Ăn uống cùng hương hoa của một góc trời Nam Bộ
Văn hóa ẩm thực các loài bông hẳn không riêng gì ở Nam Bộ, mà nhiều nước trên thế giới cũng đã đưa nó vào thực đơn của những nhà hàng sang trọng hay những món ăn mang vị thuốc chữa bệnh độc đáo.
Ở đất nước chúng ta, có thể kể đến mấy chục loại bông hoa được chế biến kết hợp với hàng trăm món ăn vô cùng phong phú. Tôi chỉ muốn nhắc đến những loài bông dân dã quê mình, đã tạo nên những món ăn như hiến dâng tất cả sự tinh túy của đất đai, mùa màng ở một góc trời Nam Bộ.
Bông điên điển, bông súng song hành cùng các loại rau phong phú của nồi mắm kho.
Đợi mùa nước lên
Cây cỏ tự nhiên phải chờ đợi tiết trời mà đơm bông kết trái và chính cái sự tuần hoàn kỳ diệu ấy đã tạo cho lòng người những hoài niệm, ngóng mong sự chuyển mình tinh tế của thời tiết, mùa màng. Rồi ông bà mình nương theo đó mà sống bằng cái triết lý giản đơn “mùa nào, thức ấy”.
Mà ở cái xứ sở ấm áp quanh năm chỉ có 2 mùa mưa nắng, thiên nhiên đã ưu đãi dành cho con người biết bao nhiêu là sản vật để mặc sức mà chế biến, mà sáng tạo những món ăn, những cách ăn rất riêng biệt của quê mình.
Riêng cái văn hóa ẩm thực các loại bông, hoa của người miền Tây là cả chuyện dài. Nội chuyện mùa nước nổi và mùa “nước giựt” thôi cũng để lại cho người dân đầu nguồn biết bao nhiêu khúc biến tấu làm nên miền ẩm thực vô cùng quyến rũ.
Canh cua nấu bông điên điển quê nhà
Mùa nước tràn đồng lênh láng, phía sau nhà ai cũng có ít nhất một chiếc xuồng, tôi nhớ lắm cái âm thanh mở dây lòi tói thảy lên mũi xuồng, thiệt tình là dù giờ khan hiếm mùa nước nổi, dù có biệt xứ mấy mươi năm thì âm thanh thân thương ấy vẫn là tiếng gõ vang động trong da diết niềm thương, nỗi nhớ.
Như bắt đầu cho sự hứng khởi, hễ chống cây sào cho xuồng lướt nhẹ ra đồng là y như rằng nghe lao rao mấy câu vọng cổ; khác nào một ám hiệu của thanh niên trai gái, của đám trẻ nhỏ hẹn hò nhau trong những sáng tinh sương.
Đó là thời điểm đẹp nhất mọi người tranh thủ đi tướt bông điên điển ngon nhất khi chúng còn búp chưa kịp bung nở dưới ánh mặt trời. Những vạt bông điên điển vàng rực, cứ quằn đọt xuống mà tướt đầy thau, đầy thúng. Khi mặt trời lên cao thì bông súng cũng đã nở râm ran đầy mặt nước, cứ nhún người chống một sào cho chiếc xuồng lướt đi rồi cúi người xuống mà nhổ bông súng. Không mất nhiều thời gian, những cọng bông súng dài mấy thước đã lũ khũ trong khoang xuồng. Những bông súng tím, bông súng trắng xung quanh cái thúng bông điên điển vàng rực, còn mấy con ong ruồi lì lợm cố lượn lờ theo vo ve tìm mật. Thử hỏi có thức ăn nào đẹp nức nở từ lúc nguyên sơ như vậy?
Bông điên điển và bông súng là 2 loại bông đi cùng với nhau rất hợp trong rất nhiều món ăn, từ ăn sống, bóp xổi cho đến nồi canh chua hay chảo nhúng giấm cá linh; nhưng độc đáo nhất là trong thau rau dùng để ăn mắm và của người dân An Giang.
Để nấu nồi “mắm và”, đòi hỏi các bà phải thật tinh tế nấu sao cho mắm thiệt lạt, nhưng không đánh mất hương vị đậm đà của nồi mắm cá lóc. Bông súng xắt nhỏ trộn với bông điên điển, dừa khô nạo và các loại rau, hẹ linh tinh tùy thích. Dọn mâm cơm lên, mỗi người có 2 cái chén, 1 chén bới cơm còn 1 chén để bỏ rau vào chan mắm vừa ngập rau. Và một miếng cơm, rồi lùa một miếng mắm rau nhai ràu rạu, đập đập trái cà phổi giập giập rồi bẻ một miếng cho vào miệng, cắn trái ớt hiểm còn xanh, mà tận hưởng sự khoái cảm của mọi giác quan ập đến cùng một lúc.
