An Giang: 16 học sinh có nguy cơ bỏ học do thiếu cầu tạm
Phụ huynh của khoảng 16 học sinh tại một xã vùng sâu huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, rất mong chính quyền địa phương làm một cây cầu tạm để việc đi học của các em thuận tiện hơn.
Các phụ huynh phản ánh con em của mình gặp khó khăn trong việc đi học – Ảnh: Tô Văn
Anh Đặng Ngọc Trinh (40 tuổi) cùng nhiều phụ huynh ở ấp Mỹ Phú, xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cho biết, thời gian qua con em của họ gặp khó khăn khi đi học. Cụ thể là vài ngày gần đây, tuyến đường nông thôn nối từ xã Định Mỹ sang xã Mỹ Phú Đông đang thi công mở rộng. Do vậy, mỗi khi trời mưa là công trình sình lầy lội, học sinh không thể đạp xe đến trường học.
Anh Trinh cho biết, trong ấp Mỹ Phú có khoảng 16 học sinh (gồm học sinh tiểu học và trung học – PV) thuộc xã Định Mỹ đang gặp khó khăn về việc di chuyển đến trường. Các học sinh tiểu học còn nhỏ tuổi nên không thể đạp xe vượt qua những đoạn đường sình lầy để đến trường cách nhà hơn 3km. Vì vậy, các phụ huynh mong muốn chính quyền 2 xã Định Mỹ và Mỹ Phú Đông cùng phối hợp để làm cây cầu tạm qua con kênh giáp ranh 2 xã, giúp những học sinh ngụ xã Định Mỹ đến trường học ở xã Mỹ Phú Đông một cách thuận tiện trong lúc chờ làm đường.
Con đường chính đến trường của các em học sinh và người dân đang thi công - Ảnh: Tô Văn
Video đang HOT
“Nếu không cất cầu tạm thì khả năng vài ngày tới học sinh ở đây phải nghỉ học vì không thể đi xe trên đường đang thi công đầy sình lầy. Tất cả học sinh ở đây đều học 2 buổi nên phải đi sáng chiều. Mới hôm qua, đứa nhỏ học lớp 8 tên Thảo bị té lăn, tóc tai, áo quần dính đầy sình đất. Chúng tôi mong chính quyền sớm giải quyết tình trạng này”, anh Trinh nói.
Theo ghi nhận của PV, con đường đến trường hiện tại đang thi công hết toàn bộ phần đường, không chừa lối đi riêng cho người dân và các em học sinh. Đơn vị thi công múc cát tạo những hố to, mỗi khi trời mưa lớn sẽ tạo ra sình lầy lội rất khó để đi. Riêng lối đi qua cầu sắt bắc qua kênh Trường Tiền thì có một khu vực để làm cầu tạm, sẽ thuận lợi cho các em học sinh đến trường cũng như người dân tham gia giao thông.
“Sáng 22.10, UBND xã Mỹ Phú Đông có mời chúng tôi lên họp, thông tin kinh phí cất cầu tầm khoảng 20 triệu đồng. Hiện nay, xã vận động được 15 triệu đồng, chỉ còn 5 triệu thì người dân quyên góp được bao nhiêu rồi đem lên cho xã. Riêng về UBND xã Định Mỹ họ nói hết kinh phí nên không hỗ trợ được. Trong khi đó chúng tôi cũng chỉ là dân làm thuê, làm mướn thì sao kham nổi số tiền đóng góp này. Nếu chính quyền không vận động được tiền làm cầu tạm chắc tôi cho con cháu nghỉ học”, anh Huỳnh Văn Cường (33 tuổi, ngụ ấp Mỹ Phú, xã Định Mỹ) nói.
Anh Cường chỉ khu vực có thể cất cầu tạm giúp việc đi lại dễ dàng và rút ngắn thời gian cho các học sinh - Ảnh: Tô Văn
Ông Phan Văn Hùng – Phó chủ tịch UBND xã Định Mỹ, cho biết, sáng 22.10, ông mới nghe lãnh đạo xã Mỹ Phú Đông mời họp việc phụ huynh phản ánh.
“Do sáng đó tôi phải đưa mẹ bị bệnh tim đi cấp cưu nên chưa thể dự họp. Anh Chủ tịch thì bận việc khác. Qua báo chí, ngày 23.10 tôi sẽ cùng với lãnh đạo xã Mỹ Phú Đông bàn bạc, xúc tiến nhằm tháo gỡ ngay vấn đề này. Tuy nhiên, việc xây cầu chắc phải vận động kinh phí từ dân chứ xã thì không có ngân sách”, ông Hùng thông tin.
