Ăn Tết mất vui vì… bài tập về nhà
Kỳ nghỉ Tết kéo dài tới 11 ngày là điều được trông mong nhất đối với học sinh. Tuy nhiên, điều khiến các bậc phụ huynh lo lắng là các con có được một cái Tết trọn vẹn hay không nếu vẫn phải “đánh vật” với hàng chục bài tập được giao về nhà trong dịp nghỉ này.
Khóc vì trót vui cả 4 ngày Tết
“Trước ngày đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch 4 ngày, con mình ngồi im trong phòng, gọi không xuống ăn cơm. Gõ cửa mãi mới chịu mở thì thấy đang ngồi khóc. Khi hỏi ra mới vỡ lẽ, vì cháu được về quê thăm bà nội đã không kịp làm hết 30 bài tập cô giao về nhà làm trong 4 ngày nghỉ” – chị Phạm Thúy Nga, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Siêu (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.
Khó có thể từ chối lượng bài tập cô giao về nhà trong các dịp nghỉ kéo dài với lý do sợ các con chểnh mảng, không bắt nhịp được với lịch học sau kỳ nghỉ, các vị phụ huynh đều cố gắng cùng con lo bài tập trong khi đầu óc còn đang quanh quẩn với cả trăm việc dịp Tết. “Không nhẽ nhìn các con đang chơi vui với gia đình, mẹ lại làm con mất hứng với câu hỏi thường ngày: làm bài tập chưa con?” – chị Nga cho biết. Vậy nên, toàn bộ bài tập Tết nếu được giao về nhà đều được các vị phụ huynh cố “nhồi” cho con hoàn thành trước Tết để năm mới không “nợ nần” gì. Tuy nhiên, cách xử lý bài tập này lại phản tác dụng giáo dục. Vì các thầy cô đều mong muốn học sinh của mình duy trì nền nếp học tập hàng ngày chứ không phải làm để đối phó như vậy.
Nghỉ Tết dài ngày khiến các trường lo ngại học sinh trễ nải học tập.
“Mình nghĩ không nên giao nhiều bài tập! Bình thường con đã học nhiều rồi, ngày lễ tết nên cho con có thời gian chơi, nghỉ ngơi cùng mọi người…! Như người lớn vậy, chẳng ai muốn mang việc về nhà ngày Tết, ngày nghỉ bao giờ” – chị Nguyễn Thúy Toàn, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Tây Sơn (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.
Không giao bài tập cho tiểu học
“Học sinh THCS thì giáo viên có thể có đề cương hướng dẫn các em ôn tập trong thời gian nghỉ Tết nhưng với học sinh tiểu học thì Phòng GD-ĐT Tây Hồ sẽ có thông báo để các trường quán triệt việc không giao bài tập về nhà trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới” – ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết. “Tôi cũng là phụ huynh, có con đi học nên rất hiểu. Con mà có cả tá bài tập về nhà thì thử hỏi bố mẹ ăn Tết có ngon không?” – ông Vũ chia sẻ. Tuy nhiên, cũng theo ông Vũ, các trường trên địa bàn quận đều có nếp, sau kỳ nghỉ Tết sẽ không có không khí ngày lễ trong trường học mà lập tức học tập nghiêm túc ngay từ buổi đầu tiên.
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, việc học tập ra sao trong kỳ nghỉ Tết còn tùy thuộc vào lứa tuổi. Với học sinh THPT, theo ông Lâm thì việc quan trọng nhất là làm sao để các em vui chơi an toàn, tránh các tai nạn do ham vui, đua đòi với bạn bè.
Còn với học sinh tiểu học, theo ông Lâm, các trường hoàn toàn không cần thiết phải giao nhiều bài tập về nhà. “Tuy nhiên, các gia đình cũng nên có kế hoạch cho con vui chơi có ý nghĩa. Thay vì chỉ ăn uống, phụ huynh nên dành thời gian đưa con tham gia vào hoạt động văn hóa, tìm hiểu truyền thống ngày Tết. Tôi biết là bảo tàng Dân tộc học thường xuyên tổ chức các trò chơi mô phỏng sinh hoạt truyền thống Tết dân tộc. Nếu được tham gia học sinh tiểu học sẽ thấy hấp dẫn, qua đó mà học được nhiều điều thú vị” – ông Lâm lưu ý.
