Ẩn số trên thị trường dịch vụ OTT
Năm 2013 chứng kiến sự bùng nổ chưa từng có của các ứng dụng nhắn tin gọi điện miễn phí (OTT) với hàng chục triệu người Việt đăng ký sử dụng. Dịch vụ này sẽ tiếp tục phát triển theo hướng nào khi mà các nhà mạng đã tăng cước 3G và đang lên kế sách “ tham chiến” ở thị trường này?
OTT “nội” cạnh tranh mạnh với “ngoại”
Người dùng Việt Nam chính thức biết đến dịch vụ OTT kể từ tháng 12/2012 và nửa đầu năm 2013 khi mà Kakao Talk (Hàn Quốc) và Line (Nhật Bản), rồi Zalo (Việt Nam) đua nhau mở các chiến dịch truyền thông dữ dội trên thị trường. Có thời điểm Kakao Talk duyệt chi ngân sách truyền thông, quảng cáo đến 7 tỷ đồng/tháng. Zalo cũng “đổ” hàng trăm tỷ đồng để quảng bá… Đầu tư mạnh tay song nguồn thu của các OTT vẫn chưa được như kỳ vọng vì về bản chất các ứng dụng này phát triển dựa trên nền Wifi và 3G.
Đăng ký sử dụng dịch vụ tại Trung tâm VinaPhone. Ảnh: Đức Giang
Thị trường OTT thay đổi nhanh chóng khi Viber đến từ Isarel bắt đầu nổi lên chiếm vị trí dẫn đầu với 8 triệu người dùng và đánh dấu chính thức có mặt tại Việt Nam bằng sự kiện âm nhạc sôi động tại TP Hồ Chí Minh vào những ngày cuối cùng năm 2013. Xếp thứ 2 là sản phẩm nhắn tin Zalo của Việt Nam hiện bám đuổi rất sát với hơn 7 triệu người dùng. Zalo được giới phân tích đánh giá là điểm sáng nổi bật của ngành công nghệ trong nước vốn rất ít sản phẩm có thể cạnh tranh được với các ứng dụng quốc tế. Line (Nhật Bản) đứng thứ 3 với 4 triệu người dùng. Mỗi ứng dụng có một thế mạnh riêng, Viber mạnh về hình thức thoại, Line mạnh về game, trong khi Zalo lại chú trọng tính năng nhắn tin trên mọi hạ tầng viễn thông 2G – 2,5G – 3G và Wifi. Riêng Kakao Talk – dịch vụ OTT đến từ Hàn Quốc chấp nhận rời cuộc chơi sau một thời gian đầu tư nhưng chưa thu được lợi nhuận.
Video đang HOT
Nhà mạng “đua” với OTT?
Trước sự xâm lấn của dịch vụ OTT, các mạng di động không ngừng kêu than doanh thu của họ giảm cả ngàn tỷ đồng do người dùng sử dụng OTT thay thế cho gọi điện và SMS truyền thống. Nhà mạng đã tỏ rõ “thái độ” của mình bằng việc tăng cước 3G. Lãnh đạo Bộ TT&TT khẳng định, OTT là xu hướng công nghệ mới của thế giới, đem lại lợi ích lớn cho người dùng nên không thể ngăn cản sự phát triển. Cơ quan quản lý đưa ra định hướng là phải có sự hợp tác giữa nhà mạng và OTT để đem lại lợi ích lớn hơn cho người dùng.
Trong hầu hết các cuộc họp giữa các bên gần đây, Viettel, MobiFone và VinaPhone đều hứa hẹn sẽ hợp tác với doanh nghiệp OTT song thực tế tới tận cuối năm 2013, câu chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Giới chuyên gia về công nghệ thông tin nhận định các ông lớn di động (Viettel, MobiFone, VinaPhone) đang lên kế sách đối phó với các OTT. Theo đó, hình thức thoại và nhắn tin SMS – “miếng bánh” đang bị các OTT thâu tóm nhiều nhất trong năm qua được cho là “đích nhắm” của các nhà mạng trong thời gian tới. Nếu nhìn nhận theo hướng này thì Viber và Zalo đang là “đối thủ” lớn nhất với các nhà mạng. Trong khi đó, Line chỉ nhắm vào mảng thương mại như bán sticker, vật phẩm, level cho game.Tuy nhiên, cuộc đua giữa nhà mạng và các OTT vẫn rất khó lường, chưa có gì đảm bảo các nhà mạng sẽ sáng tạo và thành công hơn các OTT. Chưa kể đến các ứng dụng OTT vô cùng tiện ích mà những nhà sản xuất phần cứng, phần mềm, thiết bị di động như Apple, Google, Microsoft và Facebook đã và đang phát triển. Điều này có nghĩa thời gian tới nhà mạng sẽ phải đối phó với rất nhiều đối thủ chứ không đơn thuần chỉ có Viber, Zalo hay Line.
Theo KTĐT
Thị trường dịch vụ OTT: Thế cuộc khó lường
Mới khoảng 6 tháng trở về trước, khi nhắc đến thị trường dịch vụ OTT tại Việt Nam thì ba cái tên được nhắc đến với triển vọng phơi phới là LINE, Zalo và Kakao Talk. Thế nhưng thế cuộc thật khó lường khi đã đảo chiều quá nhanh...
Các OTT tại thị trường Việt, trong đó có Zalo, đang trong tình thế khó khăn.
