Anh hùng Tam Quốc và những cái chết vì ‘gót chân Achilles’
Các anh hùng Tam Quốc dù tài giỏi đến đâu vẫn có điểm yếu khiến họ gặp họa sát thân, như tính kiêu ngạo hại chết Quan Vũ, bản chất nóng nảy khiến Trương Phi bỏ mạng.
Quan Vân Trường, Chu Du, Trương Phi là những anh hùng huyền thoại thời Tam Quốc. Mỗi người sở hữu những điểm mạnh, yếu khác nhau nhưng có chung một điểm rằng khiếm khuyết của mỗi người lại chính là nguyên nhân khiến họ bỏ mạng.
Quan Vũ chết vì ngạo mạn
Quan Vũ (tự Vân Trường) là vị tướng nổi tiếng thời Tam Quốc. Ông góp phần quan trọng giúp Lưu Bị lập nhà Thục Hán và là người đứng đầu trong Ngũ hổ tướng.
Dưới ảnh hưởng của Tam Quốc diễn nghĩa, dân gian xem hình ảnh Quan Vân Trường cưỡi Xích Thố, tay cầm thanh Long đao là biểu tượng của tính hào hiệp, trượng nghĩa, trung thành. Tuy nhiên, nhiều sử gia khẳng định ông quá kiêu căng, ngạo mạn và chính tính cách này gây ra cái chết của Quan Vũ.
Tam Quốc Chí của sử gia Trần Thọ có rất ít thông tin về cái chết của Quan Vân Trường. Theo Thục Chí, năm 214, nghe tin Mã Siêu hàng Lưu Bị ở Tây Xuyên, Vân Trường đang ở Kinh Châu bèn viết thư hỏi Gia Cát Lượng: “Nhân phẩm, tài năng của Mã Siêu có thể sánh với ai?”.
Biết tính Quan Vũ, Khổng Minh phải lựa cách trả lời để không phật lòng ông: “Mã Siêu chỉ có thể sánh ngang với Trương Phi, không thể siêu phàm tuyệt luân như ngài”.
Mấy câu này xoa dịu sự bất mãn trong lòng Quan Vũ. Ông thậm chí đắc ý, mang thư khoe với nhiều người. Tương tự, khi Hoàng Trung được Lưu Bị phong hàm ngang hàng ông, Quan Vũ đã không hài lòng khi cho rằng chiến công của mình hiển hách sao có thể so ngang với một lão tướng già.
Khi đối chọi với Tào Ngụy tại Kinh châu, Tào Tháo sai người hẹn Tôn Quyền hợp lại đánh Quan Vũ. Trước khi quyết định, Tôn Quyền phái sứ giả tới cầu hôn con gái của Vân Trường cho con trai mình để thăm dò thái độ.
Tiếc rằng, lúc đó, Quan Vân Trường quên hết lời dặn của quân sư Khổng Minh, không chỉ cự tuyệt hôn ước mà còn nhục mạ sứ giả và Tôn Quyền.
Câu nói “nòi hổ không thể gả cho giống chó” của ông xúc phạm nặng nề nhà Đông Ngô, phá vỡ chủ trương chiến lược của Gia Cát Lượng.
Vì thế, các sử gia đánh giá việc Tôn Quyền ngầm hàng Tào Tháo, giết Quan Vũ chính là “quả đắng” do ông quá ngạo mạn. Kinh Châu thất thủ cũng là kết cục từ thói khinh người của Quan Vũ.
Các nhà nghiên cứu hiện đại ngày nay ủng hộ quan điểm rằng Quan Vân Trường là nhân vật bi kịch và bi kịch của ông xuất phát từ khiếm khuyết trong tính cách của Quan Vũ.
Trương Phi chết vì nóng nảy
Trương Phi là danh tướng nhà Thục Hán, tự là Dực Đức, người Trác Quận, nay là Trác Châu, tỉnh Hà Bắc. Lúc trẻ, ông cùng Quan Vũ theo Lưu Bị khởi sự.
Tuy là bậc anh hùng, Trương Phi quá nóng nảy, dễ nổi giận, khiến không ít lần ông bị rơi vào bẫy của kẻ địch, cuối đời còn mang họa sát thân.
