Ấn Độ đào tìm kho báu 1.000 tấn vàng ‘trong mơ’
Chính quyền Ấn Độ ngày 18.10 bắt đầu đào tìm kho báu sau khi một người đàn ông mơ thấy 1.000 tấn vàng chôn gần một ngôi đền cổ ở bang Uttar Pradesh.
Ấn Độ đào tìm kho báu 1.000 tấn vàng – Ảnh: Reuters
Ông Swami Shoban Sarkar mơ thấy nhà cầm quyền Ấn Độ Rao Ram Bux Singh hồi thế kỷ 19 đã nói cho ông biết về kho báu 1.000 tấn vàng, trị giá khoảng 40 tỉ USD, được chôn giấu ở gần một ngôi đền tại làng Daundia Khera, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, theo Reuters.
Mặc dù không tiền, không đất đai, không tài khoản ngân hàng, ông Sarkar không hề giữ bí mật kho báu cho riêng mình.
Ông Sarkar đã báo tin này cho Cơ quan Khảo cổ Ấn Độ (ASI) với hy vọng tìm thấy số vàng có thể cứu nguy cho nền kinh tế Ấn Độ.
“Tôi đã khóc khi tôi biết tin nền kinh tế Ấn Độ sắp sụp đổ. Đây là một kho báu ẩn giấu để cứu nguy đất nước”, ông Sarkar cho hay.
ASI đã quyết định kiểm tra xem giấc mơ ông Sarkar có thật hay không, cử hàng chục nhân viên đến khu vực gần ngôi đền để đào kho báu.
Cuộc đào bới bắt đầu vào ngày 18.10 và các nhân viên ASI lên kế hoạch đào một khu vực rộng 100 m2 gần ngôi đền theo mô tả của ông Sarkar.
Video đang HOT
Vụ việc thu hút sự tò mò và hàng trăm người dân địa phương đã đổ xô đến xem. Nhiều người dân địa phương bắt đầu mở các quán bán đồ ăn thức uống phục vụ cho những người hiếu kỳ.
Nhưng ASI cho biết dự án tìm kho báu này không phải chỉ dựa vào giấc mơ của ông Sarkar.
Theo Tổng giám đốc ASI, ông BR Mani, kết quả các cuộc khảo cổ gần đây và Bộ Văn hóa Ấn Độ cũng cho rằng có một kim loại quý tại khu vực này, chưa hẳn là vàng, và hiện vẫn chưa rõ vị trí chính xác của kho báu.
Mỗi ngày, dân Ấn Độ mua khoảng 2,3 tấn vàng, bằng cân nặng của một con voi, chủ yếu để tích trữ hoặc hiến tế thần linh, theo Reuters.
Phúc Duy
Theo TNO
Giấc mộng vàng ở lục địa đen
Ghana vừa trục xuất 4.500 người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp để hành nghề khai thác vàng song vẫn không ngăn được làn sóng di dân ào ạt đến đất nước xếp thứ hai châu Phi về trữ lượng vàng này để mong được trúng mánh, đổi đời.
Hầu hết dân đào vàng bị trục xuất nói trên là người huyện Thượng Lâm, thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây Trung Quốc. Tại sao là dân Thượng Lâm chứ không phải người từ các nơi khác?
Chưa ai biết có bao nhiêu người Thượng Lâm tới Ghana khai thác vàng. Chính quyền Thượng Lâm ước đoán khoảng 20.000 nhưng dân trong nghề nói không dưới 50.000 người. Tan Xinhua, một nhà đầu tư khai thác vàng sa khoáng ở Ghana thuộc thế hệ 8X, nhận xét: "Nơi nào có vàng, nơi đó có người Thượng Lâm". Tất nhiên, Tan cũng là người Thượng Lâm.
Thượng Lâm là một trong những huyện nghèo nhất đất Quảng Tây nhưng trong lịch sử Trung Quốc thì nổi tiếng về sản xuất vàng và nghề truyền thống khai thác vàng trên sông. Cuối những năm 1990, có tin đồn phát hiện mỏ vàng mới ở Thượng Lâm. Thế là nông dân tứ xứ ồ ạt kéo đến đây tìm vàng.
Tại Ghana, nơi Tan Xinhua ở có tên là Kumasi. Anh đến đây từ năm 2010. Ba năm đầu, Tan không về quê, chỉ thỉnh thoảng gọi điện thoại về thăm hỏi cha mẹ. Anh phấn đấu trở thành triệu phú trong ngần ấy thời gian - một ước mơ không quá cao xa vì đã có vài người làm được.
Thành quả của một ông chủ bãi vàng người Thượng Lâm ở Kumasi - Ghana. Ảnh: CBH
Tan kể: "Người Thượng Lâm chúng tôi tuy nhỏ con nhưng có tinh thần đoàn kết keo sơn, có ý chí vượt qua mọi trở ngại. Người phương Bắc cao to vẫn phải kiêng sợ chúng tôi. Mỗi khi dân miền Đông Bắc (Trung Quốc) xung đột với dân Thượng Lâm, cảnh sát địa phương không dám can thiệp. Họ phải cầu viện quân đội đến giúp". Tính cách đó giải thích vì sao người Thượng Lâm - hầu hết là cư dân các trấn Minh Lượng, Đại Phong và Kiều Hiền - làm bá chủ các bãi vàng vừa và nhỏ, hợp pháp lẫn bất hợp pháp tại Kumasi, Ouasi, Dakui và Jiaokui ở Ghana. Họ thường không đi một mình mà đem theo cả họ hàng, thân thích.
