Anh hùng Phạm Tuân ‘định hướng’ nghề cho học sinh mê vũ trụ
‘Rớt phi công Việt Nam nhưng đậu du hành vũ trụ ở Nga’, nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân đã chia sẻ hóm hỉnh về hành trình vào không gian của mình tại ĐH Bách khoa – ĐHQG TP.HCM sáng 19-5.
Anh hùng Phạm Tuân (thứ hai từ trái sang) tại buổi gặp gỡ sinh viên tại ĐHQG TP.HCM sáng 19-5 – Ảnh: TƯỜNG HÂN
“Do bản thân bị rối loạn tim nên ngày trẻ tôi không đủ tiêu chuẩn học phi công Việt Nam. Tôi học trung cấp kỹ thuật sửa chữa rađa ở Matxcơva nhưng rồi thiếu phi công chiến đấu nên phía Nga kiểm tra lại sức khoẻ và bảo tôi được chọn”, anh hùng Phạm Tuân kể với 500 học sinh, sinh viên có mặt tại Ngày hội không gian 2018.
“Khi tuyển người Việt Nam vào vũ trụ, tôi cũng là lựa chọn cuối cùng lót cho đủ 4 suất. Nhưng sau nhiều vòng kiểm tra, bác sĩ Nga nhận thấy trong môi trường áp lực tăng, tim tôi hoạt động tốt hơn người bình thường”, ông nhớ lại.
Cả khán phòng cười ồ và bị thu hút vào câu chuyện tập luyện gian khổ, áp lực làm việc trong môi trường vũ trụ thừa nguy hiểm thiếu an toàn của ông.
Nhà du hành Phạm Tuân cũng chia sẻ câu chuyện phía Nga thắc mắc vì sao huyết áp ông vẫn ổn định khi tàu chuẩn bị lên vũ trụ.
“Bay vũ trụ cũng nguy hiểm nhưng bay chiến đấu ở Việt Nam còn nguy hiểm hơn. Tiến vào vũ trụ chỉ cần tập luyện thành thục, tàu tốt sẽ không sao nhưng chiến đấu với không quân của kẻ thù khó khăn hơn, luôn có thể bị tấn công bất ngờ, căng thẳng hơn nhiều”, ông nói.
Trước câu hỏi về khó khăn nhất của 7 ngày trong vũ trụ, anh hùng Phạm Tuân kể: bỡ ngỡ ban đầu khi học bơi trong vũ trụ, máu dồn lên não, mặt phù to, ăn uống không ngon, sự cố tàu hỏng, lắp ráp về đêm và thời gian rảnh nhìn ra cửa sổ thấy nhớ gia đình, đồng đội trong khi xung quanh chỉ có im lặng và các chòm sao làm bạn.
Video đang HOT
“Ở dưới đất ta mong lên vũ trụ, lên rồi mới ước trở về mặt đất”, trung tướng Phạm Tuân chia sẻ. “Cuộc sống vũ trụ khắc nghiệt, ngoài khả năng làm chủ trình độ kỹ thuật, phi công vũ trụ phải có tâm lý vững vàng mới vượt qua các tình huống bất trắc”.
Đăng ký từ sớm, hơn 500 học sinh, sinh viên đã chờ đợi tại trường ĐH Bách khoa – ĐHQG TP.HCM để gặp gỡ anh hùng Phạm Tuân – người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ.
Chương trình do Trung tâm vệ tinh miền Nam và ĐH Bách khoa – ĐHQG TP.HCM tổ chức, cũng là dịp định hướng nghề cho học sinh phổ thông về nhóm ngành khoa học – công nghệ vũ trụ.
Học sinh, sinh viên được giới thiệu ứng dụng công nghệ GPS, vệ tinh, tên lửa và những điều thú vị trong Hệ mặt trời. Bằng văn phong giản dị, các nhà khoa học vũ trụ – hàng không khiến học sinh, sinh viên thích thú, ngạc nhiên với những bước tiến vũ trụ của con người.
Ngày hội cũng trình diễn bay thiết bị bay không người lái (UAV) trong giám sát mặt đất, thả bóng bay phục vụ giám sát chất lượng không khí, trình diễn xe tự hành do giảng viên sinh viên chế tạo.
Theo tuoitre.vn
Ngày ra trường, cánh cửa của tôi đóng lại vì đâu?
Trong khi bạn bè hăm hở làm hồ sơ thì tôi rơi nước mắt. Tôi không biết phải làm cách nào để bảo vệ ước mơ của mình. Ba mẹ không cho phép tôi được 'sai'.
TS. Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM, tư vấn ngành nghề cho học sinh tại chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2018 ở Tiền Giang - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ngay từ nhỏ, tôi rất thích trở thành cô giáo dạy toán. Tôi hồ hởi chờ đợi cái ngày được mặc áo dài, được đứng trên bục giảng, được mỗi ngày ở bên những cô cậu học sinh nghịch ngợm, đáng yêu của mình.
