Ant Group bị dừng IPO và hậu quả nặng nề để lại
Đối với Ant Group, việc dừng IPO chưa phải là cú đánh chết người đối với họ nhưng lại tác động trầm trọng đến những đối tượng khác tham gia vào thương vụ này.
Các nhân viên hành chính buộc người giàu nhất Trung Quốc phải ngồi đợi trong khi họ chuẩn bị cuộc họp sẽ làm chấn động cả thế giới tài chính.
Đó là sáng thứ Hai tại Bắc Kinh, và tỷ phú Jack Ma bị triệu tập đến một cuộc họp tại Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc CSRC chỉ vài ngày trước khi ông chuẩn bị đưa tập đoàn Ant Group trở thành thương vụ niêm yết cổ phiếu lớn nhất trong lịch sử thế giới.
Khi các nhân viên công chức bước vào phòng họp, họ bỏ qua các câu nói bông đùa thường thấy và đưa ra một thông điệp sắc lạnh: những ngày chính phủ lỏng tay cương đối với Ant và các yêu cầu vốn tối thiểu đã qua rồi. Cuộc họp kết thúc mà không hề thảo luận nào về số phận cuộc IPO nhưng nó là dấu hiệu cho thấy mọi thứ đã không còn như kế hoạch.
Không lâu sau cuộc họp, cả hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông đều ra thông báo cho biết, việc IPO của Ant Group tại các sàn giao dịch này đã bị hủy bỏ.
Chưa đến một giờ sau thông báo hủy IPO đó, các tuyên bố chính thức từ chính phủ Trung Quốc đã xuất hiện, với một “thay đổi đáng kể” về môi trường quản lý. Trong cuộc họp vội vàng sau đó với các ngân hàng bảo lãnh thương vụ IPO này, các quan chức CSRC cho biết, công ty cần có thêm vốn và các giấy phép mới để tuân thủ một loạt các quy định mới dành cho các tập đoàn tài chính. Cuộc họp cũng không đề cập đến thời điểm cuộc IPO này được khởi động lại.
Tại sao Trung Quốc muốn ngăn thương vụ IPO của Ant Group?
Việc đột ngột dừng thương vụ IPO trị giá đến 35 tỷ USD đã đẩy người khổng lồ tài chính của tỷ phú Ma vào tình trạng hỗn loạn. Nhưng điều này lại càng làm mọi người hướng đến một câu hỏi khác: Tại sao chính phủ Trung Quốc lại ngăn cản đợt IPO của Ant vào phút chót, sau nhiều tháng chuẩn bị tỉ mỉ của công ty? Và tương lai nào đang chờ đợi một trong những công ty quan trọng nhất quốc gia này trong thời gian tới?
Cơ cấu doanh thu của Ant Group, đa phần là các hoạt động tài chính dựa trên nền tảng công nghệ
Một mặt tuyên bố của CSRC cho biết, việc ngăn vụ niêm yết “vội vàng” của Ant trong bối cảnh môi trường quản lý tài chính đang thay đổi ở Trung Quốc là một động thái có trách nhiệm đối với thị trường và các nhà đầu tư. Nhưng mặt khác, một số nhà quan sát Trung Quốc lại có một giả thuyết khác cho rằng, hành động này như một thông điệp gửi đến cho tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, Jack Ma.
Vào cuối tháng 10 vừa qua, trong một Hội nghị tại Thượng Hải, ông Ma đã công khai chỉ trích các quy định tài chính của Trung Quốc đang hạn chế sự sáng tạo. Lời bình luận của ông Ma được cho đã đến tai Phó Chủ tịch Trung Quốc, ông Vương Kỳ Sơn – người luôn kêu gọi phải có sự cân bằng giữa sáng tạo và hoạt động quản lý chặt chẽ để ngăn chặn các rủi ro tài chính.
Video đang HOT
Andrew Batson, giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại hãng nghiên cứu Gavekal Research, cho rằng: “ Nó cho thấy rằng, dù vô tình hay cố ý, ông Ma đang công khai thách thức và chỉ trích cách tiếp cận của chính phủ Trung Quốc đối với việc quản lý ngành tài chính.”
Cuối tuần trước khi ông Ma bị triệu tập đến Bắc Kinh, Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính do Phó Thủ tướng Lưu Hạc đứng đầu đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải quản lý chặt chẽ các hãng fintech.
