Ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội đối với giới trẻ
Sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông tạo ra sự kết nối, tương tác với nhau dễ dàng hơn, điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng lợi dụng phát tán những video có ý đồ xấu lên mạng và qua mạng xã hội, nhằm gây ấn tượng, nổi tiếng, trục lợi như hiện tượng nổi lên gần đây nhất là Khá “bảnh”, Dương Minh Tuyền.
Ảnh minh họa
Thông qua các trang mạng xã hội, những nhân vật này đã gây ảnh hưởng xấu tới một số lượng lớn giới trẻ hiện nay, dấy lên phong trào thần tượng “giang hồ mạng”.
Theo tôi, không hẳn là giới trẻ không biết về các chuẩn mực đạo đức, các bạn vẫn được răn dạy từ phía gia đình, nhà trường, xã hội hàng ngày, nhưng vì sự nhận thức chưa đầy đủ về “hình mẫu” (còn gọi là thần tượng), một số bạn mất niềm tin vào các giá trị chuẩn mực từ gia đình, nhà trường cho đến xã hội, kết hợp với đặc điểm tâm lí lứa tuổi đang trong thời kỳ “nổi loạn”, dễ bị ảnh hưởng, dễ bị lôi kéo, a dua, dẫn đến học theo, làm theo “giang hồ mạng”, mà các em lại cho đó là bản sắc cá nhân của mình.
Bản sắc cá nhân rất quan trọng, giúp cho bạn biết bạn là ai, bạn đang có gì, bạn cần phải làm gì, mục tiêu của bạn ra sao. Mất bản sắc cá nhân, các bạn sẽ mất định hướng, mất đi lí tưởng sống, kéo theo thế giới quan lệch lạc. Người lớn phải giúp trẻ xây dựng bản sắc cá nhân càng sớm càng tốt, và phải có sự phối hợp từ phía gia đình, nhà trường, xã hội và đặc biệt là sự chủ động từ chính bản thân của trẻ.
Một vài gợi ý giúp các bạn trẻ xây dựng bản sắc cá nhân của mình nhằm chủ động cho tương lai:
Video đang HOT
Thứ 1. Các bạn hãy bắt đầu bằng cách viết ra một tuyên bố về một mục đích cho tương lai của bạn, điều này sẽ như một sợi chỉ đỏ dẫn đường cho các bạn lựa chọn kiến thức để học tập, phương pháp để đi đến đích.
Thứ 2. Tạo ra sự khác biệt bằng cách xác định những tiêu chuẩn, giá trị sống, khả năng bạn đang có và nhược điểm của bạn.
Thứ 3. Hãy học một kỹ năng mới mà bạn cho rằng có thể hỗ trợ bạn hoàn thành mục tiêu tương lai của bạn như kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng quản lí bản thân, kĩ năng tự bảo vệ mình, kĩ năng ứng xử, giao tiếp…
Thứ 4. Hãy xem mạng xã hội như một kênh để xây dựng bản sắc cá nhân cho bạn. Bạn có thể kết nối với nhiều bạn, ở nhiều nước khác nhau, giúp bạn quảng bá bản sắc cá nhân của bạn đến bạn bè trên thế giới. Hãy giới thiệu giá trị thật của bạn, hình ảnh thật của bạn, những cái bạn mới học được và cả những cái bạn cần học thêm.
Ngoài sự chủ động của các bạn trẻ thì còn cần có sự hỗ trợ trẻ từ gia đình. Bố mẹ hãy đồng hành cùng con, bố mẹ chính là những người thầy, những “hình mẫu” đầu tiên tác động đến trẻ. Hãy dừng lại và nhìn con trẻ để dẫn con cùng đi, đừng phó mặc việc dạy cho nhà trường.
Ngành giáo dục, cụ thể hơn là trường học, hãy bớt đi áp lực thành tích, hãy tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thực chất cho học sinh, hãy đồng hành cùng gia đình để phát triển thế giới tâm trí cho trẻ. Cuối cùng không thể không nói đến các ban, các bộ, các ngành có liên quan, hãy cập nhập kiến thức, hãy cập nhập luật pháp, hãy đi trước đón đầu sự phát triển, đừng đi sau giải quyết hệ quả của các hiện tượng xã hội.
TS. Phan Thị Thanh Hương
Theo CAND
Khi giới trẻ nhận thức lệch chuẩn
Trong 2 ngày qua, trên facebook tràn ngập hình ảnh một thanh niên tên Dương Minh Tuyền được đông đảo thanh thiếu niên chào đón nhiệt liệt khi đến Hưng Yên "trợ giúp nữ sinh lớp 9 trong vụ bị 5 bạn học bạo hành dã man".
Ảnh minh họa
Chỉ sau 3 giờ livestream, facebook của thanh niên này đã lập tức nhận được 94.000 lượt view và hơn 800 lượt share, hơn 1.400 comment với những lời ca tụng và bày tỏ sự ái mộ nồng nhiệt. Thực tế, Dương Minh Tuyền ở Bắc Ninh nổi tiếng bởi sự liều lĩnh cũng như có các clip chửi bới trên mạng xã hội cùng những thành tích ra tù vào tội của mình.
