Ấn Độ: Lộ diện hóa thạch “rắn thần” dài 15 m từ siêu lục địa đã mất
Hóa thạch 47 triệu tuổi thuộc về một loài mới của dòng dõi “siêu mãng xà” có nguồn gốc sâu xa từ “cố hương” Gondwana của tiểu lục địa Ấn Độ.
Tại mỏ than non Panandhro thuộc vùng sa mạc đầm lầy muối Kutch ở bang Gujarat – Ấn Độ, các nhà cổ sinh vật học đã phát hiện ra hóa thạch một trong những loài rắn lớn nhất thế giới.
Nó được đặt tên là Vasuki Indicus, theo tên con rắn thần quấn quanh cổ vị thần Shiva – vị thần tối cao tượng trưng cho sự hủy diệt và tái tạo, đại diện cho vòng tuần hoàn bất tận của vũ trụ trong Hindu giáo.
Khu vực tìm thấy hóa thạch – Ảnh: SCIENTIFIC REPORTS
Hai nhà nghiên cứu Debajit Datta và Sunil Bajpai từ Phòng Khoa học Trái đất của Viện Công nghệ Ấn Độ Roorkee đã phân tích mẫu vật.
Các phần hóa thạch gồm 27 đốt sống hầu hết được bảo quản tốt, một số trong đó có khớp nối, dường như là của một động vật đã trưởng thành.
Các đốt sống có chiều dài từ 37,5-62,7 mm và chiều rộng từ 62,4-111,4 mm, gợi ý về một thân hình trụ rộng.
Video đang HOT
Các đốt xương to bè của con quái vật – Ảnh: SCIENTIFIC REPORTS
Từ đó, họ suy ra đó là một sinh vật có thân hình nặng nề và chiều dài tối đa lên tới 15,2 m, tối thiểu cũng hơn 10 m.
Kích thước này có thể so sánh với loài rắn dài nhất được khoa học công nhận – loài Titanoboa đã tuyệt chủng, được phát hiện ở Colombia năm 2009. Đó là một con mãng xà ước tính dài khoảng 13 m và nặng 1,1 tấn.
Tuy vậy, các nhà nghiên cứu Ấn Độ cho biết ước tính này có thể chưa chính xác và họ hy vọng có thể tìm thấy các bằng chứng hóa thạch khác trước khi xác nhận con mãng xà này là loài rắn lớn nhất.
Bài công bố trên Scientific Reports cũng cho biết con rắn vĩ đại này thuộc về Madtsoiidae, một dòng dõi gồm những con rắn, trăn khổng lồ đã tuyệt chủng.
Madtsoiidae được cho có nguồn gốc sâu xa từ siêu lục địa phía Nam Gondwana khoảng 100 triệu năm trước, tức thuộc kỷ Phấn trắng.
Khi đó Trái Đất gồm 2 siêu lục địa, phía Bắc là siêu lục địa Lausaria, gồm phần lớn lục địa Á – Âu, Bắc Mỹ ngày nay.
Thời điểm đó, hai phần của châu Á là bán đảo Ả Rập và tiểu lục địa Ấn Độ vẫn còn nằm ở phía Nam siêu đại dương chia đôi thế giới.
Khoảng 88-50 triệu năm trước, tiểu lục địa Ấn Độ thực hiện chuyến “du ngoạn” băng qua đại dương sau khi tách khỏi Gondwana, gắn với lục địa Á – Âu ngày nay, mang theo tổ tiên của Vasuki Indicus.
Xuất hiện loài mới: Bò sát biển "ác mộng" dài 8 m
To như cá voi sát thủ, răng như dao găm, loài bò sát biển kỷ Phấn Trắng này từng gây kinh hoàng cho khu vực quanh TP Casablanca của Morocco ngày nay.
Theo Live Science, một nhóm nghiên cứu đa quốc gia vừa ghi danh thêm một loài mới vào danh sách các bò sát biển đáng sợ của kỷ Phấn Trắng: Khinjaria acuta.
Cái tên đó bắt nguồn từ "khinja" trong tiếng Ả Rập, có nghĩa là "dao găm"; cũng như "acuta" trong tiếng Latin có nghĩa là "sắc bén". Đó cũng là mô tả về bộ hàm của con quái vật: Dày đặc những chiếc răng lớn giống dao găm.
Một phần hàm của con quái vật được khai quật - Ảnh: ĐẠI HỌC BATH
Trong khi đó nhà cổ sinh vật học từ Đại học Bath (Anh), một trong các nhóm tham gia nghiên cứu đa quốc gia, gọi nó là bò sát biển "ác mộng".
Không chỉ có bộ hàm gớm ghiếc, sinh vật này còn có cơ thể khổng lồ dài 8 m, khá mập mạp như rồng Komodo - một trong các họ hàng còn sống của nó - trong khi kích cỡ và độ nhanh nhạy tương đương với cá voi sát thủ.
Bò sát biển "ác mộng" Khinjaria acuta - Ảnh đồ họa:
Hộp sọ và một phần bộ xương của con bò sát biển "ác mộng" này đã được tìm thấy trong một mỏ phosphate gần thành phố cảng Casablanca của Morocco.
Theo GS Nour-Eddine Jalil từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Paris (Pháp), đồng tác giả, phân tích hộp sọ cho thấy loài này có lực cắn khủng khiếp.
Còn TS Nick Longrich từ Đại học Bath cho biết nó là mối đe dọa đối với cá, rùa biển và cả các bò sát biển khác cùng thời kỳ.
Khinjaria acuta cũng được xác định là một loài thương long. Ngoài rồng Komodo, nó cũng là họ hàng của một loài hiện đại khác là trăn khổng lồ anacondas.
Mẫu vật vừa được khai quật có niên đại 66 triệu năm, tức vào cuối kỷ Phấn Trắng, ngay trước khi xảy ra thảm họa tiểu hành tinh Chicxulub khiến nó và toàn bộ thương long, ngư long, dực long, khủng long khác bị xóa sổ trên hành tinh.
Tuy vậy, các nhà khoa học cho rằng loài này có thể đã hùng cứ đại dương trong suốt kỷ Phấn Trắng, tức từ 145 triệu năm về trước.
Phát hiện mới đã làm phong phú thêm mô tả về loài thương long, vốn là nhóm bò sát biển nguy hiểm hàng đầu trong quá khứ, to lớn hơn hầu hết các động vật biển khác. Chúng cũng rất đa dạng về hình thái, với kiểu răng và cách săn mồi ít nhiều khác biệt giữa các loài.
Xuất hiện loài "quái vật bay" chưa từng thấy ở Liêu Ninh - Trung Quốc Một loài quái vật hoàn toàn mới, biết bay, đã được các nhà cổ sinh vật học Trung Quốc - Brazil khai quật từ những phiến đá kỷ Phấn Trắng. Được đặt tên là Meilifeilong youhao, loài quái vật mới là một phần của Jehol Biota, một hệ sinh thái nước ngọt và trên cạn được bảo tồn trong các lớp đá cổ...