‘Amazon của Hàn Quốc’: Từ chuyện founder bỏ học Harvard để khởi nghiệp đến bê bối khiến người dùng tẩy chay
Bom Kim, nhà sáng lập Coupang được coi là biểu tượng cho một thế hệ tỷ phú mới tại Hàn Quốc.
Coupang – công ty được ví như “ Amazon của Hàn Quốc” – đã giúp cho nhà sáng lập Bom Kim từng có thời điểm sở hữu khối tài sản lên đến 8,9 tỷ USD. Kim là ví dụ điển hình cho thế hệ tỷ phú mới nổi, tự mình gây dựng tài sản trong lĩnh vực công nghệ thay vì là người thừa kế trong các tập đoàn lâu đời.
Kim, 42 tuổi, sinh ra ở Seoul, chuyển đến Mỹ từ nhỏ và sau đó nhập quốc tịch Mỹ. Ông trở lại Hàn Quốc và bắt đầu khởi nghiệp với Coupang vào năm 2010 sau khi bỏ học tại Trường Kinh doanh Harvard.
Ngày nay, Coupang là ứng dụng mua sắm được sử dụng nhiều nhất ở Hàn Quốc và là một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất của đất nước. Doanh thu tăng gần gấp đôi vào năm ngoái lên 12 tỷ USD do nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch Covid 19.
Được hậu thuẫn bởi Tập đoàn SoftBank của Masayoshi Son, Coupang đã huy động được 4,6 tỷ USD trong đợt IPO dù công ty đã ghi nhận lỗ ròng trong nhiều năm. Cổ phiếu công ty tăng mạnh vào ngày giao dịch đầu tiên. Mặc dù tài sản của Kim đã giảm so với thời kỳ đỉnh cao nhưng ông vẫn sở hữu khối tài sản ước tính 5,7 tỷ USD, theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg.
Ông Bom Kim.
Trước khi xảy ra sự cố hỏa hoạn ngày 17/6, Coupang được ghi nhận trong mắt dân chúng Hàn Quốc là tập đoàn công nghệ có những nét văn hóa doanh nghiệp khác biệt so với phần lớn các công ty khác – sẵn sàng cống hiến cho xã hội và quan tâm đến nhân viên nhiều hơn. Ví dụ, Coupang đã cam kết với nhân viên và các vị trí lãnh đạo trong công ty số cổ phiếu thưởng trị giá 90 triệu USD khi niêm yết tại New York hồi tháng 3.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, gã khổng lồ thương mại điện tử đang phải chịu áp lực vì một loạt tranh cãi và chịu sự phán xét từ dư luận đối với công ty và người đứng đầu của nó – Bom Kim.
Coupang phải đối mặt với những lời chỉ trích mới từ các liên đoàn lao động và khách hàng về điều kiện làm việc. Nguyên nhân đến từ một vụ hỏa hoạn chết người tại một trung tâm đang được hoàn thiện vào tháng 6. Có thời điểm, số lượng khách hàng sử dụng nền tảng hàng ngày đã giảm hơn 700.000 người trong bối cảnh công ty bị tẩy chay sau vụ hỏa hoạn. Cùng ngày xảy ra vụ cháy, ông Kim tuyên bố từ chức Chủ tịch và CEO của Coupang Hàn Quốc. Công chúng nhìn nhận hành động này là một sự thoái thác trách nhiệm.
Coupang cho biết việc ông Kim rời 2 vị trí cấp cao tại Hàn Quốc đã có hiệu lực từ ngày 31/5 và thời điểm thông báo chỉ là trùng hợp. Nhà sáng lập này vẫn là Chủ tịch và CEO của công ty mẹ Coupang Inc. Động thái này có thể giúp Kim tránh được trách nhiệm giải trình theo luật và quy định của Hàn Quốc.
Video đang HOT
Trung tâm vận chuyển đơn hàng của Coupang.
Trong thông tin gửi Bloomberg, Coupang cho biết, họ quan tâm “sâu sắc đến phúc lợi của tất cả nhân viên” và coi trọng “trách nhiệm bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người lao động”. Công ty cũng cố gắng tạo ra một môi trường làm việc bình đẳng hơn. Về việc Kim từ chức, thông tin này đã được công bố rộng rãi thông qua một website của chính phủ trước khi xảy ra vụ hỏa hoạn và thời điểm thông báo chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Kế hoạch từ nhiệm cũng đã được đưa ra từ nhiều tháng trước và là bước đi phù hợp cho những công việc tiếp theo của ông, dự kiến là để tập trung vào các hoạt động ở phạm vi toàn cầu.
