AndroidPIT: HTC, hãy ngừng “tỏa sáng trong thầm lặng”!
Theo quan điểm của phóng viên Suzana trên trang AndroidPIT, HTC đã “toả sáng một cách thầm lặng” trong nhiều năm. Họ không chỉ ra mắt chiếc điện thoại Android đầu tiên mà còn giới thiệu nhiều công nghệ đột phá.
Giờ đây, khi đang đứng trên bờ vực phá sản, công ty lại vừa ra mắt chiếc Exodus nhắm vào nhóm người đam mê tiền ảo. Tuy nhiên, có lẽ đã quá muộn để họ cứu vãn tình hình.
HTC đang gặp rất nhiều khó khăn. Năm nay, họ sa thải 1500 nhân viên và lợi nhuận giảm 80%. Họ cũng không còn là nhà sản xuất điện thoại Pixel cho Google.
Vậy điều gì dẫn đến sự sa sút của HTC? Ý tưởng nghèo nàn hay phần cứng kém chất lượng? Là một fan lâu năm của HTC, Suzana cho rằng lý do đến từ việc công ty không tự tin vào sản phẩm và cải tiến của chính mình, từ đó thiếu hẳn những kế hoạch tiếp thị phù hợp.
* Nội dung dưới đây được dịch lại từ bài viết của Suzana.
Những ngày đầu toả sáng trong thầm lặng
Trong năm 2010, HTC Desire HD có thể coi như một trong những smartphone tốt nhất trên thị trường. Trong khi Samsung vẫn còn sử dụng vật liệu nhựa, HTC đã trang bị lớp vỏ nhôm giúp sản phẩm trông sang trọng và bền hơn. Ngoài ra, nó còn sở hữu công nghệ âm thanh vòm của Dolby cùng camera 8 MP chất lượng và không có nhiều phần mềm cài đặt trước.
Desire HD cũng có màn hình lớn hơn và độ phân giải cao hơn, ngay cả khi so sánh với iPhone ở hiện tại. Do đó, thiết bị gây ấn tượng với cả giới phê bình lẫn khách hàng.
Lúc bấy giờ, các nhà mạng thậm chí còn gặp khó khăn trong việc cung ứng, khi nhu cầu về điện thoại HTC là rất lớn. HTC Inspire 4G và Thunderbolt còn nằm trong nhóm những smartphone hỗ trợ 4G – LTE đầu tiên.
Với sản phẩm chất lượng, quảng cáo được HTC thực hiện theo cách tối giản, trực diện, phù hợp với khẩu hiệu “ quietly brilliant” (tỏa sáng trong lặng lẽ) của hãng.
Tuy nhiên, những gì diễn ra tiếp theo chỉ mang đến cho họ nhiều nỗi thất vọng. Trang web HTC Sense bị loại bỏ đột ngột, gần như báo trước về sự miễn cưỡng của HTC trong việc hỗ trợ dịch vụ và thiết bị lâu dài.
Nhà sản xuất đến từ Đài Loan không còn tạo ra thiết kế tuyệt vời cho flagship, mà sự thất vọng mang tên One X trong năm 2012 là một ví dụ. Model này có thân nhựa, một đèn flash duy nhất (Desire HD có 2) và chất lượng âm thanh không mấy thuyết phục, lại bị xước nặng ngay trong lần làm rơi đầu tiên.
Vậy tại sao HTC lại thay đổi ngôn ngữ thiết kế một cách đột ngột? Theo phỏng đoán của tôi, họ muốn chạy theo xu thế (khá nhiều điện thoại vào thời điểm lúc bấy giờ làm từ nhựa). Điều này làm thiết bị mỏng nhẹ hơn, nhưng lại mong manh và không bền.
Lẽ ra, HTC nên trung thành với chất liệu nhôm thay vì hòa theo xu thế sử dụng nhựa. Khi bạn cạnh tranh với những “ông lớn” như Apple hay Samsung, bạn cần nổi bật, thay vì hòa nhập.
Sai lầm về tiếp thị và “mánh” quảng cáo
HTC từng trình làng những điện thoại khá thú vị được tích hợp sâu mạng xã hội Facebook như: HTC Chacha, Salsa và First, nhưng chúng không để lại nhiều dấu ấn và nhanh chóng bị lãng quên. Đây không phải cách hợp lý để họ tạo ra sự khác biệt và thu hút người dùng. Điều tương tự có thể cũng xảy đến với chiếc điện thoại dành cho giới đầu tư tiền ảo – Exodus.