Năm hai mươi bốn Kiến An (221), Lưu Bị lên ngôi hoàng đế, Trương Phi được phong làm Xa kị tướng quân kiêm Tư mã Thái úy, Tây Hương hầu. Sau đó, Lưu Bị khởi binh đánh Đông Ngô báo thù cho Quan Vũ, sai Trương Phi cầm hơn vạn quân bản bộ xuất phát từ Lãng Trung đến Giang Châu hội binh với Lưu Bị.
Trương Phi có bản tính nóng như lửa.
Tam Quốc Chí viết: “Phi yêu kính người quân tử mà không biết thương xót kẻ tiểu nhân. Lưu Bị vẫn thường khuyên Phi rằng: ‘Khanh dùng hình phạt quá mức, lại hay đánh đập người dưới, xử phạt xong mà vẫn giữ bên mình, ấy là chuốc lấy tai vạ’. Tuy nhiên, Phi vẫn không chịu sửa đổi”.
Video đang HOT
Khi mới khởi quân, do nôn nóng muốn báo thù cho Quan Vũ, ông bắt hai bộ hạ dưới trướng là Trương Đạt và Phạm Cương phải gấp rút may đủ quân trang cờ xí màu trắng cho toàn quân trong thời gian ngắn để để tang cho Quan Vũ, đồng thời dọa sẽ đánh đập họ nếu không hoàn thành.
Cuối cùng, vì sợ bị phạt, Trương Đạt và Phạm Cương nhân lúc Trương Phi say rượu và ngủ say, bí mật lẻn vào và đâm chết, cắt lấy thủ cấp mang nộp cho Tôn Quyền xin hàng.
Chu Du, Bàng Quyên chết vì ganh tị?
Nhiều người cho rằng, việc Chu Du và Bàng Quyên chết vì đố kị, ghen ghét là chi tiết hư cấu do La Quán Trung sáng tác ra theo tư tưởng lấy nhà Thục Hán làm chính thống. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng sự ảnh hưởng lớn của Tam Quốc diễn nghĩa và rất khó thay đổi hình tượng vị anh hùng này trong lòng hậu thế.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Chu Du vì ghen tỵ với tài năng của Gia Cát Lượng, cộng thêm 3 lần bị Khổng Minh chọc tức mà hộc máu chết. Trước lúc chết, vị tướng này còn buông câu thống thiết: “Trời đã sinh ra Du sao còn sinh Lượng?”.
Tuy nhiên, trong bộ Tướng Soái Trung Quốc Toàn truyện của tác giả Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Tuyết và Dương Hiệu Xuân có ghi “đó là lời lẽ hoàn toàn không đáng tin”.
Tướng tài Chu Du gánh tiếng oan đố kỵ nghìn năm.
Theo chính sử, Chu Du vì đau ốm mà đột ngột qua đời năm 210 khi mới 36 tuổi. Sách Tam Quốc Chí nhiều lần khen ngợi Chu Du là bậc anh tuyển dị tài, nhân tài phò vương, thậm chí còn coi ông là vị anh tài văn võ thao lược trong vạn người. Đồng thời, sách không hề đề cập chuyện Chu Du than thở trước khi chết như trên.
Còn về Bàng Quyên, ông cũng được La Quán Trung xây dựng với tính đố kỵ điên cuồng với Tôn Tẫn. Những chi tiết hư hư thực thực đan xen nhau. Năm 341 trước công nguyên, Ngụy vương một lần nữa sai Bàng Quyên đem quân đánh Tề. Để lừa Bàng Quyên đuổi theo quân Tề, Tôn Tẫn dùng kế rút bếp, cứ ngày hôm sau thì lại cho làm bếp ở doanh trại ít hơn so với ngày hôm trước.
Kế rút bếp khiến Bàng Quyên tưởng rằng quân Tề sợ hãi đã bỏ trốn quá nửa. Vì vậy ông bỏ bộ binh, chỉ mang theo khinh binh thúc quân bất chấp mỏi mệt đuổi theo quân Tề ngày đêm.
