An Giang: Cận cảnh học sinh vượt lũ đến trường
Trong mấy ngày qua, mực nước lũ có giảm, tuy nhiên vẫn còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, nhất là việc đến trường tìm cái chữ của hàng ngàn học sinh vùng rốn lũ An Phú (tỉnh An Giang).
Vượt lũ nuôi con chữ
Theo ghi nhận của PV Dân trí, thời gian qua, nhiều tuyến đê trong tỉnh An Giang đã bị lũ cuốn trôi, trên 100km đường giao thông bị ngập lũ, sạt lở gây khó khăn trong việc đi lại. Mặc dù vậy, học sinh (HS) các trường trên địa bàn tỉnh An Giang vẫn đi học bình thường.
Ngày 25/10, chúng tôi có mặt tại điểm trường tiểu học “B” Vĩnh Hội Đông (An Phú) mới cảm nhận hết nỗi nhọc nhằn đến trường của HS vùng lũ. Mặc dù nước lũ dâng cao, thời tiết thất thường, nhưng trong mưa giông các em HS nơi đây vẫn đều đặn đến lớp.
Vẫn chưa đù áo phao để cấp hết cho các em học sinh vùng lũ.
Trao đổi với PV Dân trí, thầy Nguyễn Văn Cẩn – Chủ tịch Công đoàn trường cho biết: “Tuy tất cả các đoạn đường đến trường hiện bị ngập sâu nhưng việc học hành của các em vẫn tiếp tục. Sở dĩ chúng tôi làm được việc này là vì nhà trường đã kết hợp với địa phương để đưa rước các em ngày 2 buổi đến trường an toàn”.
Được biết, toàn trường có 522 HS (điểm chính và điểm lẻ), trong đó có 174 HS được đưa rước đến trường do bị nước lũ cô lập. Mỗi ngày, xã huy động 4 phương tiện để rước HS từ nhà đến trường, sau khi học xong tiếp tục đưa về tận nhà.
Những ngày này, tại tuyến tỉnh lộ 957, thuộc địa phận xã Phú Hội nước lũ đã dìm ngập con lộ nước chảy cuồn cuộn, khiến cho việc học của học trò nghèo vùng lũ gặp khó khăn hơn bao giờ hết.
Video đang HOT
Em Quách Văn To, HS lớp 5 C Trường tiểu học “C” Phú Hội đang xắn quần lội nước bì bõm, nói. “Nước ngập tới gối, tụi em biết lội nên về trước. Mấy hôm trước thì đi đò, còn hôm nay chờ đò hơi lâu, chiều còn học nên em với mấy bạn rủ nhau lội nước về nhà”.
Trong chuyến khảo sát các điểm trường ảnh hưởng bởi lũ tại huyện đầu nguồn An Phú và thị xã Tân Châu, ông Nguyễn Thanh Bình – giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các trường phối hợp với địa phương chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho HS đến trường an toàn. Ngoài ra, ngành cũng đề nghị địa phương vận động phụ huynh không cho các em tự bơi xuồng cũng như lội bộ đến trường mà phải có người lớn đưa rước, canh chừng.
Tạo điều kiện đưa HS đến trường an toàn
Trước tình hình diễn biến phức tạp của lũ, vừa qua ông giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã có chuyến khảo sát công tác phòng chống lũ tại các trường ở các địa phương trong tỉnh.
Sau chuyến khảo sát thực tế, ông Bình đặc biệt lo lắng cho khoảng 1.800 HS thuộc huyện An Phú và TX.Tân Châu đang phải đến trường bằng đò, ghe vì đường sá bị lũ cô lập. Trong 1.800 HS đến trường bằng ghe xuồng này có trên 600 em thuộc huyện An Phú, 214 em thuộc thị xã Tân Châu và trên 1.000 em là HS từ Campuchia băng đồng lũ đến trường.
Chính vì vậy thời gian qua lãnh đạo Sở GD đã có những buổi làm việc cụ thể với lãnh đạo huyện An Phú, đặc biệt là Ban chỉ huy PCLB – TKCN để huy động các lực lượng sẵn có tại đia phương nhằm tạo mọi điều kiện đưa các em HS đến trường an toàn.
Các em học sinh vùng lũ ngoài việc mang sách vở đến lớp thì lúc nào bên mình cũng có ao phao, can nhựa.
Nhờ sự phối hợp ăn ý, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện đã tổ chức đưa rước 3.595 HS đến trường bằng phương tiện thủy an toàn tại 27 điểm đưa rước HS. Trong đó gia đình tự tổ chức 9 điểm (657 HS), các xã tổ chức 16 điểm (723 HS), còn lại do các em đi học bằng đò ngang. Kinh phí đưa rước HS do địa phương vận động xã hội hóa và từ nguồn ngân sách huyện. Ngoài ra, ngành giáo dục còn được trang bị 1.310 áo phao, 74 can nhựa cho các em mang theo khi đi học.
