“Ăn chay” học chữ
Hết giờ học, Hạng A Chua và Hạng Thị Day cắm cúi thổi lửa nấu cơm. Trong căn nhà gỗ xập xệ chừng 30m2, dễ có đến 20 học sinh cùng trang lứa với Chua, Day cũng đang nấu cơm. Tôi mở xoong canh, thấy có chút rau cải, hỏi Hạng A Chua: “Chiều em ăn canh gì?”. “Canh cải ạ”. “Mai em ăn canh gì?”. “Cũng canh cải thôi”. “Thế ăn canh cải cả tuần à?”. “Vâng”.
Ở Trường Tiểu học Mường Lạn (xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La), có chừng 40 học sinh người Mông học bán trú do nhà ở xa điểm trường. Nhà Hạng A Chua và Hạng Thị Day ở bản Cò Hạ, cách trường hơn 10km. Chiều thứ 6 hằng tuần, Hạng A Chua cùng chúng bạn về nhà, để đến chiều chủ nhật, hành trang bọn trẻ mang đến trường là gạo, là măng rừng, là rau cải.
Măng rừng thì có thể để được lâu nhưng rau cải chỉ độ 2, 3 ngày là hỏng. Vì thế các hộ dân tộc Mông ở Mường Lạn thường cho con, mỗi đứa khoảng 10 cân gạo mang đến trường. 3-4 cân gạo để ăn trong tuần, số gạo còn lại, bọn trẻ mang bán lấy tiền mua rau. Ác nỗi, trẻ con nghèo mang gạo bán cũng bị ép giá. Bình thường, người lớn bán 15 nghìn đồng/kg, nhưng gạo các em bán, một ki-lô-gam thường chỉ được 2 gói mì ăn liền loại bình dân.
Bên cạnh bếp lửa của Hạng A Chua và Hạng Thị Day, tôi thấy Sồng Thị Giống đang vất vả nhóm lửa nấu cơm một mình. Học lớp 4 nhưng nét ưu tư đã nhuốm vào gương mặt của Giống. Trong số học sinh người Mông ở trường, Sộng Thị Giống xinh nhất. Chẳng biết có phải bọn trẻ vùng cao hay “chế” nhau như ở dưới xuôi, mà Giống thường phải tự nấu ăn một mình, không có bạn cùng nổi lửa. Nhà Sồng Thị Giống ở bản Nong Phụ, cách trường 15 cây số. Phải khó khăn lắm, tôi mới bắt chuyện được với Giống, khi giúp em nấu canh măng, mà lớp măng rừng mỏng tang, chỉ vừa phủ kín đáy nồi bé tẹo. Tôi hỏi Sồng Thị Giống: “Chắc cả tuần ăn măng nhỉ?”. “Vâng”. “Thế tuần trước em ăn cơm với gì”. “Rau cải thôi”. “Không có thịt, cá, lấy đâu sức mà học”. Giống cười, không trả lời, cúi xuống chụm đôi môi xinh xắn thổi lửa.
Cả tuần nay, Hạng A Chua và Hạng Thị Day chỉ ăn cơm với canh cải
Đứng cạnh tôi, Thào A Chư khẽ bảo: “Nhà bạn Giống hoàn cảnh lắm. Nhà nghèo, có khi thứ 5 đã hết gạo ăn, phải bỏ học thứ 6 để về nhà lấy gạo”.
