Ấm áp tình thầy trò vùng cao
Những thầy, cô giáo cắm bản ngày đêm đem cái chữ truyền thụ cho học trò nghèo đã và đang viết nên câu chuyện thật cảm động ở vùng cao.
Tình cảm ấm áp của thầy trò Trường Tiểu học Trung Thành (Quan Hóa) nhân ngày 20-11. Ảnh: Tăng Thúy
Ân tình gửi gắm nơi rẻo cao
Bữa cơm chiều đạm bạc nhưng chất chứa ân tình vùng cao. Ở đó, chúng tôi được dịp lắng nghe những chia sẻ của giáo viên cắm bản về sự học vùng biên viễn. Ở xã Trung Thành (Quan Hóa), giáo viên thường gọi thầy Lê Thiên Thơ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Thành là “lão làng”, bởi thầy đã có gần 30 năm công tác trên miền biên viễn này. Có lẽ vì vậy mà cách giao tiếp, sinh hoạt của thầy chẳng khác người bản địa là mấy. Thầy bảo: “Một khi dân bản hiểu mình thì chuyện học hành của con em họ sẽ dễ dàng hơn. Niềm tin của người dân bản đối với giáo viên sẽ quyết định việc họ có đưa con em tới trường hay không”.
Theo lời thầy Thơ, trước đây, nhận thức về sự học của một số gia đình nơi đây còn hạn chế, vui thì cho con đến trường, buồn thì nghỉ ngay. Vì thế, dù là học sinh tiểu học hay THCS, thầy, cô luôn phải dỗ dành. Chỉ nặng lời trách phạt là ngày mai các em có thể nghỉ học tức khắc. Một em nghỉ học, giáo viên phải vào tận bản để thuyết phục, đưa các em trở lại trường. Không chỉ đi một lần mà vài lần như thế mới xong. Thầy Thơ kể lại một câu chuyện cũ: “Khi giáo viên vào từng hộ gia đình vận động, bố mẹ các em phản đối gay gắt lắm! Họ nói là “cái ăn chưa đủ thì học hành cái gì”. Những lúc đó, anh em giáo viên phải vận dụng tất cả khả năng từ mối quan hệ với dân bản, cộng với vốn liếng tiếng dân tộc của mình để giải thích cho họ nhận ra ý nghĩa của việc cho con cái đến trường”.
Khó khăn, vất vả là thế nhưng thầy Thơ chưa một lần có ý định “hạ sơn”, bởi “nhiều khi cứ nghĩ tới mấy đứa trẻ mặc không đủ ấm, co ro trong giá lạnh mỗi khi đông đến, lại thấy không cam tâm”. Nói rồi thầy Thơ nhắc đến sự cưu mang của dân bản ở những thời điểm thầy, cô gặp khó khăn nhất trong cuộc sống: “Anh em giáo viên mỗi người một quê, lên đây cắm bản từ thuở bản không có đường, không sóng điện thoại, không trạm y tế… Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Ngày đó, chúng tôi được dân bản cưu mang, cho gạo, cho gà về nuôi để lấy thức ăn. Có thức ăn ngon là họ nhường thầy, cô ăn để có sức dạy học. Ân nghĩa đó khó mà đo đếm được”.
Để trẻ em nghèo biết đến con chữ, giáo viên và dân bản phải mang lớp học tới tận những bản làng heo hút nhất, dù nơi ấy là vùng đất khô cằn sỏi đá, mùa đông buốt giá, mùa hè nắng cháy da. Thầy Thơ nhớ nhất là cảnh vượt đèo, lội suối, “ăn dầm ở dề” với dân bản để dựng nhà, dựng trường cho học sinh. “Để có được những điểm trường lẻ như ngày hôm nay là sự nỗ lực không biết mệt mỏi của các cấp chính quyền địa phương, giáo viên và dân bản”, thầy Thơ nói rồi tỏ vẻ tự hào, thầy khoe với chúng tôi rằng, bây giờ nhận thức về sự học của dân bản đã khá hơn trước. Học sinh tới trường chuyên cần, chăm chỉ hơn và hầu như không còn bỏ học, nghỉ học giữa chừng.
Video đang HOT
Và để hiểu và truyền đạt kiến thức một cách tốt nhất đến học sinh, giáo viên phải đọc thông, viết thạo “đa ngoại ngữ” (tiếng phổ thông, tiếng dân tộc). “Vất vả nhất là khi các em bước vào lớp 1. Hầu hết chúng đều không biết tiếng phổ thông. Giáo viên bắt buộc phải huy động tất cả khả năng, cử chỉ, hành động, đôi khi phải lồng tiếng dân tộc vào bài học để dạy cho các em hiểu bài”, thầy Thơ kể.