Nhưng ba mẹ tôi lại nghĩ khác. Mẹ bảo tôi viển vông, giáo viên thất nghiệp đầy ra. Ba còn cố thuyết phục tôi bằng những thống kê về thất nghiệp hàng năm nếu tôi theo ngành sư phạm.
Bất lực, tôi chỉ biết cãi cùn: "Dù không được dạy ở cấp III hay cấp II, con sẵn sàng dạy mầm non còn hơn làm ngành khác".
Nói vậy nhưng tôi đã không thể bảo vệ được ước mơ của mình. Ba mẹ không cho phép tôi được "sai". Để rồi, ba mẹ định hướng cho tôi thi vào ngành quản trị kinh doanh của một trường đại học.
Tôi nhớ mẹ bảo: "Con đăng kí vào trường nào cũng được, miễn là thuộc lĩnh vực kinh tế". Nghĩa là mẹ đã "gạch sổ" ngành sư phạm đầu tiên với hàng tá "tấm gương to như cái thúng mà con còn chưa sáng mắt ra à?" (theo lời mẹ nói).
Trong khi bạn bè hăm hở làm hồ sơ thì tôi chỉ biết thở dài. Tôi đạp xe đi nộp hồ sơ mà mắt ươn ướt. Tôi không biết phải làm cách nào để bảo vệ ước mơ của mình. Chỉ biết rằng khi đó, tôi cảm thấy như mình vừa để mất một điều gì đó - rất lớn!
Thực tế, ba mẹ muốn tôi thi vào ngành kinh tế bởi đơn giản một lý do to đùng: bác tôi là giám đốc. Mẹ vẫn "tiêm" vào đầu tôi mỗi ngày bằng việc nói về chỗ đứng của tôi ở công ty ấy nhờ cái bóng của bác.
Trong bữa ăn, lúc nào mẹ cũng bảo tôi cố gắng học để sau này nhờ bác xin việc cho. Khi đó tôi đã lờ mờ nhận ra, tương lai của mình đã đặt vào tay người khác. Nghĩa là đến con đường đi của mình, tôi cũng chẳng thể lựa chọn.
Năm đó tôi thi trượt và năm sau thi lại, may mắn đỗ. Nói là may mắn nhưng không hiểu sao tôi không vui. Cuối cùng thì 4 năm đại học cũng trôi qua trong cảm giác chán nản, hụt hẫng. Có lúc tôi muốn vứt bỏ những gì mình đang có để bắt đầu lại nhưng ba mẹ đã không để cho tôi một cánh cửa nào, kể cả khép hờ.
Rồi ngày tôi nhận tấm bằng trung bình khá, mẹ chép miệng: "Thôi, trung bình khá cũng được, miễn là đúng chuyên ngành kinh tế".
Nhưng bất ngờ có chuyện không hay, do đấu đá nội bộ trong công ty nên bác tôi mất chức. "Thế là tay trắng rồi", mẹ đã nói như thế. Rồi mẹ quay ra mắng tôi nếu đỗ ngay từ năm đầu, học xong có phải đã có việc làm ngay không?
Khi đó tôi không nói gì nhưng cảm giác như trút được một áp lực lớn.
Dù sau đó tôi thất nghiệp một thời gian nhưng tôi cảm giác thấy được sống là chính con người mình. Vì đặt quá nhiều hy vọng vào "cánh cửa" là bác tôi nên khi không đạt được, mẹ cũng buồn lắm. Còn ba không nói gì. Có lần ba nói với tôi: "Tại ba nhầm lẫn, ba cứ nghĩ có việc làm là tất cả".
Sau đó, nhờ ba thuyết phục và có lẽ nhìn tôi nằm nhà thất nghiệp, mẹ cũng sốt ruột. Cuối cùng, mẹ đã đồng ý để tôi đi học nghiệp vụ sư phạm và may mắn xin được vào dạy hợp đồng tại một trường cấp ba.
Qua câu chuyện của mình, tôi chỉ mong các bậc cha mẹ hãy tôn trọng quyết định của con. Đừng vì những "cánh cửa", những "tấm vé" mà người lớn nỡ đẩy con đi đường con không thích.
Loài cây thường chỉ hợp với một thứ đất, một khí hậu riêng, bởi thế chẳng thể phát triển, chẳng thể xanh tốt, đơm hoa kết trái nếu như cái cây ấy phải sống trong vùng đất không phù hợp.
Theo tuoitre.vn
Mẹ nghẹn ngào nhận bằng Thạc sĩ danh dự cho con qua đời vì tai nạn giao thông Lễ trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ đợt 1 năm 2018 của trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM diễn ra chiều ngày 27/4 đã có những giây phút xúc động trước khoảnh khắc người mẹ của nữ học viên qua đời nhận bằng thạc sĩ danh dự cho con. Học viên cao học xấu số là Nguyễn Thị Phương Linh,...