Ẩn ý sau sự yên tĩnh kỳ lạ quanh Điếu Ngư/Senkaku
Việc tàu Trung Quốc ngừng mọi hoạt động gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản có thể là một nước cờ của Bắc Kinh nhằm dọn đường cho cuộc gặp mặt quan trọng giữa lãnh đạo hai nước, dự kiến diễn ra vào tháng tới.
Chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông từ lâu là tâm điểm tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Ảnh: Kyodo
Theo thông báo từ lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản (JCG), trong thời gian từ ngày 4/10 đến 16/10, Trung Quốc bất ngờ ngừng mọi hoạt động trong vùng tiếp giáp lãnh hải tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Động thái này gây ngạc nhiên bởi nó xảy ra chỉ một thời gian ngắn sau chuỗi các hoạt động tăng cường của tàu tuần tra Bắc Kinh tại khu vực. Trong tháng 9, Trung Quốc xuất hiện tổng cộng 27 ngày với xấp xỉ 110 tàu trong vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản. Đây là con số cao nhất kể từ tháng 11/2012 khi căng thẳng trong quan hệ hai nước lên tới đỉnh điểm sau việc chính phủ Nhật Bản mua lại 3 trong số 5 đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Năm ngoái, cứ khoảng hai tuần một lần, Bắc Kinh lại điều tàu tới để cố gắng khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình đối với Senkaku/Điếu Ngư. Hành động này diễn ra thường xuyên hơn sau khi Nhật Bản mua lại quần đảo, nhưng giữ ở mức hai đến ba lần một tháng từ tháng 10/2013.
Tàu Trung Quốc thường lấy lý do thời tiết xấu để đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải của quần đảo và ở lại đó vài ngày. Tuy nhiên, khi hai cơn bão quét qua biển Hoa Đông trong tháng này, Bắc Kinh thậm chí không tận dụng cơ hội mà trái lại, biến mất trong 13 ngày. Nhiều câu hỏi được đặt ra quanh động thái bất thường này.
Tại sao Trung Quốc ngừng mọi hoạt động của tàu thuyền gần quần đảo tranh chấp? Theo Diplomat, mặc dù chưa thể khẳng định chắc chắn, nhưng có khả năng đó là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm dịu những cơn sóng dội vào mối quan hệ Trung-Nhật, trước cuộc gặp mặt giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Shinzo Abe, dự kiến diễn ra vào tháng sau, tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Đôi bên gần đây tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ đầu tiên này. Trong đó, phải kể đến cú bắt tay giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và ông Shinzo Abe tại bữa tối dành cho các lãnh đạo châu Á và châu Âu diễn ra ở Milan hôm 17/10.
Bắc Kinh yêu cầu ông Abe thừa nhận việc Senkaku/Điếu Ngư thật sự có tranh chấp như một điều kiện tiền đề để cuộc gặp gỡ song phương giữa hai nhà lãnh đạo, bên lề hội nghị APEC, trở thành hiện thực. Nhưng đây lại là việc làm mà Tokyo từ lâu cự tuyệt. Ngừng các hoạt động tuần tra có thể là một bước đi trong quá trình đàm phán nơi hậu trường của Trung Quốc nhằm thể hiện thiện chí, với mong muốn Nhật Bản sẽ nhượng bộ và chấp nhận yêu sách.
Vì sao Trung Quốc lại gửi tín hiệu bằng việc rút tàu về chứ không phải bằng các tuyên bố? Điều động tàu tuần tra là cách để Trung Quốc truyền đi thông điệp rõ ràng tới Nhật Bản trong khi không cần công khai ý đồ đối với người dân trong nước.
Sự dịch chuyển của các tàu không thể tách rời mối liên hệ với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hoạt động của chúng luôn gửi đi những thông điệp liên quan đến tình trạng tranh chấp của quần đảo.
Video đang HOT
Mặt khác, đã từ lâu số lượng tàu Trung Quốc xuất hiện trong khu vực luôn tỷ lệ thuận với việc căng thẳng trong quan hệ song phương gay gắt hay lắng dịu. Thực tế này khiến việc biến mất của các tàu Trung Quốc không đơn giản chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Trung Quốc biết rõ Nhật Bản luôn chú ý giám sát các tàu thực thi pháp luật của Bắc Kinh trong khu vực. Lực lượng JCG luôn cập nhật một hồ sơ công khai về hoạt động của tàu Trung Quốc trên vùng biển Nhật Bản và vùng tiếp giáp lãnh hải. Tàu Trung Quốc biến mất trong một khoảng thời gian dài sẽ tạo ra một khoảng trống dễ thấy trong hồ sơ của Nhật Bản, đặc biệt khi đem so sánh với tần suất xuất hiện trong tháng 9.
