Áp lực nghề giáo: Xếp ngang phi công, chữa cháy và y tế
Tại hội thảo về “Áp lực lao động nghề nghiệp của giáo viên Việt Nam hiện nay”, do Viện nghiên cứu Hợp tác phát triển giáo dục phối hợp tổ chức mới đây tại Hà Nội, PGS.TS Trần Kiều – Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho hay, một tổ chức ở Mỹ chọn 8 nghề áp lực nhất, trong đó giáo viên đứng cùng phi công, chữa cháy, y tế.
Nhiều thầy cô “bỏ thuyền, bỏ lái” bởi áp lực nghề nghiệp
TS Phạm Thị Kim Anh, ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, nghiên cứu từ một số nước châu Âu, Mỹ và ở Australia cho biết khoảng 1/3 giáo viên bỏ nghề sau những năm đầu đi dạy.
Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu Nguyễn Trọng Bình, Vũ Trọng Rỹ về đề tài “Giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” đưa ra con số đáng suy ngẫm: “Ít nhất một nửa giáo viên hiện nay không muốn làm nghề dạy học. Họ hối hận vì chọn nghề giáo”.
Nguyên nhân sự hối hận này là do giáo viên không vượt qua được những cú sốc thực tế của giáo dục phổ thông và phải chịu quá nhiều áp lực nghề nghiệp.
Sự quá tải trong lao động nghề nghiệp và cung cách quản lý tạo ra nhiều sức ép, cộng với bệnh thành tích như một “trường đua” khiến nhiều giáo viên vô cùng mệt mỏi.
TS Phạm Thị Kim Anh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: Đ.T).
Không những thế, họ còn phải hướng dẫn học sinh tham gia những cuộc thi mang tính “núp bóng học trò” như giải Toán tiếng Anh trên mạng, giao thông thông minh, ý tưởng trẻ thơ…
“Không ít thầy cô đã “bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông” để chuyển sang lĩnh vực khác bởi niềm vui nghề giáo không kéo lại được nỗi lo cơm áo và áp lực nghề nghiệp”, TS Kim Anh phát biểu.
Không những thế, theo bà Kim Anh, giáo viên phải chịu áp lực từ phía phụ huynh, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh. Họ được phụ huynh ủy thác và chịu trách nhiệm chính trong việc dạy dỗ với quan điểm “trăm sự nhờ thầy cô”. Nhưng nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra với con em họ (bị đánh, phạt), giáo viên sẽ bị chỉ trích, lên án, thậm chí bị đánh hay”ném đá” dữ dội từ gia đình, xã hội. Không ít người bị kỷ luật hoặc thôi việc.
Trong nghiên cứu mới đây của TS Phạm Thị Kim Anh và đồng nghiệp, khi điều tra sinh viên sư phạm sau khi thực tập tại trường THPT, hơn 50% muốn đổi nghề nếu có cơ hội. Lý do chung của các em là giáo viên nhiều áp lực, cánh cửa vào nghề quá chật hẹp, vất vả và tốn kém.
Video đang HOT
Hầu hết giáo viên phải cố kìm nén, không dám kỷ luật nghiêm khắc với một số học trò được coi như “ông trời con”.
“Đau đớn nhất là có giáo viên nói vì luật không đứng bên tôi, phụ huynh không đứng bên tôi, ngành giáo dục cũng không đứng bên tôi”, TS Kim Anh chia sẻ.
TS Kim Anh cho rằng, ngoài áp lực về giáo dục học sinh, giáo viên chịu áp lực từ sổ sách. Từ giáo viên cho đến các nhà trường hiện nay, đều khổ sở, bội thực bởi báo cáo, giấy tờ, sổ sách, thiết kế bài giảng… Mặc dù từ năm 2014, Bộ GD&ĐT đã có sự cải thiện nhưng vẫn chưa cải thiện ở các cấp.
Bệnh thành tích cũng là nỗi sợ và ám ảnh của đại đa số giáo viên hiện nay. Giáo viên nào không theo thành tích thì được gọi là giáo viên cá biệt, có biểu hiện chống đối. Trên ép xuống, dưới ép lên, xã hội ép vào, học sinh một bên, nhà trường một bên…
Về đời sống, một sinh viên sư phạm tốt nghiệp đại học có mức lương trung bình trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân theo lương và phụ cấp là 3-3,5 triệu đồng/tháng. Giáo viên có thâm niên công tác từ 13 năm trở lên, lương và phụ cấp khoảng 3,5 đến 5 triệu đồng/tháng. Tính trung bình, lương thầy cô không đến 70 triệu đồng/năm. Đồng lương không nuôi sống bản thân nhưng giáo viên không được tổ chức dạy thêm để tăng thu nhập.
PGS.TS Trần Kiều – Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam.
Không còn cách nào ngoài “vượt qua nghịch cảnh
Tại hội thảo, PGS.TS Trần Kiều – Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay, áp lực với nhà giáo là điều hiển nhiên. Nếu ai nói không phải và có cách vượt qua áp lực thì đó chỉ là số ít.