Trước đó, đầu tháng Ba, mạng xã hội cũng ồn ào về clip đốt xe và hình ảnh đứng dàn hàng ngang cùng bạn bè trên quốc lộ của một thanh niên khác có biệt danh Khá Bảnh, người có tên thật là Ngô Bá Khá (26 tuổi, ở Bắc Ninh). Giới trẻ không những không lên án hành vi vi phạm pháp luật, mà còn tung hô Khá Bảnh như một "người hùng" vì dám nghĩ, dám làm... Đáng lưu ý, YouTube riêng của nhân vật này luôn có hàng triệu lượt view và comment.
Khá Bảnh cũng từng vào tù ra tội, nhưng thanh niên này luôn tự hào mình là người nghĩa hiệp, dám nói dám làm và dám chịu trách nhiệm. Điều đáng nói "hiện tượng Khá Bảnh" lại được giới trẻ tung hô, hâm mộ như một ngôi sao thời thượng khiến dư luận bức xúc, lên án. Nhiều học sinh còn ăn mặc, cắt tóc giống Khá Bảnh, thậm chí nhiều bạn trẻ nhảy những điệu nhảy y hệt thần tượng của mình.
Hiện tượng hâm mộ Dương Minh Tuyền, Khá Bảnh làm nhiều người gợi nhớ đến những hiện tượng từng "gây bão" mạng một thời như Lệ Rơi, bà Tưng. Những nhân vật này không cần tài năng, chỉ cần một phát ngôn gây sốc, khoe thân "show hàng", một giọng hát lệch tông đã thu hút sự chú ý của hàng triệu bạn trẻ, trở thành hiện tượng nổi tiếng trong giới trẻ.
Đề cập đến vấn đề này, nhiều bậc cha mẹ cho biết, họ rất "đau đầu" khi rất khó kiểm soát được con xem gì, đọc gì, tung hô trào lưu nào. Chị Nguyễn Thùy Trang (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) cho biết, mới đây chị mới biết con mình hâm mộ Khá Bảnh. Khi bị bố mẹ phản đối, con chị còn cho rằng, bố mẹ "lạc hậu", không biết xu hướng thời cuộc là gì.
"Tôi đã tâm sự, chia sẻ với con rất nhiều về điều này, nhưng con đều phản bác, chúng nó chơi với nhau có hội có thuyền, cùng nhau tung hô một thần tượng như Khá Bảnh là điều chúng tôi vô cùng lo lắng" - chị Trang nói.
Theo TS Trần Thành Nam - giảng viên Tâm lý, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, những học sinh tỏ ra hâm mộ và làm theo những hiện tượng xuất hiện trên mạng xã hội chủ yếu là học sinh cấp 2 và cấp 3, là giai đoạn tuổi dậy thì. Đặc điểm tâm lý của lứa tuổi này là tò mò, thích khám phá những điều mới lạ.
Thậm chí những điều bố mẹ cấm, nhà trường cấm thì lại có xu hướng thích làm. Do đó, việc hâm mộ hay bắt chước những thứ trẻ cảm thấy thích thú là cách chúng thể hiện, tìm kiếm giới hạn bản thân. TS Trần Thành Nam khuyến cáo, cha mẹ cần sát sao hơn trong việc dạy dỗ, định hướng con cái. Đặc biệt, cha mẹ nên thường xuyên chia sẻ với con mọi niềm vui, nỗi buồn, cũng như tìm hiểu thị hiếu, sở thích để có biện pháp điều chỉnh phù hợp.
Cũng theo TS Trần Thành Nam, ngoài việc dạy dỗ, định hướng của gia đình, nhà trường cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành, phát triển nhân cách của học sinh. Thầy cô giáo không nên chỉ dạy trẻ kiến thức sách vở để lấy điểm số, thành tích, mà cần quan tâm hơn đến việc dạy kỹ năng sống, giúp trẻ ứng xử với mọi tình huống trong cuộc sống, cùng như ứng xử trên mạng xã hội. Điều này vô cùng quan trọng, sẽ tránh cho trẻ được những nhận thức lệch chuẩn. Bởi sự lệch lạc trên có thể dẫn tới những hệ lụy tiêu cực trong xã hội.
Theo kinhtedothi
Điểm nhấn giáo dục: Gà 'thối' vào trường, phạt trẻ ăn thạch trong nhà vệ sinh Sở GD&ĐT Yên Bái lên tiếng về việc học sinh chụp ảnh cùng 'Khá Bảnh'; Cô giáo Hưng Yên bắt trẻ ăn 20 gói thạch trong nhà vệ sinh bị chấm dứt hợp đồng; Hà Nội lại xuất hiện nghi án thịt gà bốc mùi 'tuồn' vào trường học hay hàng ngàn học sinh hoãn thi vì lộ đề, Sở GD&ĐT Bình Thuận...