Amaobi: ‘Tôi kiếm nhiều tiền ở Việt Nam nhưng bạn bè không tin’
Gần 18 năm đến Việt Nam thi đấu và lập nghiệp, Amaobi Honest Uzowuru có cuộc sống ổn định dù phải xa vợ con. Anh dành thời gian sau khi giải nghệ để đào tạo cầu thủ.
Đặng Amaobi sinh năm 1981 ở Nigeria. Anh gắn bó phần lớn sự nghiệp cầu thủ với các đội bóng tại V.League từ năm 2003 và gặt hái được nhiều thành công lớn nhỏ. Sau khi nhập tịch Việt Nam thành công, Amaobi quyết định chọn quê hương thứ hai làm nơi định cư lâu dài thay vì trở về quê nhà như nhiều đồng nghiệp.
Nhân dịp đầu năm mới 2021, anh đã dành cho Zing những chia sẻ thú vị về Tết Việt, công việc hiện tại và ước muốn tương lai .
Đón Tết ở Nam Định vui nhất
- Xin chào Amaobi, anh đã đón Tết Tân Sửu như thế nào?
- Đây là cái Tết thứ 5 của tôi ở Việt Nam. Tôi đã tận dụng thời gian này để nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe, tinh thần và đi thăm một số người bạn đã lâu không gặp. Năm rồi dịch bệnh nên chúng tôi cũng ít cơ hội gặp nhau.
Khi còn thi đấu, tôi được lãnh đạo CLB lì xì, rất vui. Còn giờ tôi nghỉ rồi thì phải lì xì cho học trò và các em nhỏ. Tôi cũng thích đi đây đó nhưng năm nay dịch phức tạp nên cũng không biết đi đâu. Tôi rất sợ mình đi sai, vào chỗ không được phép rồi rơi vào cảnh “đi vui mà về buồn”.
- Anh có thể kể về kỷ niệm đón Tết thời còn là cầu thủ?
- Lúc còn thi đấu, cầu thủ nào nghỉ Tết cũng thấy vui. Bình thường phải tập 2 buổi sáng chiều, mỏi chân và đuối lắm nên được nghỉ là thấy sướng.
Amaobi thời còn khoác áo Mikado Nam Định.
Với tôi, cái Tết đầu tiên ở Nam Định là vui nhất, chưa có cái Tết nào vui bằng. Lúc đó tôi mới sang Việt Nam, mới biết Tết là gì. Tôi được dự bữa tiệc lớn cùng đội bóng, được hòa chung không khí náo nức của cả nước, gia đình nào cũng mở tiệc. Gương mặt ai cũng vui, đi nhà nào cũng có quà bánh. Tôi được nếm thử bánh dày, bánh chưng… Đặc biệt, những loại bánh này có thể để được nhiều ngày mà không bị hư. Ăn không hết có thể gói lại để hôm sau ăn tiếp.
Nhà tập trung của CLB lúc đó rất vắng và buồn. Ai làm xa làm gần gì cũng về nhà hết. Thấy vậy nên mấy ngày Tết các cầu thủ Việt cũng hay chạy sang rủ tôi về nhà họ ăn tiệc. Dù chưa biết nhiều tiếng Việt như bây giờ, tôi vẫn được mọi người yêu quý. Anh em, bạn bè, hàng xóm ai cũng quý. Đó là cái tâm mà mọi người dành cho mình. Tôi rất trân trọng điều đó.
- Anh có được đồng đội nào ở Nam Định mời về nhà?
- Tôi đã đến nhà Văn Sỹ vì anh ấy là đội trưởng CLB Nam Định khi đó, thủ môn Bùi Quang Huy và một số đồng đội nhà ở thành phố. Tôi cũng được trợ lý Nguyễn Thế Cường mời về nhà ở quê đón Tết. Chỗ nào cũng vui, mọi người đều muốn cho mình biết không khí Tết như thế nào.
Bình thường thì tôi ăn cơm, phở, hủ tíu nhưng Tết thì mọi người muốn cho tôi thưởng thức các món ăn đặc trưng. Món nào cũng chuẩn bị rất công phu và nhiều người làm cùng nhau. Cảm giác đó rất thích. Đó là cái Tết đầu tiên và tôi nhớ mãi.
- Ở Nigeria có phong tục lì xì này không? Có điều gì đặc biệt về Tết Việt Nam mà anh nhớ mãi?
- Dịp Noel ở quê tôi, người lớn cũng được nhận tiền như con nít. Ở Việt Nam, Tết tính theo ngày âm lịch, còn Nigeria thì bắt đầu từ đầu năm mới dương lịch. Khi về nhà, tôi kể cho gia đình nghe về Tết. Mẹ và mọi người không tin, hỏi tôi tại sao người Việt nghỉ Tết dài ngày thế. Nghỉ 10 ngày, không đi làm thì lấy gì mà ăn. Tôi mới trả lời rằng, đây là truyền thống lâu đời ở Việt Nam và trước mỗi dịp Tết người ta đã chuẩn bị kỹ. Dịp Tết là để nghỉ ngơi, vui vẻ và sum vầy mà thôi.