Ông Biện Văn Lành, ngụ ấp Phú Mỹ, xã Phú Hội có 4 cháu ngoại đang học cấp 1, trong đó chỉ có cháu học lớp 4 biết lội còn lại 3 cháu học lớp 1 không biết lội. Mỗi ngày 2 buổi ông Lành phải đưa các cháu đến tận đò rồi mặc áo phao đàng hoàng. Còn vào ngày thứ bảy, chủ nhật vợ chồng ông phải canh cánh giữ 4 đứa cháu của mình để cho các con ông mưu sinh bằng nghề chài, lưới trong mùa lũ.
“Những ngày tụi nhỏ ở nhà hoặc sau những giờ các cháu tan học, vợ chồng tui chăm coi chẳng rời mắt. Nếu sơ sẩy, tui nhỏ dễ bị té nước. Mỗi buổi sáng, tại bến sông này có 2 đầu xuồng đưa rước học sinh miễn phí. Thấy nhà nước quan tâm, tổ chức đưa rước tụi nhỏ đến trường tìm cái chữ tui thấy yên tâm lắm. Vì việc này vừa giúp tụi nhỏ đến trường an toàn vừa giúp người dân tụi tui có thời gian giăng câu, thả lưới mưu sinh trong mùa nước nổi”, ông Lành bày tỏ.
Dưới đây là hình ảnh các em học sinh vùng lũ An Phú vượt lũ đến trường:
Một ngày 2 buổi các em học sinh vùng lũ An Phú được đưa rước đến trường.
Nếu nhà gần, nhiều phụ huynh tự bơi xuồng đưa con em đến trường.
Đường vào trường lại sắp ngập nữa rồi.
Theo DT
Đến trường trên lưng mẹ cha
Để đến được Trường tiểu học và THCS Hưng Trạch, mỗi ngày các em nhỏ bên kia sông Bùng, ở thôn Bồng Lai (Hưng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) phải nhờ mẹ cha cõng qua sông.
Vượt 40km từ TP Đồng Hới, rồi gần 4km đường đồi rừng nhiều ổ trâu lầy lội, qua các con đập ngấp nghé nước tràn bờ mới đến được thôn Bồng Lai. Tại đây, hằng ngày diễn ra cảnh những người mẹ, người cha cõng con, ông bà cõng cháu trên lưng, hay ẵm ngang hông để vượt qua dòng sông Bùng đến trường.
Ông Nguyễn Chiến Sự, trưởng thôn Bồng Lai, cho biết: "Hình ảnh này đã trở thành quen thuộc với người dân thôn Bồng Lai từ nhiều năm qua rồi". Cô bé Nguyễn Thị Hải, học lớp 5, kể: "Nhà cháu ở bên tê sông. Ngày mô mẹ cũng phải cõng cháu qua sông đi học. Khi mô nước sông thật cạn, bọn cháu mới tự lội qua, còn không thì sợ lắm, không đứa mô dám lội cả".
Trường tiểu học và THCS Hưng Trạch nằm lọt thỏm giữa cánh đồng mênh mông và đám cỏ cây. Trường có 116 học sinh tiểu học và 94 học sinh THCS, là con em của 270 hộ dân ở thôn Bồng Lai 1 và Bồng Lai 2 sống hai bên bờ sông Bùng. Thầy Dương Minh Thu, hiệu trưởng nhà trường, cho biết học sinh của trường hiện nay có hơn 100 em ở cả hai cấp sống bên kia sông Bùng.
Sông Bùng dài khoảng 25km, là một nhánh ở khu vực thượng nguồn chảy vào sông Son nên quanh năm người dân Bồng Lai luôn phải đối mặt với nước lũ. Nhiều cụ già sống ở đây cho biết sông thường xuyên thay đổi thất thường trong ngày.
Thôn Bồng Lai có hơn 1.200 người chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng, trồng sắn (khoai mì), bắp trên rẫy và đi rừng lấy lá nón. 50% người dân ấy đang sống bên kia sông Bùng. Nghĩa là con em họ đến trường học đều phải được cha mẹ đưa qua sông Bùng. Chị Hòa tâm sự: "Không muốn đời con cháu vất vả như mình nên bầy tui phải cố gắng thôi. Nhưng cũng cực khổ lắm. Vì buổi sáng cõng con qua sông, lúc đón con về được thì trời đã gần trưa, vậy là sắp hết nửa ngày công làm ăn. Quanh năm như rứa nên chẳng còn mấy thời gian để lo ruộng rẫy".
Ông Trần Khánh Hòa, trưởng Phòng Giáo dục - đào tạo huyện Bố Trạch, cho biết tình trạng học sinh vượt sông đến trường đã diễn ra nhiều năm ở thôn Bồng Lai, nhưng do điều kiện của ngành và địa phương còn quá khó khăn nên vừa qua chỉ cấp được cho các em áo phao, đò ngang...
Theo BDVN
Chuyện khó tin - Học sinh vùng núi liều mình băng suối đến trường Mặc cho những dòng nước đang chảy xiết, hố sâu,... nhưng các học sinh tại vùng núi đều chấp nhận liều mình băng qua mỗi khi đến trường. Từ trước đến nay, ai cũng biết học sinh ở những nơi vùng sâu vùng xa thường phải có một cuộc sống cực khổ như thế nào. Ngoài việc thiếu ăn, thiếu mặc,... mà còn...