Ấm áp trái tim người thầy
‘Có một nghề bụi phấn bám đầy tay/ Ta vẫn gọi là nghề cao quý nhất/ Có một nghề không trồng cây vào đất/ Mà cho đời những đóa hoa thơm’.
Từ bao đời nay, hình ảnh người thầy luôn gắn liền với ý nghĩa thiêng liêng, cao quý. Vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, các thầy cô giáo đã gieo trồng nên những thế hệ học sinh có đủ trí, đức, tài xây dựng đất nước.
Tấm lòng người cha, người mẹ
Năm học 2021-2022, hình ảnh cậu học trò vốn ngoan ngoãn, hiền lành một buổi chiều tự đấm tay vào tường đến mức chảy máu khiến trái tim thầy giáo Huỳnh Đình Nhân, Bí thư Chi đoàn giáo viên Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) thắt lại. Thầy và trò nói chuyện với nhau suốt hơn 2 giờ.
Hiểu được ức chế tâm lý trong lòng học sinh này, thầy đã liên hệ với phụ huynh để cùng gia đình tìm cách tháo gỡ. Song, trái với mong muốn của thầy, khoảng cách suy nghĩ giữa phụ huynh và học sinh quá lớn, thầy giáo trẻ buộc phải đưa ra lời đề nghị phụ huynh, học sinh và giáo viên cùng đến bác sĩ tâm lý.
Những ngày sau đó, gác lại công việc bộn bề ở trường, mỗi ngày thầy giáo trẻ đều đến nhà học sinh để vực dậy tinh thần của em, nhắc phụ huynh tạo điều kiện cho em học tập vì lớp 12 là năm quyết định kết quả học tập của chặng đường 12 năm ở bậc phổ thông.
Nói về áp lực công việc mình đang theo đuổi, thầy Huỳnh Đình Nhân cho biết, bên cạnh những học sinh ngoan, nghe lời, phụ huynh phối hợp tốt với giáo viên thì năm học nào lớp học cũng có 1-2 học sinh cá biệt hoặc có vấn đề về tâm lý. Nhiều học sinh hôm nay học bình thường nhưng ngày mai trở thành con người khác. Có em buổi sáng đến trường rất vui vẻ nhưng chiều lại có hành động bất thường. Thầy, cô không phải lúc nào cũng dự báo trước được hành động và suy nghĩ của các em, vì vậy chỉ có thể mở lòng ra hết mức để có thể đồng hành cùng các em.
Video đang HOT
Cùng suy nghĩ, cô Phan Thụy Vân Trinh, giáo viên chủ nhiệm lớp 2/1, Trường Tiểu học Huỳnh Văn Ngỡi (TP Thủ Đức) cho rằng, nhiều phụ huynh hiện nay không chấp nhận con mình khiếm khuyết về thể chất hay tinh thần.
Cô Phan Thụy Vân Trinh, giáo viên Trường Tiểu học Huỳnh Văn Ngỡi (TP Thủ Đức) tận tâm trong mỗi giờ lên lớp
“Năm học nào lớp tôi cũng tiếp nhận 2-3 học sinh hòa nhập. Bản thân phụ huynh có con học hòa nhập chưa phối hợp tốt với giáo viên, trong khi các phụ huynh khác không muốn con mình học chung lớp với học sinh hòa nhập. Trước bài toán nan giải đó, tôi phải mềm mỏng, khéo léo dung hòa giữa 2 đối tượng học sinh và phụ huynh”, cô Vân Trinh bày tỏ.
Để làm được điều đó, giáo viên không chỉ đóng vai trò người thầy truyền đạt kiến thức mà còn là người cha, người mẹ, người bạn lớn sẵn sàng chia sẻ, đồng hành cùng niềm vui, nỗi buồn của học sinh; tìm hiểu tâm tư, tình cảm của các em để trở thành cầu nối giữa trẻ và các bạn trong lớp, giữa nhà trường và gia đình cũng như giữa trẻ và sự đón nhận của xã hội.
