Ăn ít rau là nguyên nhân của 19% số ca ung thư dạ dày và ruột
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng tỷ lệ bệnh không lây nhiễm đó là do đô thị hóa, kinh tế phát triển, dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng trong lối sống và chế độ ăn uống của người dân.
Mua rau xanh trong siêu thị. (Nguồn: TTXVN/Vietnam )
Thực phẩm, chế độ ăn uống và tình trạng dinh dưỡng, bao gồm thừa cân và béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh không lây nhiễm.
Các nghiên cứu cho thấy, ăn ít rau và trái cây ước tính là nguyên nhân của 19% số trường hợp ung thư dạ dày, ruột; 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ và 11% số trường hợp đột quỵ.
Thông tin trên được ông Trương Đình Bắc – Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về ghi nhãn dinh dưỡng, diễn ra ngày 19/4 tại Hà Nội.
50% người trưởng thành ăn thiếu rau, trái cây
Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng phân tích, theo số liệu điều tra quốc gia của Bộ Y tế năm 2015 cho thấy hơn 1/2 người trưởng thành ăn thiếu rau, trái cây và người dân ăn muối nhiều gấp 2 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Rau xanh là một khẩu phần ăn không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. (Ảnh: PV/Vietnam )
Video đang HOT
[Ăn nhiều rau củ khi còn trẻ giúp tim khỏe mạnh ở tuổi trung niên]
Đáng lưu ý, bên cạnh thói quen ăn mặn, các nghiên cứu cũng cho thấy, người Việt rất thích đồ ngọt, trong đó có uống nước ngọt. Năm 2016, Việt Nam tiêu thụ hơn 4 tỷ lít nước ngọt, trong đó nhiều nhất là trà uống liền với hơn 2 tỷ lít, tiếp theo là đồ uống có ga (hơn 1 tỷ lít), sau đó là nước uống thể thao, nước tăng lực, nước trái cây.
Đặc biệt, tỷ lệ thừa cân béo phì ở Việt Nam tăng nhanh từ 12% năm 2010 lên gần 16% dân số vào năm 2015.
Do vậy, việc tăng cường dinh dưỡng hợp lý và xây dựng môi trường thực phẩm lành mạnh là một trong các ưu tiên hàng đầu trong dự phòng và kiểm soát bệnh không lây nhiễm. Bởi thói quen ăn uống và tiêu dùng thực phẩm của người Việt Nam là một trong những yếu tố nguy cơ cần phải được thay đổi.
Biểu đồ về mức tiêu thụ các loại nước ngọt tại Việt Nam. (Nguồn: Bộ Y tế; đơn vị: tỷ lít)
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo cần phải có được môi trường thực phẩm an toàn như cần sự minh bạch về thực trạng tiêu thụ các thực phẩm phổ biến như được chế biến và đóng gói sẵn, ghi nhãn dinh dưỡng bao gồm có công bố về thành phần muối (natri), tổng đường và chất béo… giúp người tiêu dùng hiểu được thành phần của thực phẩm. Bên cạnh đó, cần có các quy định về hạn chế tiếp thị các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe.
Hoàn thiện chính sách về thực phẩm an toàn
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng ngày càng gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư. Ước tính cứ 10 trường hợp tử vong ở Việt Nam thì có gần 8 ca tử vong do bệnh không lây nhiễm.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng tỷ lệ bệnh không lây nhiễm đó là do đô thị hóa, kinh tế phát triển, dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng trong lối sống và chế độ ăn uống của người dân. Những thay đổi bao gồm sự chuyển đổi từ thực phẩm truyền thống sang thực phẩm chế biến sẵn nhiều chất béo, muối, đường và từ lao động thể lực sang ít hoạt động thể chất.
Tại hội thảo, ông Trương Đình Bắc nhấn mạnh, tại Việt Nam, các chính sách, quy định liên quan đến môi trường thực phẩm lành mạnh đã có nhưng vẫn cần phải hoàn thiện.
Hội thảo là một hoạt động hưởng ứng Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018, tập trung vào các giải pháp hỗ trợ xây dựng môi trường thực phẩm lành mạnh như: ghi nhãn dinh dưỡng công bố minh bạch về thành phần dinh dưỡng giúp người tiêu dùng hiểu được thành phần của thực phẩm; thiết lập hệ thống phân loại thực phẩm để xác định các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe…
Bộ Y tế ký kết hợp tác nâng cao kiến thức dinh dưỡng hợp lý cho người dân. (Ảnh: PV/Vietnam )
Các chuyên gia đầu ngành và đại diện từ Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng, Viện Y tế Công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, Đại Học Y Hà Nội, các đơn vị liên quan đã chia sẻ các bài trình bày và ý kiến về các vấn đề ưu tiên nhằm đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, kiểm soát tiêu thụ thực phẩm, giảm mức tiêu thụ muối, đường, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả, cũng như sử dụng hợp lý chất béo trong khẩu phần ăn hằng ngày.
