Anh chuẩn bị cho kịch bản Brexit không thỏa thuận
Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 27-7 tiếp tục nhắc lại lập trường yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) xóa bỏ điều khoản “chốt chặn” ra khỏi thỏa thuận được nhất trí với người tiền nhiệm Theresa May.
Trong trường hợp hai bên không tìm được tiếng nói chung về vấn đề này, nguy cơ về một Brexit (Anh rời EU) không thỏa thuận sẽ không còn là chuyện xa vời. Các nhà đầu tư lo ngại một kịch bản như thế sẽ tác động tiêu cực đến các thị trường toàn cầu và làm tổn thương nền kinh tế thế giới.
Kể từ khi nhậm chức hôm 24-7, ông Johnson đã không ít lần cảnh báo nếu EU tiếp tục từ chối tái đàm phán về thỏa thuận Brexit, Anh sẽ ra khỏi EU vào hạn chót ngày 31-10 tới mà không có thỏa thuận nào. Đòi hỏi lớn nhất của nhà lãnh đạo này chính là loại bỏ điều khoản “chốt chặn”, dẫn đến phản ứng giận dữ của Cộng hòa Ireland và sự bất bình của các thành viên EU.
Nếu Anh rời EU trong lúc Cộng hòa Ireland vẫn tiếp tục là thành viên của khối này, đường biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland về cơ bản sẽ trở thành đường biên giới “cứng”, dẫn đến phải thiết lập các trạm kiểm soát. Vì thế, theo Reuters, điều khoản “chốt chặn” được xem là chính sách bảo hiểm nhằm ngăn sự quay trở lại của các trạm kiểm soát dọc biên giới trên bộ dài 500 km nói trên, vốn bị xóa sổ theo một thỏa thuận năm 1998. Theo điều khoản này, Anh vẫn sẽ ở lại liên minh thuế quan cho đến khi hai bên tìm được giải pháp nhằm tránh một đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.
Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ Anh phản đối viễn cảnh nước này vẫn tiếp tục bị ràng buộc bởi các quy định và thuế quan của EU, đe dọa ngăn London tìm kiếm các thỏa thuận thương mại của riêng mình.
Hoàng Phương
Video đang HOT
Các lãnh đạo châu Âu cho biết sẵn sàng nói chuyện với Thủ tướng Johnson về vấn đề Brexit nhưng cho đến giờ vẫn khăng khăng sẽ không đàm phán lại về thỏa thuận Brexit đã đạt được với bà May nhưng bị Hạ viện Anh bác bỏ đến 3 lần. Hiện chưa có kế hoạch để hai bên gặp nhau bởi nhà lãnh đạo Anh vẫn đang tập trung vào các vấn đề đối nội.
Trước sự cứng rắn của EU, theo báo The Telegraph hôm 28-7, tân Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid dự định công bố kế hoạch chi khoảng 1 tỉ bảng Anh để bảo đảm nước này chuẩn bị tốt cho kịch bản Brexit không thỏa thuận. Cùng ngày, ông Michael Gove, được Thủ tướng Johnson chọn để lên kế hoạch cho một Brexit không thỏa thuận, nhận định mục tiêu vẫn là Anh rời khỏi EU với một thỏa thuận trong tay nhưng London phải chuẩn bị cho mọi kết cục. Theo ông Gove, rất có khả năng Anh và EU không đạt được thỏa thuận nào khác về Brexit trước hạn chót 31-10.
Dù vậy, không phải chính khách Anh nào cũng sẵn sàng cho cú sốc này. Báo Observer hôm 28-7 tiết lộ cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond đã bí mật thương thảo với Công Đảng đối lập về cách thức ngăn chặn Brexit không thỏa thuận thông qua các cuộc bỏ phiếu quốc hội. Ông Hammond đã đệ đơn từ chức không lâu trước khi ông Johnson lên nắm quyền và là người ủng hộ mạnh mẽ một Brexit có thỏa thuận để nền kinh tế không bị sốc. Thủ lĩnh Công Đảng Jeremy Corbyn cũng tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức để ngăn kịch bản Brexit không thỏa thuận trong lúc lặp lại lời kêu gọi tổ chức trưng cầu ý dân mới về vấn đề gây tranh cãi này.
Hoàng Phương
Theo nld.com.vn
Điều khoản rào chắn: "Hòn đá ngáng đường" Brexit đạt thỏa thuận
"Điều khoản rào chắn" cho phép duy trì đường biên giới mở với Ireland vẫn đang là nội dung gây tranh cãi và là trở ngại ngăn cản Brexit có thỏa thuận.