Vụ hỏa hoạn đã dẫn đến một cuộc tẩy chay các dịch vụ của Coupang. Số lượng người dùng hàng ngày của ứng dụng di động của công ty giảm xuống còn khoảng 7,9 triệu vào ngày 26/6, so với con số khoảng 8,6 triệu người dùng vào ngày xảy ra vụ cháy, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Hàn Quốc Mobile Index.
Làn sóng chỉ trích gia tăng cho rằng sự tiện lợi mà Coupang mang lại, chẳng hạn như đảm bảo giao hàng vào ngày hôm sau, lại tính vào thu nhập của người lao động.
Theo Coupang, công ty đã giảm bớt khối lượng công việc cho các vị trí quản lý mặc dù giờ làm việc của nhân viên ở khu vực hậu cầu đã tăng lên. Các vị trí quản lý của công ty làm việc “trung bình dưới 50 giờ mỗi tuần trong một ngành công nghiệp mà 72 giờ mỗi tuần là tiêu chuẩn”. Và cách thức giúp đạt được điều này là do công ty sử dụng công nghệ và mạng lưới toàn quốc với hơn 100 trung tâm hậu cần và tuyển dụng thêm rất nhiều nhân sự.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà kho không có máy lạnh hoặc hệ thống sưởi và nhân viên không được phép mang điện thoại. “Chúng tôi cảm thấy mình bị đối xử như những cỗ máy”, Min, một nhân viên 55 tuổi, nói. Đối với Coupang, “sản phẩm là thứ quan trọng nhất”, ông nói.
Đối với vấn đề này, Coupang cho biết, điều hòa không khí và quạt lớn đã được lắp đặt tùy theo tình hình của từng không gian trong các trung tâm phân phối của hãng. Theo chính sách chung, các trung tâm điều hành trên toàn thế giới không cho phép sử dụng điện thoại di động cá nhân trên sàn nhà để phòng ngừa tai nạn. Nhiều doanh nghiệp khác, đặc biệt là các nhà máy sản xuất, có một số hạn chế về việc sử dụng điện thoại ở nơi làm việc.
Coupang đã đi đầu trong việc tạo ra “một môi trường làm việc mới cho ngành hậu cần”. Công ty cam kết đảm bảo thời gian làm việc ngắn hơn, tuyển dụng nhân viên lãnh đạo trực tiếp và áp dụng các kỳ nghỉ và thời gian nghỉ có lương cũng như các phúc lợi khác cho nhân viên.
Liên đoàn lao động của Coupang cho biết 9 công nhân, trong đó có 2 nhà thầu phụ, đã chết do làm việc tại công ty kể từ đầu năm ngoái. Đáp lại, Coupang cho rằng, trong khi ngành hậu cần ở Hàn Quốc đã có hơn 1.300 trường hợp tử vong liên quan đến công việc trong 10 năm qua, thì công ty chỉ có một người nằm trong số đó. Công ty cũng đã chi 200 triệu USD và chiêu mộ 600 chuyên gia sức khỏe để cải thiện môi trường sức khỏe và an toàn cho công nhân của mình.
Vào tháng 5, Coupang đã tung ra Coupang Care. Đây là chương trình nâng cao sức khỏe có trả tiền đầu tiên của ngành ở Hàn Quốc, cho phép nhân viên có các chỉ số sức khỏe tương đối cao như huyết áp và đường huyết có thời gian nghỉ trả lương tới 4 tuần để tập trung vào hồi phục sức khỏe.
Đến nay số lượng người dùng đã có dấu hiệu hồi phục. Trong cuộc họp báo về tình hình tài chính vào tuần trước, Coupang cho biết, khách hàng mua hàng trong quý II đã tăng 26% so với năm trước lên 17 triệu.
Đồng thời, quý II, Coupang ghi nhận khoản lỗ ròng tăng sau khi chi một khoản lớn cho việc mở rộng và dọn dẹp hậu quả của vụ hỏa hoạn. Cổ phiếu công ty đã giảm 7,5% so với khi niêm yết cho đến hết ngày 18/8.
Sự thật về môi trường làm việc khắc nghiệt ở 'Amazon Hàn Quốc'
Cũng giống như Amazon ở Mỹ, các nhân viên tại Coupang, nơi được mệnh danh là "Amazon Hàn Quốc", thực sự đang phải làm việc đến kiệt sức để theo kịp thời hạn giao hàng.
