Anh thắng lớn khi du học sinh Trung Quốc quay lưng với đại học Mỹ
Chính sách không thân thiện, tình hình đại dịch vượt tầm kiểm soát và xã hội hỗn loạn là những nguyên do khiến ngày càng nhiều sinh viên Trung Quốc không chọn Mỹ để du học.
Sinh viên trường Đại học California ở thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 11/3. Ảnh: AFP/TTXVN
Đối với Zancy Duan, việc từ bỏ suất học tại một trong những trường đại học danh tiếng của Mỹ là quyết định khó khăn. Trước đó, Duan đã được Đại học Cornell cũng như một vài trường đại học khác tại Mỹ nhận để hoàn thành khóa học thạc sĩ. Tuy nhiên, đến cuối tháng 4 vừa qua, với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Mỹ, Duan đã lựa chọn nộp đơn vào các trường đại học ở châu Âu.
“Ngoài tình hình dịch bệnh, một loạt các chính sách không thân thiện của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với sinh viên quốc tế; việc Mỹ đổ cho Trung Quốc là nguyên nhân gây ra dịch bệnh COVID-19, và tình hình an ninh xã hội ảnh hưởng từ phong trào Black Lives Matter – đó là những lý do khiến em cảm thấy không thoải mái và thấy học ở Mỹ không phải là một phương án tốt cho em ở thời điểm này. Thực ra, nhiều bạn của em trước đó có kế hoạch tới Mỹ du học đã nộp đơn vào các trường ở Singapore, Hong Kong hay châu Âu để thay thế”, Duan trả lời phỏng vấn báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Trong hàng chục năm qua, Mỹ luôn là sự lựa chọn hàng đầu cho các du học sinh Trung Quốc muốn kiếm tìm môi trường nước ngoài để học tập. Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục Trung Quốc, số lượng du học sinh Trung Quốc tăng từ 285.000 trong năm 2010 lên 662.000 năm 2018.
Từ năm 2009, Trung Quốc là quốc gia có số lượng học sinh, sinh viên tới Mỹ du học nhiều nhất. Trong số trên 1 triệu sinh viên quốc tế đang học tại Mỹ, có tới 1/3 là người Trung Quốc. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, du học sinh Trung Quốc lại cân nhắc trong việc lựa chọn điểm đến thay thế Mỹ cho kỳ học tới.
Sinh viên Trung Quốc đóng góp trên 10% tổng doanh thu của một số trường đại học tại Anh. Ảnh: Getty Images
Theo kết quả khảo sát do Tập đoàn Công nghệ và Giáo dục Phương Đông mới (trụ sở tại Bắc Kinh), lần đầu tiên Anh đã vượt Mỹ trở thành điểm đến du học yêu thích nhất được các sinh viên Trung Quốc lựa chọn.
Trong 6.673 học sinh, sinh viên Trung Quốc được hỏi, 42% người tham gia bày tỏ hy vọng được học tại Anh, trong khi chỉ có 37% chọn Mỹ. Đây là một kết quả đảo ngược so với 4 năm trước, khi 30% người trả lời lựa chọn học ở Anh và 46% các em chọn học ở Mỹ.
Công ty tư vấn thị trường Qianzhan cho biết cả Anh và Mỹ đều là lựa chọn hàng đầu cho du học sinh Trung Quốc, nhưng hiện các em thích Anh hơn không chỉ vì căng thẳng quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Các em lựa chọn Anh vì thời gian học thạc sĩ, tiến sĩ tại Anh ngắn hơn cũng như nước này có chính sách nhập cư thân thiện hơn. Theo quy định của nước này, những sinh viên quốc tế hoàn thành bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ có cơ hội tiếp tục làm việc và sống tại Anh từ 2 đến 3 năm.
Video đang HOT
Trong khi đó, những quy định mới về thị thực của Mỹ lại khiến sinh viên Trung Quốc hoang mang và hoảng sợ.
Năm ngoái, Tổng thống Trump đã đề xuất hạn chế cơ hội việc làm cho những du học sinh tốt nghiệp các trường đại học ở Mỹ. Cùng năm, các thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa cũng đưa ra một đạo luật cấm Mỹ cấp thị thực cho công dân Trung Quốc học trong các ngành như khoa học, kỹ thuật, cơ khí, toán học.
Duan cho biết ngay cả khi cô xin thị thực để tới Mỹ du học, cô có thể bị từ chối vì ngành học của mình – khoa học vật liệu – là một trong những ngành được liệt vào danh sách “nhạy cảm” khi xét thị thực.