Nhật Bản đương nhiên sẽ đặc biệt để tâm tới sự bất thường này. Những người luôn hy vọng vào cuộc gặp mặt của hai nhà lãnh đạo tại APEC sẽ dùng nó như một đòn bẩy để lập luận rằng Tokyo cũng nên đáp lễ như một cử chỉ có qua có lại.
Việc âm thầm rút tàu về không thu hút quá nhiều sự chú ý của dư luận. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ dễ dàng giải thích cho điều này bằng những lý do liên quan tới điều kiện thời tiết. Như vậy, Bắc Kinh vừa có thể trấn an Tokyo với “ý tốt” của mình vừa tránh được những phản ứng dữ dội từ trong nước.
Câu hỏi cuối cùng đó là: Tại sao tàu Trung Quốc quay lại vùng tiếp giáp lãnh hải của quần đảo Điếu Nga/Senkaku? Sự trở lại này có lẽ ngụ ý rằng các lãnh đạo Trung Quốc cũng có giới hạn trong việc kiềm chế các hoạt động quấy nhiễu, trước việc Nhật Bản không bày tỏ thiện chí thừa nhận tồn tại tranh chấp trên quần đảo.
Hai tuần tạm dừng hoạt động trong vùng tiếp giáp lãnh hải có khả năng là tín hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng thiết lập một tình trạng bình thường mới ở biển Hoa Đông. Nếu ông Abe thừa nhận có tranh chấp trên quần đảo, các lãnh đạo Trung Quốc sẽ bị thuyết phục rằng sự hiện diện triền miên là không cần thiết cho việc khẳng định chủ quyền. Dù tàu tuần tra Trung Quốc tiếp tục xuất hiện ở lãnh hải Nhật Bản hay vùng tiếp giáp nhưng tần suất và quy mô sẽ giảm. Căng thẳng lắng dịu trong tháng 10 có thể trở thành hiện trạng mới thay vì chỉ là một sự tạm dừng nhất thời.
Vũ Hoàng
theo Diplomat
Giành đảo với Nhật, Trung Quốc nhắm vào đâu?
Tranh chấp giữa hai nước có thể quyết định tương lai của Đông Á. Trung Quốc theo đuổi vị thế cường quốc thế giới còn Nhật Bản đã thể hiện rõ ý định của mình là kiềm chế Trung Quốc.
TQ sẽ chiếm Senkaku bằng vũ lực?
Cách Philippines vài trăm km về phía bắc, Trung Quốc đang tranh giành với Nhật một nhóm đảo nhỏ, cằn cỗi và cho đến gần đây vẫn ít người biết đến gọi là Senkaku/Điếu Ngư. Dù có vẻ như không có ý nghĩa về mặt lãnh thổ - không có người sinh sống - sự tranh giành này có phần rủi ro cao hơn nhiều so với những vụ đụng độ ở khu vực khác.
Tranh chấp giữa hai nước có thể quyết định tương lai của Đông Á. Trung Quốc theo đuổi vị thế cường quốc thế giới còn Nhật Bản đã thể hiện rõ ý định của mình là kiềm chế Trung Quốc.
Việc kiểm soát Senkaku (và có thể cả quần đảo Ryukyu, phía đông nam của quần đảo Senkaku) được Bắc Kinh coi là chìa khóa để tiếp cận trực tiếp, tự do ra khu vực đại dương bên ngoài và quan trọng hơn, là một bước ngoặt để tiếp quản Đài Loan, một mục tiêu cơ bản của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.
Trung Quốc không tranh cãi chủ quyền của Nhật Bản trên quần đảo Senkaku, mà họ gọi là quần đảo Điếu Ngư, cho đến năm 1971, khi Mỹ chuyển giao quần đảo cho Tokyo quản lý. Chỉ hai năm trước khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với quần đảo, LHQ công bố kết quả một cuộc khảo sát địa chất khu vực, kết luận rằng "thềm lục địa giữa Đài Loan và Nhật Bản có thể là một trong những mỏ dầu lớn nhất trên thế giới".
