Áp lực học tập đè nặng học sinh đảo quốc sư tử
Tại Singapore, các học sinh đang phải trả giá đắt cho sự thành công của nền giáo dục xếp hạng nhất thế giới. Ngày càng có nhiều trẻ em tại quốc gia này phải tìm tới các dịch vụ hỗ trợ tâm lý khi chúng đang hàng ngày vật lộn với áp lực đạt thành tích xuất sắc trong học tập.
Một học sinh tại Singapore đang học với gia sư tại nhà
Mặt trái của nền giáo dục phát triển
Theo hệ thống đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Singapore là quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu về thành công giáo dục. Chương trình PISA đưa ra xếp hạng giáo dục dựa trên các bài thi quốc tế dành cho học sinh 15 tuổi ở các môn Toán, đọc và khoa học. Các bài thi này do OECD tổ chức và thực hiện ba năm một lần, ngày càng trở nên quan trọng với các chính trị gia. Họ coi bảng xếp hạng toàn cầu này như một thước đo về đất nước và các chính sách của họ.
Tuy nhiên, để có kết quả đó, cuộc sống thường ngày của các em học sinh tại đảo quốc sư tử là dành phần lớn ở trường, về nhà lại mất nhiều giờ làm bài tập được giao. Theo khảo sát, học sinh Singapore xếp thứ ba toàn cầu về thời gian dành cho bài tập về nhà, trung bình 9,4 giờ/tuần. Hơn thế nữa, các em còn bị cha mẹ thúc ép đi học thêm. Điều này gây tác động không nhỏ đến sức khoẻ tinh thần, thậm chí còn có những trường hợp cực đoan dẫn đến việc tự tử.
Kết quả nghiên cứu của OECD cũng cho thấy, học sinh Singapore có áp lực học tập ở trường cao hơn rất nhiều so với quốc gia khác. Trẻ em Singpore có mức độ lo lắng cao hơn mức trung bình toàn cầu. Ngay từ ở bậc tiểu học, học sinh đã phải chịu áp lực đến từ những bài kiểm tra mà cả cả phụ huynh lẫn giáo viên đều coi trọng. Nếu thành công, các em sẽ có cơ hội tiếp cận với những ngôi trường danh tiếng sau này.
Theo chia sẻ của chuyên gia tâm lý học Daniel Koh, ông đang điều trị cho một bệnh nhân trẻ tuổi, mới học lớp 1. Học sinh này đã gặp khó khăn khi chuyển tiếp từ bậc học mẫu giáo lên tiểu học. “Trẻ em đang bị ép phải trưởng thành quá nhanh mà không có nền tảng và sức mạnh nội tại để tự bảo vệ bản thân. Trong khi đó, xã hội hiện đại không cho phép quá trình này chậm lại vì coi đó là điều phí phạm”, Koh nói.
Ông Wong Lai Chung, trợ lý giám đốc cấp cao của Samaritans (cơ quan phòng chống tự tử ở Singapore), cho hay, số vụ tự tử gia tăng mỗi lần học sinh bước vào kỳ thi lớn. Tháng 5/2016, cả nước Singapore bàng hoàng khi một cậu bé 11 tuổi nhảy xuống tự vẫn từ tầng 17 trong chung cư của mình. Kết quả điều tra của cảnh sát cho thấy, cậu bé đã trượt hai môn trong kỳ thi học kỳ và không biết phải nói với bố mẹ thế nào.
Đáng lo ngại hơn, tình trạng này đang diễn ra không chỉ tại Singapore mà ngày càng phổ biến tại nhiều quốc gia Châu Á. Báo cáo đánh giá tử vong trẻ em ở Hong Kong (Trung Quốc) đã liệt kê, học tập là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ tự tử.
Năm 2016 – 2017, tỷ lệ thanh thiếu niên tự tử ở Nhật Bản cao nhất trong vòng 30 năm. Các quan chức nước này thừa nhận, vào thời điểm tháng 9 đầu năm học mới, tỷ lệ này tăng cao bất thường.
Những giải pháp tức thời
Video đang HOT
Singapore đang nỗ lực giảm áp lực trong trường học bằng các biện pháp cải cách, loại bỏ một số bài kiểm tra. Trong kỳ họp Quốc hội vào đầu năm nay, Bộ trưởng Giáo dục Ong Ye Kung đã tuyên bố sẽ có những thay đổi hệ thống giáo dục nước này. “Chúng ta phải cân bằng giữa niềm vui và sự gian khổ trong học tập”, ông Ong Ye Kung nói.
