Ấn Độ nâng cấp nền giáo dục thông qua 5G
Phát biểu sau khi khởi động Chương trình trường học xuất sắc (Mission Schools of Excellence – MSE) của chính quyền bang Gujarat, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, dịch vụ viễn thông 5G sẽ đưa hệ thống giáo dục của nước này lên tầm cao mới.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm một lớp học ở bang Gujarat
Theo Thủ tướng Ấn Độ, học sinh giờ đây có thể trải nghiệm thực tế ảo, internet vạn vật và các công nghệ tiên tiến khác trong trường học với sự trợ giúp của mạng 5G. Ông ủng hộ việc sử dụng các ngôn ngữ địa phương để đảm bảo những người không biết tiếng Anh không bị bỏ lại phía sau. Trong 2 thập kỷ qua, chính quyền bang Gujarat đã xây dựng 12.500 phòng học mới và thu hút gần 20.000 giáo viên. 15.000 phòng học đã được lắp ti vi cách đây 1 thập kỷ và sau đó là kết nối internet. Ông Modi từng là thủ hiến bang Gujarat trước khi trở thành thủ tướng vào năm 2014.
Video đang HOT
Theo kế hoạch của MSE, chính quyền bang Gujarat sẽ xây dựng 50.000 phòng học mới và chuyển đổi gần 1.000 phòng học hiện có của các trường do chính phủ điều hành thành phòng học thông minh sử dụng công nghệ 5G. Nhờ đó, các giáo viên có thể truyền đạt kiến thức theo thời gian thực cho một số trường học ở các làng thông qua hình thức trực tuyến. Học sinh sẽ được làm quen với các môn học như công nghệ robot từ sớm. Phần lớn các lớp học sẽ được hỗ trợ công nghệ và hầu hết sử dụng một số loại hình học tập ảo, sử dụng hội nghị truyền hình hoặc các nền tảng khác. Công nghệ 5G sẽ mang đến cho học sinh những trải nghiệm học tập sống động, theo thời gian thực.
Theo ông Ajit Chauhan, Chủ tịch Đại học Amity Online (Ấn Độ), ở mức cao nhất, tốc độ internet của mạng 5G có thể đạt 10 Gbps so với mức cao nhất 100 Mbps của mạng 4G nên độ trễ (thời gian thiết bị gửi các gói dữ liệu và nhận phản hồi) thấp đến 1/1.000, rất thuận lợi cho việc truyền đạt kiến thức. Theo Giáo sư Rajesh Khanna, Chủ tịch Đại học NIIT, công nghệ 5G sẽ mang tính chuyển đổi. Điều này có thể là do tốc độ cao, độ trễ thấp, khả năng kết nối đồng thời với nhiều người dùng và thiết bị được bảo mật cao.
Phần lớn giáo viên cho rằng, việc học trực tuyến dựa trên nền tảng Zoom thường là các bài thuyết trình PowerPoint, vốn vẫn còn buồn tẻ. Điều này có thể thay đổi với các công nghệ 5G và việc học có thể trở nên thú vị hơn. Một ví dụ là khi hiển thị cách thức hoạt động của một động cơ điện bằng hình ảnh 3 chiều là một thách thức, vì truyền phát video qua mạng không dây gặp nhiều vấn đề do cần dung lượng đường truyền lớn; 5G có thể giải quyết được vấn đề này. Hơn nữa, theo các chuyên gia, trong khi dạy địa lý, giáo viên có thể sử dụng các công cụ hoạt hình tốt hơn, cho thấy các hẻm núi và khe núi được hình thành như thế nào, hoặc các mảng kiến tạo đang dịch chuyển như thế nào. Trong hóa học, học sinh có thể xem phản ứng tạo ra hydro bằng hình ảnh và âm thanh sống động trước khi vào phòng thí nghiệm.
Ngoài ra, học sinh có thể học thông qua nhiều dạng nội dung kỹ thuật số và trực tuyến khác nhau, chẳng hạn như video, lớp học trực tuyến, YouTube và nhiều công cụ độc đáo khác như Flipgrid, Infographics và Storyboards. Học sinh, sinh viên giờ đây được tiếp cận nhiều hơn với thực tế ảo. Họ có thể đến thăm các viện bảo tàng, những địa điểm tuyệt vời hoặc các đại dương sâu thẳm trên khắp thế giới thông qua mạng.
Ấn Độ ra mắt dịch vụ 5G
Ngày 1/10, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tham ra lễ ra mắt dịch vụ 5G ở nước này.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Modi cho rằng động thái này đã tạo ra bước tiến cho kỷ nguyên mới.
Công nghệ 5G sẽ giúp việc truy cập Internet tốc độ cao và bao phủ trên diện rộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hàng ngày và giúp thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người dân. Dự kiến, mạng 5G sẽ giúp mang lại cho nền kinh tế Ấn Độ khoảng 450 tỷ USD vào năm 2035.
Trước mắt, dịch vụ 5G sẽ được triển khai tại 8 thành phố của Ấn Độ và dự kiến đến tháng 3/2024 là thời hạn chót để dịch vụ này phủ sóng toàn quốc.
Trước đó, trong một tuyên bố được Cục Viễn thông Ấn Độ (DoT) đưa ra vào ngày 27/12/2021, các nhà mạng hàng đầu Ấn Độ như Bharti Airtel, Reliance Jio và Vodafone Idea đã thiết lập các địa điểm thử nghiệm 5G tại các thành phố Gurugram, Bangalore, Kolkata, Mumbai, New Delhi, Ahmadabad, Chennai, Hyderabad....
Hệ thống mạng 5G là bản nâng cấp mới nhất trong các mạng di động băng rộng phát triển lâu dài (LTE). Mặc dù mạng 4G là một bước tiến vượt bậc, cho phép mọi người truyền tải dữ liệu khi đang di chuyển, nhưng 5G được thiết kế để sử dụng linh hoạt hơn, có thể kết nối nhiều loại thiết bị không chỉ điện thoại thông minh, cung cấp tốc độ truy cập và dung lượng cao hơn nhiều.
Ngoài các nhà cung cấp viễn thông và sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu, Chính phủ Ấn Độ đã tích cực tham gia để tạo điều kiện cho việc triển khai dịch vụ 5G. Bộ Viễn thông Ấn Độ đã tập trung đầu tư cho các tổ chức nghiên cứu công nghệ hàng đầu ở nước này để phát triển và thử nghiệm mạng 5G.
Hồi tháng 3/2018, Bộ Viễn thông Ấn Độ đã phê duyệt một dự án hợp tác thử nghiệm 5G với tổng kinh phí hơn 30 triệu USD.
Ấn Độ đã sai khi thu giữ tài sản của Xiaomi? Một nhóm vận động hành lang công nghệ mới đây cho rằng nhà chức trách Ấn Độ đã "hiểu nhầm" về cách thức hoạt động của phí cấp bằng sáng chế, sau khi quan chức địa phương thu giữ tài sản của Xiaomi Corp. Theo Bloomberg, trong thư gửi đến các bộ của Ấn Độ, Hiệp hội Điện tử và Di động Ấn...