Cuộc di dân của người Thượng Lâm đến Ghana bắt đầu từ năm 2005 và đạt đỉnh cao vào năm 2010 sau khi có tin đồn một người Thượng Lâm bán nhà cửa, đất đai được 5 triệu nhân dân tệ (NDT) đầu tư khai thác vàng ở Ghana và kiếm được 100 triệu NDT (1 NDT = 3.453,54 đồng) chỉ sau 3 năm.
Những người Trung Quốc đầu tiên đến Ghana khai thác vàng là dân tỉnh Hắc Long Giang. Kế đến, từ cuối những năm 1990, là dân các tỉnh Hồ Nam, Hà Nam và Phúc Kiến. Tuy nhiên, số người làm giàu được từ vàng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mãi đến khi "biển người" Thượng Lâm đổ bộ vào đất nước Tây Phi này thì mới có nhiều người phất lên cùng với sự phát triển vượt bậc của ngành khai thác vàng sa khoáng ở Ghana.
Ghana có nhiều mỏ vàng lớn nổi tiếng thế giới từ lâu như Newmont, Gold Fields, Anglogold và Ashanti do các công ty Anh, Mỹ khai thác. Các mỏ vàng sa khoáng vừa và nhỏ không thích hợp với thiết bị của những công ty này, còn kỹ thuật đãi vàng của người địa phương thì lạc hậu và kém hiệu quả.
Ba năm, kiếm được gần 50.000 USD
Kể từ năm 2005, "phường vàng" Thượng Lâm đã làm thay đổi cơ cấu khai thác vàng ở Ghana. Máy bơm cát đãi vàng có hiệu suất rất cao được coi là "vũ khí bí mật" của người Thượng Lâm. Họ không bao giờ truyền lại cho ai, kể cả người Trung Quốc ngoài huyện.
Một bí quyết thành công khác của người Thượng Lâm là mối quan hệ hữu hảo với các trưởng tộc địa phương. Muốn mở một bãi vàng mới, họ chỉ cần trả cho trưởng tộc từ 20.000 đến 30.000 đồng nội tệ cidi (1 cidi = 10.305 đồng) gọi là "phí tham gia thị trường" và 10.000 cidi lương hằng tháng.
Riêng Tan Xinhua, hiện ở Ghana, anh có khoảng 30 người là họ hàng, bạn đồng môn và thân hữu. Năm đầu, Tan làm công cho một ông chủ công ty khai thác vàng sa khoáng, cũng là người đồng hương. Tháng 11-2011, anh mới bắt đầu khởi nghiệp, mua tổng cộng 10 ha đất với giá 25.000 cidi.
Một ngày phải đãi được ít nhất 100g vàng sa khoáng ở Ghana thì mới sống được. Ảnh: REUTERS
Theo luật về khai thác mỏ ở Ghana, mỏ nào có diện tích dưới 10 ha thì chỉ dành cho người địa phương. Tuy nhiên, người Thượng Lâm đã sớm tìm được cách để lách luật. Tan Xinhua tiết lộ: "Chỉ cần quan hệ tốt với trưởng tộc là được. Ông ta có đất và giấy phép khai thác vàng. Chúng tôi chỉ "giúp" ông ấy một ít tiền mà thôi".
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bãi đất mua của trưởng tộc không có vàng? Tan cười lớn: "Người Thượng Lâm chúng tôi nhìn sơ qua đất là biết ngay có vàng hay không. Nghề truyền thống của chúng tôi mà!". Tan mướn 5 người đồng hương và 2 người Ghana biết chút ít tiếng Choang - sắc tộc chủ yếu của người Thượng Lâm - để làm việc tại bãi vàng của anh. Lương trả cho người địa phương là 12 cidi/ngày, vị chi mỗi tháng khoảng 280-300 cidi, cao gấp 3 lần thu nhập bình quân của người Ghana ở các ngành khác.
Thu nhập của người Thượng Lâm tất nhiên cao hơn nhiều. Mỗi tháng, Tan trả cho họ lương cơ bản là 6.000 NDT. Cấp tổ trưởng còn được thưởng 2%-3% tính trên số lượng vàng đãi vượt chỉ tiêu. Riêng ông chủ họ Tan kiếm được 300.000 NDT (48.000 USD) sau 3 năm khai thác vàng.
Theo VNE
'Siêu lũ' càn quét Ấn Độ, gần 10.000 người chết Chính quyền Ấn Độ nói lũ quét trong tuần qua ở bang Uttarakhand phía Bắc đã làm ít nhất 8.000 người thiệt mạng. Bộ trưởng quản lý thiên tai của Ấn Độ Yashpal Arya nói: "Ít nhất 8.000 người đã thiệt mạng trong các trận mưa lớn và lũ quét trên diện rộng, đặc biệt là vùng thung lũng Kedarnath. Lực lượng cứu...