HTC Evo 3D cũng vậy. Dù là một smartphone thuộc nhóm cao cấp và được giới thiệu là có “camera 3D”, bộ phận này thực sự không mang lại hiệu quả như những gì được quảng cáo.
Với HTC One M7 và One M8, mọi chuyện có khác một chút. Bộ đôi này sở hữu cặp loa kép ở mặt trước được đánh giá rất cao, có thể xếp đầu bảng về chất lượng lẫn công suất âm thanh. HTC One M8 cũng là một trong những thiết bị đầu tiên có 2 cảm biến camera ở mặt sau, cho phép tạo hiệu ứng độ sâu cho ảnh.
Đáng tiếc, dù đã không còn dùng khẩu hiệu “quietly briliant” (tỏa sáng trong thầm lặng), HTC lại không thể quảng bá thật rộng rãi những gì tốt nhất của họ. So với những chiến dịch có quy mô rầm rộ mà các nhà sản xuất khác triển khai, dường như HTC không thể cạnh tranh lại, và có thể bây giờ vẫn vậy.
Chắc chắn, nếu bạn muốn được người dùng chú ý, bạn phải nỗ lực quảng cáo và tiếp thị. Samsung luôn chi rất nhiều tiền cho quảng cáo, thậm chí là thực hiện các đoạn video “chọc tức” đối thủ để làm nổi bật thiết bị của mình.
Ý tưởng của HTC là để sản phẩm tự nói lên chính mình, nhưng đó là một việc làm quá ngây thơ. Chỉ bấy nhiêu là không đủ, đặc biệt là khi thị trường tràn ngập các loại smartphone và nhà sản xuất khác nhau trong năm 2018, với không ít cái tên mới xuất hiện.
Huawei, Honor và các thương hiệu Trung Quốc khác không tồn tại, gần như chưa được biết đến tại châu Âu và Mỹ cách đây một thập kỷ hoặc chỉ là sự lựa chọn thay thế rẻ tiền hơn so với Samsung hay Apple. Giờ đây, họ đang nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường, trong khi HTC bị bỏ lại phía sau.
Tình cảnh hiện nay của HTC
Bên cạnh Exodus, chiếc điện thoại HTC mới nhất là U12 . Tôi đã dành 2 tuần trải nghiệm máy trong khi vẫn sử dụng chiếc HTC 10 của mình.
Một trong những tính năng mới nhất của hệ điều hành Android 9 Pie là lật điện thoại để tắt tiếng chuông, nhưng kể cả khi U12 không cài Android 9 khi xuất xưởng, tính năng này đã có thời HTC Desire HD. Có thể thấy, HTC đi trước thời đại không chỉ về mặt thiết kế và phần cứng mà còn cả về phần mềm.
Tuy nhiên, đáng thất vọng khi HTC thường không chú trọng cập nhật phần mềm cho flagship, công ty vốn khá “nổi tiếng” về điều này. Đó có thể là lý do khiến nhiều khách hàng từ bỏ thương hiệu HTC.
Mặc dù vậy, đây không phải vấn đề duy nhất mà HTC gặp phải. Thiết kế an toàn khiến điện thoại mới nhất của họ trông giống như bất kỳ smartphone nào khác. Chúng không có dấu ấn hoặc cảm giác về một chất riêng của HTC.
Mặt lưng kính sáng bóng phía sau U12 khá khó chịu vì bám vân tay liên tục. Bên cạnh đó, nếu HTC có thể làm mặt sau trong suốt hoàn toàn, thiết bị của họ sẽ trở nên nổi bật hơn hẳn, thay vì được làm trong suốt kiểu nửa vời.
Điều tệ nhất là cổng cắm tai nghe đã bị loại bỏ. Khẳng định chất lượng âm thanh trong nhiều năm để rồi bây giờ bỏ đi cổng cắm âm thanh 3.5 mm mà không có lý do rõ ràng không phải là sự lựa chọn khôn ngoan của hãng, nhất là khi HTC U12 cũng chẳng mỏng hơn HTC 10.
Ban đầu, tôi hoài nghi các nút nhạy cảm áp lực và Edge Sense (tính năng bóp cạnh), nhưng sau đó lại thấy khá thích thú. Cả hai đều thể hiện sự sáng tạo và trông hấp dẫn đúng với tinh thần HTC.
