Áp dụng biện pháp giáo dục kỉ luật tích cực phù hợp với từng học sinh
Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện thông tư Quy định về khen thưởng và kỉ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó điểm quan trọng nhất là áp dụng những biện pháp giáo dục kỉ luật tích cực.
Ảnh minh họa
Cụ thể, khi học sinh vi phạm kỉ luật, giáo viên thu thập các thông tin khách quan để xác định đúng nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả và đặc điểm tâm lý của học sinh mắc khuyết điểm để lập kế hoạch giáo dục cho học sinh sửa chữa khuyết điểm.
Giáo viên và nhà trường có thể lựa chọn áp dụng một số biện pháp để giáo dục kỉ luật tích cực phù hợp với từng học sinh như khuyên bảo, động viên; nhắc nhở, phê bình riêng đối với học sinh mắc khuyết điểm.
Phối hợp với cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh để cùng thực hiện kế hoạch giáo dục, hỗ trợ học sinh sửa chữa khuyết điểm. Tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý.
Yêu cầu học sinh thực hiện một số nhiệm vụ học tập và rèn luyện đã được học sinh thỏa thuận, cam kết thực hiện, theo nội quy của nhà trường như: Hoàn thành bổ sung nhiệm vụ học tập và rèn luyện có nội dung liên quan đến khuyết điểm của học sinh; viết cảm nhận về sự việc xảy ra, nguyên nhân, hậu quả của hành vi vi phạm và hướng khắc phục sửa chữa.
Video đang HOT
Tìm hiểu tài liệu, phim ảnh hoặc câu chuyện thực tế đã được trải nghiệm, có nội dung liên quan đến khuyết điểm của học sinh. Từ đó, các em trình bày suy nghĩ, cảm nhận về nội dung và rút ra bài học cho bản thân. Tự khắc phục hậu quả do vi phạm của học sinh gây ra hoặc khắc phục hậu quả với sự giúp đỡ của bạn bè, giáo viên, cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh.
Khi học sinh mắc khuyết điểm, nhà trường xem xét thực hiện các biện pháp giáo dục kỉ luật tích cực đã kể trên hoặc áp dụng các hình thức kỷ luật khiển trách; cảnh cáo; tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm. Tuy nhiên, không áp dụng các hình thức kỉ luật đối với học sinh cấp tiểu học.
Khen thưởng, kỉ luật HS: Nghệ thuật của nhà giáo
Dù đã nỗ lực, cố gắng nhưng không ít thầy cô vẫn gặp khó khăn trong việc giáo dục, kỉ luật HS. Trước cơn bão của mạng xã hội, nhiều thầy cô hoang mang không biết phương pháp giáo dục, kỉ luật của mình ở nhà trường đã đúng chưa, làm thế nào để giúp HS trưởng thành, kính trọng thầy cô.
PGS.TS Trần Thị Lệ Thu trình bày quan điểm về kỉ luật tích cực tại một hội thảo. Ảnh:NVCC
Điểm đen trên tờ giấy trắng
Trong nghiên cứu giáo dục, người ta thấy đang xuất hiện hiện tượng "chấm đen trên tờ giấy trắng". Do không ít thầy cô còn lúng túng, hoang mang thậm chí bế tắc trong việc làm thế nào để GD HS hiệu quả khi các em đang chịu tác động mạnh từ môi trường sống, nguồn thông tin tiêu cực, gia đình... dẫn đến thái độ không đúng mực, hành vi lệch chuẩn.
Khi bế tắc, một số GV dùng biện pháp trừng phạt thân thể làm tổn thương thể xác và tinh thần của HS. Giải thích vấn đề này, TS Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng: Điểm đen thường thu hút thị giác nhiều hơn tờ giấy trắng. Khi xuất hiện điểm đen cả xã hội sẽ quan tâm, nhìn nhận và đánh giá nó ở nhiều chiều khác nhau.
Còn theo PGS.TS Trần Thị Lệ Thu - giảng viên Khoa Tâm lí giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bên cạnh những GV giáo dục học sinh bằng biện pháp tích cực, hiệu quả, vẫn còn một số thầy cô có cách xử lí tình huống không phù hợp khi các con vi phạm kỉ luật hay có những hành vi không mong đợi.
