Ăn sáng ở Hà Nội
Dù chỉ là một nghề giản dị như bán xôi sớm này đây, nhưng cái cách gói xôi mùa nào lá ấy, bằng lá tươi, mới thấy trong ấy là tâm hồn, là sự khác biệt không lời giữa kinh kỳ với các nơi.
Món xôi được gói bằng lá tươi, mùa nào lá ấy là sự khác biệt giữa kinh kỳ với các miền quê khác
Ăn sáng Hà Nội, chỗ ngon, phần lớn là quán vỉa hè.
Những chỗ sang như Lục Thủy Bờ Hồ, ngồi ngắm chứ ăn chả mấy. Gần Nhà hát Lớn có chỗ cũng được, lịch sự, nhưng phàm thứ gì cũng có thì không thể đặc sắc như chỗ chuyên một thứ.
Hôm nay hãy nói về xôi trước. Thứ đồ ăn phổ biến của người Việt.
Riêng xôi đã có hàng chục loại: trắng, xéo, ngô, lạc, vừng dừa, đậu đen, đậu xanh, xôi vò, xôi gấc… chưa kể các loại xôi cách tân như xôi gà, xôi chả giò, xôi kho trứng… Người ta đủ cách để biến báo các loại hình xôi. Phổ biến nhất là tăng lượng chất đạm.
Người ta rủ nhau đi ăn xôi Yến ở Nguyễn Hữu Huân. Tôi đến. Ăn. Được 1/3 suất thì bỏ. Cái thứ xôi ăn trong bát loe to hoặc ăn từ hộp xốp, đắp ụ những giò chả trứng thịt… hành khô giòn thấm nước thịt vào thành dai dai nhớt nhớt, ăn kèm gỏi dưa chuột. Khó ăn.
Tại cái khẩu vị sư sãi của mình nó khiến mình thành hư đi như vậy. Chứ khách cũng nhiều người khen lắm. Họ ăn khỏe nữa. Có người hai bát hết bay.
Được cái họ bán suốt ngày đêm. Khách ăn giờ nào cũng có.
Ông bà chủ giàu nứt. Hàng xôi bé xíu trước giờ bành trướng thành mấy căn nhà phố, nhân viên dắt xe, xếp xe rất nghề. Các cô bé bán hàng thu tiền thì rặt loại côm cốm. Còn có cả “chi nhánh” Xôi Yến ở đâu đấy nữa thì phải.
Hàng xôi góc Hàng Bài – Lý Thường Kiệt thì chỉ lấy vỉa hè làm quầy, cực ngon, chỉ bán từ 7h đến ngót 9h sáng là dọn hàng. Chuyên xôi xéo, ngô hoặc xéo ngô, thi thoảng có xôi lạc. Gia vị chỉ kèm hành mỡ và ruốc nhà làm thật thà, giã rối, ngọt, đậm.
Chị bán hàng chừng 40 hay hơn, hay chả đến. Nói chung là khó đoán tuổi vì dung nhan của chị không xấu, nhưng không hẳn ưa nhìn – thứ dung nhan dưới trung bình. Nhìn lâu thì thấy khuôn mặt chị giống bức tượng qua đêm sương. Bởi nước da nhợt. Mái tóc mỏng dính bết quanh trán và xòa trên má. Mùa đông, chị này gói xôi mà mồ hôi cứ túa ra từng giọt to tướng. Lâu lâu nghiêng vai quệt má cho ráo mồ hôi rồi lại mải miết đơm.
Bạn có đến thì cũng chả quan tâm nhan sắc, tôi chắc thế. Tay đơm xôi thoăn thoắt, miệng báo khách nhanh nhảu: “Xéo ngô ít mỡ đây em!”, “Anh ngô nhiều đậu nhiều mỡ à?”, “Cháu xéo ít mỡ nhiều hành gói riêng đây”…
Thì, ai cũng chỉ dòm chăm chú vào tay chị, đợi đến lượt đôi tay ấy đơm xôi-vạt đỗ-rải hành khô đúng ý. Mỗi gói xôi thế chỉ nửa phút – lá dong xanh đã gọn ghẽ với thìa với túi rồi.
Video đang HOT
Khách yêu cầu gì chị chiều thế. Không gắt gỏng. Không quên. Không lẫn. Cái việc đơm xôi là số một, như anh thợ may yêu nghề chả ngẩng mặt lên nhìn ai.
Mà mát tính. Có bà khách khó tính ngứa mồm, tóc xoăn tít, bảo: “Này, đừng có lấy miệng giữ dây nịt buộc xôi thế nhé, mất vệ sinh lắm!”.
Chị cũng “Vâng” rất hiền lành. Tay vẫn mải miết vạt đỗ.
Mình đứng xếp hàng đấy, nghĩ bụng: “Chả phải mình, mua thì mua không mua thì biến. Ối khách. Vội bỏ xừ lên ấy lại còn hạch sách”.