Đối với Exodus, có thể nó tích hợp một số tính năng thú vị, nhưng người dùng thông thường nhiều khả năng sẽ không quan tâm. Ngoài ra, hầu hết trong số chúng ta đều không thể mua nó bởi vì bạn phải thanh toán với tiền điện tử.
Đây cũng là lý do tại sao tôi nghĩ rằng, điều quan trọng với HTC lúc này là tìm cách dung hòa giữa tạo ra sự khác biệt chấp nhận rủi ro và đi theo xu thế thị trường. Smartphone hạng “xoàng” và những thiết bị chỉ là “mánh” quảng cáo sẽ không thể nâng cao vị thế lẫn hình ảnh về thương hiệu HTC.
Liệu HTC có thể trở lại? Và bằng cách nào?
Tôi yêu HTC. Tôi đã sử dụng điện thoại của công ty trong 8 năm nay, nhưng cũng chính vì vậy mà tôi cảm thấy thất vọng hơn phần lớn mọi người. Thật buồn khi thấy HTC lãng phí tiềm năng của họ. Với tôi, HTC là một trong những thương hiệu sáng tạo và có sức hấp dẫn nhất ở những năm 2010.
Vì vậy, HTC, hãy dừng ngay việc “tỏa sáng trong thầm lặng” mà phải “hét lên thật to” khi bạn làm ra một điều gì đó tuyệt vời. Họ không cần mánh lới quảng cáo, vì ngay cả khi không làm điều đó, họ vẫn có thể xây dựng nên lượng khách hàng trung thành với những sản phẩm đủ tốt và chiến dịch quảng cáo – tiếp thị đủ ấn tượng.
Bạn nghĩ gì về HTC hiện nay? Liệu họ có thể quay lại với những ngày vinh quang xưa? Cùng chia sẻ quan điểm thông qua phần bình luận ở bên dưới nhé.
Biên tập bởi Tech Funny
HTC U12 Life: 5 điểm nhấn ấn tượng và đáng bỏ tiền ra sắm ngay
Sau một thời gian vắng bóng tại thị trường Việt Nam, trong lần quay trở lại này HTC sẽ tung ra chiếc smartphone tầm trung mang tên HTC U12 Life. Liệu sản phẩm có tạo nên sức hút đối với người dùng hay không? Ngay bây giờ, cùng điểm qua những điểm nhấn đáng giá của "em nó" ngay bên dưới nhé!
1. Thiết kế đảm bảo được tính đẹp và bền
Nhìn bề ngoài HTC U12 Life khá giống với Google Pixel 2 và nhiều người nghĩ rằng HTC đã ăn cắp ý tưởng của Google. Thực sự không phải như vậy thì chính HTC đã đảm nhiệm phần gia công.
Theo hệ thống ngành hàng của Thế Giới Di Động, giá bán của HTC U12 Life là 7.69 triệu đồng kèm thêm phần quà tặng trị giá 990.000 đồng nữa. Dù giá bán tầm trung nhưng chứng tỏ một điều HTC đã chú trọng về phần thiết kế giống với một mẫu flagship thực sự.
Điểm giống với Google Pixel 2 ở chỗ, mặt lưng của HTC U12 Life tách bạch 2 phần giúp tạo sự khác biệt, đỡ nhàm chán so với các dòng sản phẩm ở trên thị trường với mặt lưng 1 màu đơn điệu.
Mặt lưng được thiết kế đường vân sọc ngang giúp hạn chế được trầy xước và mồ hôi. Cách thiết kế đường vân này rất hiếm trên thị trường và gần đây nhất người dùng chỉ thể bắt gặp trên Huawei Mate 20 Pro mà thôi.
Chất liệu được hoàn thiện ở phần mặt lưng là Acrylic Glass (kính thủy tinh), Acrylic (nhựa trong suốt) là một loại nhựa có nguồn gốc từ tinh chế dầu mỏ, chất liệu này có thể là trong suốt hoặc có nhiều màu sắc đa dạng khác nhau.
Ưu điểm của loại kính này là khi lau chùi, người dùng thể đánh bay một số vết xước nhẹ vẫn giữ bóng bẩy. Chưa hết loại kính này cũng có khả năng chịu tác động ngoại lực tốt, khó rạn nứt và chịu được nhiệt độ cao. Cho nên khi chẳng may làm rơi rớt thiết bị thì bạn cũng không phải quá lo lắng.
Mặt trước với màn hình kích thước lớn 6 inch Full HD rộng rãi, tỉ lệ 18:9 chất lượng hiển thị đủ làm bạn hài lòng và quan trọng là không có thiết kế "tai thỏ", không gây cảm giác khó chịu trong trải nghiệm.