Hàng chục năm công tác chốn thâm sơn cùng cốc, thầy Hắc Ngọc Hoằng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Thành (Quan Hóa), từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp vì những khó khăn mà bỏ cuộc giữa chừng. Và nếu không có nghị lực vượt khó, chắc thầy đã xin về xuôi cách đây 16 năm. Nghị lực đó không chỉ đo đếm bằng quãng đường, mà hơn hết đó là tình yêu, trách nhiệm với học trò. Thầy Hoằng cố kìm nén xúc động khi nhắc đến kỷ niệm mỗi lần đi vận động học sinh tới trường từ những ngày đầu tiên đặt chân tới nơi này. “Năm đó, tôi cùng 2 thầy, cô giáo nữa đến nhà một học sinh để vận động em tới trường. Em có hoàn cảnh đặc biệt, nhà nghèo, bố nghiện ma túy. Em trở thành lao động chính trong gia đình. Em là học sinh có lực học rất tốt, nên thầy, cô quyết tâm đưa em trở lại trường. Nhưng ngặt một nỗi, hết lần này tới lần khác đến gia đình, phụ huynh đều không đồng ý. Mãi sau này, bố em cai thuốc mới biết tầm quan trọng của việc học nên đã đến tận trường xin lỗi giáo viên và gửi con cho thầy, cô” – thầy Hoằng kể.
Món quà đặc biệt ngày 20-11
Nhắc đến Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), thầy Thơ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện vui nhưng đầy cảm động. Năm ấy, thầy mới chân ướt chân ráo lên vùng biên giới này dạy học và được phân công chủ nhiệm lớp 5. Có việc đột xuất phải ra thị trấn, quá trưa thầy mới trở lại trường, thấy một tốp học sinh đang loay hoay trước cửa phòng. Thầy mở cửa đón các em vào trò chuyện. Lúc này, từng em lấy ra từ túi của mình một ít gạo góp lại cho bạn lớp trưởng để biếu thầy. Ước lượng khoảng hơn 1 kg gạo. Ngạc nhiên quá thầy hỏi: “Các em lấy gạo ở đâu mà đưa đến cho thầy vậy?” Cậu lớp trưởng nhanh nhảu trả lời rằng, trước đó, mấy bạn đã thống nhất với nhau, lúc nào lên rẫy giúp bố mẹ gặt lúa thì xin bố mẹ một ít mang về góp lại để tặng quà cho thầy”. Món quà đặc biệt ấy làm thầy rưng rưng cảm động.
Những ngày này, các em học sinh thường đến trường từ rất sớm. Và điều thú vị là các em học sinh em thì xách trên tay bó rau, em thì bó củi, bó sắn… đến tặng thầy, cô. Thầy Hoằng tếu táo: “Kiểu này anh em mình được ăn rau, sắn cả tháng rồi đây”. Tôi hỏi một em học sinh rằng, sao các em không mang gì khác ngoài rau, sắn vậy? Em hồn nhiên trả lời: “Em không biết tặng gì cả, năm ngoái tặng hoa rừng rồi năm nay phải đổi sang rau, sang sắn thôi”.
Thầy hiệu trưởng còn kể cho chúng tôi nghe một kỷ niệm cười ra nước mắt. 20-11 năm đó, có một phụ huynh vào chúc thầy nhưng không thấy mang theo gì cả. Ngồi một lúc, anh ta ấp a ấp úng lấy từ túi quần ra chai rượu mời thầy. Hơi bất ngờ nhưng thầy vẫn nhận và ngồi uống cùng anh. Lát sau, có một thầy nữa ở phòng bên cạnh sang chơi, anh phụ huynh lại lấy ra từ túi quần chai nữa. Mọi người đều phì cười nhưng rất vui vẻ.
Không có mâm cao cỗ đầy, quà cáp giá trị, nhưng những giáo viên vùng cao đến ngày lễ 20-11 lại nhận được những món quà giản dị mà ấm áp ân tình. Quý nhất là tấm lòng của nhân dân và học sinh hướng đến thầy, cô giáo – những người không quản ngại khó khăn đem con chữ đến với đồng bào. Có thể nói, những giáo viên ở Trường Tiểu học Trung Thành chúng tôi đã gặp đều có chung một ý nghĩ, niềm tin phải đem hết nhiệt huyết của tuổi trẻ cống hiến cho các thế hệ học sinh thân yêu. Chính từ đức hy sinh cao đẹp đó, họ đã chắp cánh cho những ước mơ của các em học sinh nơi đây bay cao, bay xa hơn.
Tăng Thúy
Theo baothanhhoa
Nơi non cao có những thầy cô như thế!