Giống như Amazon, Coupang đã sử dụng số liệu "đơn vị mỗi giờ", hoặc UPH, để đo lường năng suất của nhân viên trong thời gian thực
Rạng sáng 12.10 năm ngoái, Jang Deok-joon, 27 tuổi, trở về nhà sau khi kết thúc ca làm đêm tại Coupang, hãng thương mại điện tử khổng lồ của Hàn Quốc, và đi tắm ngay sau đó. Vì hơn một tiếng rưỡi vẫn chưa thấy Jang ra khỏi phòng tắm, cha anh buộc phải mở cửa vào thì thấy anh đã bất tỉnh, nằm cuộn tròn, hai tay ôm chặt ngực. Jang nhanh chóng được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã không thể qua khỏi. Nhân viên điều tra kết luận anh chết vì một cơn đau tim. Được biết, Jang đã làm việc tại nhà kho của Coupang ở phía nam thành phố Daegu trong hơn một năm, chuyên chở các thùng đầy sản phẩm đã sẵn sàng để chuyển đến các trung tâm giao hàng.
Theo South China Morning Post, Jang là công nhân thứ ba của Coupang qua đời trong năm 2020. Điều này làm tăng thêm mối quan tâm về bản chất thành công của công ty. Sự thực là Coupang đã đạt được thành công đáng kinh ngạc, trở thành nhà tuyển dụng lớn thứ ba của Hàn Quốc chỉ trong vài năm, khai thác mạng lưới nhà kho rộng lớn, với 37.000 công nhân, một đội ngũ tài xế đông đúc và một bộ công cụ điều khiển dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) để nắm giữ vị trí dẫn đầu trong thị trường thương mại điện tử đầy cạnh tranh của quốc gia Đông Á. Hơn một nửa dân số Hàn Quốc đã tải ứng dụng của công ty. Dịch vụ giao hàng nhanh theo yêu cầu trong vòng 24 giờ "Rocket Delivery" khiến Coupang trở nên nổi tiếng và được đánh giá là "vượt trội hơn cả Amazon".
Xe tải giao hàng của Coupang rời trung tâm phân phối ở Seoul, Hàn Quốc
Sử dụng AI để rút ngắn thời gian giao hàng là tính năng đặc biệt nổi bật của hãng này. Các thuật toán độc quyền của AI đã tính toán mọi thứ, từ cách hiệu quả nhất để xếp các gói hàng trong xe chuyển hàng, cho đến tuyến đường và thứ tự giao hàng chính xác dành cho tài xế. Không những thế, AI còn dự đoán việc mua hàng và tính toán thời hạn vận chuyển cho các gói hàng được gửi đi. Kết quả là Coupang có thể hứa hẹn giao hàng trong vòng chưa đầy 24 giờ đối với hàng triệu sản phẩm, từ khẩu trang có giá 60 xu, cho đến máy ảnh trị giá 9.000 USD. Nỗ lực đổi mới này là lý do tại sao Coupang tự tin cho mình là "tương lai của thương mại điện tử", và cũng là động lực đằng sau sự ra mắt gần đây của công ty trên sàn Nasdaq (Mỹ), với giá trị được xác định ở mức 84 tỉ USD.
Tuy nhiên, tất cả sự đổi mới và hiệu quả nêu trên có ý nghĩa gì đối với công nhân của Coupang? Giống như Jang, người đã nói với mẹ mình rằng công nhân bị đối xử như "đồ vật dùng một lần", một số nhân viên kho hàng và giao hàng khác đã trải qua "cảnh làm việc không giống người" dưới sự chỉ huy của thuật toán AI. Một số người đã nói về tốc độ làm việc nhanh chóng mặt cùng với kỳ vọng về thời gian giao hàng siêu phàm. Trong khi đó, những người khác cho biết họ thậm chí còn không có thời gian đi vệ sinh tại nơi làm việc.
Năm 2014, khi Coupang bắt đầu cung cấp Rocket Delivery, công ty đã hứa hẹn một sự nghiệp ổn định với lợi ích trên mức trung bình dành cho nhân viên, ngay cả đối với những người lao động ở bậc thấp nhất. Nhưng ở đâu đó trên hành trình này, người lao động dường như đã bị giảm xuống vị trí mà nhà báo lao động Hàn Quốc Kim Ha-young buộc phải so sánh họ chỉ là "cánh tay và đôi chân của trí tuệ nhân tạo".