Áp lực học tập căng thẳng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, thậm chí là nguyên nhân tự tử trong lứa tuổi học sinh
Cụ thể, bên cạnh việc loại bỏ bớt một số bài thi ở tiểu học và trung học, các trường sẽ phân nhóm học sinh theo khả năng các môn Toán và Khoa học, thay vì bắt học tất cả các môn như trước đây. Ngoài ra, học sinh cũng được tham gia các lớp nghệ thuật, âm nhạc và giáo dục thể chất. Các nhà hoạch định chính sách hy vọng cải cách giáo dục sẽ giảm bớt áp lực đè nặng lên học sinh. Ông Jason Tan, chuyên gia giáo dục Viện Giáo dục quốc gia Singapore, nhận xét: “Cải cách sẽ đem lại một số hiệu quả nhất định”.
Tuy nhiên, để giải quyết nguồn gốc vấn đề một cách triệt để thì thay đổi thái độ và sự kỳ vọng của các bậc phụ huynh rất quan trọng. Với chị Wendy, người đang gửi con gái 12 tuổi học thêm sau giờ học ở trường thì học tập là con đường duy nhất đảm bảo thành công cho con gái mình sau này. Chị luôn sát sao với việc học của cô bé. Hai lần một tuần, gia sư sẽ tới nhà dạy thêm cho con gái chị một tiếng môn Toán và Khoa học. Ba lần một tuần, cô bé tới trung tâm học tiếng Anh và tiếng Trung.
Theo bà Cindy Khoo, Trưởng phòng kế hoạch Bộ Giáo dục Singapore, ngày nay các nhà trường đã tích cực tham gia để giải thích với phụ huynh rằng những cải cách sẽ có lợi như thế nào cho con cái họ về lâu dài. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận rằng việc gây sức ép lên con cái đã ăn sâu vào văn hóa làm cha mẹ tại Singapore. Điều này khó có thể thay đổi trong một thời gian ngắn.
Áp lực học tập vốn xuất phát từ ý định tích cực của các bậc làm cha mẹ muốn con cái học hành tốt, thi đỗ vào các trường đại học hàng đầu, sau đó làm việc trong những nghành nghề có thu nhập cao. Tuy nhiên, họ không biết đã vô tình đẩy con mình vào guồng quay căng thẳng, lo âu, không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi.
NGỌC LY
Theo AFP/tuoitrethudo
Áp lực điểm 10
Trường có tới hơn 90% học sinh xếp loại giỏi, hoặc muốn được xét để thi vào một số trường đặc thù thì học bạ phải toàn điểm 10 mới đủ điều kiện, khiến áp lực điểm số là câu chuyện mãi chưa có hồi kết. Cả một bộ máy sẵn sàng "làm đẹp" học bạ, điểm thi... bất chấp điều đó là sai quy định và phản giáo dục.
Đừng vì áp lực điểm số khiến trẻ mất niềm vui học tập - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tiêu chí tuyển chọn vào trường điểm
"Nhiệm vụ của giáo dục là để học sinh không sợ học, không sợ những người giỏi hơn mình, không ghét những người kém hơn..."
PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN
Bê bối sai phạm thi THPT quốc gia 2018 gây xôn xao dư luận suốt gần 1 năm qua cũng bắt nguồn từ điểm cao bất thường của hàng loạt học sinh(HS) ở những vùng vốn không được biết đến là có truyền thống dạy học tốt. Khi vụ việc được khởi tố, những thủ khoa, á khoa... buộc phải rời khỏi trường vì gian lận điểm thi, thậm chí được "hô biến" từ 1 - 2 điểm thành 9 - 10 điểm...
Các ông bố bà mẹ có thí sinh bị trường ĐH trả về thì một mực thanh minh con mình học giỏi từ bé, đi học toàn điểm 9, 10... Cách thức dễ dãi trong việc chấm điểm, đánh giá HS giỏi trong các trường phổ thông để đạt tỷ lệ thi đua khiến đôi khi phụ huynh nhìn vào điểm số đã tưởng con mình... giỏi thật. Để rồi khi đối diện với kỳ thi mà kết quả của nó được sử dụng vào mục đích quan trọng nhất là xét tuyển ĐH thì cả một bộ máy sẵn sàng bất chấp pháp luật để mua điểm, chạy điểm thật cao...
