đến, ba mẹ con chị không khỏi chạnh lòng.
Tại khu gia đình vùng D Hải quân, phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, thường được gọi là "Làng Trường Sa ở đất liền". Nơi đây, gần 100 hộ có chồng đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa.
Những người vợ lính đảo thay chồng chăm lo cho con cái, gia đình (Ảnh: Tiền phong)
Các chị ở nhà gánh vác công việc của người chồng, người cha. Chị Phan Thị Vân, giáo viên trường THPT Ngô Gia Tự, phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh cho biết, chồng chị là Thiếu úy Trần Văn Hùng. Anh ra đảo Trường Sa Lớn từ khi cậu con trai vừa tròn 1 tuổi. Ở ngoài đảo, anh Hùng thường xuyên gọi điện về hỏi thăm vợ và hát ru con.
"Hôm ở nhà bố hay ru cháu ngủ, bây giờ nó cũng thuộc luôn lời bố ru. Anh hay hát cho con nghe: Trường Sa ơi Hoàng Sa, người chiến sỹ ngày đêm canh gác biển trời, mặc bão tố, sá gì...", chị Vân tâm sự
Trong khu tập thể, gia đình chị Phạm Thị Hằng và anh Nguyễn Văn Hồng, công tác tàu HQ 639, Hải đội 413 vất vả hơn. Cô nữ sinh đại học Thương mại Hà Nội ngày nào giờ đã trở thành nhân viên của trường mầm non Trường Sa, phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh.
Rời Hà Nội vào vùng đất đầy cát, nắng Cam Ranh nhưng anh Hồng lại theo tàu thường xuyên trực tại quần đảo Trường Sa nên chị Hằng rất ít khi được gần chồng. Cách đây 4 tháng, chị sinh lần thứ hai được hai cháu gái. Một mình, ba con nhỏ, ở nhà thuê, cuộc sống của gia đình chị Hằng lắm lúc "giật gấu vá vai".
Vào sống ở TP Cam Ranh được 7 năm nhưng chưa bao giờ được ăn Tết cùng chồng. Chị Hằng tâm sự: "Bố cháu đi đảo xa, ở nhà có con nhỏ nên tôi cũng chưa chuẩn bị được gì cho Tết. Chồng ra biển vào dịp Tết, sóng gió nhiều nên ở nhà tôi cũng lo. Tôi chỉ mong sao chồng ra đến đảo, gọi điện, được nghe thấy tiếng chồng là yên tâm. Tối nào mẹ con cũng cầu mong cho trời yên biển lặng...".
Những người vợ lính đảo Trường Sa luôn lặng thầm hy sinh. Niềm vui đoàn tụ ngày Tết của họ tuy chưa được trọn vẹn nhưng các chị vẫn vui cười, chung thủy với người lính đang thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng nơi đảo xa.
Theo 24h
Ảnh mới nhất về Trường Sa qua mắt chiến sĩ Gần 100 bức ảnh ấn tượng, từ nụ cười trẻ thơ đến phút chia tay bịn rịn của những người lính hải quân... trên đảo Trường Sa. Cuộc sống của những người lính, khu dân cư mới, nụ cười trẻ thơ và phút chia tay bịn rịn... trên đảo Trường Sa được tái hiện tại triển lãm ảnh với chủ đề Trường Sa...