Chịu khó, chịu khổ để học sinh chịu đến lớp và dần yêu con chữ - những thầy cô cắm bản cũng chính là những người đang ươm mầm xanh trong điều kiện khắc nghiệt nhất với tất cả sự kiên trì, nhẫn nại và niềm hy vọng vào tương lai.
Bằng các chương trình, dự án của Nhà nước kết hợp với sự đầu tư của các địa phương... nhiều cơ sở giáo dục vùng DTTS và Miền núi đã được xây dựng khang trang. Tại những ngôi trường này, học sinh được học tập với trang thiết bị tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, ở những xã vùng sâu, vùng xa thời tiết khắc nghiệt, giao thông cách trở, số lượng học sinh ít... đến nay vẫn còn duy trì nhiều điểm trường, đặc biệt là điểm trường mầm non học cùng các lớp 1, 2, 3. Với những điểm trường này, thầy cô được phân công lên dạy đa số đều ở lại cả tuần, cuối tuần mới "xuống núi" - họ được gọi bằng cái tên thân thương: Giáo viên cắm bản.
Lên với các điểm trường các thầy cô cắm bản dạy học là hành trình không đơn giản, bởi đa số điểm trường cách trung tâm xã vài chục ki-lô-mét, đường vừa xa vừa khó. Đây cũng chính là lý do để các thầy cô cắm bản ai cũng đi xe máy đường đèo dốc rất giỏi. Tuy nhiên, những ngày đầu, thầy cô nào cũng té ngã vài lần, xây xát, hỏng xe vài ba lần...
Đường dẫu khó, thầy cô vẫn kiên trì lên với bản làng, với học sinh
Quen đường rồi, các thầy cô phải tập làm quen với những đứa trẻ lấm lem, suy dinh dưỡng, không biết tiếng phổ thông... Không hiếm những ngày, nửa buổi học thấy thiếu các cháu, cô giáo đi tìm, vẫn thấy học sinh đang thơ thẩn chơi ở trên nương, bên mép ruộng. "Các cháu không biết tiếng phổ thông, tiếp thu lại chậm nên từ những kiến thức đơn giản nhất cũng phải nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Những buổi đầu nản trí lắm, nhưng mãi rồi cũng quen" - cô giáo Vũ Thị Hà - giáo viên Trường Dân tộc bán trú xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang chia sẻ.
Có lớp học mới, cô vui, trò cũng chăm đến lớp
Từ những khó khăn ban đầu, dần dần, thầy cô cắm bản nào cũng thương các bé như con. "Thấy các cháu đến lớp mặc mỗi một bộ quần áo, tôi về trung tâm xã xin quần áo cũ, mang lên lớp để các bé mặc thêm những ngày giá rét. Mua bánh lên lớp ăn sáng, cô ăn 1 cái nhưng phải mua 5 cái để cắt ra chia cho các cháu. Bố mẹ mải đi nương, nhiều cháu mang bụng trống không tới lớp" - cô Lò Thị Hái, giáo viên ở điểm trường Chăm Hỳ (xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) ngậm ngùi.
Dạy học ở các điểm trường, các thầy cô cắm bản quá quen với việc nhiều phụ huynh coi việc học của con là việc của thầy, nên rất ít quan tâm. Thầy Lý A Phông - giáo viên Trường Dân tộc Bán trú xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ kể: "Trên lớp, tôi dạy học sinh rất nhiều về việc ăn ở sao cho vệ sinh, nhưng về nhà có khi bố mẹ các cháu lại làm ngược lại. Không chỉ chậm nộp tiền quỹ cả năm, có phụ huynh nộp xong, mai lại lên xin vay lại vì... gia đình có việc".
Những câu chuyện thoạt nghe rất nhỏ, nhưng lại chính là những trở ngại với những thầy cô cắm bản trong công việc hàng ngày. Đáng trân trọng là, vượt lên những khó khăn, thiếu thốn, đa phần các thầy cô cắm bản vẫn cố gắng làm tốt công việc của mình, để cùng với thời gian, việc đến trường, đi học dần nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các phụ huynh người DTTS.
Những mầm xanh nơi non cao rồi sẽ cứng cáp hơn bởi có những tấm lòng thầy cô như thế!
Hoàng Mai
Theo congthuong.vn
Vợ chồng cắm bản và ước mơ gieo con chữ cho học trò nghèo Chưa đầy một tháng nữa là đến Ngày Nhà giáo Việt Nam- 20/11, khi được hỏi về những mong ước, các thầy cô giáo đều hướng về những học trò nghèo của mình. Họ mong rằng tất cả những trẻ em vùng cao đều được đi học, đều trưởng thành và thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Cô giáo Nguyễn Thị Thoa cùng...