Nhiều người Nigeria không tin Việt Nam có bóng đá
- Hơn chục năm sinh sống ở Việt Nam, anh đã nhận được gì từ xứ sở này?
- Bóng đá là lý do đưa tôi đến Việt Nam. Nhờ nó, tôi đã có nhiều cơ hội công việc. Tôi được khoác áo các đội bóng hàng đầu, đạt thành tích cao, có nhiều bạn bè và được tất cả yêu quý. Những gì tôi đang có, bao gồm cả công việc hiện tại, đều đến từ bóng đá Việt Nam. Nếu không có bóng đá, tôi cũng không biết mình sẽ làm gì khác.
- Rõ ràng hơn, bóng đá Việt Nam đã thay đổi cuộc đời anh ra sao?
- Tôi không nhớ chính xác mình đã kiếm được bao nhiêu tiền ở Việt Nam (cười). Chỉ biết là rất nhiều. Nhờ đá bóng ở Việt Nam, tôi có thể mua được nhà, đất, xe hơi và lo cho gia đình. Nhưng ở Nigeria, người ta không chỉ đánh giá đàn ông dựa trên số tiền họ có trong tài khoản, mà còn là thành tựu họ đạt được. Chẳng hạn như công việc tôi đang làm, bất động sản tôi đang có và cách tôi chăm lo cho cha mẹ.
Chọn ở lại Việt Nam, Amaobi còn theo con đường là khách mời của các chương trình bình luận bóng đá trên truyền hình. Ảnh: Đội tuyển tôi yêu.
- Gia đình và bạn bè có ngạc nhiên trước những gì anh đạt được ở Việt Nam?
- Hết năm đầu sang Việt Nam đá bóng, tôi về nước mua được xe hơi. Nhưng mọi người không tin đâu, nghĩ là tôi sang Việt Nam làm việc gì khác. Họ không tin ở Việt Nam có bóng đá và có thể trả mức thu nhập cao.
Cầu thủ Nigeria thường nghĩ tới châu Âu vì khoảng cách địa lý gần hơn. Mãi sau này khi có nhiều người tới Việt Nam và trở về với nhiều tiền, người ta mới tin Việt Nam có thể giúp họ.
Tôi cảm thấy tự hào vì những gì mình làm được. Tôi kiếm được thu nhập tốt ở Việt Nam, mang về Nigeria và khiến tất cả ngạc nhiên.
- Theo anh vì sao cầu thủ Nigeria nói riêng và châu Phi nói chung rất thích hợp với môi trường bóng đá Việt thập niên 2000?
- Môi trường V.League đòi hỏi cao về thể lực và sức mạnh. Thời tiết nắng nóng là trở ngại. Thời của tôi, các trận đấu đá từ 15h30 hay 16h00. Cầu thủ châu Âu chạy không nổi đâu. Cầu thủ Nigeria phù hợp hơn vì thời tiết ở đó cũng gần tương tự Việt Nam. Lợi thế về tốc độ, thể lực và sức mạnh giúp chúng tôi dễ hòa nhập với giải đấu.
Ngoài ra, thành công của những người mở đường cũng tạo ra động lực cho những người đi sau. Ai cũng có niềm tin mình sẽ làm được. Cầu thủ Nigeria từ nhỏ tới lớn tất cả đều muốn ra nước ngoài. Vì chỉ có như vậy họ mới kiếm được nhiều tiền.
Tuy nhiên gần đây nhiều đội bóng Việt Nam đã chuyển sang lối đá đậm chất kỹ thuật. Giờ thi đấu cũng được điều chỉnh sang buổi chiều tối. Do vậy, ngoại binh Nam Mỹ và nơi khác có thể dễ thích ứng hơn.
- Chứng kiến thành công của Amaobi, đã có cầu thủ Nigeria nào liên lạc với anh để nhờ đưa sang Việt Nam?
- Đúng là nhắc tới bóng đá Việt Nam, báo chí thường đề cập tới cái tên Amaobi. Nhiều người cũng hay hỏi tôi về môi trường ở đây. Nhưng tôi không muốn liên quan đến chuyện môi giới. Đây là công việc rất phức tạp.
Amaobi mở trung tâm bóng đá rồi kết hợp giảng dạy với cựu tiền vệ Lưu Ngọc Hùng (giữa). Ảnh: Trung tâm Bóng đá Lưu Ngọc Hùng.
