Ấn Độ: “Người nhện” trèo tường ném phao cho thí sinh
Một số cảnh sát bảo vệ thậm chí còn nhận hối lộ của phụ huynh để nhắm mắt làm ngơ cho tình trạng “người nhện” vượt rào ném phao cho thí sinh.
Từ trước tới nay, tình trạng gian lận trong thi cử luôn là một vấn nạn nhức nhối ở Ấn Độ, tuy nhiên ngày 19/3, dư luận nước này đã vô cùng sốc khi những hình ảnh về tình trạng gian lận ngang nhiên, tràn lan, công khai ở bang Bihar được công bố trên mạng.
Đây là kỳ thi khảo sát chất lượng rất quan trọng đối với toàn bộ học sinh lớp 10 do Ủy ban Khảo thí bang Bihar (BSEB) tổ chức, diễn ra từ ngày 17-24/3, với hơn 1,4 triệu thí sinh tham dự.
Tuy nhiên, những hình ảnh được công bố trên báo chí Ấn Độ cho thấy phụ huynh, bạn bè của các thí sinh leo trèo như người nhện vào trường thi để thi nhau ném phao thi vào cho các thí sinh trước sự bất lực của lực lượng cảnh sát bảo vệ đứng gần đó.
Các “người nhện” đu lên tường ném phao cho thí sinh
Trong phòng thi, các thí sinh lôi cả sách giáo khoa và phao thi ra để mải mê chép. Trong một đoạn video được công bố trên truyền hình, một giám thị đã phải tát vào mặt nữ sinh khi cô này lôi sách giáo khoa từ dưới gầm bàn ra chép một cách quá ngang nhiên.
Những bức ảnh do các phóng viên chụp lại cho thấy gần như cả làng đã bất chấp nguy hiểm trèo lên những tòa nhà cao 3 tầng để ném phao thi vào cho thí sinh. Một số cảnh sát bảo vệ ở vòng ngoài thậm chí còn nhận tiền đút lót của phụ huynh để làm ngơ cho tình trạng này.
Video đang HOT
Thí sinh ngang nhiên lôi phao lên mặt bàn để chép
Phóng viên ảnh Dipankar của BBC cho hay khi anh vào bên trong trường thi ở quận Saharsa để chụp ảnh, các thí sinh không hề tỏ ra lo lắng hay sợ hãi trước ống kính máy ảnh của anh.
Sau buổi thi hôm thứ Tư vừa rồi, các thanh tra viên của bang đã kiểm tra đột xuất một trường thi và đã thu giữ được số phao thi nhét đầy 9 bao tải.
Một túi phao bị giám thị tịch thu trong phòng thi
Tại một số địa điểm thi như ở trường Saran ở quận Chapra, phụ huynh học sinh thậm chí còn ẩu đả, xô xát với lực lượng cảnh sát bảo vệ để được trèo rào vào bên trong.
Theo quy định, những thí sinh gian lận trong thi cử ở Ấn Độ có thể bị cấm thi trong vòng 3 năm, thậm chí có thể bị phạt tù và phạt tiền, thế nhưng trong thực tế hầu như rất ít thí sinh bị phạt ở bang Bihar.
Các thí sinh không hề tỏ ra sợ hãi khi bị chụp hình quay cóp
Những hình ảnh trên đã gây ra làn sóng phẫn nộ, bức xúc trong dư luận Ấn Độ, khiến các quan chức ngành giáo dục ở bang Bihar phải khẩn cấp vào cuộc để “dẹp sóng”.
Các quan chức giáo dục tuyên bố rằng họ sẽ cam kết tổ chức kỳ thi một cách công bằng bằng cách lắp đặt máy quay công khai tại các địa điểm thi, đồng thời tổ chức các đoàn thanh tra lưu động sẵn sàng kiểm tra đột xuất bất cứ trường thi nào có vấn đề.
Phụ huynh trèo rào, vượt tường vào trường thi để “hỗ trợ” thí sinh
Sau khi tình trạng gian lận công khai bị tố cáo trên báo chí, Sở Giáo dục bang Bihar cho biết ít nhất 400 học sinh bị bắt quả tang quay cóp đã bị đình chỉ thi và bị kỷ luật.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục bang Bihar lại thừa nhận rằng họ sẽ không thể nào ngăn chặn được tình trạng gian lận trong thi cử nếu không có sự phối hợp từ phía nhà trường và phụ huynh học sinh.
Ông PK Shahi, giám đốc Sở Giáo dục Bihar tuyên bố: “Chính quyền có thể làm được gì để ngăn chặn nạn gian lận nếu gia đình không sẵn lòng hợp tác? Liệu chính quyền có nên ra lệnh bắn bỏ họ?”
Cảnh sát tỏ ra bất lực trước làn sóng phụ huynh trèo rào vào trường thi
Theo tờ Washington Post, tình trạng gian lận trong thi cử đặc biệt phổ biến ở các vùng nông thôn Ấn Độ, nơi cuộc cạnh tranh vào các trường đại học, cao đẳng vô cùng khốc liệt. Rất nhiều học sinh ở Ấn Độ đã phải bỏ học vì không vượt qua được các kỳ thi khắc nghiệt được tổ chức ở lớp 10 và lớp 12.
Mới đây, chính quyền bang Bihar cũng đã đuổi học hàng chục học sinh lớp 12 và bỏ tù bố mẹ của họ vì có hành vi gian lận ngang nhiên trong thi cử.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng tình trạng gian lận thi cử này chỉ là triệu chứng của những vấn đề sâu xa hơn trong hệ thống giáo dục của Ấn Độ, chẳng hạn như tình trạng thiếu hụt giáo viên, quá coi trọng bằng cấp, và hệ thống trường lớp thiếu đồng bộ.
Một nghiên cứu gần đây của Quỹ Giáo dục Pratham cho thấy chỉ có 48% học sinh lớp 5 của Ấn Độ có thể đọc được sách giáo khoa lớp 2.
Theo Trí Dũng (BBC / Danviet.vn)