Năm 1978, sau vài năm tranh cãi, ông Đặng Tiểu Bình nói với phía Nhật rằng hai nước nên hoãn lại vấn đề quyền sở hữu các hòn đảo để cho "một thế hệ trong tương lai". Căng thẳng lại nổi lên mạnh trong năm 2010, 13 năm sau khi Đặng Tiểu Bình qua đời, khi một tàu đánh cá Trung Quốc đâm vào một tàu Cảnh sát biển Nhật Bản ở vùng biển gần đó.
Nhật Bản có mối quan ngại rằng sớm hay muộn Trung Quốc sẽ cố gắng chiếm quần đảo Senkaku bằng vũ lực. Bên cạnh các lợi ích khác, việc kiểm soát các hòn đảo sẽ cung cấp cho Trung Quốc một nền tảng để tấn công tàu Mỹ đặt ở xa các căn cứ ở Okinawa, ngăn ngừa tiếp cận Trung Quốc hay can thiệp vào một cuộc xung đột chiếm quyền kiểm soát Đài Loan.
Ảnh: The Atlantic
Đầu năm nay, phát biểu tại một hội nghị ở San Diego, GĐ hoạt động thông tin tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ James Fanell, cho rằng, Bắc Kinh đã chuẩn bị lực lượng của mình "để có thể tiến hành một cuộc chiến nhanh gọn tiêu diệt lực lượng Nhật Bản tại biển Hoa Đông, sau đó chiếm quần đảo Senkaku hoặc thậm chí quần đảo Ryukyus ở phía nam".
Nếu chiến tranh nổ ra vào lúc này, nhiều nhà phân tích tin rằng Nhật Bản sẽ thắng thế. Ngoài hệ thống vũ khí tối tân do Mỹ cung cấp, lực lượng Nhật Bản còn được hưởng lợi từ nhiều năm liên kết đào tạo cùng với các đối tác Mỹ, và có lẽ sẵn sàng chiến đấu tốt hơn so với hải quân Trung Quốc.
Vì lý do đó, so với nhiều chuyên gia khác, các nhà phân tích Nhật Bản nhận thấy ít có khả năng Trung Quốc sẽ quan tâm đến một cuộc đụng độ trực diện lớn trong thời gian sớm. Tuy nhiên, nhiều đánh giá khác nhìn chung tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục kích động dồn Nhật Bản vào thế khó và có thể bao gồm cả những cuộc đụng độ nhỏ với các máy bay quân sự Nhật như quấy rối, đâm tàu cảnh sát biển. Mục tiêu cuối cùng là đạt được thắng lợi trong một cuộc chơi dài hơi hơn.
Nếu Tokyo bị coi là kẻ gây chiến, hoặc thậm chí chỉ đơn thuần là thiếu thận trọng, các nhà phân tích Nhật Bản lo sợ phản ứng dữ dội ở cả trong và ngoài nước. Công luận Nhật Bản có thể sẽ quay lưng lại với Abe, hoặc một chính phủ trong tương lai.
Thậm chí nguy hiểm nhiều hơn, trong con mắt của các nhà phân tích Nhật Bản, là phản ứng của công chúng Mỹ. Nếu Mỹ dao động trong cam kết của mình đối với Tokyo, hoặc lẩn tránh hoàn toàn, Bắc Kinh khi đó đã đi được cả một chặng đường dài hướng tới mục tiêu lâu dài lớn nhất: làm suy yếu liên minh giữa Mỹ và Nhật Bản. Washington sẽ mất uy tín trong khu vực, và lần lượt các quốc gia, thậm chí có thể bao gồm cả Nhật Bản, sẽ bắt đầu thực hiện các tính toán mới nhằm thích nghi với Trung Quốc.
Ràng buộc người khổng lồ
Sự tự cao của Trung Quốc khiến tất cả các quốc gia xung quanh đều lo ngại. Nhiều nước đã bắt đầu thiết lập quan hệ đối tác có cùng mối quan tâm: kiềm chế Bắc Kinh.
Đây cũng có thể là mục tiêu nổi bật nhất của trục Mỹ: làm dày mạng lưới các nước láng giềng lo ngại Trung Quốc, những bên có lợi ích chung trong việc ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực.