Mới đây, du học sinh Trung Quốc càng thêm hoang mang trước tuyên bố của Chính phủ Mỹ cấm sinh viên nước ngoài tiếp tục ở lại Mỹ nếu các trường mà họ đang theo học không tổ chức các buổi học trực tiếp trên lớp vào mùa thu này. Do vấp phải làn sóng phản đối từ dư luận, Chính phủ Mỹ đã rút lại quy định gây tranh cãi trên.
Kim Wang – một cố vấn tại công ty du học Timespin trụ sở tại Thượng Hải – cho biết hai năm qua chứng kiến sự đa dạng về sự lựa chọn của du học sinh Trung Quốc đối với điểm đến nước ngoài. “Các đơn xin học vào các trường ở Anh tăng nhanh, trong khi các trường ở Singapore cũng nhận được chú ý trong hai năm qua. Điều này có nghĩa là cuộc cạnh tranh đã khốc liệt hơn trước và các trường ở Anh sẽ khắt khe hơn trong việc xem đơn nhập học của ứng viên”.
Theo một nhân viên tại công ty tư vấn du học JJL, nhiều trường đại học Mỹ đã nhận ra sinh viên quốc tế hết quan tâm tới họ và đang triển khai nhiều biện pháp để giữ chân các du học sinh. “Một số trường top đầu thậm chí còn quyết định không cần ứng viên có kết quả bài thi tổng quát GRE bắt buộc như trước. Đối với nhiều học sinh lựa chọn du học vào mùa thu năm nay, tôi khuyên các em nên cân nhắc chọn nhiều nước hơn. Nhiều em không nhận ra các em có cơ hội được nhận cao hơn vào những trường đại học tốt nhất ở Mỹ”, nhân viên họ Wu cho hay.
Hiện số ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày tại Anh có xu hướng giảm. Trung bình ca mắc mới hàng ngày trong tuần này là 700, giảm so với 6.000 ca/ngày hồi tháng 5. Tính đến 21h ngày 19/7, Anh ghi nhận tổng cộng 294.066 ca mắc COVID-19, trong đó có 45.273 trường hợp tử vong, xếp thứ 9 trong danh sách các nước có số ca mắc COVID-19 nhiều trên thế giới.
Thủ khoa Ngoại giao giành ba học bổng của châu Âu
Từng sợ tiếng Anh và trì hoãn du học, Trần Phương Mai nỗ lực trở thành một trong những thủ khoa của Học viện Ngoại giao, giành trọn ba học bổng từ EU.
Những ngày cuối tuần, Trần Phương Mai, 23 tuổi, cựu sinh viên ngành Quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao (Hà Nội), về thăm gia đình tại Nam Định, tranh thủ ở bên bố mẹ trước khi sang châu Âu vào tháng 9 để học thạc sĩ hai năm.
Mai ứng tuyển 6 chương trình thạc sĩ và đều được trao học bổng toàn phần gồm 100% học phí, tiền sinh hoạt và các chi phí phát sinh khác. Trong đó, Mai được Liên minh châu Âu trao tối đa ba học bổng Erasmus Mundus, luôn được coi là danh giá bậc nhất châu Âu về các lĩnh vực "Euro culture", "Global Studies" và "European Politics and Society". Mỗi chương trình thạc sĩ của Erasmus Mundus chỉ trao tối đa 20 suất học bổng nên tỷ lệ cạnh tranh toàn cầu rất lớn. Các học bổng toàn phần còn lại Mai giành được đến từ Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc và Đại học Groningen của Hà Lan.
"Mỗi năm, một sinh viên chỉ được nộp ba học bổng Erasmus Mundus nên việc giành cả ba là vinh dự lớn mình chưa từng nghĩ đến", Mai nói.
Trần Phương Mai. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từ nhỏ, qua những câu chuyện của ông, vốn là cựu cảnh sát, Mai biết về nhà ngoại giao tài ba Lê Đức Thọ, Hiệp định Paris và rất nhiều câu chuyện lịch sử sống động. Dù cả nhà không ai theo ngoại giao, cô bé Mai lúc đó đã nhen nhóm mong muốn làm việc trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, làm ngoại giao thì cần giỏi tiếng Anh. Hai năm đầu bậc THCS, Mai thừa nhận tiếng Anh từng là môn yếu và sợ nhất vì trước đó chỉ học văn toán. Không bật được hẳn lên, Mai chán nản, mất đi hứng thú học tập.