"Khi bắt đầu làm việc ở đó, tôi nhận ra ưu tiên duy nhất là đáp ứng thời hạn của Rocket Delivery. Chúng tôi chỉ là người máy", cựu nhân viên kho hàng Go Geon nói. Go phải tạm nghỉ y tế tại Coupang vào tháng 5.2020 vì bị chấn thương gân kheo bên trái trong khi chạy để hoàn thành thời hạn giao hàng. Nhưng công ty sau đó đã cho anh nghỉ việc luôn.
Giống như Amazon, Coupang cũng sử dụng số liệu "đơn vị mỗi giờ", hay UPH, để đo lường năng suất của công nhân trong thời gian thực và duy trì nhịp độ khắc nghiệt trong các kho hàng của mình. Mặc dù nhân viên chính thức được nghỉ một giờ cho mỗi ca làm việc kéo dài tám giờ, nhưng một tài xế không còn làm việc với công ty cho biết hầu hết mọi người vẫn làm việc suốt thời gian nghỉ để giữ đúng lịch trình.
Trong tuyên bố gửi qua email, một đại diện của Coupang nói rằng công ty không còn theo dõi UPH tại các kho hàng. Tuy nhiên, một công nhân đang làm việc ở đó cho biết một số quản lý kho hàng vẫn công khai theo dõi tỷ lệ công việc theo cách này. "Họ hiếm khi sử dụng thuật ngữ UPH, nhưng vẫn sẽ chê trách rằng bạn đã quá chậm, có lẽ dựa trên một số hình thức bằng chứng cụ thể", người này nói.
Đại dịch Covid-19 là thời gian Coupang kiếm được lợi nhuận rất lớn, nhưng cũng là lúc nỗi ám ảnh về thương vong của nhân viên chồng chất lên nhau. Từ năm 2019 đến 2020, chấn thương và bệnh tật liên quan đến cường độ công việc cao tại Coupang và các kho hàng của công ty đã tăng gần gấp đôi lên 982 sự cố.
Đối với những người lên tiếng phản đối, báo cáo chấn thương tại nơi làm việc hoặc không đáp ứng được yêu cầu năng suất, Coupang sẽ hoãn lại việc gia hạn hợp đồng. Trước đây, tòa án ở Hàn Quốc từng ra phán quyết rằng Coupang đã sa thải không công bằng một công nhân nộp đơn yêu cầu bồi thường thương tật tại nơi làm việc. "Họ nói rõ ngay khi bạn được thuê nếu bạn gây ra bất kỳ loại vấn đề nào, bạn sẽ không được gia hạn hợp đồng", Jeon Woo-oak, cựu nhân viên kho hàng, cho biết.
Nhân viên Coupang Jung Im-hong đang bốc các gói hàng để chuẩn bị giao ở Incheon, Hàn Quốc
Quay trở lại với trường hợp của Jang, vào tháng 2.2021, chính phủ Hàn Quốc chính thức cho rằng Jang qua đời do làm việc quá sức. Báo cáo cuối cùng ghi nhận cơ thể của anh có dấu hiệu suy nhược cơ bắp nghiêm trọng. Coupang sau đó đã phải đưa ra lời xin lỗi và hứa sẽ cải thiện điều kiện làm việc, ví dụ như mở rộng việc khám sức khỏe cho nhân viên. Nhưng cho đến nay, lời hứa sẽ giải quyết các vấn đề lao động của Coupang vẫn "tắt tiếng".
Jang Kwi-yeon, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quyền Lao động, đã không so sánh môi trường làm việc tại các kho hàng của Coupang với Amazon, mà là với các xưởng sản xuất vốn khét tiếng vất vả vào những năm 1970 ở Hàn Quốc. "Tôi nghĩ hệ thống hậu cần nên được đại tu. Quyền được nghỉ ngơi và sức khỏe của người lao động nên được đặt thành những điều kiện tiên quyết cố định, sau đó mới tới việc các thuật toán nên được điều chỉnh như thế nào để tính toán tốc độ giao hàng có thể thực hiện được", bà Jang nói.
Nhân viên 'Amazon của Hàn Quốc' bị đối xử thua cả robot Coupang, sàn thương mại điện tử lớn nhất Hàn Quốc, bị chỉ trích vì cường độ làm việc cao khiến nhân viên gặp thương tích, tử vong do quá sức. Sáng sớm ngày 12/10/2020, Jang Deok-joon về nhà sau ca làm đêm tại Coupang rồi đi tắm. Hơn 1,5 tiếng chưa thấy tắm xong, bố mẹ Jang vào kiểm tra thấy con trai...