Bên cạnh cuộc họp với CSRC và động thái ngăn vụ IPO của Ant Group, một dấu hiệu khác cho thấy các cơ quan quản lý đang tiếp tục gây áp lực lên công ty con của Alibaba này là việc các nhà quản lý dự định không khuyến khích ngân hàng sử dụng các nền tảng cho vay trực tuyến của hãng fintech này. Đây sẽ là đòn đánh thẳng vào mô hình cho vay hưởng chiết khấu của Ant Group, vốn mang lại 4,4 tỷ USD doanh thu trong 6 tháng đầu năm nay.
Tác động nặng nề từ việc dừng IPO Ant Group
Cho đến nay, việc dừng IPO Ant Group đang gây ra các tác động tài chính nặng nề. Cổ phiếu của Alibaba Group Holding, công ty sở hữu 1/3 cổ phần của Ant Group, đã sụt giảm đến 8% trong ngày giao dịch thứ Ba tuần trước – mức sụt giảm nặng nề nhất trong 5 năm qua. Tài sản của tỷ phú Jack Ma cũng mất 3 tỷ USD xuống chỉ còn 58 tỷ USD, khiến ông cũng mất luôn ngôi vị người giàu nhất Trung Quốc vào tay Pony Ma, ông chủ tập đoàn Tencent Holdings.
Vụ việc này cũng gây ra hiệu ứng tương tự ở Hong Kong, một trong các trung tâm tài chính hàng đầu của Trung Quốc cũng như trong khu vực. Ước tính có gần 1/5 dân số khu vực này đã đăng ký mua cổ phiếu Ant Group – thậm chí nhiều người còn vay tiền để mua cổ phiếu công ty – giờ đây thay vì kiếm lời do giá lên sau khi IPO, họ đang mắc kẹt với việc trả lãi cho khoản đầu tư của mình.
Các chỉ số chứng khoán Hong Kong sụt giảm mạnh sau khi Ant Group bị dừng IPO
Tuy nhiên đối với Ant Group, việc dừng IPO chưa hẳn là một cứ đánh chết người đối với họ. Đến tháng Sáu vừa qua, công ty vẫn còn hơn 10 tỷ USD tiền mặt (71 tỷ Nhân dân tệ) và là một trong các tổ chức tài chính quan trọng nhất của Trung Quốc. Tuy vậy, Ant Group có thể phải đối mặt với việc tốc độ tăng trưởng và mức định giá sụt giảm trong tương lai. Nhà phân tích Iris Tan của Morning Star cho rằng giá trị Ant Group có thể sụt giảm từ 25 đến 50% so với hiện tại, tương ứng khoảng 140 tỷ USD.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý có thể sẽ buộc công ty phải hoạt động giống như một tổ chức cho vay truyền thống, thay vì một fintech như hiện nay. Điều đó cũng có nghĩa tỷ lệ thu nhập trên mỗi cổ phiếu sẽ giảm đi khi IPO.
Một rủi ro khác đối với Ant Group là việc ngân hàng trung ương Trung Quốc ra mắt đồng tiền kỹ thuật số, khi nó có thể đe dọa đến sự thống trị của Ant trên thị trường thanh toán trực tuyến hiện nay. Xa hơn nữa, động thái này cũng có thể tác động đến các mảng kinh doanh khác của công ty. Ví dụ, nền tảng tín dụng của Ant, vốn đang sử dụng lượng dữ liệu thanh toán khổng lồ của họ để đánh giá sức mạnh tài chính người vay khi họ thường thiếu lịch sử tín dụng chính thức.
Tất cả những điều này đều là tin xấu cho những cổ đông từng định giá Ant Group lên đến 315 tỷ USD – còn cao hơn cả giá trị của JPMorgan Chase. Nhưng điều này lại phù hợp với lo ngại của các nhà quản lý Trung Quốc khi công ty của ông Ma đang tăng trưởng quá nhanh và quá lớn. Có lẽ nếu ông Ma không lỡ miệng, mọi việc sẽ diễn biến theo chiều hướng tốt hơn.
Jack Ma - kẻ thách thức chính quyền Trung Quốc
Đợt IPO lớn nhất thế giới của Ant Group bất ngờ bị hoãn khiến nhiều nhà phân tích nghi ngờ về khả năng nhà sáng lập Jack Ma đang bị chính quyền Trung Quốc "trả đũa".