Nhiều năm nay, ngành GD-ĐT loay hoay, nỗ lực sửa quy định về đánh giá, cho điểm nhằm mục tiêu giảm áp lực điểm số cho HS, nhà trường và cho cả phụ huynh. Tuy nhiên, nhiều trường học vẫn đánh giá HS giỏi hoặc lấy điểm 10 làm tiêu chí tuyển chọn HS. Phụ huynh vẫn khao khát muốn biết mỗi ngày con đi học về được bao nhiêu điểm; câu đầu tiên khi đón con ở cổng trường vẫn thường là "hôm nay con được mấy điểm?" và mọi cảm xúc vui buồn phụ thuộc vào con số đó... Tất cả những điều đó làm cho nỗ lực giảm áp lực điểm số từ rất nhiều năm nay không đạt được mục tiêu, trái lại càng trở nên nặng nề hơn.
Theo hướng dẫn Sở GD-ĐT Hà Nội mới công bố, các HS dự tuyển vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam phải lọt qua vòng hồ sơ dự tuyển ngặt nghèo. Cụ thể, tổng điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm của môn toán, tiếng Việt trong 2 năm học lớp 1 và 2 phải đạt từ 39 điểm trở lên. Tính ra, trong 4 bài kiểm tra này, chỉ có 1 bài được điểm 9, còn lại là phải toàn điểm 10. Đến năm lớp 3, tổng số các bài kiểm tra định kỳ cuối năm của 2 môn toán, tiếng Việt phải đạt 20 điểm. Đến năm lớp 4 và lớp 5, từng năm phải đạt điểm 10 của tất cả 4 bài kiểm tra các môn: toán, tiếng Việt, khoa học, lịch sử và địa lý.
Hà Nội còn có mô hình trường "chất lượng cao" để phân biệt với các trường đại trà khác. Ngoài các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ... thì trường chất lượng cao còn có tiêu chí là phải có... 90% HS giỏi!
Giáo dục là làm cho học sinh học không sợ hãi
Theo PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN, bản thân bà khi là giáo viên đã thay đổi, từ một giáo viên luyện cho HS giỏi thành người giúp các em học "không sợ hãi". Bà Thơ kể về những lần dự giờ ở một trường "top". Khi thấy một HS không tham gia hoạt động nhóm, cứ lủi thủi ngồi lặng lẽ, len lén xem các bạn chơi trò chơi, bà hỏi tại sao con không tham gia cùng các bạn? HS ấy đã nói, rất hồn nhiên: "Con học dốt, các bạn không thích con!".
"HS yếu kém, HS chậm, hay HS cá tính... không ít trong một lớp học. Nhưng khi chúng ta cứ chạy đua theo kiến thức, theo chuẩn giỏi, ngoan... thì các em ấy càng bị bỏ lại về sau. Cho nên, chúng ta hãy để tầm mắt mình xuống dưới lớp học, để nhìn thấy những gương mặt đang cúi gằm xuống, lặng lẽ... Nhiệm vụ của giáo dục là để HS không sợ học, không sợ những người giỏi hơn mình, không ghét những người kém hơn...", bà Thơ cho biết.
Không phản ánh đúng thực tế giáo dục
Trao đổi với Thanh Niên, PGS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng việc Bộ sửa quy chế tuyển sinh vào THCS, THPT theo hướng cho phép kiểm tra, đánh giá năng lực thay vì xét hồ sơ, học bạ để tuyển sinh vào lớp 6 một số trường đặc thù, trường chất lượng cao cũng nhằm mục tiêu giảm áp lực điểm số, GV và phụ huynh không phải tìm mọi cách để "làm đẹp" học bạ với điểm toàn 10...
Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, dù đánh giá theo cách nào thì việc có quá nhiều hoặc quá ít điểm giỏi, điểm 10 đều cho thấy cách đánh giá ấy có "vấn đề". Chưa nói tới việc "làm đẹp" học bạ, ông Thành cho rằng, cách ra đề kiểm tra với những câu hỏi mà nhiều HS đều đạt được điểm tối đa thì là một câu hỏi chưa đạt yêu cầu phân loại HS. Đáng lẽ, với điểm kiểm tra phải xếp loại HS trong khoảng từ 5 - 10 điểm thì điểm 10 ấy sẽ không phản ánh đúng trình độ HS. Số HS đạt được điểm 10 nhiều nhưng có thể điểm 10 của em này và của em khác lại rất khác nhau về năng lực.