Về phần mình, Tôn Tẫn trù tính trước sẽ đánh úp quân Ngụy ở Mã Lăng Đạo, một con đường hẹp có hai bên vào hiểm trở, dễ mai phục, khó lui quân. Tôn Tẫn cho quân dùng cung tên mai phục cẩn thận, lại cho sơn trắng cây trên đó có ghi chữ: “Bàng Quyên chết ở dưới cây này”.
Quả nhiên, Bàng Quyên cùng tinh binh bị lừa vào rọ lúc nửa đêm, khi Bàng Quyên đốt lửa để đọc chữ thì Tôn Tẫn cho quân phục kích bắn tên tới tấp. Bàng Quyên thấy thế cùng lực kiệt bèn tự đâm cổ chết, trước lúc chết còn than rằng: “Thế là ta làm cái thằng ấy nổi danh”. Ai cũng hiểu “thằng ấy” mà Bàng Quyên nhắc tới là Tôn Tẫn.
Tào Tháo chết vì đa nghi
Tào Tháo là vị tướng thời Đông Hán, người có công lớn cho cuốn binh thư nổi tiếng là Binh pháp Tôn Tử. Theo chính sử, Tào Tháo mắc bệnh đau đầu trong nhiều năm nên sai người triệu danh y Hoa Đà, là người đồng hương ở huyện Tiêu, nước Bái thuộc Dự Châu, đến chữa trị. Do thuốc của Hoa Đà hiệu nghiệm, ông đã giữ thần y lại bên mình.
Được một thời gian chưa xong, Hoa Đà xin về nhà thăm vợ có bệnh, lại xin nghỉ thêm ít lâu nữa. Tào Tháo nghi ngờ, sai người đến dò xét thì thấy vợ Hoa Đà không có bệnh gì, bèn hạ lệnh bắt Hoa Đà vào ngục hỏi tội. Bị cai ngục tra tấn, Hoa Đà chết trong ngục.
Năm 219, Tào Tháo lại tái phát bệnh đau đầu. Ông giao lại bản doanh Nghiệp Thành của nước Ngụy cho thế tử Tào Phi quản lý, còn mình về Lạc Dương dưỡng bệnh. Bị bệnh đau đầu hành hạ không có ai chữa được, tháng giêng năm 220, Tào Tháo qua đời, thọ 66 tuổi.
Tuy nhiên, trong Tam Quốc diễn nghĩa, La Quán Trung viết rằng Tào Tháo mở hộp đựng thủ cấp Quan Vũ ra, thấy râu tóc dựng đứng lên, trừng mắt ra nhìn. Ông hoảng sợ tới mức tái phát bệnh đau đầu. Hoa Đà được triệu đến chữa bệnh, đề nghị bổ đầu ông ra để phẫu thuật. Ông nghi ngờ Hoa Đà muốn giết mình nên bắt giam thần y vào ngục. Hoa Đà chết trong ngục, không lâu sau thì Tào Tháo cũng chết.
Theo Zing
Triệu Vân cứu ấu chúa và tấm gương bậc anh hùng tận trungTriệu Vân cứu ấu chúa và tấm gương bậc anh hùng tận trung
Với ngọn trường thương, Triệu Vân hai lần cứu con của Lưu Bị, lập nhiều chiến công. Ông là một trong ít những anh hùng Tam Quốc được đánh giá cao cả trong chính sử lẫn dã sử.
Triệu Vân, tự Tử Long, là người vùng Thường Sơn. Ông là danh tướng có công giúp Lưu Bị lập nhà Thục Hán và là một trong ngũ hổ tướng danh chấn Tam Quốc.
Trí dũng toàn tài, tận trung nghĩa
Ban đầu, Triệu Vân theo Công Tôn Toản đánh quân Khăn Vàng. Sau khi liên minh chống Đổng Trác tan rã, các chư hầu quay sang đánh lẫn nhau.
Viên Thiệu đoạt được Ký Châu, nhiều người quy phục. Tuy nhiên, Triệu Vân lại theo Công Tôn Toản chinh chiến, nhiều lần đụng độ với quân Viên Thiệu.
