Ấn Độ xem xét cho phép một số nhà đầu tư giao dịch tiền điện tử
Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết, Ấn Độ đang xem xét một đề xuất coi tiền điện tử như tài sản tài chính, đồng thời bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ.
Cuộc thảo luận diễn ra khi các nhà chức trách nước này đang chạy đua để hoàn thiện dự luật mà chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi muốn trình lên quốc hội trong phiên họp bắt đầu từ ngày 29.11. Dự luật có thể quy định số tiền tối thiểu cho các khoản đầu tư vào tiền kỹ thuật số.
Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ vẫn muốn để lại một số cơ hội cho tiền điện tử khi soạn thảo dự luật mới
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách đã để lại một số khoảng trống khi đăng mô tả về dự luật trên trang web của quốc hội vào cuối ngày 23.11, bằng cách nói rằng dự luật tìm cách cấm tất cả các loại tiền điện tử tư nhân, ngoại trừ “một số ngoại lệ nhất định để thúc đẩy công nghệ cơ bản của tiền điện tử và việc sử dụng nó”. Hiện Bloomberg chưa thể liên hệ ngay với phát ngôn viên của Bộ Tài chính Ấn Độ để đưa ra bình luận.
Video đang HOT
Sự không chắc chắn đã kích hoạt một đợt bán tháo vào hôm 24.11 đối với một số loại tiền điện tử bao gồm Shiba Inu và Dogecoin, có thời điểm giảm hơn 20% trong giao dịch trên nền tảng WazirX, một trong những sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu của Ấn Độ. Nhưng chúng ít bị ảnh hưởng hơn nhiều trên các nền tảng giao dịch như Binance hoặc Kraken.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ muốn có một lệnh cấm hoàn toàn đối với các loại tiền điện tử, vì cho rằng loại tiền đó có thể ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính của quốc gia. Chính phủ Ấn Độ đang xem xét đánh thuế thu nhập từ tiền điện tử trong ngân sách tiếp theo, Thống đốc Shaktikanta Das tuần trước cho biết, đồng thời nói rằng Ấn Độ cần các cuộc thảo luận sâu hơn về vấn đề này.
Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ đang tích cực xem xét vấn đề. Đầu tháng 11.2021, ông Modi đã tổ chức cuộc họp về tiền điện tử, sau đó các quan chức cho biết sẽ không để thị trường tiền điện tử vốn không được kiểm soát trở thành con đường cho hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Người Hồi giáo ở Indonesia không được phép sử dụng tiền điện tử
Cơ quan Hồi giáo hàng đầu của Indonesia đã yêu cầu người Hồi giáo nước này tránh xa tiền điện tử vì chúng không được phép sử dụng theo luật tôn giáo.
Theo Nikkei, quyết định được công bố gần đây của Majelis Ulama Indonesia (MUI), còn gọi là Hội đồng Ulema Indonesia, đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều ở một quốc gia nơi giao dịch tiền điện tử bắt đầu tăng cao, cùng với sự bùng nổ đầu tư rộng lớn hơn diễn ra trong dịch Covid-19.
Động thái của MUI xuất hiện giữa lúc Indonesia đang bùng nổ giao dịch tiền điện tử
Asrorun Niam, thư ký của Ủy ban MUI chịu trách nhiệm ban hành các sắc lệnh tôn giáo, cho biết tiền điện tử rất phức tạp, không được phép sử dụng theo luật Hồi giáo vì có yếu tố không chắc chắn và tiềm năng mất mát với các tài sản được hỗ trợ bởi blockchain. Ông Niam nói thêm rằng quyết định này cũng phù hợp với luật pháp Indonesia, vốn coi đồng Rupiah là tiền tệ hợp pháp duy nhất. Người Hồi giáo có thể giao dịch tiền điện tử như hàng hóa, nếu chúng thể hiện lợi ích và tuân thủ luật Sharia của giáo lý Hồi giáo. Các tài sản khác được phép sử dụng bao gồm vàng và bạc.