Những tưởng ước mơ ngoại giao gặp rào cản vì ngoại ngữ, đến khi vào lớp 8, Mai được cô giáo chủ nhiệm mới kiên nhẫn dạy lại cho em toàn bộ kiến thức từ đầu. Được quan tâm, nữ sinh cảm thấy "hóa ra tiếng Anh không đáng ghét như mình nghĩ" và bắt đầu chuyên tâm học hành hơn.
Một năm sau, em tham dự đội tuyển học sinh giỏi môn tiếng Anh dự thi cấp tỉnh, mang về giải nhất duy nhất cho lớp và sau đó trở thành học sinh lớp chuyên Anh của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Đến bây giờ, Mai vẫn coi cô giáo chủ nhiệm năm lớp 8 là người thay đổi cuộc đời em.
Lên THPT, Mai tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành nhà ngoại giao. Lúc đó, du học vẫn đang chưa quá phổ biến tại Nam Định, chưa được ủng hộ và đầu tư nhiều. Nữ sinh tự mày mò, tìm hiểu về du học, cách chuẩn bị hồ sơ và ôm ấp "giấc mơ Mỹ". Mỗi cuối tuần, em lại tự bắt xe khách lên Hà Nội ôn IELTS và SAT dù sức ép thi đại học trong nước ngày một lớn hơn.
Ngay trước kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Mai nhận học bổng với mức hỗ trợ tài chính 60-70% học phí của Đại học Tufts (Mỹ). Tuy nhiên, bố mẹ và ông ngoại khuyên rằng nếu quyết tâm theo đuổi con đường ngoại giao, em cần hiểu Việt Nam trước, hiểu lịch sử hình thành, cách vận hành bộ máy chính trị, lợi ích, quan điểm và chính sách của Việt Nam ra sao, từ đó mới học về thế giới.
Bên cạnh đó, cơ hội hội nhập với nước ngoài không phải ít, em vẫn có thể vừa học trong nước vừa tìm cơ hội ra nước ngoài học hỏi. Cô gái 18 tuổi năm ấy quyết định ở lại Việt Nam và nộp hồ sơ vào Học viện Ngoại giao.
Phương Mai (thứ hai từ phải sang) tại sự kiện Hitachi Young Leaders Initiative 2019 tại Singapore. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Với đầu vào 7.0 IELTS, Mai tưởng việc học tiếng Anh bậc đại học sẽ nhẹ nhàng nhưng hoàn toàn bị ngợp do tiếng Anh ngoại giao yêu cầu rất cao. "Bọn mình khi đó vẫn xem tiếng Anh chuyên ngành là điều ám ảnh. Do phải học và hiểu về đặc thù của ngành, IELTS 7.0 hay 7.5 vẫn có thể trượt như thường", Mai kể.
Mai cũng bị sốc khi thấy nhiều bạn nắm kiến thức lịch sử rất chắc. Học ngoại giao bắt buộc phải hiểu lịch sử, so với các bạn, Mai cho rằng mình còn thiếu sót nên tự động viên "phải cố thôi". Tuy thành tích học tập không tệ so với những gì em tưởng tượng và mong muốn khi còn ở cấp 3, Mai chưa hài lòng với năm học đầu tiên tại Học viện Ngoại giao.
Do trong năm dành nhiều thời gian học tập, hè là lúc nữ sinh cho mình thỏa sức tham dự các sự kiện giao lưu, trao đổi giữa các quốc gia. Mùa hè năm đầu tiên, Mai tham dự Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) được tổ chức tại Mông Cổ, trở thành một trong hai đại diện của Việt Nam và cũng là người trẻ nhất trong lịch sử chương trình được chọn để làm trưởng đoàn đại biểu trong sự kiện mô phỏng hội nghị này (Model ASEM).
Lần đầu tiên "được ra biển lớn", Mai vừa được làm quen với thực tế ngoại giao, vừa biết thêm nhiều tiền bối dày dặn kinh nghiệm. Sau khi kết thúc chuỗi sự kiện, Mai có cơ hội được nói chuyện trực tiếp với giám đốc của chương trình, thẳng thắn hỏi tại sao lại chọn em trong khi kiến thức ngoại giao và kinh nghiệm làm việc chưa nhiều so với anh chị khác. Nữ giám đốc cho biết cô lựa chọn theo tiềm năng chứ không theo độ tuổi và thành tích hiện tại, dặn Mai không bao giờ quá sớm để trở thành người lãnh đạo. Cuộc nói chuyện 10 phút nhưng đã giúp Mai tin tưởng vào bản thân và đặt những mục tiêu xa hơn.