Khi còn thi đấu, tôi từng giới thiệu một cầu thủ cho Nam Định. Nhưng chuyện đó đã lâu lắm rồi. Hiện tại cũng có nhiều người nhắn tin cho tôi qua Facebook để tự giới thiệu. Nhưng với kinh nghiệm của mình, tôi không muốn tin vào các cầu thủ Internet hay cầu thủ Facebook. Nếu muốn làm môi giới, tôi phải tự mình xem họ thi đấu thực tế và làm việc cụ thể.
Không bao giờ có chuyện cầu thủ sang Việt Nam chỉ qua giới thiệu và được ký hợp đồng ngay. Đó cũng là lý do tôi không muốn dính dáng đến họ. Nếu làm, mình phải có trách nhiệm với cầu thủ chứ. Nếu sang Việt Nam mà không được ký hợp đồng thì họ sẽ về hay ở lại? Mà ở lại thì làm gì? Nếu chẳng may làm gì không hay thì rất ảnh hưởng tới mình.
Mơ ước ngày học trò khoác áo ĐT Việt Nam
- Sau khi treo giày, anh bắt đầu với công việc gì?
- Sau giải nghệ, tôi chuyển sang công tác huấn luyện bóng đá cho trẻ em. Tôi làm việc ở trung tâm bóng đá của Lưu Ngọc Hùng và trung tâm của cá nhân mình, tới nay cũng được 5 năm rồi. Ngoài kỹ năng chơi bóng, tôi còn truyền đạt cho các em về sự chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, tôi cũng tham gia các chương trình truyền hình thể thao với tư cách khách mời và hợp tác với anh trai trong công việc kinh doanh. Chúng tôi nắm bắt nhu cầu tiêu dùng ở Nigeria, tìm mua sản phẩm tương ứng ở Việt Nam và gửi về quê nhà.
- Hầu hết cầu thủ Việt Nam nhập tịch đều trở về bản quốc sau khi treo giày, nhưng Amaobi lại chọn con đường ngược lại. Vì sao thế?
- Thứ nhất, tôi đã có quốc tịch Việt Nam nên không cần lo về visa và thủ tục hành chính nữa. Thứ hai, cuộc sống ở đây rất dễ chịu, con người thân thiện, không phức tạp. Tôi có nhiều bạn bè và mối quan hệ, thậm chí còn nhiều hơn ở Nigeria.
Về quê chơi 1 tháng thì được nhưng tìm việc thì khó lắm. Tôi đi nước ngoài đá bóng lâu rồi, giờ về Nigeria cũng như người mới thì làm sao cạnh tranh được với những người dân địa phương.
Tính từ lần đầu tôi đặt chân tới đây năm 2004, có thể thấy Việt Nam đã và đang phát triển rất nhanh. Tôi rất thích điều này, bởi nó giúp ích cho công việc kinh doanh mà mình đang theo đuổi. Cuối cùng, ở Việt Nam, tôi cũng đã có chút “thương hiệu”. Mọi người ít nhiều biết tới cái tên Amaobi nên làm việc gì cũng dễ dàng hơn.
Amaobi ổn định với cuộc sống ở TP.HCM khi chọn Việt Nam làm quê hương thứ 2. Ảnh: Quang Thịnh.
- Vậy mục tiêu trong tương lai gần của anh là gì?
- Tôi muốn giúp bóng đá Việt Nam phát triển. Tôi muốn thấy đội tuyển Việt Nam nằm trong top đầu châu lục và xa hơn là tham dự một kỳ World Cup. Sẽ càng tuyệt vời hơn nữa nếu có một cầu thủ được đào tạo bởi HLV Amaobi tham gia đội hình đó. Tôi muốn được nhớ tới với tư cách một HLV góp công sức vào sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Về bằng cấp, hiện tại tôi đã có bằng huấn luyện chứng chỉ B. Tôi cũng có kinh nghiệm thi đấu và triết lý bóng đá rõ ràng. Mình cứ tích lũy và từng bước nâng cấp bản thân để chuẩn bị cho các kế hoạch tương lai.
- Cảm ơn anh vì cuộc phỏng vấn này.
Cầu thủ Việt xuất ngoại: Thực sự đá bóng hay đánh bóng tên tuổi?
Không ít những tin đồn liên quan đến việc chuyển nhượng cầu thủ Việt ra nước ngoài hay được các đội bóng châu Âu quan tâm xuất hiện, nhưng không nhiều tin là sự thật và hầu hết chỉ mang tính chất đánh bóng tên tuổi.
Mới đây nhất, tiền đạo Văn Toàn được đồn đoán đạt thỏa thuận cùng CLB Austria Wien (Áo). Cầu thủ sinh năm 1996 sẽ rời CLB HAGL với một bản hợp đồng mưa đứt từ đội bóng Thủ đô Áo. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, tin đồn này được dập tắt.