Khách nhiều thật. Xúm xít vòng trong vòng ngoài. Ăn tại đấy thì có dăm ghế nhựa thôi, hoặc, ngồi yên xe mà ăn thôi.
Chủ yếu khách mang đi. Người ta xếp hàng, kiên nhẫn đợi đến lượt. Hàng chục cặp mắt chăm chăm vào đôi tay thoăn thoắt xới xôi từ cái thúng to, hơi ngun ngút trên hè phố. Đợi đến lượt. Xòe tiền. Hớn hở đi.
Tôi láu cá, phát hiện ra: cô bé con chuyên phụ buộc xôi, thả thìa vào túi và thu tiền ấy, nếu đưa trước 20K ra là cô ấy sẽ gói cho 2 gói trước. Được xôi là rút nhanh để cho người khác còn chèn vào đấy, không người ta mắng cho.
Có hôm mưa lạnh. Thèm gói xôi xéo ruốc đậm đà gói lá dong xanh. Dừng xe ở đấy mua rồi mang đến quán cafe, hạch phục vụ mang riêng cho cái đĩa sứ trắng, vừa ăn vừa dòm người đi đường phía dưới. Hạt xôi dẻo, tươm mỡ, đỗ mịn thái lát mỏng nhuyễn, thơm tan trong miệng.
Mùa sen, được lá sen gói xôi, ăn thẳng trên mảnh lá gói, vị xôi hôm ấy sẽ đặc biệt.
Hương lá sen thơm vương…
Hà Nội.
Dù chỉ là một nghề giản dị như bán xôi sớm này đây, nhưng cái cách gói xôi mùa nào lá ấy, bằng lá tươi, mới thấy trong ấy là tâm hồn, là sự khác biệt không lời giữa kinh kì với các nơi.
Ăn một miếng xôi ngon, chưa cần cảm ơn trời đất mùa màng, có khi chỉ thầm cảm ơn người đồ xôi cắt lá gói đã đủ đầy rồi.
Bởi vì gạo ngon đâu cũng có. Nhưng giữ gìn phong vị quê hương xưa cũ từ hạt gạo, giữa thời công nghệ nhộn nhịp náo động này, biết tìm đâu?
Mỗi khi xe qua góc phố ấy, nếu gặp ngày mưa gió, hàng xôi vắng, thì thấy chống chếnh mắt nhìn. Không phải vì thèm xôi. Mà vì thiếu một hình ảnh quen thuộc xúm xít lặng lẽ sớm mai… Ấm áp và rất Đời.
Ở Yên Bái có món xôi gây thương nhớ - thử một lần vương vấn mãi không quên!
Xôi trứng kiến là sự kết hợp tuyệt vời giữa mùi thơm đậm đà, quyến rũ của nếp nương với vị ngọt bùi, béo ngậy của trứng kiến. Đồng bào dân tộc Thái, Tày, Dao... ở Yên Bái rất giỏi chế biến các món ngon làm từ trứng kiến.
Đặc biệt, trứng kiến là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Hàn thực (mùng 3 tháng 3 âm lịch) của bà con nơi đây.
Nhiều vùng miền của nước ta có trứng kiến, và ở đâu nó cũng trở thành đặc sản. Rượu ngâm trứng kiến gai đen giúp bồi bổ cơ thể, giảm căng thẳng, mệt mỏi. Ở vùng cao, món ăn chế biến từ trứng kiến thường được ướp hạt mắc khén hoặc dổi rừng với các loại rau thơm, gói bằng lá dong rồi nướng trên than hồng để trứng kiến chín đều mà không bị cháy.
Người vùng cao thường gọi trứng kiến là "lộc rừng"
Ngoài trứng kiến nấu canh măng sặt hoặc lá lốt, trộn trứng gà đem rán, làm bánh... thì có 3 món nhất định bạn phải thử khi đến Yên Bái. Đó chính là trứng kiến sống, chả trứng kiến lá lốt và xôi trứng kiến.
Người dân sẽ dùng lá ngõa non (cùng họ với cây sung) và lá lốt rửa sạch, gói cùng trứng kiến, ăn sống kèm muối ớt. Đương nhiên, "đưa cay" cho món này không thể thiếu bát rượu ngô - nét văn hóa ẩm thực đặc trưng, giản dị và mang đậm bản sắc của người vùng cao.
Món chả trứng kiến lá lốt thơm ngon hấp dẫn lại rất dễ làm: Trứng kiến và thịt băm nêm gia vị vừa ăn, ướp khoảng 15 phút, có thể thêm chút hành hoa và lá lốt thái nhỏ. Dùng lá lốt cuốn hỗn hợp thịt - trứng kiến sao cho miếng chả đều nhau, chiên vàng trong chảo dầu nóng. Khi ăn, chả có vị ngọt của thịt, bùi ngậy của trứng kiến, hương thơm từ lá lốt và gia vị, hạt tiêu tạo nên món ăn đặc trưng, hấp dẫn thực khách.