Ông dẫn lại nghiên cứu của ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết 280 trong số 1.043 học sinh (gần 27%) có hành vi tự hủy hoại bản thân. Đáng nói, xu hướng này tập trung ở những em có học lực khá, giỏi. Nhóm tác giả đã nghiên cứu thực tế trên 1.043 học sinh tại 7 trường THCS ở TP.HCM và Bình Dương trong 2 năm qua.
“Một tổ chức ở Mỹ chọn 8 nghề áp lực nhất, trong đó giáo viên đứng cùng phi công, chữa cháy, y tế”, PGS Kiều nói.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Trường cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo.
Từ những áp lực trên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội đề xuất: Giáo viên, nhà giáo chủ động vượt qua áp lực nghề nghiệp này, không còn cách nào khác phải giúp họ vượt qua chính mình, dám đương đầu với nghịch cảnh, tìm niềm vui, hạnh phúc trong quá trình sáng tạo nghề nghiệp…
Các nhà trường, nhà giáo cần chú trọng phát huy nội lực, tìm niềm vui, hạnh phúc trong sáng tạo nghề nghiệp. Điều quan trọng nữa là giáo dục cần sự quan tâm của cả xã hội, giáo dục đâu chỉ là câu chuyện của nhà trường.
“Cần tôn vinh, đãi ngộ nhà giáo phải đúng như Nghị quyết 29/TW, cơ quan liên quan phải chấp hành, chứ không thể từ chối việc trả lương giáo viên cao nhất trong bộ máy hành chính sự nghiệp”, TS Tùng Lâm chia sẻ.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Trường cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) đưa ra quan điểm: Cần có những chính sách đảm bảo sự ổn định, sự yên tâm trong công tác cho giáo viên.
“Ở các nước tiên tiến, người giáo sinh tốt nghiệp qua một kì sát hạch đủ tiêu chuẩn làm thầy giáo sẽ kí hợp đồng lao động theo một khung thời gian đủ khích lệ sự yên tâm trong công việc và được thăng tiến theo kết quả lao động”, PGS Bảo nói.
Theo Dân trí
Trò hư tại thầy hay con hư tại mẹ?
Vài năm trở lại đây, đời sống giáo dục luôn là vấn đề nóng trên khắp các diễn đàn. Từ chuyện học hành đến chuyện thi cử đều xảy ra những bi hài kịch dở khóc dở cười. Mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình vốn lỏng lẻo, thì hôm nay lại bị tác động thêm bởi bao nhiêu thị phi trên mạng xã hội.
Phó thác hết việc dạy dỗ con em mình cho thầy cô giáo, thì liệu các bậc phụ huynh đã làm tròn bổn phận chưa? Trong không khí Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà báo, nhạc sĩ Hà Quang Minh.
Nhà báo, nhạc sĩ Hà Quang Minh
Nói chuyện giáo dục lúc này, thì thực sự không biết bắt đầu từ đâu. Ngay tại nghị trường, chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo cũng rất lúng túng trước những chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Thế nhưng, có lẽ chúng ta nên đề cập về việc 8 học sinh ở Thanh Hóa đã hùa nhau nói xấu thầy cô và bị kỷ luật, đầu tiên là quyết định đuổi học 1 năm sau đó chuyển sang hình thức răn đe khác...
Về chuyện kỷ luật học trò, tôi phải nói thế này. Mỗi trường học, ngoài chức năng giáo dục, còn là một đơn vị cung cấp dịch vụ. Trường công là dịch vụ công, trường tư là dịch vụ tư. Và tổ chức nào, công hay tư, đều có nguyên tắc của nó cả. Tất nhiên, giáo dục phổ thông là bắt buộc nhưng chúng ta đừng coi chuyện phải giáo dục những trẻ không thể nào giáo dục nổi là nhiệm vụ bắt buộc. Nhà trường không thể nào "nợ" xã hội cái gì cả, nếu như họ đã làm đúng và đủ nhiệm vụ của họ. Và ở trong một tổ chức có nguyên tắc riêng của nó, bạn phải tuân thủ nguyên tắc ấy. Là người ngoài, bạn phải tôn trọng nguyên tắc ấy.
Mạng xã hội có thói quen, bất cứ sự cố gì cũng hô hào "lấy học trò làm trung tâm"...
Giáo dục không chỉ là dạy dỗ. Trong dạy dỗ, có "dỗ", cứ tạm hiểu là dỗ dành đi. Nhưng trong giáo dục, chữ GIÁO được đưa lên hàng đầu. Giáo có nghĩa là truyền thụ lại nhưng còn nghĩa khác là lễ nghi, quy củ. Trong môi trường giáo dục, vì thế lễ nghi quy củ rất quan trọng. Vậy thì còn có quy củ không khi nhà trường xử lý một học sinh hư thì xã hội lại lao vào xử nhà trường. Theo tôi, đấy là cái mầm của hỗn loạn đạo đức xã hội...
Theo phản xạ cảm tính, phụ huynh thường thấy con mình luôn ngoan và giỏi, nên quá trình uốn nắn học trò cực kỳ nan giải...