2. Cấu hình "chiến" tốt các tựa game hiện nay
Trước đây, các sản phẩm tầm trung của HTC thường sử dụng con chip đến từ MediaTek không được nhiều người dùng ưa chuộng cho lắm. Nhưng trên HTC U12 Life đã hoàn toàn khác, thiết bị được trang bị con chip Snapdragon 636 kết hợp 4 GB RAM.
Điểm hiệu năng đa lõi của máy đạt được từ phần mềm GeekBench4 là 4.967 cao hơn số điểm người tiền nhiệm HTC U11 Life đạt được là 4.154.
Với cấu hình này thì HTC U12 Life có thể đáp ứng được những tựa game được game thủ yêu thích hiện nay như Liên Quân Mobile ở thiết lập đồ họa cao nhất và PUBG Mobile ở thiết lập đồ họa trung bình. So với các đối thủ cùng tấm giá thì cấu hình này tạm ổn và đủ sức cạnh tranh.
3. Camera kép xóa phông
Hầu hết các sản phẩm tầm trung hiện nay đã được trang bị hệ thống camera kép. HTC U12 Life cũng được nhà sản xuất tích hợp hệ thống camera kép sau 16 5 MP ảnh chụp cho ra ở mức chấp nhận được ở điều kiện đủ sáng, chụp xóa phông tách bạch được chủ thể và hậu cảnh.
Máy chụp phong cảnh khá tốt với độ chi tiết được tái tạo lại ở mức cao và hệ thống camera sau cũng hỗ trợ quay video với độ phân giải lên tới 4K@30fps và FullHD@60fps.
Còn camera selfie 13 MP cũng đủ tạo ấn tượng với người dùng bao gồm tính năng nhận dạng khuôn mặt, làm đẹp để khiến mình lung linh hơn trong bức ảnh, hỗ trợ cả đèn flash màn hình để chụp ảnh "tự sướng" trong điều kiện ánh sáng yếu.
4. Viên pin đồng hành với người dùng một ngày dài
Với các đối thủ tầm giá từ 6-8 triệu, thì HTC U12 Life chiếm ưu thế khi sử dụng dung lượng pin 3.600 mAh thì thiết bị sẽ đồng hành cùng bạn trong một ngày dài hơn.
Thử nghiệm thực tế cho thấy, khi kết nối Wifi và xem video thì phải gần cả ngày HTC U12 Life mới hết pin. Điều này cũng tương tự khi người dùng lướt web và lên Facebook.
Nhưng khi chơi tựa game như PUBG Mobile thì thời lượng pin có phần bị sụt giảm đáng kể còn đối với tựa game Liên Quân thì tình trạng này không xảy ra. Nói chung khi bạn ra khỏi nhà cùng với HTC U12 Life vào lúc 8h sáng thì phải đến đến 9h tối người dùng mới phải cần sạc.
5. Giao diện HTC Sense ít tùy biến
HTC U12 Life được cài sẵn hệ điều hành Android 8.1 Oreo cũng giao diện HTC Sense ít tùy biến, loại bỏ trợ lý ảo Sense Companion và ứng dụng NewsRepublic không cần thiết, giữ lại tính năng BlinkFeed để người dùng cập nhật các bài viết trạng thái từ ứng dụng và nguồn tin tức yêu thích của bạn.
HTC cũng sử dụng biểu tượng riêng cho các ứng dụng nhưng khá ít chẳng hạn như với ứng dụng điện thoại, SMS và danh bạ, còn lại là những ứng dụng quen thuộc của Google. Nhìn chung giao diện ít tùy biến và mang lại trải nghiệm mượt mà đối với người sử dụng.
Với những điểm nhấn đã được mình đề cập ở trên, theo bạn HTC U12 Life có khiến người dùng bỏ tiền ra sở hữu?
Biên tập bởi Tech Funny
Độc đáo mẫu điện thoại lai laptop chạy Android, giá 799 USD Với những fan hâm mộ của các thiết bị PDA khi xưa, Cosmo Communicator sẽ là một mẫu điện thoại đầy thú vị và hoài cổ. Mới đây, Planet Computers tiếp tục cho ra mắt phiên bản nâng cấp của mẫu điện thoại lai laptop PDA Gemini với thiết bị mới có tên Cosmo Communicator. Với thiết kế hoài cổ mang phong cách...