Giáo viên cần được tin tưởng, tôn trọng
Với cô Đỗ Thị Phương Trâm, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non 2 (quận 4), 34 năm gắn bó với nghề sư phạm là chừng đó năm cô thao thức, trăn trở với nghiệp đưa đò. Xã hội có rất nhiều nghề, không phải nghề nào cũng vinh dự được gọi là “cô”. Tuy nhiên, đằng sau sự kính trọng thiêng liêng đó, giáo viên hàng ngày phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, vất vả, áp lực từ phía phụ huynh lẫn trọng trách nặng nề xã hội giao phó. Đặc thù của trường mầm non là không có giáo viên chủ nhiệm. Mỗi lớp học có 2 cô phụ trách, cùng chịu trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.
Cô Phương Trâm trải lòng, mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh cần duy trì trên cơ sở tôn trọng, cùng chia sẻ, hỗ trợ vì lợi ích của trẻ. Khi có việc không như ý xảy ra, trường cần lắng nghe ý kiến của phụ huynh trên cơ sở thiện chí, vận động, thuyết phục để phụ huynh hiểu và đồng hành cùng nhà trường trong việc giáo dục học sinh. Ngược lại, phụ huynh cần trao đổi, góp ý với trường những việc chưa tốt trên tinh thần xây dựng và phát triển, tạo sự gắn kết giữa 2 môi trường giáo dục gia đình và nhà trường, giúp trẻ thụ hưởng phương pháp giáo dục tốt nhất.
Đối với bậc học lớn hơn, TS Lưu Hồng Phong, Phó hiệu trưởng Trường THCS Bình Tây (quận 6) cho biết, mỗi gia đình hiện chỉ có 1-2 con nhưng mỗi ngày lên lớp giáo viên phải tiếp xúc, dạy dỗ hàng chục học sinh. Mỗi em có tính cách, suy nghĩ khác nhau đòi hỏi thầy, cô phải có tâm lẫn tầm, lòng bao dung mới có thể bao quát được tất cả học sinh.
Đặc biệt, với vai trò giáo viên chủ nhiệm, các thầy, cô phải hiểu được tâm lý, hoàn cảnh gia đình từng em để có phương pháp giáo dục và cách xử lý tình huống phù hợp. Đó là nhiệm vụ không thể hoàn thành trong một sớm một chiều, đòi hỏi sự cảm thông của xã hội, tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện sứ mệnh của mình.
“Tôi cho rằng gia đình, nhà trường và xã hội là 3 chân kiềng tạo nên nhân cách một con người, thiếu 1 trong 3 chân đó sẽ mất thăng bằng, không đứng vững trước dông tố cuộc đời”, thầy Hồng Phong chia sẻ. Do đó, mỗi đầu năm học, nhà trường phải xây dựng kế hoạch hoạt động, thống nhất với ban đại diện cha mẹ học sinh, thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của ban đại diện cha mẹ học sinh để điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với nguyện vọng học sinh.
Bà Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục TPHCM, nhận định, một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất đối với đội ngũ thầy, cô giáo trong thời kỳ hội nhập và phát triển là làm thế nào cân bằng giữa làm tốt công việc và cuộc sống gia đình, giữa cái chung và cái riêng, tinh thần và vật chất, sự chuyển đổi mạnh mẽ giữa phương pháp dạy học tiến bộ theo hướng cá thể hóa và quán tính của việc truyền thụ kiến thức một chiều như đọc chép trước đây. Điều này đòi hỏi bản thân mỗi thầy, cô phải có bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm, trên hết là tấm lòng yêu thương, mở rộng vòng tay đón nhận tất cả học sinh, dù là học sinh cá biệt.
Thành công của người thầy
Lâm là cậu học trò tinh quái nhất lớp. Cậu chuyên bày ra các trò trêu trọc các bạn, thậm chí còn khiến nhiều cô giáo từng chủ nhiệm lớp Lâm bao phen vất vả.
Không biết bao nhiêu lần bố mẹ Lâm phải đến trường họp vì con trai vi phạm hết lần này đến lần khác. Thế nhưng, cậu cũng không có gì tiến bộ.