Khi đánh giá chỉ nhìn vào điểm số trong học bạ, sổ điểm như vậy thì sẽ không biết và càng không phân biệt được điểm 10 của những em thực sự có năng lực tốt khác với điểm 10 của em chỉ ở mức độ khá là thế nào. Ông Thành cho rằng, mấy năm gần đây, Bộ đã chỉ đạo đánh giá kết quả học tập của HS theo định hướng phát triển năng lực chứ không chỉ kiểm tra tái hiện kiến thức đơn thuần, cân bằng việc đánh giá trong quá trình hoạt động dạy học và đánh giá kết quả cuối cùng.
Chỉ đạo này đã đi vào thực tế nhưng không phải là tất cả, sự chuyển biến của các cơ sở giáo dục và giáo viên còn trễ hơn so với mong muốn.
Sắp tới, khi thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, việc thay đổi đánh giá HS sẽ thay đổi ra sao, liệu tâm lý nặng về điểm số có tồn tại nữa hay không? PGS Nguyễn Xuân Thành cho rằng, từng bước phải khách quan hóa việc đánh giá và muốn như vậy thì cách ra đề, kỹ thuật đánh giá phải đạt một chuẩn chung nhất định chứ không phải điểm 10 ở nơi này lại khác điểm 10 ở nơi kia hoặc khác nhau ngay giữa HS trong cùng một lớp, được giảng dạy bởi cùng một giáo viên... Mục tiêu của chương trình mới là hướng tới năng lực thực sự của người học nên dù vẫn cho điểm nhưng giá trị đích thực của kết quả học tập là đánh giá cả quá trình, đánh giá khả năng vận dụng được những điều học được vào cuộc sống của người học. "Đánh giá dễ dãi quá, tỷ lệ HS giỏi, điểm 10 nhiều quá theo kiểu đánh đồng thì sẽ mất động lực phấn đấu của người học, nhất là những em có năng lực nổi trội", ông Thành nói.
Áp lực lòng vòng
Bà Phan Thị Hồ Điệp, Khoa Giáo dục đặc biệt Trường ĐHSP Hà Nội, cho rằng một trong những áp lực lớn nhất với nhà giáo chính là áp lực điểm số từ phía phụ huynh. Phụ huynh luôn mong muốn con mình phải đạt điểm cao, phải có thành tích trong các cuộc thi... Chính vì chạy theo điểm số nên trong con mắt phụ huynh, đời sống học đường chỉ bao gồm việc học, học và học.
Theo bà Điệp, phụ huynh coi con là phương tiện để đạt được những kỳ vọng của mình, nhiều trường hợp kỳ vọng quá cao so với sức lực và khả năng của con. "Tôi đã chứng kiến cha mẹ giận dữ, xé sách vở của con ngay cổng trường chỉ vì con bị điểm kém", bà Điệp nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cũng cho rằng, các tiêu chí đánh giá nhà trường phổ thông của ngành giáo dục đều có chỉ tiêu về tỷ lệ HS giỏi, hạnh kiểm tốt, tỷ lệ lên lớp, đỗ tốt nghiệp 100%... Cha mẹ HS đánh giá chất lượng dạy học của nhà trường chỉ thông qua điểm số. Đó là những áp lực lớn đối với các nhà trường phổ thông muốn đánh giá điểm số thực chất, năng lực học tập thực chất của HS.
Bà Dương Thị Phương Thảo, Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (Q.Ba Đình, Hà Nội), nói: "Rất nhiều giáo viên thực sự chán nản, mất niềm tin với nghề khi phải chấp nhận hỗ trợ điểm số cho một số HS không xứng đáng".
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) đúc kết: Tâm lý coi nặng về điểm số, chạy theo thi cử, thành tích, chỉ tiêu thi đua tạo ra áp lực khi cấp trên gây áp lực cho nhà trường, nhà trường áp lực cho giáo viên, giáo viên áp lực cho HS, cha mẹ cũng áp lực cho thầy cô và chính thầy cô cũng áp lực cho mình.
Theo Thanh niên
'Áp lực học quá nhiều khiến cháu tôi đột quỵ' Cô Thanh Sương, giáo viên một trường THCS tại TP.HCM, nhắc lại câu chuyện buồn của cháu mình như lời cảnh tỉnh về áp lực học tập của học sinh hiện nay. Học sinh Sài Gòn mong muốn môi trường học tốt hơn Nhiều học sinh bày tỏ nguyện vọng được giảm giờ học và áp lực thành tích trong buổi gặp gỡ...