Cần những hình thức khen thưởng kỉ luật tích cực để khích lệ học sinh. Ảnh: ITN
Theo quan điểm của không ít thầy cô, khi đã dùng biện pháp nhắc nhở nhưng HS không thay đổi, bắt buộc chuyển sang hình thức kỉ luật như: Dọa, nhốt vào đâu đó, phê bình trước lớp, gọi điện cho bố mẹ, chép phạt, bắt ra khỏi lớp... Đây là những biện pháp kỉ luật được gọi là tiêu cực bởi nó xuất phát từ việc không quản lí được cảm xúc. Điều này không những làm HS buồn, bị tổn thương, gây bức xúc, phản ứng ngược mà có thể tạo thành thói quen với chính GV khi gặp tình huống trên.
Kỉ luật phải có nguyên tắc
Đóng góp cho đề xuất một số hình thức/biện pháp kỷ luật tích cực đối với HS, cô Dương Thu Hà - GV Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội), người 2 năm liên tiếp nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo - bày tỏ: Kỉ luật HS phải có nguyên tắc cụ thể, nhằm giúp các con nhận ra những sai lầm để thay đổi. Do vậy, phải trang bị cho GV hiểu về cách GD HS, kĩ năng để GV hiểu biết các vấn đề, cách giao tiếp với phụ huynh là cực kì quan trọng.
Cô Vũ Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Quốc Việt (Quảng Ninh) cho biết: Nhà trường có hội đồng kỉ luật nhưng 3 năm nay chưa HS nào bị kỉ luật. Để có được điều đó, từ đầu năm học, nhà trường đã tuyên truyền đến HS những quy định của pháp luật, nội quy của nhà trường, HS thậm chí đã học thuộc lòng. Cha mẹ HS cũng được phổ biến nội quy chung trong trường.
Nhà trường còn yêu cầu HS phải cam kết, nếu vi phạm một trong những quy định này các con phải chấp nhận một số "hình phạt". Theo đó, khi HS mắc lỗi sẽ không tiến hành kỉ luật ngay mà được trao đổi để các con tự nhận hình thức kỉ luật. Nhà trường không đưa ra hình thức kỉ luật cho cá nhân 1 HS mà cho 1 tập thể. Cô giáo chủ nhiệm phải chấp nhận hạ thi đua nếu có HS vi phạm.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy - GV Trường quốc tế Nhật Bản (Hà Nội) chia sẻ: HS của nhà trường được khen là chính. Phần thưởng chỉ là giấy khen và lời khích lệ động viên chứ không chú trọng khen bằng vật chất, dù chỉ là chiếc bút chì. Hình thức Giấy chứng nhận, giấy khen được làm công phu, trao rất trân trọng để tôn cao giá trị của HS, khích lệ thành tích con đã đạt được. Điều này giúp các con cảm nhận được giá trị của bản thân, ảnh hưởng của mình đối với tập thể, cộng đồng như thế nào.
Với hình thức kỉ luật, theo cô Thủy, nhà trường luôn tôn trọng sự công bằng. Khi HS mắc lỗi, các thầy cô không bao giờ phê bình các con trước tập thể mà gặp gỡ riêng để phân tích sự việc, giúp các con nhận thức được vấn đề. "Không một lời mạt sát, mắng mỏ, chì chiết hay bất cứ hình phạt được được phép sử dụng khi HS phạm lỗi", cô Thủy trao đổi.
Chia sẻ về hình thức kỉ luật HS, PGS Trần Thành Nam - Trưởng khoa các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG HN) nêu quan điểm: "Nhà trường phải tạo ra môi trường kỉ luật tích cực, trong bầu không khí tích cực. Nếu chỉ có khen thưởng mà không có hình thức kỉ luật là không phù hợp.
Làm thế nào để có môi trường có tính kỉ luật? Đó là cần tạo ra môi trường kỉ luật tập trung, làm thế nào để tăng điều tốt lên. Nguyên tắc để giảm những hành vi xấu là tăng các hành vi tốt. Vì một ngày đến trường chỉ có từng đấy thời gian, nếu cả thầy trò chỉ chú ý vào hành vi tốt sẽ không còn hành vi xấu".
Lan Anh
Theo giaoducthoidai
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tránh lạm dụng giấy khen dẫn đến "tác dụng ngược" Các địa phương cần chú ý đến việc khen thưởng HS cuối năm học, việc đánh giá phải đảm bảo thực chất, vì sự tiến bộ của HS, tránh lạm dụng giấy khen dẫn đến "tác dụng ngược" trong việc khen thưởng. Về việc giấy khen kết thúc năm học gây xôn xao dư luận vừa qua, tại Hội nghị Giám đốc sở...