Áp hạn mức tuyển sinh mới, giảng viên đi đâu?
TP – Việc Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 32 quy định chỉ tiêu tuyển sinh đối với đại học, học viện, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ đã gây nhiều ý kiến khác nhau…
Ảnh minh họa
Nhiều bất hợp lý
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện một trường đại học lớn của Hà Nội chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý của Thông tư 32. Thứ nhất, với cách thức xác định chỉ tiêu tuyển sinh tối đa đối với đào tạo đại học chính quy thì việc áp dụng tiêu chí 1 (số tối đa SV/giảng viên quy đổi theo khối ngành) và tiêu chí 3 (quy mô sinh viên chính quy tối đa của trường) nhằm kiểm soát quy mô đào tạo ĐH chính quy, đồng thời khuyến khích gia tăng số lượng giảng viên cơ hữu có trình độ của trường là một chủ trương tốt.
Tuy nhiên với một số trường có số lượng lớn giảng viên quy đổi theo khối ngành sẽ đạt được tiêu chí 1 nhưng không thể đạt tiêu chí 3 do quy mô đào tạo đại học chính quy đã cao hơn mức quy định trong bản dự thảo nhiều năm gần đây.
Điều này có nghĩa là, việc cắt giảm nhanh chỉ tiêu tuyển sinh trong các năm sắp tới (để đưa quy mô sinh viên về mức quy định), gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển đội ngũ giảng viên về quy mô và chất lượng vốn là mục tiêu quan trọng của chiến lược phát triển nhà trường. Theo vị đại diện này, số các trường ĐH công lập ở tình trạng như vậy không hiếm trong hệ thống, và do đó không thể coi đây là trường hợp đặc biệt cần sự xem xét và quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT như thông tư hướng dẫn. Ngoài ra, bản dự thảo chưa đề cập tới quy mô sinh viên chính quy tối đa của các trường ĐH trọng điểm.
Thứ hai, theo nhà tuyển sinh này phân tích, đã có sự mâu thuẫn lớn trong quy định của thông tư. Cụ thể là: theo khoản 1 Điều 6 thì các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh thì sinh viên chính quy hàng năm phải thỏa mãn đồng thời cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, khoản 1C Điều 5 quy định: Nếu tiêu chí 1 không đạt thì vẫn có thể xác định chỉ tiêu tuyển sinh (không quá 1/4 năng lực đào tạo tối đa của khối ngành đó). Cũng bất nhất, theo nhà tuyển sinh trường này, khoản 3 Điều 8 quy định: cơ sở giáo dục đại học xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ trên cơ sở giảng viên cơ hữu theo khối ngành quy định tại Điều 3 của thông tư này”. Tuy nhiên, trong công thức tính chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ tối đa không có yếu tố số lượng giảng viên theo khối ngành.
Quy mô tối đa 15.000 sinh viên, vì sao?
Đó là ý kiến của Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN Vũ Văn Hóa, khi ông đưa ra câu hỏi: Căn cứ vào đâu để Bộ GD&ĐT quy định quy mô đào tạo tối đa của các trường là 15.000 sinh viên? Ông Hóa cảnh báo, sắp tới vì quy định quy mô tối đa 15.000 sinh viên này mà rất nhiều trường, hiện nay đã vượt gấp đôi, gấp 3 lần quy mô quy định sẽ thừa cơ sở vật chất, thừa giáo sư, phó giáo sư. Theo ông Vũ Văn Hóa, Bộ GD&ĐT phải xuất phát trên thực tế của nền kinh tế để biết số lượng cử nhân/vạn dân là bao nhiêu chứ không vì thấy dư luận kêu mà hạn chế là không đúng.
Cũng theo ông Vũ Văn Hóa, hiện nay trường ông có quy mô hơn 30.000 sinh viên (gấp đôi số quy định) và nhiều trường khác rơi vào tình cảnh tương tự thì theo thông tư này sẽ không biết giải quyết bằng cách nào. Thông tư thực hiện từ năm 2016, thì 4 năm nữa toàn bộ hệ thống giảng viên sẽ bị tác động, nhưng ngay từ năm 2016, những giáo viên dạy cơ bản sẽ bị loại trừ và những năm sau, đội ngũ giáo viên nghiệp vụ sẽ chịu cảnh tương tự. Ông Hóa đặt câu hỏi: đội ngũ giáo viên sẽ đi đâu bây giờ?
Theo TPO