Video đang HOT
Cũng theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, với kỳ nghỉ Tết kéo dài sắp tới phụ huynh nên có kế hoạch cho con em được vui chơi nhưng vẫn dành thời gian ổn định sinh hoạt trước khi đi học trở lại. “Khoảng 2 ngày cuối kỳ nghỉ Tết, phụ huynh nên tập dần thói quen cho con mình học tập như những ngày đi học trước đó. Như vậy, đến ngày nhập học, các em sẽ thích nghi nhanh. Nếu không, trạng thái rề rà kéo dài, gây ảnh hưởng rất lớn đến học tập của các em”- cô Nguyễn Khánh Linh, giáo viên Trường Tiểu học Cầu Diễn (Q. Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.
Theo Duy Anh
ANTĐ
6 bước hoàn thành bài tập "thần tốc" và hiệu quả
Bạn đang phải "lặn ngụp" dưới đống bài tập khổng lồ và không biết cách xoay xở trong khi thời gian hoàn thành đang cần kề? Sau đây là 6 bước giúp bạn "thanh toán" bài tập về nhà nhanh và hiệu quả nhất.
1. Lên kế hoạch chi tiết cho bài tập về nhà
Bạn không thể giải quyết bài một lượng lớn bài tập trong thời gian giới hạn, nếu bạn không biết chính xác những gì mình làm. Hãy dành một cuốn sổ hay cuốn vở riêng để ghi lại những công việc bạn được giao theo từng mục:
- Môn học được giao bài tập về nhà. Ví dụ như: Toán, Lịch sử hay Hóa học,...
- Nội dung bài tập hoặc yêu cầu của giáo viên về bài học tiếp theo. Chẳng hạn như bạn sắp có một bài kiểm tra hoặc một bài thuyết trình cần sử dụng Power Point,...
- Chi tiết cụ thể về bài tập của bạn. Cần giải quyết bao nhiêu bài Toán, Địa cần học bài nào, Văn phải soạn mấy bài,... Càng chi tiết công việc được giao về nhà, bạn càng có thể sắp xếp thời gian sao cho hiệu quả nhất.
- Hạn chót bạn phải hoàn thành những bài tập được giao. Sẽ tốt hơn nếu bạn có thể ước tính thời gian bạn hoàn thành từng môn theo khả năng của mình. Nếu bạn giải quyết nhanh hơn so với thời gian dự định, hãy xem khoảng thời gian dư là phần thưởng để tự khích lệ bản thân.
2. Góc học tập thoải mái
Chắc chắn rằng nơi học tập của bạn phải yên tĩnh. Bạn chẳng thể nào tập trung được nếu xung quanh bạn đầy rẫy những cám dỗ và quấy nhiễu. Bạn cần trao đổi thẳng thắn với các thành viên trong gia đình để có thể có được sự riêng tư.
Hãy cố gắng tạo thói quen làm bài học bài trên bàn. Bàn học luôn là sự lựa chọn số một! Một bàn học ngăn nắp với đầy đủ ánh sáng sẽ khiến bạn có cảm giác học tập và hạn chế tối đa sự mất tập trung của bạn. Thêm vào đó, trước khi ngồi vào bàn, bạn phải đảm bảo mình có đủ các dụng cụ từ sách giáo khoa, từ điển đến dụng cụ học tập, máy tính để có thể hoàn thành bài tập. Việc chuẩn bị chu đáo sẽ tiết kiệm của bạn thời gian di chuyển.
Tuyệt đối không được nằm học vì nó sẽ khiến bạn trở nên lười biếng và phân tâm. Thế là chẳng mấy chốc bạn đã " làm một giấc" từ lúc nào chẳng hay.
3. Tập trung cao độ
Khi bắt tay vào việc học, hãy chọn bài khó nhất để chiến đấu. Có thể khi làm những bài tập dễ sẽ khiến bạn năng nổ hơn nhưng bạn quên một điều rằng: khi bắt đầu làm là lúc bạn có sự tập trung tốt nhất. Vì thế, sẽ khoa học hơn rất nhiều nếu bạn chọn bài khó hoặc môn bạn còn yếu lên đầu danh sách bài tập cần giải quyết. Khi đã thấm mệt, độ tập trung đã giảm, bạn vẫn có thể giải quyết vần bài tập dễ hơn mà không có một chút khó khăn.