Tình thế đảo chiều
Từ giữa năm 2012, thị trường dịch vụ OTT Việt Nam bỗng chộn rộn khi hết Kakao Talk lại đến LINE từ Hàn Quốc và Nhật Bản đặt chân vào. Song cao điểm của cuộc cạnh tranh phải từ tháng 12.2012 đến nửa đầu năm 2013 khi cả ba mở các chiến dịch truyền thông dữ dội trên thị trường để thu hút người dùng. Và đó cũng được xem là khoảng thời gian tươi sáng nhất.
Tuy nhiên sau một thời gian cả núi tiền được đổ vào để phát triển thị trường cho Zalo, LINE, Kakao Talk thì kết quả nhận được lại cho thấy một sự mong manh vì các ứng dụng này về bản chất là sống "ký sinh" trên nền wifi và mạng 3G. Kakao Talk khi còn hợp tác với VTC, có tháng đã duyệt chi tới 7 tỉ đồng cho truyền thông, quảng cáo, một con số mà xưa nay chưa hề xảy ra trên thị trường ứng dụng. Còn Zalo, cho đến thời điểm này, ước tính đã bỏ ra tới hàng trăm tỉ đồng để quảng bá. Tiêu tốn nhiều nhưng nguồn thu chưa có hoặc không đáng kể (chỉ có LINE là bán game và sticker, nhưng nguồn thu chưa lớn), và đặc biệt là tương lai hợp tác với nhà mạng vẫn mờ mịt, cho nên "bộ ba nguyên tử" đã cho thấy sự mong manh đuối sức vào nửa cuối năm 2013.
Đến thời điểm này, Kakao Talk gần như đã rút khỏi thị trường Việt Nam, LINE đang gặp rất nhiều khó khăn, còn Zalo thì đang... ngồi trên lửa vì chưa hứa hẹn được thời điểm có doanh thu khi nhà mạng vẫn chỉ hứa hợp tác chứ chưa hành động.
Thị trường OTT lúc này khi đề cập đến với ít nhiều sự tươi sáng chỉ còn Viber (vốn đã không sa vào cuộc đấu trên truyền thông nên không tốn kém nhiều) đã cho biết chính thức vào thị trường Việt Nam đầu năm 2014, và Facebook Messenger với sức mạnh của cộng đồng Facebooker. Trên thực tế, lượng người dùng dịch vụ OTT của Facebook lâu nay luôn chiếm đầu bảng (trên 8 triệu người dùng).
Nhà mạng có đang mất phương hướng?
Thông tin có nhà mạng đã và đang làm OTT càng khiến cho số phận của những Zalo, LINE, Kakao Talk thêm đen tối bởi như thế càng có cơ sở để khẳng định rằng lời hứa hợp tác từ nhà mạng rất khó trở thành hiện thực vì họ không muốn chia sẻ nguồn thu.
Tuy nhiên, có lẽ nhà mạng đã chú tâm về "bộ ba nguyên tử" quá nhiều chăng bởi trên thực tế, bộ ba này chỉ tận dụng yếu tố tiện ích của OTT trên nền 3G để kinh doanh thứ khác (game, quảng cáo, sticker...) và sống chủ yếu nhờ vào nguồn thu này. Trong khi đó, hàng loạt OTT đã và sẽ có mặt, có một lợi thế cực lớn về công nghệ, tiềm lực tài chính... nhưng lại ít được dư luận nhắc đến. Đó là các ứng dụng OTT của những nhà sản xuất phần cứng, phần mềm, thiết bị di động như Apple, Google, Microsoft và Facebook. Những "đại gia" này đã và đang dần hoàn thiện hệ sinh thái của mình mà vốn "bộ ba nguyên tử" không thể sánh bằng.
Facebook với lợi thế hơn 1 tỉ người dùng trên toàn cầu và hơn 20 triệu người dùng tại Việt Nam không hề thua kém bất cứ cộng đồng dùng di động của nhà mạng nào. Apple có nền tảng hệ điều hành iOS7 với OTT Facetime được tích hợp sẵn dùng để thoại video rất chất lượng ở bất cứ nơi nào có mạng wifi và 3G ổn định. Với Google và Microsoft, họ chẳng khó khăn gì để làm ra một OTT chạy trên nền Android hay Windows Phone. Những OTT này có thể trở thành mối nguy "khủng khiếp" hơn đối với các nhà mạng Việt Nam hơn là "bộ ba nguyên tử" Á châu, không biết các nhà mạng đã lập kế sách đối phó hay cạnh tranh, hợp tác gì chưa?
Trong bối cảnh hiện nay, cứ đi qua vài tháng là tình hình thị trường OTT Việt Nam có thể đảo chiều khó lường mà người đắc thắng hôm nay có thể sẽ trở thành kẻ "ngậm bồ hòn làm ngọt" ngày mai. Ngay cả nhà mạng, nếu vẫn cứ thụ động đối phó với OTT như thời gian qua thì có thể cũng sa vào "kiếp sống mòn".
Theo LĐ
Tăng cước 3G dẫn đầu 10 sự kiện ICT năm 2013 Việc tăng cước 3G của ba nhà mạng lớn dẫn đến phản ứng của đông đảo khách hàng là sự kiện CNTT-TT (ICT) lớn nhất trong năm 2013 tại Việt Nam. 10 sự kiện ICT Việt Nam 2013 - Ảnh minh họa: Internet Ngày 30-12-2013, Câu lạc bộ các nhà báo Công nghệ thông tin đã công bố kết quả bình chọn các...