Video đang HOT
Lá sen, bông sen, hạt sen, gương sen gói gắm bao hương vị đồng quê.
Đọng lại cuối cùng là vị cay xé nơi đầu lưỡi, với mấy sợi dừa nạo béo ngậy sần sật, vị nhẫn của nhụy bông làm cho vị mắm trở nên thanh thao, từ từ ngấm qua vòm họng. Cứ thế mà bông súng và bông điên điển song hành cùng nhau, để người dân đầu nguồn thưởng thức biết bao nhiêu là loại cá mắm trong suốt 3 tháng mùa nước nổi.
Bâng khuâng những ngày giáp tết
Từ tháng 9 chuyển dần qua tháng 10 âm lịch, là mùa “nước giựt”, gió chướng lao rao, khi những lá me bung tàn xanh mướt cùng những trái me non cong cong như ngón tay, cũng là mùa thưởng thức món mắm tép rong. Riêng tôi, mùa này nhớ hoài cây sầu đâu trước sân nhà dì Hai Khấu.
Nó to như gốc xoài, cao biệt vụt, bắt đầu râm ran những chùm bông li ti tím biếc. Cả xóm, ai muốn ăn cứ việc đứng ngoài đường ới dì Hai một tiếng, rồi cứ lấy móc giựt về ăn.
Cả lá và bông sầu đâu đều ăn được, nhưng cái món gì mà nó đắng “tàn canh gió lộng” vậy mà ăn đi, quen đi rồi sẽ ghiền tới già luôn. Món khô cá lóc, sặt rằn, trộn gỏi với lá và bông sầu đầu, bằm trái xoài xanh vào hòa điệu với vị chua của giấm thì nó trở nên thanh nhẹ hơn, vừa làm giảm vị mặn đậm của khô.
Bắp chuối
Riêng vị đắng của sầu đâu thì không gì diễn tả được, với những ai lần đầu tiên thưởng thức có thể là một trải nghiệm nhớ đời, vì nó đắng như thể “phủ đầu” con người ta, làm người ăn phải dừng lại một chút rồi từ từ nuốt vào vừa… hoang mang lắng nghe sự thấm dần, sự chuyển vị tinh tế sang một chút hậu ngọt dai dẳng nơi cổ họng. Có lẽ do cái sự “tận cùng” trong vị đắng của sầu đâu, mà nó hợp không gì bằng khi đưa cay một ly rượu đế thì đúng là nó… thấm thía cái sự đời luôn.
Tiết trời mát mẻ hiếm hoi của khoảng thời gian cuối năm ở Nam Bộ, lòng người cũng lâng lâng, phơi phới và nhẹ nhõm biết bao khi nhìn lũ ong bầu bay chấp chới trên những giàn bí, giàn bầu nở bông vàng rực.
Ngắt mấy đọt bầu, hái rổ bông bí tươi rói, non trong, siêng thì nhồi thịt, nhồi cá, nấu canh còn không cứ bắc nước lên luộc chấm với ơ cá thiểu, cá lòng tong kho lỗ (kho khô) cũng thấy hạnh phúc vô cùng với bữa cơm đạm bạc nhà quê mà đầy ắp yêu thương.
Riêng có một loài bông chẳng cần đợi thời tiết, mùa màng, chúng lặng lẽ, gần gũi luôn bên cạnh góc nhà, sau hè khi có khách bất kể đêm hôm cứ ra mà bẻ là cái bắp chuối. Nó đi từ nồi canh “xiêm lo” đến các loại mắm của đồng bào Khmer, hiện diện thường trực trong rất nhiều món ăn của người dân Nam Bộ.
Mà cách ăn cũng rất ngẫu hứng, có thể xắt trộn gỏi thịt gà, có thể luộc xé trộn tép, hoặc cứ để nguyên vừa ăn vừa đập rồi bẻ quệt vào tô mắm chưng hay trụng vào các món nấu mẻ phong phú ở miền Tây. Còn rất nhiều loài hoa có thể ăn được trên khắp đất nước chúng ta. Nhưng chỉ riêng ở mảnh đất Nam Bộ này thôi, cũng khó lòng mà “gói ghém” ngắn gọn được.
Chỉ là những thoáng nhớ về một góc quê nhà, ở đó hình ảnh của một khoảng sân, tán lá, một cánh đồng nước mênh mông bung nở những loài bông cũng dân dã, quê mùa như chính ông bà mình, chính gốc gác tuổi thơ mình. Nơi đó, những tháng năm mình lớn lên từ những món ăn nhà quê mà đậm tình và ý nhị biết bao.
Theo Baovinhlong
Cách ướp trà sen tươi truyền thống chuẩn vị thanh mát
Trà sen thơm thoang thoảng, nhẹ nhàng mà say đắm lòng người có cách ướp đơn giản. Hướng dẫn cách ướp trà sen tươi truyền thống chuẩn vị trà, hương thơm lâu.
