An toàn từ nhà tới trường
Nhiều địa phương, nhà trường phải thay đổi hình thức tổ chức dạy học. Tất cả hướng tới mục tiêu bảo đảm học sinh (HS) không ngừng việc học và an toàn trong môi trường học tập dù trực tuyến hay trực tiếp.
HS Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn (Phú Bình – Thái Nguyên) ra về lần lượt theo giờ để bảo đảm giãn cách. Ảnh: NTCC
Trang bị kĩ năng phòng, chống dịch
Trong bối cảnh dịch phức tạp, những địa phương đang kiểm soát được dịch triển khai dạy học trực tiếp vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Nhiều cha mẹ vẫn không khỏi lo lắng khi đưa con tới trường học tập.
Chị Thân Thị Nhung (Yên Dũng, Bắc Giang) có 2 con học Trường Tiểu học Trí Yên (Yên Dũng) trao đổi: Con nhỏ tuổi, mải chơi và chưa hiểu sự nguy hiểm của dịch bệnh nên hay quên, tháo khẩu trang trong lúc học tập, giải lao; không giữ khoảng cách với bạn lúc ở sân trường và trên đường đi học, ít khi rửa tay xà phòng… Trong khi đó, gia đình không thể lúc nào cũng bên cạnh để nhắc nhở, hỗ trợ.
Tương tự, có con học lớp 3 Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thành phố Lào Cai, Lào Cai), anh Lương Đức Hải chia sẻ: Dù nhà trường chuẩn bị tốt công tác phòng, chống dịch khi đón HS trở lại trường, lớp học trực tiếp, song với số lượng HS đông, chưa ý thức đầy đủ và thiếu tự giác trong tuân thủ các biện pháp phòng dịch nên bố mẹ không tránh khỏi lo lắng…
Làm gì để nâng cao ý thức, chủ động trong phòng, chống dịch từ chính HS không chỉ là trách nhiệm của nhà trường. Ngay từ gia đình, cha mẹ cũng cần hiểu biết và có ý thức, phương pháp giáo dục HS.
TS Tâm lý Giáo dục Vũ Việt Anh (Tổng Giám đốc Học viện Thành Công, Hà Nội) cho rằng: Với HS ở lứa tuổi tiểu học nếu “nhồi” vào đầu những con số dịch bệnh hàng ngày, tác hại của dịch theo lý thuyết sẽ khó “thấm” và thấy sợ.
Cha mẹ nên tìm những câu chuyện thực tế ngoài đời sống (gia đình mất người thân, cha mẹ vì dịch; trẻ không có ai chăm sóc, hướng dẫn học tập…) để kể cho con nghe. Từ đó, giáo dục con những kĩ năng phòng dịch cụ thể; nâng cao ý thức, thường xuyên tuân thủ biện pháp phòng dịch.
Video đang HOT
Thậm chí, có thể tìm trên báo mạng (chính thống) hình ảnh người dân khu cách ly đang sống khó khăn thiếu thốn ra sao; người bệnh đông đúc, thiếu trang thiết bị y tế thế nào… cho trẻ xem và nhận thấy sự nguy hiểm, biết sợ và có ý thức phòng dịch.
Cha mẹ cũng có thể kiểm tra kĩ năng, củng cố kiến thức về phòng, chống dịch của trẻ một cách nhẹ nhàng và hiệu quả thông qua đố hỏi đơn giản (5K là gì? Khử trùng tay khi nào? Giữ khoảng cách tối thiểu bao nhiêu mét? Triệu chứng khi mắc bệnh…).
Đối với HS từ THCS, THPT có thể trao đổi hàng ngày cùng những thông tin thời sự, số liệu ca mắc trong nước, thế giới; số lượng người tham gia trực tiếp vào phòng, chống dịch của các ngành nghề… Như vậy, HS được tiếp nhận kiến thức trực tiếp và tự nhiên ngay từ gia đình, không còn tư tưởng chủ quan, nâng cao ý thức phòng dịch từ nhà tới trường.
Cô Phạm Thị Huệ – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trí Yên (Yên Dũng, Bắc Giang) – cũng đưa ra lời khuyên: Cha mẹ hãy thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Bởi sự ảnh hưởng từ cha mẹ tới ý thức, hành động của trẻ rất lớn, mặt khác, trẻ cũng có xu hướng bắt chước người bên cạnh.
“Cha mẹ hãy trở thành những người thầy và chủ động trang bị cho con kiến thức, kĩ năng phòng chống dịch ngay từ nhà. Như vậy, khi tới trường kết hợp với hướng dẫn hỗ trợ của thầy cô, việc bảo đảm an toàn phòng dịch càng hiệu quả…” – cô Huệ trao đổi.