Động thái của MUI xuất hiện giữa lúc Indonesia đang bùng nổ giao dịch tiền điện tử. Theo một quan chức Bộ Thương mại Indonesia, tính đến tháng 10.2021, nước này có khoảng 9,73 triệu nhà giao dịch. Giá trị giao dịch đạt 717.500 tỉ Rupiah, tăng đáng kể so với 65.000 tỉ Rupiah của cả năm ngoái. Hội đồng MUI có thẩm quyền quyết định những gì được phép theo luật Hồi giáo. Mặc dù không có ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng lệnh của MUI có ý nghĩa rộng lớn ở một quốc gia gần 90% là người Hồi giáo.
Ấn lệnh (fatwa) của MUI đi ngược lại với sự hỗ trợ của chính phủ Indonesia đối với công nghệ tiền điện tử. Chính phủ nước này đang có kế hoạch mở một sàn giao dịch tiền điện tử, trong khi đó Ngân hàng Indonesia đang cân nhắc xây dựng đồng Rupiah kỹ thuật số sử dụng công nghệ blockchain.
"Nếu Ngân hàng Indonesia muốn phát hành tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương bằng cách sử dụng công nghệ blockchain, thì thật không may, nó sẽ bị coi là trái luật (haram) theo fatwa của MUI. Có thể sẽ có một cuộc đối thoại giữa Ngân hàng Indonesia và MUI về điều này khi đến thời điểm", Oscar Darmawan, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử Indonesia Indodax, nói.
Ông Darmawan cho biết, hiện các nhà đầu tư tiền điện tử ở Indonesia vẫn chưa thay đổi hoạt động của họ sau fatwa của MUI. "Ở Indonesia, tiền điện tử chỉ được sử dụng như một tài sản hoặc hàng hóa. Do đó, fatwa của MUI không có nhiều tác dụng. Không ai coi nó như một loại tiền tệ. Họ sử dụng tiền điện tử để thu được vốn".
Một nhà giao dịch tiền điện tử người Hồi giáo nói với Nikkei, anh "không quan tâm lắm đến fatwa", vì "giao dịch chứng khoán, rất giống với cờ bạc, vẫn được coi là được phép theo luật Hồi giáo. Miễn là các sàn giao dịch còn mở cửa, tôi sẽ còn tiếp tục đầu tư vào tiền điện tử".
Theo ông Teguh Harmanda, giám đốc hoạt động của sàn giao dịch Tokocrypto, nhiều quy định của Indonesia về tiền điện tử rất nghiêm ngặt, một số phù hợp với luật Hồi giáo. "Nếu chúng ta xem xét quy định mới nhất về tiền điện tử, thì sẽ thấy tất cả các sàn giao dịch cần tuân theo tiêu chuẩn FATF (Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính, một tổ chức liên chính phủ để chống rửa tiền). Theo quy định, danh tính của người mua và người bán cần thiết phải được ghi lại. MUI đã yêu cầu cần có thông tin rõ ràng về việc ai gửi tiền điện tử, ai nhận tiền điện tử. Tôi hy vọng MUI có thể cân nhắc, suy nghĩ nhiều hơn về fatwa mới. Tôi cũng nghĩ MUI và các cơ quan có liên quan có thể trao đổi nhiều hơn về lập trường đối với tiền điện tử".
Nhà đầu tư đang bán tháo đồng Shiba Inu Dữ liệu từ Etherscan cho thấy ví "cá voi" Shiba Inu (SHIB) đã chuyển hơn 2,9 tỷ USD tiền mã hoá meme này sang địa chỉ khác. Cụ thể, theo thông tin từ Etherscan, ngày 2/11, ví cá voi nắm giữ hơn 5 tỷ USD đồng Shiba Inu đã thực hiện 4 giao dịch chuyển loại tiền số này sang địa chỉ ví...