"Tôi xin lỗi, thành thực xin lỗi ngài, ngài cảnh sát", Jack Ma, khúm lúm, lắp bắp từng câu trước một nhóm cảnh sát tuần tra. Tuy nhiên, đoạn này lại được trích từ bộ phim ngắn Gong Shou Dao với vai chính do nhà sáng lập Alibaba và Ant Group thủ vai. Sau hơn 3 năm ra mắt, bộ phim của Jack Ma gần đây lại được nhiều người dùng Internet chia sẻ nhiều trên Wechat như một trò chọc tức vị tỷ phú 56 tuổi này.
Nhà sáng lập Alibaba nhiều lần chỉ trích các chính sách của Trung Quốc. Ảnh: DDNews.
Chặng đường thành công của Ma trước biến cố với Ant có thể xem như câu chuyện cổ tích với cái kết có hậu. Sinh ra tại Hàng Châu năm 1964, Jack Ma từng kể đã đạp xe hàng chục km mỗi ngày để làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí với mong muốn thực hành tiếng Anh. Sau khi tốt nghiệp khoa tiếng Anh Học viện sư phạm Hàng Châu, ông gửi đơn xin việc tới hơn 30 vị trí khác nhau, trong đó có cả phục vụ tại cửa hàng KFC, nhưng đều bị từ chối.
Lúc đó, ông nhìn thấy tiềm năng phát triển của Internet, dù vào những năm 90, nó mới chỉ manh nha xuất hiện tại Trung Quốc. "Ngay từ lần đầu được chạm tay vào bàn phím máy tính và trải nghiệm Internet, tôi đã biết đây chính là thứ sẽ thay đổi thế giới, thay đổi Trung Quốc", Jack Ma trả lời CNN.
Ông thành lập Alibaba năm 1999, từng bước biến nó thành nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc và là "địa điểm" buôn bán của hàng triệu doanh nghiệp lớn nhỏ khắp thế giới.
Ở công ty, ông được miêu tả là một vị giám đốc phá cách, luôn sẵn sàng tham gia vào các hoạt động tập thể cùng nhân viên. Ông từng hóa trang thành Michael Jackson và trổ tài nhảy điêu luyện trước hàng nghìn người. Một lần khác, ông tự tin làm MC cho lễ cưới tập thể của các nhân viên làm việc tại Alibaba. Ông cũng không ngần ngại nói chuyện về các chủ đề riêng tư với nhân viên, như từng khuyên mọi người trong công ty nên quan hệ 6 lần một tuần.
Năm 2003, "đối thủ truyền kiếp" eBay thất bại trong nỗ lực mua lại Alibaba. Thay vì hợp tác với eBay, Jack Ma đã bán 40% cổ phần của công ty cho Yahoo với giá một tỷ USD. Thỏa thuận này khi đó được coi là một vụ đánh cược mạo hiểm của gã khổng lồ Yahoo vào một doanh nghiệp Trung Quốc non trẻ. Tuy nhiên, cổ phiếu của Alibaba sau này đã chứng minh là một trong những tài sản giá trị nhất của Yahoo. Năm 2019, Yahoo bán 11% cổ phần còn lại của mình tại Alibaba với giá khoảng 40 tỷ USD.
Năm 2014 là giai đoạn quan trọng với Alibaba khi công ty này chính thức tiến hành IPO trên sàn chứng khoán New York. Đây cũng là ví dụ hiếm hoi về một hãng công nghệ khổng lồ Trung Quốc tìm được hướng đi riêng, bất chấp quan hệ địa chính trị phức tạp Mỹ - Trung.
Trước đó, vào năm 2010, Alibaba tách Ant thành một công ty riêng, tập trung vào các dịch vụ công nghệ tài chính, trong đó có Alipay, "siêu ứng dụng" cho phép khách hàng gửi tiền, cho vay và đầu tư cổ phiếu.
Nhà sáng lập Alibaba từ lâu được coi như một nhân vật tiêu biểu cho ngành kinh doanh thương mại điện tử. Tuy nhiên, những năm gần đây, ông đặc biệt dành sự quan tâm đến hoạt động fintech của Ant, đích thân điều hành công ty và lên kế hoạch chi tiết cho phiên IPO quan trọng.
Mặc dù bản thân là một thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc và hầu như luôn được tự do xây dựng đế chế của riêng mình, Jack Ma cũng chính là người thường xuyên chỉ trích mạnh mẽ các quy định ngặt nghèo về công nghệ và tài chính của nước này.
Gần đây nhất, ông ví hệ thống ngân hàng lạc hậu của Trung Quốc là "tiệm cầm đồ" trước yêu cầu về tài sản thế chấp của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Jack Ma thậm chí tuyên bố Hiệp định Ngân hàng toàn cầu Basel là "câu lạc bộ dành cho người già".