Hình ảnh Triệu Tử Long gắn liền Bạch Long mã và ngọn trường thương. Ảnh: Sina.
Khi Lưu Bị nương nhờ Công Tôn Toản, ông ta rất quý mến Triệu Vân. Hai người kết giao. Năm 193, Toản sai Lưu Bị hỗ trợ Thứ sử Thanh Châu là Điền Khải chống lại Viên Thiệu rồi lại lệnh Triệu Tử Long tháp tùng Lưu Bị.
Quãng thời gian kề vai chiến đấu khiến mối quan hệ của hai người gắn bó hơn nhưng Triệu Vân vẫn giữ lòng trung với Công Tôn Toản.
Giữa lúc Công Tôn Toản và Viên Thiệu giao tranh ác liệt, anh cả của Triệu Vân qua đời, ông xin về quê để tang anh. Lưu Bị đoán Triệu Vân nhân dịp này sẽ đi luôn nên tìm gặp ông và cầm tay hẹn ngày gặp lại.
Sau này, Toản bị Viên Thiệu tiêu diệt, danh tướng Thường Sơn thà về quê chứ không phản bội Công Tôn Toản để theo Lưu Bị. Mãi đến khi Lưu Bị bỏ Viên Thiệu chạy về phía Nam, nương nhờ Ký Châu, Triệu Tử Long mới chủ động tìm đến, cùng nhau chiêu tập binh mã.
Lòng trung thành của Triệu Vân khiến Lưu Bị cảm phục và tin dùng. Dù xét về mặt chiến công hay chức tước, Tử Long không sánh kịp Quan Vân Trường và Trương Phi, ông lại là một trong số ít cận thần được Lưu Bị tin tưởng giao nhiệm vụ bảo vệ gia quyến.
Tào Tháo cũng rất quý mến danh tướng Thục Hán này. Ông ta từng có cơ hội giết chết Triệu Vân nhưng lại chỉ ra lệnh bắt sống. Chính mệnh lệnh ấy đã giúp Thường Sơn tướng quân có cơ hội phá vòng vây thoát thân.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, La Quán Trung khá ưu ái vị danh tướng này. Ông miêu tả Triệu Vân là võ tướng cao cường, trí dũng song toàn. "Ngọn thương của Vân múa, khi lên khi xuống thấp thoáng như cành hoa lê bay, lộn trước lộn sau tơi bời như hạt mưa tuyết toả. Trương Cáp, Từ Hoảng trông thấy rụng rời hết vía, không dám ra địch".
Trang Sina (Trung Quốc) từng có bài đánh giá ngũ hổ thượng tướng nhà Thục Hán. Theo đó, nếu xét về danh tiếng và chiến công hiển hách, Võ thánh Quan Vũ sẽ đứng vị trí cao nhất. Tuy nhiên, nếu xếp cả về đức độ, tài thao lược, trí dũng song toàn, chắc hẳn Triệu Vân đứng đầu.
Như vậy, so với các danh tướng hữu dũng nhưng khuyết thiếu mưu lược như Vân Trường, Dực Đức, Tử Long được đánh giá toàn tài hơn.
Ông nổi tiếng với tài dùng thương, 10 dũng tướng của Tào Tháo không địch nổi một mình Triệu Vân. Với tài thương thuật của mình, Triệu Vân có thể dũng mãnh tả xung hữu đột, giành được chiến thắng trong vòng vây kẻ địch. Ông được Lưu Bị ngợi khen như là võ tướng dũng khí có thừa.
Cưỡi bạch mã, cầm trường thương, Triệu Vân lập những chiến công hiển hách. Ông từng phá trận Bát Môn kim Tỏa của Tào Nhân, hai lần cứu A Đẩu.
Chỉ riêng chiến công một mình phá vây hàng vạn quân Tào, chém gãy hai lá cờ to, giết 50 danh tướng quân Tào, lấy được thanh gươm báu Thanh Công của Tào Tháo đã đủ để liệt Triệu Vân vào hàng dũng tướng hàng đầu Tam Quốc.