Ở lớp 4C, Thào A Chư được biết đến như là phiên dịch viên. Có khách đến thăm, Chư đứng ra làm phiên dịch vì nói tiếng Kinh khá chuẩn, lại nhanh nhẹn. Nhà Chư ở bản Nậm Lạn, cách trường tới 25 cây số. Tuy không đến nỗi thiếu gạo ăn nhưng để biết đến miếng thịt, con cá, Chư phải đợi đến dịp lễ, tết. Chư bảo tôi: “Trong số các bạn người Mông học ở trường, có Giàng Thị Lu là khổ nhất, bố mất khi mới 8 tuổi; mẹ là Mùa Thị Song phải vất vả nuôi mấy chị em”. “ Sao Chư rành về gia cảnh bạn vậy?”. “Bạn Lu ở cùng bản với em mà”. Ra vậy. Trong câu chuyện với tôi, Giàng Thị Lu tâm sự: “Chủ nhật em về trường, mẹ lại cho 5 cân gạo và 10 nghìn đồng”. “10 nghìn đồng, liệu có đủ tiền mua rau ăn trong 5 ngày không em?”. “Hết tiền thì mình phải ăn cơm không thôi”.
Video đang HOT
“Trong các em ở đây, bạn nào hay được ăn thịt, cá?”. Tôi cất tiếng hỏi. Thào A Chư ngó mắt nhìn quanh rồi đáp: “Có bạn Thọ A Vàng”. “Thế nhà Thọ A Vàng giàu không?”. “Nhà bạn Vàng nghèo mà! Chỉ vì bạn giỏi bắt nên hay có cua, cá, ếch, nhái để ăn”.
Các em học sinh người Mông đứng trước ngôi nhà bốn gian rộng chừng 100m2, mới được Đồn biên phòng Mường Lạn xây tặng
Theo chân Thào A Chư, tôi men theo phía bờ ruộng sau trường tìm gặp Thọ A Vàng. Tìm Vàng không khó, vì em cũng chỉ bắt cua, bắt nhái gần trường. Vàng trông khá thấp bé nếu so với chúng bạn ở lớp 4C. Tôi hỏi Vàng: “Bắt được mấy con nhái rồi em?”. “Hai con ạ”. “Cho xem nào”. “Ăn hết rồi”. “Ôi, ăn kiểu gì vậy?”. “Nhóm lửa, nướng ăn luôn mà”.
Quay trở lại chỗ các em học sinh người Mông đang nấu cơm, Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp Phạm Văn Chung bảo tôi: “Đúng là các em còn nhiều khó khăn quá. Tôi đi ngó qua một lượt “bếp ăn”, thấy có mỗi một xoong cơm là có cá khô ở trên. Còn lại các em chỉ ăn cơm với rau cải và măng rừng”. Buổi sáng, đồng chí Phạm Văn Chung đã cùng chúng tôi đi xe thẳng vào Mường Lạn, mà không thông báo trước cho chính quyền xã. Được tin Chủ tịch UBND huyện đến thăm, một lúc sau, cô Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Lạn Tòng Thị Quyên chạy đến, cho hay: “Đa số học sinh người Mông ở trường đều có hoàn cảnh khó khăn. Trường không có kinh phí để xây dựng nhà cửa cho các em học. Cái lán này là nơi các em ăn nghỉ từ chục năm qua rồi. Năm ngoái, Đồn biên phòng Mường Lạn đã xây cho các em một ngôi nhà bốn gian”.
Bọn trẻ người Mông biết rõ thế nào là cuộc sống cơ cực. Giàng Thị Lu, Hạng A Chua, Thào A Chư… gắng theo học con chữ chắc bởi trong sâu thẳm, những lúc ngồi cầm dao đẽo gọt bên bờ suối, ruộng lúa, chúng lờ mờ nhận ra việc đi học sẽ giúp cuộc sống sau này bớt tăm tối hơn. Còn hiện tại, nếu không đi học, thì chúng hẳn sẽ nhập hội, ngồi chơi bên vệ đường đầy bụi cùng mấy đứa trẻ ở bản, hoặc theo cha mẹ đi nương…
Chia tay các bạn nhỏ, chúng tôi nhờ lãnh đạo Đồn biên phòng Mường Lạn chia hộ tới các em chút quà phương xa là mì ăn liền, bánh kẹo và quần áo. Bọn trẻ vui lắm, đứa nào nhận quà cũng nhảy cẫng lên. Trong thâm tâm chúng tôi thầm hứa, có một ngày sẽ quay về thăm Mường Lạn.