Ông Phạm Minh Tâm – Chủ tịch UBND H.Thoại Sơn, cho biết, vừa nghe phản ánh thì ngay lập tức ông đã chỉ đạo cho lãnh đạo 2 xã nói trên trong ngày 23.10 phải bàn kế hoạch rồi làm nhanh cây cầu tạm cho học sinh đi học dễ dàng theo nguyện vọng của người dân.
Tô Văn
Theo motthegioi
Đến từng nhà, rà từng bản đón học sinh tới trường
Đang trong năm học 2019-2020, nhưng tại huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, đã có nhiều học sinh bỏ học, hoặc đi học "giã gạo". Điển hình như Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi ở xã A Tiêng.
Cô giáo Hồ Thị Tâm, Hiệu trưởng, cho biết, mặc dù trường nằm ở trung tâm huyện, có đủ điều kiện thuận lợi về ăn ở, học tập, song từ đầu năm học đến nay, đã có đến 19 học sinh chưa ra lớp, hoặc đi học "giã gạo", bữa đi, bữa không, hoặc đi một vài buổi học rồi nghỉ. Các em học sinh này chủ yếu ở các xã Dang, Lăng và Nông.
Theo cô Tâm, năm học này, trường sáp nhập toàn bộ học sinh THCS từ Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS & Tiểu học xã Dang nên có tổng 408 em học sinh. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, như các em nghỉ học nhiều nên kết quả học tập của các em còn yếu, lưu ban, chán nản; hoặc thấy các anh chị lớn ra trường không có việc làm nên đã nghỉ học để đi làm, kiếm tiền.
Các thầy cô giáo Trường THPT Tây Giang nỗ lực đưa học sinh đến lớp.
Cũng có nguyên nhân chủ quan từ gia đình, như gia đình còn khó khăn, bố mẹ chưa quan tâm được nhiều do họ còn phải lo cái ăn, cái mặc, con cái đôi lúc cũng tự do trong quá trình đi lại, trong việc học... "Nhà trường phân công các giáo viên kết hợp với chính quyền địa phương đến tận nhà các em để vận động các em ra lớp, nhưng công tác vận động gặp nhiều khó khăn do giáo viên vừa dạy trên lớp vừa tranh thủ thời gian đi vận động; người dân bản địa làm rẫy nên các em theo cha mẹ lên rẫy... Giáo viên nhà trường, các xã, thôn vẫn đang quyết liệt vận động với nhiều hình thức khác nhau để có kết quả.", cô Tâm nói.
Tại Trường THPT Tây Giang, từ đầu năm học đến nay đã có 36 trường hợp học sinh chưa ra lớp. Phần lớn các em này có nhà ở các xã A Vương, Bha Lêê, Lăng. Thầy Đinh Văn Tư, Hiệu trưởng, cũng cho hay, nhà trường đã phối hợp cùng các thôn đến tận nhà học sinh vận động nhưng không đạt kết quả. Ngay cả cha mẹ học sinh cũng không mặn mà với việc cho con em đi học, vì cho rằng học nhiều, tốn tiền của mà ra trường thất nghiệp, không xin được việc làm.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Phó Phòng GD-ĐT huyện Tây Giang xác nhận, trong năm học 2019 - 2020, trên địa bàn huyện có 84 học sinh trung học bỏ học, học "giã gạo", trong đó bậc THPT 54 học sinh, THCS 30 học sinh. Trước sự việc trên, ngành Giáo dục và các cấp, ngành, mặt trận, đoàn thể từ huyện đến xã, thôn vẫn đang tích cực vận động học sinh ra lớp; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc quản lý, chăm sóc con cái, nhất là quan tâm đến việc học của con em mình.
Đồng thời phối hợp với hội, đoàn tổ chức nhiều phong trào, hoạt động tạo môi trường học tập tích cực, thân thiện cho các em học sinh trên địa bàn.
Hà Vy
Theo cand
Hiệu quả mô hình trường PTDTBT ở Tuần Giáo Không chỉ nâng cao tỷ lệ học sinh chuyên cần mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Trong chuyến công tác chúng có dịp đến thăm trường PTDTBT THCS Phình Sáng - nơi gửi gắm con em của đồng bào dân tộc trong xã...