Ông cũng truy kích Tào Tháo ở trận Xích Bích, đánh Tây Xuyên, Hán Trung, đánh tộc người Man do Mạnh Hoạch chỉ huy, tham gia Bắc phạt do Gia Cát Lượng chỉ huy.
Khi Lưu Bị muốn đánh Đông Ngô để trả thù cho Quan Vũ, Triệu Vân ngăn cản vì cho rằng thời thế chưa cho phép, quân Thục chưa đủ mạnh. Lưu Bị không nghe dẫn đến đại bại.
Hai lần cứu ấu chúa
Năm 208, Tào Tháo đánh chiếm Kinh Châu. Lưu Bị giao tranh với quân Tào ở Đương Dương - Tràng Bản, thua lớn phải chạy về phía nam.
Trong buổi loạn lạc, nhiều người truyền tin Triệu Vân hàng Tào nhưng Lưu Bị nhất mực tin tưởng ông.
Tam Quốc diễn nghĩa miêu tả việc Triệu Vân phá vòng vây cứu A Đẩu rất ly kỳ. Lúc đó, Lưu Thiện không đi cùng mẹ ruột mà ở cạnh My phu nhân. Sau khi trao A Đẩu cho Triệu Vân, vị phu nhân này tự sát để không vướng chân hai người.
Ngay tại thời điểm nguy nan, Triệu Vân xông pha trận mạc, cứu mẹ con Cam phu nhân và con trai quân chủ là Lưu Thiện (A Đẩu), khiến Lưu Bị vô cùng cảm kích.
Triệu Vân ôm con trai quân chủ, tả xung hữu đột, lao thẳng vào vòng vây quân Tào, giết chết vô số tướng địch.
Triệu Vân phá vòng vây, cứu ấu chúa trong trận Đương Dương - Tràng Bản. Ảnh minh họa.
Khâm phục sức mạnh, dũng khí danh tướng Thục Hán, Tào Tháo ra lệnh quân sĩ không được bắn lén Triệu Vân mà tìm mọi cách bắt sống. Tử Long vung thương giết 50 tướng, chém gãy hai lá cờ to, đoạt gươm Thanh Công, phá vòng vây, bảo vệ được Lưu Thiện.
Máu đỏ chan hòa áo giáp hồng
Đương Dương ai kẻ dám tranh hùng
Xưa nay cứu chúa xông trăm trận
Chỉ có Thường Sơn Triệu Tử Long.
Khi Triệu Vân đưa A Đẩu về gặp Lưu Bị, Lưu Bị vứt con trai xuống, mắng: "Vì ngươi, suýt nữa ta mất một đại tướng!".
Trong ngũ hổ tướng, Triệu Vân chịu trách nhiệm bảo vệ gia quyến của Lưu Bị. Năm 213, ông một lần nữa cứu ấu chúa. Khi đó, Lưu Bị mang quân đánh Ích Châu. Tôn phu nhân - vợ Lưu Bị, em gái Tôn Quyền - thường giễu võ dương oai. Triệu Vân được giao giữ chức Tư mã Kinh Châu, quản nội cung.
Nghe tin Lưu Bị xuất quân, Tôn Quyền phái đội thuyền đến Kinh Châu đón em gái về. Tôn phu nhân muốn dẫn theo Lưu Thiện về.
Triệu Vân biết tin vội vàng cùng Trương Phi dẫn quân chặn sông, khuyên Tôn phu nhân ở lại. Tuy nhiên, bà ta nhất quyết không nghe.
Cuối cùng, hai người phải để Tôn phu nhân đi nhưng buộc bà phải để Lưu Thiện lại. Sau này, ấu chúa lên ngôi, Triệu Vân càng thêm được trọng dụng, liên tiếp giữ nhiều chức vụ quan trọng.
Các sử gia nhận định Triệu Vân là tướng có uy dũng ngoài mặt trận, còn trong màn trướng, ông là người chính trực, lâm sự bình tĩnh, một lòng vì nước, rất được lòng mọi người. Trong việc chính sự, Triệu Vân cũng được xem là người có tư duy nhạy bén, suy nghĩ thấu đáo.
Theo Zing