An Giang điều chỉnh khung kế hoạch năm học
Chiều 13-3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ ký công văn hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 (lần 2). Theo đó, các trường kết thúc năm học trước ngày 15-7-2020; thi THPT quốc gia từ ngày 8 đến 11-8-2020.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã 2 lần điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19
Như vậy, đây là lần thứ 2, Bộ GD&ĐT điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trước đó, ngày 22-2, Bộ GD&ĐT đã ký công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020. Theo đó, thời gian đi học trở lại từ ngày 2-3-2020; kết thúc năm học trước ngày 30-6-2020; thi THPT quốc gia từ ngày 23 đến 26-7-2020.
Trên cơ sở lần điều chỉnh lần thứ nhất, ngày 2-3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đã ký quyết định điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh An Giang.
Theo đó, thời gian kết thúc học kỳ II: bậc học mầm non, tiểu học (vào thứ 6, ngày 19-6); THCS và THPT (vào thứ 7, ngày 20-6); THCS và THPT hệ giáo dục thường xuyên do đơn vị quyết định thời gian. Thời gian tổng kết năm học vào tuần cuối tháng 6-2020 đối với tất cả các bậc học. Hướng tới, tỉnh sẽ tiếp tục điều chỉnh khung kế hoạch để phù hợp nội dung điều chỉnh lần 2 của Bộ GD&ĐT.
Sau lần điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 (lần 2), tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo việc học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phải bảo đảm chất lượng học tập.
Video đang HOT
Sở GD&ĐT đang triển khai kế hoạch về việc biên soạn điều chỉnh phân phối chương trình các môn học và hoạt động giáo dục cấp THCS. Hội đồng bộ môn cấp tỉnh tiến hành biên soạn lại nội dung và phân phối chương trình các môn học và hoạt động giáo dục cấp THCS (học kỳ II, năm học 2019-2020) theo hướng tinh gọn nội dung dạy học phù hợp thực tế của các địa phương, đảm bảo chuẩn kiến thức, chương trình, nội dung kỹ năng.
Sở GD&ĐT phân công phòng chuyên môn và Hội đồng bộ môn biên soạn và xây dựng chương trình điều chỉnh, tổ chức góp ý, tập hợp nội dung sản phẩm sau khi hoàn thiện tham mưu lãnh đạo sở lấy ý kiến của giáo viên và các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh trước khi triển khai thực hiện.
Nhằm tạo điều kiện cho học sinh lớp 9 trên địa bàn tỉnh ôn tập, củng cố kiến thức trong thời gian nghỉ học do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Sở GD&ĐT phối hợp Đài Phát thanh – Truyền hình An Giang tiếp tục sản xuất và phát sóng chương trình ôn tập kiến thức học kỳ I (năm học 2019-2020) dành cho học sinh lớp 9 các môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thị Ngọc Diễm đề nghị các trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện dạy học tích hợp vào một số môn học và hoạt động giáo dục. Theo đó, các môn học và hoạt động giáo dục có thể tích hợp, như: Sinh học, Giáo dục công dân, Thể dục, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp…
Theo đó, môn Sinh học: lồng ghép giảng dạy các nội dung về sự tồn tại của dịch bệnh Covid-19 ở không khí và trong cơ thể người; đường lây truyền dịch bệnh; biểu hiện bệnh khi virus xâm nhập vào cơ thể người, nguyên nhân sinh ra dịch bệnh…
Môn Giáo dục công dân: lồng ghép giảng dạy các nội dung tuyên truyền về Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; việc tuân thủ quy trình cách ly, tự nguyện cách ly, trách nhiệm công dân trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh Covid-19, sử dụng mạng truyền thông đúng quy định của pháp luật…
Môn thể dục, hoạt động ngoại khóa tập: trung giảng dạy lồng ghép các kỹ năng phòng, chống dịch bệnh Covid-19, kỹ thuật đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách, vệ sinh cá nhân, trường lớp học; kỹ năng rèn luyện thân thể tạo sức đề kháng để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Bài, ảnh: HỮU HUYNH (baoangiang.com.vn)
Nét mới trong chương trình giáo dục phổ thông bậc tiểu học
Năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) bắt đầu áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh đầu cấp tiểu học là lớp 1.