Đại diện CLB HAGL, ông Nguyễn Tấn Anh cho biết đội bóng không biết về việc này và không có bất kỳ thông tin gì. Còn bản thân "khổ chủ" cũng ngỡ ngàng không kém khi mình được dịp xuất hiện rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, báo chí.
Giống như thường lệ, một quy trình khép kín lại được tạo ra. Tin đồn, được quan tâm, bị dập tắt và quên lãng. Sau những tin đồn ấy, danh tính các đội bóng "xếp hàng" để có được chữ ký của những Văn Hậu, Quang Hải, Công Phượng, Văn Toàn...lại dần chìm xuống.
Trường hợp của Quang Hải hay Văn Hậu cũng được đồn thổi khá nhiều với những cái tên đến từ J-League 1, J-League 2, Thai League hay thậm chí là La Liga, Bundesliga và cả Hà Lan nữa. Nhưng rồi, Quang Hải vẫn đang thi đấu cho CLB Hà Nội, còn Văn Hậu đã trở về từ Hà Lan sau 1 năm "học việc".
Những tin đồn về cầu thủ Việt được một đội bóng nước ngoài quan tâm bây giờ xuất hiện nhiều như "chuyện bình thường ở huyện". Nó như một cách để những nhà môi giới đánh bóng tên tuổi của cầu thủ, nhằm giúp họ được "nhớ mặt, nhớ tên" sau một quãng thời gian dài im ắng.
Văn Lâm là cầu thủ Việt Nam hiếm hoi có quy trình xuất ngoại rất bài bản từ thấp lên cao, thuần túy dựa vào năng lực chuyên môn
Đó là mặt hình ảnh và truyền thông, còn chuyên môn là vấn đề cốt lõi của những cầu thủ này. Liệu họ có đủ năng lực, tốc độ, thể lực, kỹ thuật để thi đấu ở môi trường ngoài bóng đá Việt Nam? Câu trả lời vẫn đang được nhiều lớp cầu thủ hiện tại và tương lai tự đi tìm kiếm.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào trường hợp của Văn Hậu, một cầu thủ được cho là "chuẩn đầu ra" để có thể thi đấu ở châu Âu, song vẫn chỉ được thi đấu tại đội dự bị của Heerenveen SC trước khi trở về nước, thì có thể thấy cầu thủ Việt vẫn chưa đủ trình độ, chưa thực sự sẵn sàng cho những chuyến đi xa nhà.
Hay nhìn xa hơn là những thương vụ "xuất khẩu" của Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng...Mỗi người đều có một đánh giá riêng về hành trình của họ đã trải qua, nhưng rồi có một kết cục rất chung của những cầu thủ Việt là "đi thật xa để trở về".
Một cầu thủ giấu tên chia sẻ: "Hiện tại tôi chưa nghĩ đến việc (ra nước ngoài thi đấu) xa xôi thế đâu. Cứ thi đấu ở trong nước vài năm đã rồi mới tính toán đến chuyện này. Bản thân tôi cũng chỉ nghĩ đến việc thi đấu trong nước chứ chưa bao giờ nghĩ đến được thi đấu ở nước ngoài".
Một nhà môi giới cầu thủ từng chia sẻ: "Cầu thủ Việt ra nước ngoài thi đấu đều là những tuyển thủ quốc gia. Họ có điểm chung là đều đã ở trên đỉnh của vinh quang trong nước. Không dễ gì họ từ bỏ ánh hào quang để đến một giải đấu hạng 2, hạng 3 ở đất nước khác.
Thực lực của họ khi ra ngoài và so sánh với một cầu thủ ở châu Âu thì còn thua ở nhiều yếu tố. Một vấn đề nữa của cầu thủ Việt là ngoại ngữ rất kém. Không ít cầu thủ chỉ giao tiếp được bằng tiếng Việt, số còn lại thì cũng chỉ bập bõm vài câu".
Làn sóng cầu thủ Việt xuất ngoại đã, đang và sẽ còn được nhắc đến nhiều với những cái tên, thế hệ khác thành danh trong vài năm tới, nhưng cầu thủ Việt nếu muốn xuất ngoại thành công trong tương lai, thì ít nhất, bản thân họ cũng phải tự trang bị cho mình một hành trang đủ lớn về điểm đến mà họ mong muốn, trong đó ngoại ngữ là yếu tố bắt buộc.
8 năm thành - bại của cầu thủ Việt tại Nhật Bản Sau Công Vinh, Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Lâm, bóng đá Việt Nam tiếp tục có thêm 2 cầu thủ khác là Văn Triền và Danh Trung sang Nhật thi đấu, mang theo nhiều kỳ vọng. Ở khu vực châu Á, bóng đá Nhật Bản được xếp nhóm dẫn đầu chất lượng lẫn mức độ chuyên nghiệp, có những cá nhân đẳng cấp...