Theo TTVN
Chàng trai gieo chữ bằng trái tim
Có một ngôi nhà nhỏ dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo nằm cuối thôn Ngọc Lãng (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa, Phú Yên) cứ tối đến tiếng trẻ con học chữ ơ a lại vang lên. Chủ nhân của ngôi nhà này, được mọi người ví như "ông bụt"của trẻ nghèo.
Hỏi ra mới biết, "ông bụt" chính là chàng trai 20 tuổi Lê Thoại Kỳ...
Nghị lực từ cuộc sống
Nhiều người đã quen thuộc khuôn mặt Lê Thoại Kỳ trên màn hình tivi trong vai trò là một MC, biên tập viên chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên (VTV Phú Yên). Nhưng ít người biết rằng, tuổi thơ Kỳ bắt đầu từ một cậu bé mồ côi. Lúc còn chập chững bước đi, mẹ Kỳ đã bỏ nhà ra đi và đến giờ vẫn chưa liên lạc, tiếp đến năm 12 tuổi cha mất, Kỳ phải sống cô đơn bên bà nội nay đã già yếu. Cuộc sống bắt đầu với những ngày vật lộn bươn chải để có tiền ăn học.
Kỳ kể "Cha mẹ mất nên tôi phải lo mọi thứ, một buổi đi học buổi còn lại ra chợ làm thuê cho các hàng quán, đạp xích lô, bưng bê hàng hóa...Thù lao mỗi ngày trên dưới 10 nghìn đồng. Thường thì hơn 10 giờ khuya mới về, hôm nào dư thức ăn thừa của khách thì xin về ăn, hoặc tối đó nấu cơm rồi tranh thủ học bài cho ngày mai tới lớp".
Học sinh tham gia lớp học tình thương của Lê Thoại Kỳ.
Khó khăn là vậy, nhưng suốt quá trình học tập, Kỳ luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Điều đặc biệt, cái tên Thoại Kỳ thường xuyên ký tên trên nhiều tờ báo, đài ở địa phương và cả trung ương. Ngay từ nhỏ Kỳ đã viết báo rất say mê, nhất là những vấn đề liên quan tới những hoàn cảnh khó khăn. Chính công việc viết báo, chính tố chất có sẵn trong con người mà sau khi học lớp 12, Kỳ được VTV Phú Yên để mắt tới và nhận vào đài làm việc. Và hiện nay Kỳ đang sống một mình không còn làm thuê mà dựa vào số tiền nhuận bút cộng tác với các báo, đài. Anh Nguyễn An Bang (biên tập viên VTV Phú Yên) cho biết: "Trong công việc Kỳ rất chững chạc, dù chưa được qua đào tạo nghiệp vụ, nhưng nhờ sự đam mê học hỏi và nghị lực sống bản thân nên Kỳ làm rất tốt, tôi xem Kỳ như một người đồng nghiệp giỏi".
Vừa phải học vừa phải làm, nhưng Kỳ còn tham gia nhiều hoạt động xã hội. Hiện nay Kỳ chủ nhiệm chương trình "Đèn đom đóm Phú Yên" của trung tâm công tác xã hội trẻ em tỉnh Phú Yên (thuộc sở lao động-thương binh-xã hội tỉnh Phú Yên). "Đèn đom đóm Phú Yên" chính Kỳ đề xuất thành lập đến nay thắp sáng hàng chục trẻ em nghèo toàn tỉnh với số tiền lên đến hết trăm triệu đồng. Bà Phạm Thị Tương Lại (phó giám đốc sở lao động-thương binh-xã hội tỉnh Phú Yên) cho biết: "Nhiều năm liền Kỳ được sở tuyên dương, khen thưởng về những hoạt động từ thiện-xã hội. Tôi đánh giá rất cao về những việc làm của Kỳ, mới đây lớp học miễn phí được xem là một việc làm thiết thực rất ý nghĩa mà Kỳ đã mang lại cho nhiều em nhỏ thiệt thòi trong cuộc sống".