Thủ tướng Ireland Leo Varadkar hôm 26/7 cảnh báo sẽ không có thỏa thuận Brexit nào thiếu điều khoản rào chắn về biên giới Ireland. Tuyên bố đưa ra sau khi Tân thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, thỏa thuận Brexit hiện nay là "không thể chấp nhận" và chuẩn bị cho khả năng Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận.
Điều khoản rào chắn đang ngăn cản Brexit có thỏa thuận. Ảnh: Reuters
Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Varadkar cho biết, sẽ không có thỏa thuận Brexit hoặc thỏa thuận thương mại tiếp theo nếu Anh không chấp nhận điều khoản rào chắn, một chính sách tạm thời giữ Anh trong liên minh hải quan với EU để chờ giải pháp tốt hơn nhằm ngăn chặn sự quay trở lại biên giới cứng giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland. Theo ông Varadkar, với việc kêu gọi xóa điều khoản rào chắn, Thủ tướng Anh đã thực sự tiến đến một Brexit không thỏa thuận.
Ông Varadkar nói: "Brexit không thỏa thuận là mối đe dọa đối với Anh. Nhưng bên duy nhất gây ra Brexit không thỏa thuận chính là chính phủ Vương quốc Anh. Và trong khi tôi chưa thể có cuộc trò chuyện với Thủ tướng Anh Boris Johnson, thì tôi có thể khẳng định, lập trường của Liên minh châu Âu và của Ireland là không thay đổi.
Điều khoản rào chắn là một phần không thể thiếu của Thỏa thuận Brexit. Nếu không có điều khoản rào chắn thì không có thỏa thuận Brexit, không có giai đoạn chuyển tiếp, không có giai đoạn thực hiện và sẽ không có thỏa thuận thương mại tự do cho đến khi tất cả những vấn đề đó được giải quyết. Vì vậy, tôi hy vọng rằng, Thủ tướng mới của Vương quốc Anh không chọn giải pháp không thỏa thuận nhưng điều đó sẽ tùy thuộc vào phía họ".
Ông Varadkar cũng cho rằng, kịch bản Brexit không thỏa thuận sẽ có thể dẫn tới một Ireland thống nhất vì ngày càng nhiều người dân Bắc Ireland sẽ "đặt câu hỏi về liên minh" với Vương quốc Anh.
Bình luận của ông Varadkar được đưa ra sau khi tân Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, thỏa thuận Brexit hiện nay là "không thể chấp nhận" và chuẩn bị cho khả năng Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận. Ưu tiên hàng đầu của chính phủ cánh hữu mới ở Anh là phải ra đi vào đúng ngày 31/10 tới.
Căng thẳng liên quan đến thỏa thuận Brexit xoay quanh "điều khoản rào chắn", cho phép duy trì đường biên giới mở với Ireland. Đây là nội dung gây tranh cãi nhất và là nguyên nhân chủ yếu khiến thỏa thuận Brexit của cựu Thủ tướng Anh Theresa May bị bác bỏ tới 3 lần tại Quốc hội Anh.
Trước đó, phát biểu tại Quốc hội Anh ngày 25/7, tân Thủ tướng Johnson đặc biệt nhấn mạnh việc loại bỏ hoàn toàn điều khoản này là mục tiêu chính trong các cuộc đàm phán tới đây với EU về Brexit. Ông khẳng định sẽ không chấp nhận bất kỳ phiên bản nào của kế hoạch dự phòng biên giới Ireland, mà ông cho rằng sẽ ràng buộc nước Anh với EU cho đến khi hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại lâu dài.
"Không một quốc gia nào coi trọng sự độc lập có thể đồng ý với một thỏa thuận với điều khoản rào chắn cho dù là có giới hạn về thời gian. Một thỏa thuận đạt được cần phải xóa bỏ hoàn toàn điều khoản rào chắn", ông Johnson cho biết.
Trong khi đó, EU kiên quyết lập trường cho rằng kế hoạch dự phòng này là không thể thiếu để tránh một đường biên giới "cứng" trên đảo Ireland giữa Cộng hòa Ireland thuộc EU và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh.
Trước đó, giới chức EU đã khẳng định không đàm phán lại thỏa thuận Brexit. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cũng nhấn mạnh rằng loại bỏ điều khoản rào chắn là "không thể chấp nhận được".
Theo Vũ Anh Tuấn/VOV1 (biên dịch)
Tổng hợp
Tân Thủ tướng Anh: Vấn đề đường biên giới trên đảo Ireland là trở ngại lớn nhất của Brexit Ngày 27/7, tân Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định Anh và Liên minh châu Âu (EU) sẽ chỉ có thể thúc đẩy Brexit khi loại bỏ điều khoản gây tranh cãi liên quan tới đường biên giới trên đảo Ireland trong thỏa thuận đã ký kết hồi cuối năm 2018. Trong bài phát biểu tại thành phố Manchester, tân Thủ tướng Anh...