Tranh minh họa (Gia Linh)
Là con một trong gia đình khá giả nên Lâm được chiều chuộng từ bé. Khi Lâm bắt đầu lên cấp 2, bố mẹ cậu mở rộng kinh doanh nên không dành nhiều thời gian cho con. Từ đây, Lâm giao du với nhiều bạn bè xấu, bắt đầu nói dối, nghịch ngợm, gây chuyện cả ở nhà và ở trường. Năm nào, cậu cũng xếp trong top học sinh học kém nhất lớp.
Tuy nhiên, năm lớp 9, Lâm đã thay đổi hoàn toàn. Từ một cậu học sinh nghịch ngợm, học lực kém, Lâm phấn đấu trở thành học sinh giỏi, đỗ vào trường chuyên uy tín của TP. Tất cả là nhờ cô giáo chủ nhiệm của mình - một cô giáo mới ra trường nhưng giỏi giang, tâm lý và có sự nghiêm khắc rất "đặc biệt". Là giáo viên trẻ nên suy nghĩ của cô hiện đại, trẻ trung. Các tiết học của cô vì thế tràn đầy năng lượng, sự mới mẻ và hấp dẫn. Cô không bao giờ bỏ qua những vi phạm của học trò nhưng không phạt các em bằng cách chép phạt, lao động,... Nếu như không làm bài tập, các em sẽ phải về nhà nấu cơm cho bố mẹ. Nếu không thuộc bài, các em sẽ phải tự tay làm một món quà cho anh, em của mình. Nếu vi phạm lỗi khiến lớp bị trừ điểm thì các em sẽ làm một món quà nhỏ tặng các bạn có sinh nhật trong tháng,...Dường như cô giáo chưa bao giờ "bí" ý tưởng để "phạt" học sinh. Nhưng lạ thay, những điều đó lại giúp tình cảm gia đình, bạn bè của học trò trở nên khăng khít hơn.
Cô giáo đã gần gũi, chia sẻ với Lâm để hiểu được hoàn cảnh, tâm tư, tình cảm của cậu. Cô động viên Lâm: "Em may mắn hơn rất nhiều bạn là có một gia đình đủ đầy, bố mẹ yêu thương, tạo điều kiện cho em học tập, phát triển. Em hãy trân trọng và làm lại nhé. Cô sẽ đồng hành cùng em. Khó nhưng không gì là không thể". Khi ấy, một cậu học trò chưa từng hứa như Lâm đã nói: "Em hứa với cô em sẽ thay đổi".
Từ đó, cô giáo dành nhiều thời gian bồi dưỡng kiến thức thêm cho Lâm. Cùng với sự quyết tâm của mình, Lâm tiến bộ nhanh chóng, còn được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi Toán của trường. Ngày Lâm thông báo đã đỗ vào trường chuyên của thành phố, cả cô và trò đều bật khóc. Cuối cùng, họ đã biến điều không thể thành có thể.
Mãi đến tận bây giờ, Lâm mới kể cho cô giáo điều thôi thúc mình phải thay đổi. Một lần Lâm vô tình nghe được câu chuyện về hoàn cảnh của cô. Cô mồ côi bố từ bé, gia đình lại khó khăn, một mình mẹ bươn trải nuôi con. "Nghèo khó nhưng cô đã không ngừng cố gắng, sống một cách bản lĩnh, để rồi trở thành một cô giáo tốt của chúng em thì không có cớ gì em, một cậu học trò có mọi thứ đủ đầy lại trở nên thất bại", Lâm rưng rưng.
Câu chuyện của Lâm đã minh chứng rằng: Thành công nhất của người thầy không chỉ nằm ở việc truyền thụ kiến thức cho học trò để các em giỏi giang mà còn biết truyền cảm hứng để các em sống đẹp, trưởng thành hơn mỗi ngày.
Những người thầy dành cả thanh xuân 'gieo chữ' vùng cao Dẫu cung đường khó khăn gập ghềnh nhưng ở miền biên viễn Cao Bằng vẫn có những thầy cô giáo tình nguyện dành cả thanh xuân cho những đứa trẻ vùng cao, đóng góp cho 'sự nghiệp trồng người'. Có đến tận nơi vùng xa xôi của huyện miền núi Bảo Lâm (Cao Bằng) mới cảm nhận được hết sự khó khăn, vất...