"Hạnh phúc là sự chia sẻ"
Kỳ bày tỏ: "Chính cuộc sống khó khăn bản thân mà tôi càng đồng cảm với những trẻ em cùng chung số phận, điều đó càng làm tôi thôi thúc đến với lớp học tình thương này, nhìn những nụ cười trong veo của các em dường như tôi cảm thất thấy ấm áp hơn".
19 giờ, ngôi nhà nhỏ của Kỳ lại rộn ràng tiếng trẻ em kéo đến, đa số các em đăng ký theo học đều xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn. Lớp học được gọi là "đa ghép" khi mà ngôi nhà phải chia làm nhiều lớp duy chỉ một thầy giáo Kỳ. Bảng chia làm rất nhiều phần, góc trên chia ra làm bài toán lớp 7, phía góc dưới dạy tiếng Anh lớp 4, phía phải dạy Địa lí lớp 5... cứ thế một tay cầm phấn, một tay cầm sách, lúc lại chạy đến từng chỗ hướng dẫn chỉ bảo từng em, tất cả bằng tình thương thiện nguyện trong tâm hồn của Kỳ.
"Gọi là lớp học cho "sang" nhưng thực chất mỗi khi đến lớp các em ngoài việc mang theo sách vở còn không quên mang theo một chiếc ghế. Do chưa có điều kiện nên đành vậy, tuy các em ngồi phếch đất lấy ghế nhựa làm bàn học nhưng em nào cũng say mê học tập. Có hôm số lượng đông quá phải chia ra học trong nhà, ngoài hiên và cả trong nhà bếp", Kỳ nhoẻn cười và cho hay.
Lê Thoại Kỳ dạy học bằng cả trái tim yêu trẻ nghèo.
Em Bùi Nhật Nguyên (học sinh lớp 5D Trường tiểu học Quang Trung, TP. Tuy Hòa) cho biết "Nhà em khó khăn ngoài việc học trên lớp còn phải phụ giúp mẹ làm mọi việc trong gia đình, nên không có điều kiện đi học thêm như nhiều bạn. Biết được thầy Kỳ mở lớp dạy học miễn phí nên em đăng ký theo học. Em vào học được gần 2 tháng, ở đây thầy dạy rất nhiệt tình bằng những kiến thức thầy dạy em tự tin hẳn lên khi đến lớp". "Thấy nhiều em đăng ký học nên tôi cũng cho con tham gia. Nhờ lớp học của Kỳ mà con tôi có thể bổ sung kiến thức mà lại không tốn tiền", chị Nguyễn Như Tâm, mẹ em Nguyên vui vẻ kể lại.
Khi hỏi về công việc ý nghĩa mình đang làm, Kỳ tâm sự: "Hiện nay các em đăng ký học rất đông, tôi chỉ mong muốn có được một phòng học đầy đủ tiện nghi để đảm bảo việc học tập, để các em tiếp thu bài tốt nhất. Mặc dù không được đào tạo ngành sư phạm, nhưng bằng những kiến thức mình đã từng học, tôi sẽ cố gắng dạy lại cho các em. Có những hôm được điểm 9, 10 các em mang đến khoe tự nhiên cảm thấy vui sướng điều đó làm tôi yêu quý công việc mình làm ơn, hạnh phúc là sự chia sẻ chính điều đó sẽ giúp tôi gắn bó lớp học mãi".
Theo Giáo dục & Thời đại
Trẻ bạc mặt học chữ "đón đầu" lớp 1 "Chạy đua" chuẩn bị vào lớp 1, thời điểm này không ít trẻ đang học mẫu giáo đã phải quay vòng để học chữ theo yêu cầu của bố mẹ. Thậm chí, không ít phụ huynh còn cho con nghỉ học ở trường mầm non, chỉ chuyên tập trung vào học chữ. Khốn khổ trẻ 5 tuổi luyện chữ Liên tục hơn một...