“Chương trình Sức khỏe Việt Nam” do Chính phủ phê duyệt, trong đó về lĩnh vực dinh dưỡng đã kêu gọi tăng cường phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế, đặc biệt là tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực cải thiện tình trạng dinh dưỡng.
“Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền giúp người dân biết cách lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng có lợi hơn cho sức khỏe, khuyến khích nhà sản xuất chủ động công bố ghi nhãn dinh dưỡng cho người tiêu dùng dễ nhận biết tổng năng lượng, đạm, béo, tinh bột và muối, đường…,” ông Trương Đình Bắc cho biết.
Nhân dịp này, Nestlé Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) trong việc hợp tác truyền thông nâng cao kiến thức dinh dưỡng hợp lý cho người dân, hỗ trợ xây dựng các tiêu chí dinh dưỡng cho một số thực phẩm và đồ uống phổ biến dựa trên nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị dành cho người Việt Nam./.
Thùy Giang
Theo Vietnam
Hà Nội: Người dân tin tưởng khám bệnh trạm y tế
Sau một thời gian triển khai thực hiện mô hình điểm trạm y tế (TYT), TYT xã Tân Hội, huyện Đan Phượng đã dần tạo được niềm tin của người dân trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Điều đó thể hiện ở số lượng người bệnh đến khám đã tăng lên.
Theo báo cáo của TYT xã Tân Hội tại buổi kiểm tra của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ngày 4-4, tổng số lượt khám chữa bệnh quý 1-2019 là 3.232 lượt, trong đó 1.679 lượt được thanh toán BHYT và 1.553 lượt miễn phí do chưa được thanh toán BHYT (châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, chiếu đèn hồng ngoại). Bình quân khoảng 50-60 lượt bệnh nhân đến khám mỗi ngày, tăng hơn 2 lần so với khi chưa triển khai TYT điểm.
Bên cạnh đó, công tác quản lý bệnh không lây nhiễm, tính đến 31-3 có tổng số 375 bệnh nhân tăng huyết áp được lập hồ sơ quản lý điều trị tại trạm; 98 bệnh nhân đái tháo đường được lập hồ sơ quản lý điều trị tại trạm trên tổng số 109 hồ sơ. Việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân đạt 97%, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 91%.
Nhìn chung, từ khi triển khai mô hình TYT điểm của Bộ Y tế, TYT xã Tân Hội đã được nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đội ngũ cán bộ y tế được nâng cao tay nghề; bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại trạm được thuận lợi đặc biệt là các bệnh mạn như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh về xương khớp, di chứng sau đột quỵ... được trực tiếp các bác sỹ của BV tuyến Trung ương, TP khám điều trị ngay tại tuyến y tế cơ sở.
Người dân đến khám, tư vấn tại TYT xã Tân Hội, huyện Đan Phượng.
Bên cạnh đó công tác quản lý bệnh không lây nhiễm theo mô hình bác sỹ gia đình thuận tiện cho việc theo dõi, quản lý sức khỏe cho các thành viên trong gia đình nhằm phát hiện và điều trị sớm tiền tăng huyết áp, tiền đái tháo đường... thay đổi lối sống sinh hoạt phù hợp để phòng và ngăn ngừa sự tiến triển, các biến chứng của bệnh.
Đánh giá về việc thực hiện mô hình điểm tại TYT xã Tân Hội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã ghi nhận những cố gắng mà TYT và Trung tâm y tế huyện Đan Phượng đã đạt được thời gian qua trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, việc thực hiện TYT điểm nói riêng khiến người dân đã tin tưởng y tế cơ sở hơn.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu TYT xã Tân Hội khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai mô hình trạm y tế điểm; đề nghị hoàn thiện, bổ sung các máy móc, trang thiết bị, mẫu thử xét nghiệm cho TYT. Bổ sung các dịch vụ khám sàng lọc bệnh ung thư như: Ung thư vú, ung thư cổ tử cung và hoàn thiện đội ngũ nhân lực để phuc vụ tốt nhất cho người dân đến khám tại TYT, đẩy mạnh công nghệ thông tin kết nối với các BV tuyến trên. Trung tâm y tế huyện cần có kế hoạch điều chuyển cán bộ xuống trạm, bổ sung nguồn nhân lực cán bộ tại trạm đảm bảo công tác khám chữa bệnh...
Nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, do đó Bộ trưởng giao Vụ Truyền thông thi đua khen thưởng cùng Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương làm các video về chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống các bệnh không lây nhiễm, tiểu đường, tim mạch, huyết áp, rửa tay sạch, tập thể dục giữa giờ... có thời lượng 3 phút để phát tuyên truyền tại trạm y tế, giúp người dân khi đến khám được tiếp cận thông tin tốt hơn.
Thịnh An
Theo phapluatxahoi
Nhiều người Việt tàn phá bản thân vì thói quen ăn uống ngược đời Gần 90% số người Việt nấu ăn luôn cho loại gia vị này vào thực phẩm khi chuẩn bị chế biến. Theo TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay: Muối rất quan trọng đối với cơ thể con người. Trong muối có Natri - là một trong hai nguyên tố chính cấu thành...