Thời điểm này, trừ Nhật Bản, không nước nào có khả năng chiếm ưu thế trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, và một số chỉ là những nhân vật tí hon. Tuy nhiên, trên sân khấu, ngay cả khi không tham gia liên minh tuyệt đối, họ vẫn có thể ràng buộc người khổng lồ vào các quy tắc quốc tế được hai bên chấp nhận.
Trong mọi trường hợp, các nước láng giềng của Trung Quốc không hẳn bị động chờ đợi Mỹ chỉ đường. Nhật Bản đóng góp nhiệt tình hỗ trợ củng cố tiềm lực hải quân của một số nước Đông Nam Á. Ngay cả Hàn Quốc, vốn là một trong những các nước láng giềng quan tâm nhất đến Trung Quốc, cũng đang bán trang thiết cho Philippines.
Cuối cùng, hoạt động cân bằng trong khu vực như thế này có thể triển vọng tốt nhất để tránh một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ ở tây Thái Bình Dương.
Trung Quốc càng nhận thấy một phản ứng phối hợp của nhiều nước đối với sự tăng cường quân sự và tấn công hải quân, càng có khả năng Bắc Kinh sẽ chuyển hướng sang ngoại giao, và ngừng tìm kiếm ưu thế áp đảo trong khu vực. Và, tất nhiên, đó không phải là khả năng duy nhất.
Nguồn gốc sự hung hăng của Trung Quốc
Trong suốt nhiều thập kỷ, bắt đầu với Đặng Tiểu Bình, khẩu hiệu địa chiến lược của Trung Quốc là ẩn mình chờ thời. Tôn chỉ của Đặng Tiểu Bình đã không bao giờ mất đi giá trị, nhưng hành động của Trung Quốc kể từ giữa năm 2013 cho thấy rõ ràng rằng cách tiếp cận của ông này đã bị gạt sang một bên. Giới diều hâu trong quân đội Trung Quốc không ngớt kêu gọi phải quyết đoán hơn nữa, thậm chí đến mức hiếu chiến.
Một ví dụ gần đây là, Liu Yazhou, ủy viên chính trị tại Đại học Quốc phòng Quân đội Giải phóng Nhân dân, nghe giống như binh pháp thời cổ đại Trung Quốc khi ông nói trong một cuộc phỏng vấn tạp chí: "Không có chiến thắng quân sự thì chẳng nghĩa lý gì. Những khu vực biên giới mà quân đội của chúng ta đã giành được chiến thắng thì hòa bình và ổn định hơn, nhưng những nơi chúng ta đã quá nhút nhát thì tranh chấp nhiều hơn".
Tiếng nói của Liu Yazhou có thể bị coi là không chính thức, nhưng bản thân ông Tập Cận Bình đã công khai cổ vũ phát triển vũ khí và khuyến khích trang bị quân sự. Trong chuyến đi đầu tiên của mình sau khi nhậm chức ra ngoài thủ đô Bắc Kinh vào tháng 11/2012, ông này đã tới thăm quân sĩ tại Quân khu Quảng Châu, và đã phát biểu, "tất chiến, tất thắng là linh hồn của một đội quân mạnh".
Nhiều nhà phân tích cho rằng thay đổi gần đây của nước này là do họ có sự sự tự tin lớn hơn trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khiến hầu hết các nền kinh tế phương Tây kiệt quệ trong khi Trung Quốc chỉ bị ảnh hưởng nhẹ. Các sự kiện tiếp theo, như sự kiện vũ khí hóa học của Syria và việc Washington không thể ngăn chặn Nga sáp nhập Crimea, có thể cũng góp phần khiến Bắc Kinh cảm nhận rằng tiềm năng của Mỹ ở nước ngoài đang suy giảm.
Theo Vietnamnet
Trung Quốc có thể điều lực lượng đội lốt từ Biển Đông tới Senkaku TQ có thể dùng chiến lược "lấy lùi để tiến", cho tàu cá giả dạng xâm nhập đảo Senkaku như thủy triều, có thể xảy ra xung đột như năm 2010. Tàu cá Trung Quốc trên biển Hoa Đông (ảnh tư liệu) Tờ "Đại công báo" Hồng Kông ngày 11 tháng 10 dẫn tờ "Nihon Keizai Shimbun" Nhật Bản ngày 10 tháng 10...