Bây giờ phải nhìn nhận cho nó rạch ròi đi đã. Con cái chúng ta ở tuổi đi học phổ thông, được quyền đến trường. Đó là quy định của Luật giáo dục rồi. Nhưng nếu con anh chị là một đứa trẻ ngoan, đến trường mà nó hư hỏng đi thì mới xét về năng lực của nhà trường. Còn con anh chị nó hư, nó hỗn, do chính anh chị chiều chuộng nó quá, thì khi nó đến trường, nhà trường cũng chỉ 1 phần giúp uốn nắn nó thôi, làm sao anh chị phó mặc cho nhà trường được. Cái nực cười của chúng ta là con ngoan, giỏi thì chúng ta thường khen gia đình. Con hư chúng ta đổ tại nhà trường ngay. Thế là phi lý, là bất công. Tôi nhớ hồi ồn ào vụ chữ cái, có cái video phụ huynh nào đó bức xúc mà văng tục kinh khủng trước mặt con mình, mới sáu tuổi, trong video đó. Tôi nói thật, với một gia đình mà ngay cả phụ huynh không có ý thức thế nào để giáo dục con mình tốt nhất thì nó có được hưởng nền giáo dục ưu việt số 1 thế giới nó cũng hư hỏng!
Mạng xã hội chi phối giáo dục một cách kinh khủng, khiến nhà trường không còn là ốc đảo bình yên cho sự nghiệp trồng người!
Ở các nước phương Tây, văn hoá của họ đề cao cá nhân, cái tôi và việc soi mói vào đời tư, công việc của người khác nhiều khi bị coi là bất lịch sự. Còn ở Á đông mình, làm gì cũng phải để ý "xem đời sẽ nhận xét ta ra sao". Chính cái quyền được nhận xét về hành vi của người khác vốn dĩ đã ăn vào văn hoá ấy khiến tác động của truyền thông mạng xã hội ở Á Đông kinh khủng hơn ở phương Tây rất nhiều.
Không chỉ nhà trường, tất cả chúng ta đều bị chi phối bởi mạng xã hội một cách rất mạnh mẽ nhưng khốn khổ là nó đang khoác một cái áo chia sẻ có vẻ rất dung dị và đời thường. Ở thời đại truyền thông và thông tin được cá nhân hoá như hôm nay, chuyện mỗi người với một cái điện thoại thông minh trong tay sẵn sàng chụp, quay, cắt cúp, tạo ra câu chuyện từ một phần của sự thật chứ không phải hoàn toàn là sự thật là phổ biến. Điều đó khiến mỗi chúng ta, với công cụ trong tay, như thể đang cầm súng mà đối tượng là bất kỳ ai. Nói thẳng, mỗi người như có một cái "án tử" lơ lửng trên đầu vậy. Chúng ta đang dựa cột hết. Sơ sểnh bị "bắn" ngay.
Mỗi năm chúng ta có ngày 20-11, đây là cơ hội để đánh thức truyền thống tôn sư trọng đạo chăng?
Tôi cho rằng phải đổi truyền thống tôn sư trọng đạo này đi. Phải trọng đạo trước thì mới biết tôn sư. Không thể đưa tôn sư lên trước trọng đạo được. Gia đình có trọng đạo, mới thấy việc học nó hệ trọng đến thế nào. Lúc đó, gia đình mới ý thức được cái công của người dạy con mình học.
Nói thì có vẻ lý thuyết, nhưng thực tế là cha mẹ phải làm gương. Cha mẹ mà không tôn trọng thầy cô giáo của con mình, nhất là khi trao đổi với nhau liên quan đến thầy cô trước mặt con mình, thì con cái sẽ dễ coi thường thầy cô giáo. Tôi nghĩ, đa số các trường hợp thiếu tôn trọng thầy cô của học sinh là bị ảnh huởng tử chính phụ huynh trước.
Cha mẹ phải tôn trọng thầy cô, thì học trò mới tôn trọng thầy cô, đó là quy luật tất yếu!
Đúng vậy! Cha mẹ hãy làm gương, để thầy cô được làm đúng sứ mệnh cao cả của họ! Nếu ở 30 năm trước (hoặc lâu hơn nữa), việc một học sinh nghịch ngợm bị thầy cô giáo nhéo tai, tét tay, hoặc thậm chí dùng thước kẻ phạt một vài roi sẽ được gia đình nhìn nhận rằng "con mình chắc chắn phải có vấn đề nên giáo viên buộc phải phạt như vậy". Còn bây giờ, chỉ cần một hình phạt như thế, rất dễ nổ ra một làn sóng thông tin cho rằng giáo viên ngược đãi học trò.
Theo nongnghiep.vn
Vinh danh 183 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2018 GD&TĐ - Sáng nay (18/11) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Bộ GD&ĐT và Công đoàn giáo dục Việt Nam tổ chức lễ dâng hương, trao Bằng khen của Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT cho các nhà giáo tiêu biểu nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2018. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho...