An toàn trường học: Không thể đánh giá bằng… mắt
Chỉ mới tuần đầu học sinh bắt đầu năm học mới, một số sự cố xảy ra đã làm cho rất nhiều người quan tâm đặt câu hỏi về an toàn trường học.
Vấn đề đặt ra là hầu hết các địa phương, các trường đều có sự kiểm tra cơ sở vật chất để chuẩn bị cho năm học mới, nhưng sự cố vẫn xảy ra, liệu, những đánh giá bằng kiểm tra bề ngoài đã thực sự yên tâm?
Cơ sở vật chất trường học, cần cơ quan đánh giá có chuyên môn?
Vụ cổng trường trường tiểu học Khánh Yên Thượng, phân hiệu Bản Phung, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đổ sập khiến 3 em học sinh tử vong tại chỗ, 3 học sinh khác bị thương là sự cố thương tâm, cũng là bài học để đặt ra vấn đề: Kiểm tra cơ sở vật chất trường học, cần những người có chuyên môn về kỹ thuật và kết cấu, vì nếu chỉ kiểm tra bằng mắt, rất khó để khẳng định được hạng mục đó có an toàn hay không?
Thực tế là chuẩn bị cho năm học mới, các địa phương đều có văn bản rà soát về trường lớp trước khi đón học sinh quay trở lại. Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho biết, hồi đầu tháng 6-2020, Sở đã có văn bản gửi đến tất cả các Phòng GD&ĐT và đơn vị trực thuộc.
Trong nhiều nội dung có phần đề nghị phải chủ động phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng liên quan tại địa phương tổ chức rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trong trường học. Kịp thời sửa chữa các hạng mục, công trình xây dựng (phòng học, phòng ở, nhà hiệu bộ, nhà ở công vụ, nhà để xe, nhà vệ sinh, nhà bếp, cổng, tường rào…) xuống cấp, có nguy cơ gây mất an toàn.
Bản thân trường tiểu học Khánh Yên Thượng, phân hiệu Bản Phung, nơi xảy ra vụ đổ cổng thương tâm đã được cơ quan chức năng huyện Văn Bàn kiểm tra, rà soát nhưng không thấy dấu hiệu xuống cấp.
Sau sự cố xảy ra ở Lào Cai, một học sinh lớp 5 của một trường tiểu học trên địa bàn huyện Nam Đàn, Nghệ An đi ra ngoài chơi không may bị bờ tường trước cổng trường sập đè tử vong. Trước đó, những sự cố như đổ cây, tai nạn hành lang lớp học, quạt trần rơi, tường lớp học bong mảng lớn… vẫn xảy ra, phần nào cho thấy nguy cơ tai nạn thương tích từ học đường còn quá nhiều tiềm ẩn.
Bộ GD&ĐT cũng đã gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP về việc kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất trường, lớp học để đánh giá lại chất lượng các công trình trong nhà trường, nhất là trong mùa mưa bão.
Video đang HOT
Công văn nêu, trong những năm qua, một số địa phương đã xảy ra các vụ tai nạn ảnh hưởng đến môi trường an toàn cho học sinh tại các trường học như: sập cổng trường, sập tường rào, sập trần lớp học…
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do các công trình trường học được xây dựng từ lâu nhưng không cải tạo, bảo trì theo quy định; các cơ quan quản lý chưa làm tốt công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng xây dựng trường học.
Sau khi nhận được văn bản của Bộ GD&ĐT, nhiều địa phương trên cả nước đã khẩn trương yêu cầu các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm việc kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường.
Ông Cao Xuân Hùng, GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định cho biết: Ngay sau sự cố sập cổng trường ở Lào Cai, Bộ GD&ĐT có ý kiến chỉ đạo, chúng tôi đã yêu cầu các nhà trường khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng xây dựng các trường học, kiểm tra cây xanh, quạt trần, tường rào quanh trường…
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái, bày tỏ: Không chỉ địa phương mà các tỉnh miền núi nói chung, mỗi mùa mưa lũ là mỗi mùa chúng tôi rất lo lắng về mức độ an toàn trường học. Khi xảy ra lũ cuốn khó có thể nói trước được điều gì nếu trường học ở trong dòng lũ.
Đúng là có những hạng mục kiểm tra được bằng rà soát bên ngoài, nhưng kiểm tra công trình xây dựng có còn đảm bảo độ bền, chịu lực tác động hay không… lại cần những người có chuyên môn. Thực tế là các điểm trường có xảy ra tai nạn thương tích đã được kiểm tra trước đó, nhưng không thể đánh giá được đúng nguy cơ.
Ngành giáo dục khó thực hiện được việc đánh giá kỹ thuật nên rất nhiều chuyên gia cho rằng: Với cơ sở vật chất trường lớp, hạng mục công trình xây dựng, mỗi lần đánh giá cần có ý kiến của các thành viên chuyên môn về kỹ thuật, chứ không đơn giản chỉ là đánh giá qua hình thức bên ngoài.
Việc đảm bảo an toàn trường học phải kỹ lưỡng, có sự tham góp của những ý kiến chuyên môn và sự giám sát của PHHS. (Ảnh: T.F)
Cần sự giám sát chặt chẽ của hội PHHS
Cũng chỉ mới đầu năm học, ở hai TP lớn là Hà Nội và TP HCM đã để xảy ra trường hợp ngộ độc liên quan đến bữa ăn bán trú tại lớp. Bữa trưa ngày 9-9, trường tiểu học Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội tổ chức cho 1.556 học sinh ăn bán trú với thực đơn gồm: Thịt kho tàu với trứng chim cút, su su xào, canh rau ngót và cơm trắng; bữa phụ vào 15g cùng ngày là sữa (loại có đường và không đường). Các suất ăn tại trường do hộ kinh doanh Vũ Thị Quỳnh cung cấp suất ăn sẵn.
Buổi học sáng 10-9, có 58 học sinh nghỉ học với nhiều lý do, trong đó có 22 học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài 4-5 lần, sốt nhẹ. Khoảng thời gian từ 1g55 đến 15g50 ngày 10-9, có 6 học sinh đến khám và điều trị tại BVĐK Đông Anh với chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn đường ruột; 16 học sinh còn lại điều trị tại nhà theo hướng dẫn của Trung tâm Y tế huyện Đông Anh. Kết luận sơ bộ ban đầu, có 22 học sinh nghi ngờ nhiễm khuẩn đường ruột do vi sinh vật, trong đó có 4 học sinh đang nằm viện.
Ngày 13-9, ông Nguyễn Phúc Huy Tùng, trưởng Phòng GD&ĐT quận 2, TP HCM xác nhận có 98 em ở trường tiểu học Bình Trưng Đông có biểu hiện bất thường, 20 em đã nhập viện, nghi do ngộ độc bữa ăn ở trường.
Đáng lưu ý là các đơn vị cung cấp thực phẩm cho cả hai nhà trường đã thực hiện hợp đồng từ nhiều năm trở lại đây. Vì thế, vấn đề đặt ra là việc kiểm tra thường xuyên giấy phép, nguồn thực phẩm vào trường không được chủ quan lơ là. Trong đó, ban đại diện cha mẹ học sinh phải cử người tham gia giám sát quá trình này hàng ngày.
Với tất cả các vấn đề an toàn trong trường học, đánh giá sơ bộ bằng mắt và 1, 2 lần khó có thể khẳng định về sự an toàn tuyệt đối. Chỉ cần một bước chủ quan, nguy cơ mất an toàn với trẻ nhỏ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Vì thế, các trường cần hết sức lưu ý vai trò giám sát của hội PHHS và tham vấn ý kiến người có chuyên môn để có sự đánh giá khách quan nhất.
Âu lo theo mỗi bước chân con trẻ đến trường
Những nỗi đau mất mát thì không bao giờ hết. Học sinh, phụ huynh sẽ không thể yên tâm đến trường khi cứ nơm nớp lo sợ các sự cố, rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ảnh minh họa
Liên tiếp những ngày đầu tháng 9 đã có hàng loạt các vụ việc liên quan đến sự an toàn của học sinh khi đến trường đã xảy ra. Có những vụ thật sự quá thương tâm, khiến nhiều bậc làm cha làm mẹ không biết nơi đâu mới thực sự là chỗ an toàn để gửi gắm con trẻ hàng ngày...
Khoảng 9h ngày 11/9, một bức tường rào trước cổng Trường Tiểu học Nam Lộc, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã đổ sập khiến một học sinh thiệt mạng. Trước đó chỉ vài ngày, cổng trường ở xã Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn, Lào Cai) cũng đổ sập, khiến 3 em nhỏ tội nghiệp ra đi.
"Có cháu bị văng ra, cháu thì mắc kẹt, đôi tay vẫn còn run run, chới với cầu cứu", cảnh tượng có thể gọi là ám ảnh suốt một đời với những người thân của các em.
Biết nói sao đây khi ngoài gia đình, chỉ có nhà trường là nơi cha mẹ gửi gắm, trao trọn niềm tin, mong con cái có thể "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", là nơi an toàn nhất cho con được phát triển, học hành. Vậy mà, nhiều quá những vụ việc thương tâm...
Cũng là một người mẹ, cũng có con gửi đi học ở một ngôi trường, hàng ngày tôi vẫn thấp thỏm lo âu. Nhiều khi cũng ngồi hàng giờ xem camera để biết con đang làm gì, có sự cố gì xảy ra ở trường không. Vẫn biết đó là tâm lý chung của các bà mẹ, nhưng cũng có thể nói lên một điều rằng, môi trường lớp học, nhà trường chưa thực sự an toàn.
Sự việc xảy ra, lỗi vẫn của nhiều người. Như vụ cây phượng đổ đè chết học sinh mới xảy ra cách đây vài tháng. Lỗi có của nhà trường, có cả phụ huynh, cả những bộ phận liên quan khác... Nhưng khâu hậu kiểm, xử lý, liên hệ sau mỗi vụ việc như thế dường như vẫn còn bỏ ngỏ.
Trách nhiệm của những người làm giáo dục không phải chỉ là truyền dạy kiến thức cho các em, mà cần phải đảm bảo một môi trường thân thiện, lành mạnh cho các em khi đến lớp. Nếu phân chia thời gian của 1 ngày, học sinh ở trường chiếm một thời gian rất lớn. Có thể có những ngày ở trường nhiều hơn ở nhà. Vậy thì môi trường ấy phải làm sao để tất cả mọi người có thể yên tâm.
Nguyên nhân của tình trạng đổ sập cổng trường thời gian qua được Bộ GDĐT cho biết, chủ yếu do các công trình trường học được xây dựng từ lâu nhưng không cải tạo, bảo trì theo quy định; các cơ quan quản lý chưa làm tốt công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng xây dựng trường học...
Lại một lần nữa Bộ GDĐT, cả xã hội kêu gọi những người làm giáo dục bảo đảm an toàn cho trẻ khi đến trường. Nhưng những nỗi đau mất mát thì không bao giờ hết. Học sinh, phụ huynh sẽ không thể yên tâm đến trường khi cứ nơm nớp lo sợ các sự cố, rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chỉ mong rằng, tất cả chúng ta sẽ làm hết trách nhiệm, đừng chủ quan để không phải dằn vặt, hối tiếc vì xảy ra những chuyện đau buồn như đã từng.
Phải chấn chỉnh nhiều vấn đề nóng Năm học mới chỉ bắt đầu được 1 ngày, Bộ GD-ĐT đã phải ra 2 văn bản để yêu cầu các địa phương kiểm tra, chấn chỉnh những sự vụ tưởng rất cũ là tai nạn trong trường học và lạm thu tiền trường, tiền sách. Tai nạn trong trường học là vấn đề nổi cộm xảy ra ngay trong ngày đầu tiên...