Tháng trước, Jack Ma lên tiếng chỉ trích các tổ chức Tài chính quốc tế vì đã tập trung quá nhiều vào rủi ro và phản đối các biện pháp của chính Trung Quốc, cho rằng chúng sẽ kìm hãm sự đổi mới. Phát biểu này được đưa ra sau khi Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn kêu gọi cân bằng giữa đổi mới tài chính và các quy định chặt chẽ nhằm ngăn ngừa rủi ro bong bóng tài chính.
Trong khi các cơ quan quản lý của Trung Quốc cảnh báo rằng việc cho vay quá dễ dàng của Ant có thể gây ra rủi ro hệ thống cho nền kinh tế Trung Quốc, Jack Ma lại đánh giá "sự thiếu hụt của hệ sinh thái tài chính" mới là mối đe dọa cho tăng trưởng.
Andrew Batson, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Research, cho biết: "Dù cố ý hay không, Jack Ma đã công khai thách thức và chỉ trích cách tiếp cận của chính phủ Trung Quốc đối với các quy định tài chính".
Hậu quả là, Ant Group của Jack Ma vốn dự kiến IPO vào ngày 5/11 nhưng bất ngờ bị hoãn ở cả hai sàn Hong Kong và Thượng Hải.
Thông báo hoãn IPO của Ant được đưa ra chỉ một ngày sau khi Ma và các giám đốc cấp cao của Ant Group được triệu tập tham gia một cuộc họp bất thường tổ chức bởi bốn cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc, đứng đầu là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC). Cơ quan chức trách Trung Quốc thông báo họ phát hiện một số dấu hiệu bất thường xuất hiện ở nhiều tài khoản Ant và có thể yêu cầu Ant Group dừng hoạt động bán cổ phiếu ra công chúng.
Sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc vào đợt IPO lớn nhất lịch sử được nhiều người coi như một sự sỉ nhục đối với Jack Ma. Nếu sự kiện IPO diễn ra thành công, ông giờ đã trở thành người giàu nhất châu Á. Còn giờ đây, tài sản của ông bốc hơi 3 tỷ USD sau thông báo hoãn.
Richard Windsor, một nhà phân tích độc lập, cho biết: "Thay đổi vào phút chót đối với Ant có thể hiểu là động thái nhắc nhở Jack Ma, ai mới là người thực sự nắm quyền".
Các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã có nhiều năm để mắt tới sự phát triển thần tốc của Ant. Giới chức tài chính ngân hàng nước này gầy đây liên tục thắt chặt các quy định về yêu cầu vốn, nhằm buộc Ant phải nắm giữ nhiều tài sản thế chấp hơn để cân bằng khoản vay khổng lồ của mình.
"Thậm chí nếu bạn là Jack Ma, bạn cũng sẽ chỉ thành công tại thị trường tỷ dân nếu chính quyền Trung Quốc cho phép bạn làm vậy. Mặc dù ít người thừa nhận điều này, nó cũng áp dụng cho cả người Trung Quốc, ngay cả một tỷ phú như Jack", Grant Newsham, thành viên cấp cao tại Trung tâm Chính sách An ninh (CSP), nói. Grant năm ngoái đã phân tích dự đoán cho rằng Jack có thể phải đối mặt với sự trả đũa của chính phủ bất cứ lúc nào.
Cho đến nay, kế hoạch IPO của Ant mới chỉ bị dừng chứ chưa bị hủy hoàn toàn. Điều này mang lại cho các nhà đầu tư hy vọng rằng lệnh đình chỉ sẽ được dỡ bỏ trong những tuần tới, thay vì buộc Ant phải trả lại tiền cho nhà đầu tư.
Abishur Prakash, người đứng đầu Trung tâm Đổi mới Tương lai, nói: "Đối với Jack Ma, vị thế của ông sẽ không dễ bị thay đổi do tình hình IPO. Từ thương mại điện tử đến fintech, Jack Ma vẫn luôn kiểm soát tốt các công ty đóng vai trò trụ cột cho phát triển của Trung Quốc".
Phát ngôn khiến Jack Ma 'trả giá' bằng 35 tỷ USD Phát ngôn nhạy cảm của Jack Ma có thể là một trong những nguyên nhân cho khó khăn mà Ant Group đang gặp phải. Thời gian gần đây, tỷ phú Jack Ma đang bận rộn với việc khởi động thương vụ IPO lớn nhất nhất giới của Ant Group (nếu thành công) cũng như chuẩn bị cho sự kiện mua sắm lớn nhất...