Trở về sau chuyến đi Mông Cổ, Mai tiếp tục dồn hết sức học tập. Em xác định dành toàn bộ thời gian trong năm để học, còn hè là trải nghiệm và khám phá. Do đó, trong bốn năm đại học Phương Mai vừa đảm bảo thành tích học tập top đầu, vừa có thể đặt chân tới 14 quốc gia, có nước đi 4-6 lần để tham dự các hoạt động giao lưu quốc tế.
Phương Mai (thứ hai từ phải sang) tại sự kiện Model ASEM 2016 tổ chức ở Ulaanbaatar, Mông Cổ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Năm 2019, tốt nghiệp với điểm 3,78/4, Mai trở thành thủ khoa đầu ra ngành Quan hệ quốc tế nhưng chưa vội du học thạc sĩ ngay. Cô gái quê Nam Định dành thời gian một năm đi làm để xem năng lực của mình so với môi trường làm việc trong nước, từ đó hiểu mình và xác định xem muốn học thạc sĩ về chuyên ngành nào. Trong thời gian này, Mai đảm nhận đồng thời hai vị trí là điều phối dự án cho một công ty Thái Lan và cố vấn hợp tác cho một công ty Việt Nam.
Tháng 10-11/2019, Mai ứng tuyển 6 học bổng nhưng Covid-19 bùng phát, không đại học nào hồi âm đúng hạn. Chờ đợi hơn nửa năm, đã có lúc Mai khủng hoảng. Nếu không đi được thì việc du học bị trì hoãn quá lâu, dẫn đến việc đi làm chậm trễ. "Với mình, du học là công cụ cần để đạt mục tiêu lớn hơn", Mai nói.
Được bạn bè và người thân động viên, cô gái sinh năm 1997 lấy lại chút tinh thần và đợi thêm một thời gian nữa trước khi lên kế hoạch khác. Giữa tháng 4, Mai bắt đầu nhận tin vui đầu tiên từ Đại học Bắc Kinh, sau đó liên tiếp 5 đơn vị còn lại đều chấp nhận hỗ trợ học bổng toàn phần. Tổng ba học bổng của Liên minh châu Âu giá trị khoảng 150.000 euro (gần 4 tỷ đồng).
Sau khi cân nhắc, Mai lựa chọn học bổng Erasmus Mundus về "Euro-culture" tại 3-5 quốc gia gồm Đức, Hà Lan và có thể tại Thụy Điển, Italy và Pháp trong hai năm. Học bổng này giúp Mai hiểu sâu về chính trị, xã hội và văn hóa của châu Âu với cách tiếp cận đa chiều.
Chị Hiền Nguyễn, giành học bổng Erasmus Mundus khóa 2018-2020 về Nghiên cứu phát triển toàn cầu, đã hỗ trợ Mai từ khi bắt đầu chuẩn bị hồ sơ đến khi nhận kết quả. Chị Hiền đánh giá Mai nỗ lực, kiên trì và chăm chỉ, thành tích cá nhân và kinh nghiệm em đạt được rất ấn tượng. "Chứng kiến Mai đạt 6 học bổng toàn phần, tôi vô cùng tự hào", chị Hiền nói.
So với bản thân cách đây bốn năm, Mai cho rằng mình đã tự tin hơn nhiều, biết cách làm việc khoa học và kiên định theo đuổi mục tiêu. Cô gái 23 tuổi xác định sẽ trở về Việt Nam sau khi du học để theo đuổi công việc ngoại giao tại các bộ, ngành hoặc bộ phận đối ngoại tại doanh nghiệp. "Mình đang học thêm tiếng Đức và Trung, dành nhiều thời gian bên gia đình trước khi lên đường khám phá một chân trời mới đã mong ước bao lâu nay", Mai nói.
Kế hoạch du học dang dở vì Covid-19 Chương trình thí điểm đưa sinh viên quốc tế trở lại Australia, niềm hy vọng của du học sinh Việt Nam và các công ty tư vấn di trú, vừa được thông báo tạm hoãn không thời hạn. Chị Vân Nguyễn (Khánh Hòa) thẫn thờ khi nghe công ty tư vấn du học thông báo kế hoạch đưa sinh viên quốc tế trở...