Do vậy, đến nay các tỉnh, thành phố trên cả nước và An Giang đã tiến hành tập huấn cho các giáo viên về những thay đổi, nét mới của chương trình, đồng thời có bước chuẩn bị cho công tác lựa chọn sách giáo khoa mới.
Chương trình mới sẽ bồi dưỡng hài hòa kiến thức và phẩm chất đạo đức cho trẻ
Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng trên cơ sở những nghiên cứu về đặc điểm con người, văn hóa Việt Nam, các giá trị truyền thống của dân tộc và những giá trị chung của nhân loại; những tiến bộ của thời đại về khoa học - công nghệ và xã hội, thành tựu nghiên cứu về tâm lý học và giáo dục học.
Cụ thể, ở chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản, đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.
Toàn cấp tiểu học tùy từng lớp có số môn học và số tiết khác nhau. Ở môn học bắt buộc có tổng cộng 10 môn, gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật). Hoạt động giáo dục bắt buộc là hoạt động trải nghiệm. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1. Các trường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Cơ sở giáo dục tiểu học chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Về sách giáo khoa tiểu học, các trường được lựa chọn sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT phê duyệt. Từng môn học có những định hướng cụ thể. Ở môn Ngữ văn, cấp tiểu học là tiếng Việt giúp học sinh phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Việt, làm công cụ để học tập tất cả các môn học và hoạt động giáo dục khác.
Với môn Đạo đức, bước đầu hình thành, phát triển ở học sinh những hiểu biết ban đầu về chuẩn mực hành vi đạo đức, pháp luật và sự cần thiết thực hiện theo các chuẩn mực đó; thái độ tự trọng, tự tin; những tình cảm và hành vi tích cực: yêu gia đình, quê hương, đất nước; yêu thương, tôn trọng con người; đồng tình với cái thiện, cái đúng, cái tốt, không đồng tình với cái ác, cái sai, cái xấu; chăm học, chăm làm...
Môn học Lịch sử và Địa lý ở cấp tiểu học là môn học bắt buộc, được dạy học ở lớp 4 và 5. Môn học được xây dựng trên cơ sở môn Tự nhiên và Xã hội các lớp 1, 2, 3 và là cơ sở để học môn Lịch sử và Địa lý ở cấp THCS.
Trên cơ sở kế thừa, phát huy ưu điểm của môn Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và tiếp thu kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, chương trình môn Lịch sử và Địa lý chọn lọc những kiến thức cơ bản và sơ giản về tự nhiên, dân cư, một số hoạt động kinh tế, lịch sử, văn hóa của các vùng miền, đất nước Việt Nam và thế giới; các sự kiện, nhân vật lịch sử phản ánh những dấu mốc lớn của quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nội dung môn học vừa bảo đảm tính khoa học, vừa phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và trình độ nhận thức của học sinh.
Chương trình môn Lịch sử và Địa lý cấp tiểu học định hướng phương pháp giáo dục đề cao vai trò chủ thể học tập của học sinh, phát huy tính tích cực, chủ động, sự say mê và tư duy sáng tạo; tập trung rèn luyện năng lực tự học, bồi dưỡng phương pháp học tập để học sinh có thể tiếp tục tìm hiểu, mở rộng vốn văn hóa cần thiết cho bản thân; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể.
Cùng với điều chỉnh định hướng giáo dục nội dung, chương trình mới còn hướng đến thay đổi cách đánh giá kết quả giáo dục. Đó là nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lý và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG
Theo baoangiang
Nghề "gõ đầu trẻ" trong mùa dịch bệnh Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang gây tâm lý hoang mang, lo ngại cho xã hội thì những người thầy vẫn âm thầm thực hiện công việc của mình theo một cách khác. Với họ, công việc không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình thương để học sinh có thể duy trì kiến thức và vượt qua mùa dịch bệnh...