Rất nhiều món ngon được làm từ trứng kiến
Tuy nhiên, trong rất nhiều món ăn chế biến từ trứng kiến thì xôi trứng kiến là đặc sắc hơn cả.
Đi săn "lộc rừng"
Trước tiên cần khẳng định, không phải lên rừng cứ thấy tổ kiến nào cũng hạ, và loại kiến nào có trứng cũng ăn được. Người miền xuôi thường gọi loài kiến đẻ trứng này là "con ngạt", còn người dân nơi đây gọi trứng kiến là "lộc rừng". Trứng kiến ăn được thường có 2 loại: trứng kiến vàng và trứng kiến đen với hương vị khác nhau.
Trứng kiến vàng và trứng kiến đen có hương vị khác nhau
Từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm là mùa thu hoạch trứng kiến. Theo kinh nghiệm của những người thường xuyên đi rừng, việc "săn" trứng kiến phải chọn ngày nắng to với đầy đủ dụng cụ. Tổ kiến nhìn có màu đen bạc, thớ to, cành cây hơi trĩu, nâng lên thấy nặng tay thì trứng kiến rất mẩy. Không hạ những tổ kiến đen sì, xôm xốp vì lúc này, trứng kiến đã nở thành con.
Lên rừng "săn" trứng kiến quả thật kỳ công. Mỗi "tổ săn" khoảng 2-3 người, được phân chia công việc rõ ràng. Tìm được tổ kiến ưng ý, một người trèo lên chặt cành cây, còn người đứng dưới sẽ dùng một chiếc rổ buộc vào đầu cây sào dài khoảng 3-4m, khéo tay hứng để tổ kiến không bị rớt xuống đất.
Hạ được tổ kiến xuống, "thợ săn" sẽ dùng gậy hoặc cán dao gõ nhẹ để kiến nhanh chóng tản ra ngoài. Tách đôi tổ kiến, bên trong là hạt trứng trắng muốt, căng tròn như hạt gạo tám xoan, có màu trắng đục, tỏa hương thơm dìu dịu.
Điều đặc biệt nhất là người vùng cao không bao giờ lấy hết trứng. Họ để trứng lại cho kiến còn sinh sản tiếp những mùa sau.
Thơm bùi xôi trứng kiến vùng cao
Trứng kiến được sàng sẩy sạch sẽ, loại bỏ tạp chất, lá cây và cả những con kiến già. Công đoạn này đòi hỏi đôi tay phải thật khéo léo, nhẹ nhàng để trứng kiến không bị dập vỡ.
Sau khi làm sạch, để ráo nước, người ta phi thơm hành rồi cho trứng kiến vào xào chung. Khi thấy dậy lên mùi thơm của hành và mùi béo, bùi của trứng kiến là được.
Gạo nếp nương hạt trắng ngần, tròn mẩy, thơm nức mũi
Không phải gạo nếp nào cũng dùng để đồ xôi trứng kiến mà nhất định phải chọn nếp nương, hạt trắng ngần, tròn mẩy, thơm nức mũi. Gạo ngâm trong nước ấm khoảng 3-4 tiếng, vớt ra để ráo rồi cho vào chõ đồ chung với trứng kiến.
Khi thấy hạt nếp chuyển màu trắng trong, tỏa mùi thơm xen lẫn vị béo bùi của trứng kiến với hành phi thì đó là lúc xôi đã chín. Ở công đoạn này, người ta dùng đũa xới thật nhẹ tay để xôi được chín đều mà trứng kiến không bị vỡ.
Xôi trứng kiến là sự kết hợp tuyệt vời giữa mùi thơm đậm đà, quyến rũ của nếp nương với vị ngọt bùi, béo ngậy của trứng kiến. Để thưởng thức đúng chuẩn món xôi trứng kiến, bạn phải dùng tay nhón miếng xôi nóng hổi rồi thả ngay vào miệng. Vừa nhai vừa cảm nhận tiếng trứng kiến lốp bốp, bạn sẽ hiểu thế nào là "dư vị khó quên" của món đặc sản này.
Xôi trứng kiến đậm đà, thơm bùi và béo ngậy
Người vùng cao Yên Bái thường ăn xôi trứng kiến với cá suối sấy khô nướng than chấm muối ớt trộn chanh. Một lần nữa, hương vị các loại thực phẩm của suối ngàn Tây Bắc lại được cộng hưởng, hòa quyện, thăng hoa, tạo ấn tượng khó phai trong lòng du khách.
Các món xôi ngon, đơn giản cho ngày Rằm tháng Giêng Xôi gấc đỏ tươi, xôi xéo vàng ươm, xôi cốm xanh mát, xôi hạt dẻ ngọt bùi, xôi lạc thơm ngậy... góp phần làm nên thực đơn ngon cho Tết Nguyên tiêu. Xôi gấc Xôi gấc với màu đỏ tươi - màu tượng trưng cho niềm vui, may mắn luôn được ưu tiên cho mâm cỗ Tết, giỗ chạp trên mọi miền đất...