Cổng Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn (Phú Bình – Thái Nguyên) bố trí phụ huynh đón trẻ đứng giãn cách. Ảnh: NTCC
An toàn khi lên mạng
Cũng như nhiều phụ huynh có con học trực tuyến, chị Nguyễn Thị Quỳnh (Linh Đàm, Hà Nội) bày tỏ lo lắng: 2 con học trực tuyến vào 2 khung giờ khác nhau và không phải lúc nào bố mẹ cũng có thời gian để kiểm soát nội dung khi con sử dụng máy tính, điện thoại thông minh.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người, cảnh báo: Thời 4.0 khuyến khích trẻ sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) để tiếp thu những kiến thức, kĩ năng… hỗ trợ cho quá trình học tập và cải tiến kĩ năng sống là cần thiết. Tuy nhiên, xu thế là trẻ em khi sử dụng thiết bị công nghệ thường hay tò mò tìm hiểu và xem những nội dung độc, lạ, giật gân… và bắt chước. Điều đó dẫn tới hậu quả khó kiểm soát.
Cũng theo PGS.TS Võ Nguyễn Kỳ Anh, khi trẻ sử dụng CNTT quá nhiều, bị “nhồi sọ” những nội dung tiêu cực… sẽ ảnh hưởng đến não bộ, không tiếp cận được những thông tin, giá trị tích cực. Sử dụng quá ngưỡng sẽ khiến cuộc sống bị chi phối, thiếu sự kết nối tương tác trực tiếp với gia đình, bạn bè, xã hội.
Dưới góc nhìn chuyên gia lĩnh vực CNTT, ông Kiều Công Thược, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn phát triển công nghiệp 4.0 Việt Nam (Hà Nội), trao đổi: Google.com là trang web để tìm kiếm mọi thứ mà người lớn và trẻ nhỏ đều có thể sử dụng. Vì vậy, để công cụ tìm kiếm này trở nên an toàn hơn với trẻ, cha mẹ cần kích hoạt bộ lọc tìm kiếm an toàn. Khi được bật, tính năng này sẽ giúp lọc nội dung không phù hợp trong các kết quả tìm kiếm của Google.
“Mặc dù, không chính xác 100% nhưng tính năng tìm kiếm an toàn có thể giúp bố mẹ chặn các kết quả không phù hợp khỏi kết quả tìm kiếm trên Google”, ông Kiều Công Thược thông tin đồng thời nhấn mạnh: Cha mẹ nên bật chế độ hạn chế bởi đây là cách đơn giản nhất và có thể làm ngay mà không cần phải cài thêm bất kì ứng dụng nào khác. Chế độ này sẽ kiểm soát nội dung hiển thị trên YouTube, lọc bớt những nội dung bạo lực, phản cảm hoặc không phù hợp với một số độ tuổi.
Theo ông Kiều Công Thược (Công ty Cổ phần Tư vấn phát triển công nghiệp 4.0 Việt Nam), việc bảo đảm an toàn khi sử dụng thiết bị điện cần được quan tâm, kiểm soát chặt chẽ và đặt lên hàng đầu. Theo đó, cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra đường dẫn điện, hạn chế tối đa vừa cắm sạc, vừa sử dụng điện thoại, thiết bị thông minh và máy tính. Trước khi giao thiết bị cho trẻ, ngoài kiến thức về sử dụng máy cũng nên cung cấp thông tin về an toàn trên không gian mạng, sử dụng điện.
Giáo viên bật khóc vì thương hoàn cảnh học sinh
Sau cuộc gọi với phụ huynh, cô giáo bật khóc vì thương học sinh của mình phải mất mẹ từ quá nhỏ.
Vì thế, dù đang ăn cơm, đang chợp mắt hay làm bất cứ việc gì, hễ có điện thoại của phụ huynh hay học sinh là giáo viên lại dừng mọi việc để hỗ trợ, trả lời thắc mắc...
Một lớp học trực tuyến - H.Y
Hỗ trợ phụ huynh, học sinh bất cứ lúc nào
Cô Phan Thị Diễm Trang, giáo viên (GV) chủ nhiệm lớp 3/7, Trường tiểu học Lê Văn Tám, Q.7, TP.HCM, nghẹn ngào kể: "Trong lớp tôi có một học sinh phải đi cách ly với mẹ do bị dương tính với Covid-19. Sau đó, mẹ của em đã không qua khỏi. Chính mắt em chứng kiến giây phút mẹ ra đi nên khi trở về nhà, tâm lý em bị ảnh hưởng, tinh thần luôn hoảng loạn. Khi tôi gọi điện cho ba em để phổ biến chuyện học trực tuyến và tính trao đổi với anh về việc hỗ trợ bé trong giai đoạn hết sức khó khăn này, thì phụ huynh cáu gắt, bực bội nói "học hành gì lúc này".
Lúc đó, tôi lặng người đi, không phải vì giận ba của bé, mà vì tôi thấu hiểu phụ huynh và học sinh của mình đang phải trải qua một nỗi đau quá lớn nên mới như vậy. Tôi nói anh cố gắng bình tâm và vượt qua, tôi sẽ gọi lại sau. Kết thúc cuộc gọi, tôi bật khóc vì thương học sinh của mình phải mất mẹ từ quá nhỏ".