Trà sen từ lâu đã trở thành một thức uống vừa trang nhã, lịch sự lại thể hiện được nét tinh hoa trong văn hóa thưởng trà của người Việt. Mỗi một chén chè sen là sự kết hợp của cái hồn Việt, của hương sen thoang thoảng, của trà thái ngọt hậu, đắng đầu lưỡi...
Để ướp trà sen với bông sen tươi theo chuẩn truyền thống không phải ai cũng biết và có thể làm đúng. Để ướp trà sen ngon cần chọn bông sen và trà phù hợp.
- Chọn bông sen là loại có bông lớn, còn tươi, màu hồng tươi, nhìn bông hoa xốp, nhẹ sẽ cho hương thơm nhất.
- Trà để ướp sen thường là chè Thái Nguyên loại tốt cho hương thơm nhẹ, nước chè xanh. Hoặc trà cổ thụ vùng Hà Giang cho màu nước xanh đậm.
Tùy vào sở thích của mỗi người mà lựa chọn loại trà phù hợp nhất.
Nguyên liệu ướp trà sen
- 2 bông sen to
- 1 lá sen to xé làm đôi, dây buộc
- 1 nhúm trà mạn
Trà khô loại ngon và bông sen to để ướp trà thêm đậm vị
Cách ướp trà sen thơm hương
- Dùng tay tách nhẹ nhàng bông sen ra cho đến khi nhìn thấy đài hoa và nhị hoa. Chỉ tách hoa đủ lớn để cho được chè vào, không tách quá to.
- Cho trà khô đã chuẩn bị vào bông sen. Mỗi bông sen cho khoảng 15 - 20g trà khô, không nên cho quá nhiều ảnh hưởng tới hương sen trong vị trà. Mỗi một bông sen có thể ướp được ấm trà cho từ 4 - 6 người dùng.
- Sau khi cho trà khô vào, nhẹ nhàng vuốt lại bông sen về lại hình dáng ban đầu. Dùng miếng lá sen cắt thành từng miếng vừa đủ bọc lại bông sen. Dùng dây buộc buộc lại ở cuống hoa rồi cắm hoa vào bình.
Ướp trà sen từ tối hôm trước để có hương thơm thấm hơn
Lưu ý: Nếu dùng trà sen vào sáng hôm sau thì nên ướp từ tối hôm trước để có hương vị tốt nhất.
Thưởng thức trà sen
Cho trà đã ướp vào ấm đã tráng bằng nước nóng. Chế nước sôi ở nhiệt độ từ 85 - 90 độ vào. Ngâm trà từ 10 - 15 giây rồi rót hết chè ra chén. Những lần ngâm sau cộng thêm từ 3 - 5 giây. Trà sen từ những loại trà Cổ thụ có thể dùng được 5 - 6 nước mà vẫn đậm đà.
Thưởng trà sen(Ảnh minh họa)
Bảo quản trà sen
Trà sen thơm nhưng không bảo quản được ở nhiệt độ bình thường, đặc biệt là khi trời ẩm. Cách bảo quản tốt nhất là cắt cả bông sen đã ủ trà cho vào ngăn đá tủ lạnh, bọc thêm màng bọc thực phẩm để hương không bị thoát ra ngoài.
Công dụng của trà ướp bông sen tươi
Trà ướp bông sen tươi hay trà tim sen đều có tác dụng tốt đối với sức khỏe của người sử dụng. Những tác dụng tuyệt vời của trà sen như:
- Giảm cholesterol: Các loại hoạt chất EGGC có trong trà hoa sen giúp ngăn chặn quá trình hấp tụ chất béo, giảm cholesterol... đặc biệt tốt cho người bị bệnh béo phì.
- Trà hoa sen giúp ổn định huyết áp, giúp ổn định đường huyết và ngăn chặn rối loạn lipit máu, rất tốt cho người bị bệnh tiểu đường.
- Trà sen giảm stress, cho cảm giác dễ chịu và thoải mái. Trà cũng giúp cho trí óc minh mẫn, giảm căng thẳng.
- Trà có tác dụng chống oxy hóa và làm đẹp da bởi trong trà có chứa nhiều oạt chất như nuciferine, lotusine, demethyl coclaurine neferin...có tác dụng hạn chế lão hóa khiến da luôn hồng hào, tràn đầy sức sống.
Theo eva.vn
Món ngon từ hoa điên điển Cây điên điển còn gọi là muồng rút, thường gặp ở các đầm lầy, ruộng nước, có nhiều ở các tỉnh phía Nam và vùng Đồng Tháp Mười. Chính người dân nơi đây cũng không nhớ nổi hoa có từ bao giờ và nguồn gốc xuất xứ như thế nào. Chỉ biết rằng cứ mỗi khi con nước lớn về là điên điển...