Nếu bạn gặp trở ngại khi giải một dạng bài tập hay không hiểu một khúc mắc của nội dung bài tập, hãy cố gắng hết sức để tìm ra lời giải đáp cho chính mình. Nhưng đừng cứ chăm chăm vào vấn đề này mà quên đi những môn khác, bởi điều này có thể phá hỏng kế hoạch buổi tối bạn đã dày công chuẩn bị.
Bạn vẫn không thể tìm ra lời giải đáp sau nhiều lần "vắt kiệt óc"? Tốt nhất bạn nên gác vấn đề này sang một bên và tập trung cho môn học kế tiếp. Bạn có thể hỏi giáo viên vào ngày hôm sau hay gần gũi hơn nữa là bạn bè bởi "học thầy không tày học bạn".
4. Chú ý thời hạn hoàn tất bài tập
Thêm một lưu ý cho bạn, hãy ưu tiên môn học có thời hạn phải hoàn thành sớm nhất đầu tiên. Điều này có nghĩa, nếu hôm nay bạn được giao một bài tập phải hoàn thành trước giờ lên lớp ngày mai, bạn cần phải tạm ngưng toàn bộ công việc đang làm và tập trung cho phần bài tập "bất thình lình" này. Nếu bạn xử lý sớm đống bài tập đó, hãy vận hành lại guồng quay bạn đang bỏ dở.
5. Thư giãn hợp lý
Sự tập trung của con người luôn bị giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy hãy nghỉ ngơi một chút giữa những khoảng thời gian làm bài. Ngồi một chỗ quá lâu mà không thư giản đầu óc sẽ khiến bạn trì trệ và mệt mỏi.
15 phút nghỉ ngơi sau mỗi 1 tiếng học là thời gian hợp lý để bạn lấy lại cân bằng trước khi "chinh phục" các bài tập khác.
Trong thời gian thư giãn, bạn có thể vươn vai, duỗi chân hay tập một vài động tác thể dục đơn giản để máu lưu thông tốt hơn. Tiếp thêm nước cho cơ thể, rửa mặt cho tỉnh táo hay nghe một bản nhạc mà bạn thích cũng là một cách nghỉ ngơi đơn giản.
Tránh càng xa càng tốt những cách giải trí có tính cám dỗ cao như tivi, máy tính hay truyện. Bởi vì nếu bạn "dính" vào những điều trên với lý do xem tin tức, lướt web hay bất cứ lý do gì cũng khiến bạn sa đà vào và khó có thể dứt ra để quay lại bàn học. Bạn sẽ tự nhủ "một chút nữa thôi" nhưng hầu như bạn không thể làm đúng như lời tự nhủ của mình cho đến khi "một chút" của bạn kéo đến giờ ngủ.
6. Kiên nhẫn và thử lại nhiều lần
Bạn tất nhiên sẽ thấy khó chịu bức bối khi ép mình vào kế hoạch chi chít hay cảm thấy những bài tập dường như quá phức tạp dù đã chăm chú nghe giảng. Đừng bỏ cuộc! Bạn cứ tưởng tượng bảng kế hoạch như những bậc thang với ngọn cờ chiến thắng trên đỉnh. Mỗi khi bạn hoàn thành xong một mục tiêu đề ra, bạn lại tiến thêm một bậc về phía trước, tiến gần hơn đến thành công. Và khi bạn chạm tay vào được ngọn cờ tức là bạn đã chiến thắng chính bản thân mình. Theo cách suy nghĩ đó, bạn sẽ thấy mọi chuyện đơn giản hơn rất nhiều.
Theo TTVN
Phần lớn bài tập về nhà vô bổ với học sinh Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Virginia (Charlottesville, Mỹ) cho thấy việc giao bài tập về nhà không làm tăng thành tích học tập của học sinh. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát bản sao học bạ và dữ liệu học tập của trên 18.000 học sinh lớp 10 tại Mỹ. Kết quả cho thấy các bài tập về...