Còn rất nhiều trường hợp khác khiến cô Diễm Trang cảm thấy nhói lòng sau khi biết được hoàn cảnh. Chẳng hạn có học sinh đang ở trong khu phong tỏa, gia đình lại khó khăn không thể đi mua thiết bị cho con học trong thời điểm này. Có học sinh ở nhà trọ, ba mẹ đi làm, chỉ có duy nhất chiếc điện thoại thông minh nhưng nhà lại có đến 3 chị em. Có học sinh ba mẹ đi vắng, một mình ở phòng trọ, tự học. Có em xuất hiện trên camera trong một chiếc chòi che tấm bạt...
"Thương lắm! Cho nên dù ban đầu phụ huynh tỏ thái độ khó chịu khi nói về việc học trực tuyến, tôi vẫn thấy thương. Rất may sau khi trao đổi, phụ huynh cuối cùng cũng hợp tác. Những em hoàn cảnh khó khăn như vậy, nếu không thể tham gia lớp học, tôi vẫn hằng ngày gửi các clip quay lại bài giảng để các em xem. Bất cứ lúc nào phụ huynh hay học sinh cần hỗ trợ, tôi đều luôn sẵn sàng. Cho dù lúc đó đang ăn hay đang ngủ, tôi cũng lập tức giải đáp, hướng dẫn", cô Diễm Trang chia sẻ.
Vừa ăn cơm vừa trả lời tin nhắn
Cô Nguyễn Mai Hân, GV một trường THCS ở H.Nhơn Trạch, Đồng Nai, cũng cho rằng những áp lực mà GV gánh trên vai khi dạy trực tuyến không hề nhỏ. Không chỉ vấn đề thời gian, công sức mà còn về tâm lý. "Thực sự GV phải có tinh thần thép mới có thể không bị... tẩu hỏa nhập ma, khi mà mỗi lần sắp đến giờ học hay đang trong tiết học, học sinh lẫn phụ huynh vừa nhắn tin, vừa gọi điện thắc mắc liên tục: "Cô ơi, sao em bật camera không được?", "Cô ơi, sao màn hình của em tối thui"... Rồi đang học thì có học sinh máy hết pin nên rời lớp, đường truyền yếu nên cả lớp nghe giọng cô như bị cà lăm. Khi giải quyết xong cho em này thì em khác lại trục trặc, loay hoay một hồi là hết tiết", cô Mai Hân chia sẻ.
Sau giờ học, cô Mai Hân phải tiếp tục trả lời học sinh, phụ huynh về bài giảng, về các trục trặc của phần mềm học trực tuyến, về thiết bị, đường truyền. Vừa ăn cơm vừa trả lời tin nhắn, vừa lau nhà vừa nghe điện thoại... là chuyện thường ngày của cô.
Ngoài ra, việc chuẩn bị bài giảng trên phần mềm Power Point cũng tốn rất nhiều thời gian so với việc dạy trực tiếp trên lớp, nhất là với GV lớn tuổi, ít tiếp cận với công nghệ.
Cô H.T.T, GV Trường tiểu học Võ Thị Sáu, Q.Gò Vấp, TP.HCM, cho hay: "Soạn Power Point xong còn phải chuyển sang dạng video để cho những học sinh không có điều kiện học trực tuyến xem lại. Bên cạnh đó, GV cũng phải soạn phiếu bài tập, các bài trắc nghiệm kiểm tra kiến thức... sao cho HS dễ dàng thực hiện trong giờ học. Thời gian qua, tôi phải lọ mọ tìm hiểu các phần mềm Zoom, Google Meet... để xem cái nào dễ sử dụng nhất đối với học sinh, mà mỗi app lại có một ưu nhược điểm khác nhau. Để quyết định chọn ra được một cái cũng khiến GV nhức đầu, chóng mặt".
Cô Nguyễn Hà Phương Thanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám, Q.7, cho biết GV còn có một áp lực khác nữa khi dạy trực tuyến, đó là tham gia lớp học không chỉ có học sinh mà còn có cả phụ huynh. "Có khi cả ba, mẹ, ông, bà học sinh ngồi bên cạnh nên GV sẽ căng thẳng hơn rất nhiều. Thời gian và công sức GV dành cho việc dạy trực tuyến là gấp đôi, gấp ba bình thường. Chúng tôi cũng mong phụ huynh thấu hiểu những khó khăn và vất vả của GV, giúp GV và nhà trường hỗ trợ con mình học trực tuyến hiệu quả. Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn này, giúp các con không bị gián đoạn việc học và rèn luyện được kỹ năng thích nghi với hoàn cảnh", cô Phương Thanh chia sẻ.
Soi thời khóa biểu 1 ngày của học sinh ngôi trường có 36 em được 30 điểm đại học: Chăm thế này không đỗ mới lạ! Em Lộc Thị Vân Anh, học sinh lớp 12A1 của trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 đã có những chia sẻ về môi trường học tập ở đây. Mới đây, trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An (xã Nghi Ân, thành phố Vinh) gây sốt dư luận vì thành tích quá xuất sắc trong...