Ám ảnh văn mẫu
Năm nay con vào lớp 5. Con là một đứa bé nhạy cảm. Đầu mỗi năm học luôn là thời điểm khó khăn đối với con tại trường tiểu học chuẩn quốc gia này.
Con thường sợ thầy cô giáo mới. Con sợ sự khắt khe, thị uy của thầy cô giáo mới khi vừa nhận lớp. Con sợ tiếng roi của cô nhịp xuống bàn, tiếng roi quất lên tay, lên mông bạn. Con sợ tiếng quát mắng của cô với cả lớp. Con sợ cảnh cô kêu bạn hoặc con để mắng giữa đám đông.
Từ giữa năm học trở đi, con sợ lượng bài tập khổng lồ cô giao cho con và các bạn. Thi giữa kỳ, thi cuối kỳ, mỗi lần là những xấp bài photo nặng trịch: Văn, Toán, năm ngoái lớp 4 thêm cả Sử – Địa và Khoa học. Lịch của hai mẹ con trong những ngày ôn thi là một “điệp khúc”: mẹ đón con về, ăn tối xong là vào bàn làm bài ôn bài. Hôm nào cũng thức đến 23-24h. Con vừa làm bài, học bài vừa khóc vì đuối sức, vì nhức đầu. Có lúc mẹ thấy cả người con như phát sốt. Mẹ xót xa nghĩ giờ này cô hẳn đã ngủ từ lâu nên bảo con nghỉ, đừng làm nữa, để hôm sau mẹ gọi điện gặp cô, hoặc viết thư xin cô cho con ôn ít lại. Con vừa khóc vừa nói: “Lúc mẹ nói vậy cô sẽ “dạ dạ!”, nhưng khi mẹ về rồi cô kêu con ra la trước lớp, hoặc sẽ nhiếc móc, như vậy còn khổ hơn. Thôi mẹ cứ để con ráng làm”.
Và con vẫn ráng làm. Chuyện này diễn ra trong những năm lớp 2 tới lớp 4. “Nhờ” những bài ôn kinh khủng như vậy, mỗi khi thi xong điểm số chung lớp con toàn điểm 9 điểm 10. Nhưng mẹ thấy con không vui, mẹ cũng không vui, chỉ thấy cô giáo vui.
Con còn sợ những dịp dự giờ, thi giáo viên giỏi cấp quận, cấp thành của các cô. Con kể cô thường dặn: Ai hỏi các con đi học có vui không, các con phải nói có. Ai hỏi cô có giao bài tập về nhà làm không, các con phải nói không… Con hỏi mẹ khi đang làm những bài ôn: “ Sao cô cho rất nhiều bài về nhà mà cô lại biểu tụi con nói là không có bài?”. Là giáo viên, mẹ thật lòng cũng không hiểu sao cô lại dạy các con điều “trái ngang” như thế.
Năm nay con vào lớp 5. Đón con sau bữa đầu nhập trường, mẹ thấy con hoảng hốt: “Mẹ ơi, năm nay cô bảo ai cũng phải mua sách văn mẫu để học tập làm văn”. Chuyện này cũng là chuyện mẹ và con rất sợ ở mấy năm học trước. Nhưng vì ham đọc sách từ khi vừa biết chữ, con làm văn khá hay. Các bài tập làm văn con đều viết một cách dễ dàng. Các cô lớp cũ đã miễn cho con không học theo văn mẫu, chỉ bắt các bạn yếu trong lớp học thuộc lòng văn mẫu để làm “tốt” bài thi. Con nhìn cảnh các bạn học văn mẫu, viết hệt theo văn mẫu, nào “buổi tối, ba em ngồi đọc báo, mẹ em may vá bên ánh đèn, chúng em ngồi học bài”, nào “những bông hoa tỏa hương ngào ngạt, thu hút những chú ong cần mẫn bay tới hút mật”, nào “ông nội em có mái tóc bạc phơ, lưng còng và đôi mắt hiền từ”… con đã rất, rất sợ.
Giờ trong hình dung của con và mẹ là “viễn cảnh” đó. Con phải học theo văn mẫu, chép theo, làm theo văn mẫu ư? Mẹ đã “nói không”, con cũng “nói không”. Vì sao ư? Vì mẹ đã dạy con từ lâu là ngoài điểm số thì tình cảm, trí lực, sự sáng tạo, ý thức tự giác… nơi mỗi học sinh cũng quan trọng không kém. Là mẹ, cũng là người dạy học, mẹ mong con của mẹ không chỉ vượt qua được một năm học, mà muốn thấy con ngày càng yêu thích học tập, ngày càng sáng tạo, ngày càng tự giác và giỏi giang trong các bậc học tiếp nối, trở thành con người có năng lực. Và con, dù các năm học qua đầy khó khăn, nhiều nỗi sợ, con không chỉ học tốt, đạt điểm tốt trong từng cấp lớp, con còn biết làm chủ kiến thức, vẫn yêu thích học tập, vẫn kính mến các cô, và con luôn có suy nghĩ riêng.
Video đang HOT
Con à, để tiếp tục yêu thích việc học, chúng ta phải vượt qua được vụ “văn mẫu” này. Trước mắt con và mẹ là năm cuối tiểu học quá dài…
Theo Uyên Ngọc/Tuổi trẻ
Thi tốt nghiệp THPT: Sẽ triệt tiêu văn mẫu?
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ đưa văn bản ngoài sách giáo khoa và áp dụng cách kiểm tra của PISA vào đề thi môn văn ở phần đọc hiểu; giảm thời gian làm bài nhưng có cả 2 phần nghị luận xã hội và văn học.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) học nhóm môn văn chiều 10.4 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đó là những quyết định được Bộ GD-ĐT công bố tại hội thảo Đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn ngữ văn ở trường phổ thông do Bộ GD-ĐT tổ chức hôm qua (10.4) tại Hà Nội.
Dữ liệu ngoài sách giáo khoa nhưng không đánh đố
Ngay tại hội thảo, vẫn còn có ý kiến băn khoăn và đề nghị Bộ GD-ĐT không nên lấy văn bản ngoài sách giáo khoa làm ngữ liệu cho phần đọc hiểu vì cho rằng thay đổi này là gấp gáp và quá bất ngờ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định: "Ngữ liệu trong phần đọc hiểu văn bản của đề thi chắc chắn sẽ không lấy trong sách giáo khoa. Văn bản đó không vượt quá năng lực nhận thức của học sinh (HS) tốt nghiệp THPT, không đánh đố HS. Văn bản được lựa chọn chắc chắn không có những kiểu câu quá phức tạp, nhiều từ ngữ địa phương khiến cho HS miền Bắc thì hiểu, miền Nam thì không...". Ông Hiển nhấn mạnh: "Nhiều khi chúng ta cứ bó HS vào những văn bản có sẵn và bắt các em học thuộc thì chính là làm khó cho HS".
Ông Hiển nói thêm: "Việc thiết kế câu hỏi của phần đọc hiểu sẽ theo cách làm của PISA".
Phần viết chiếm tỷ lệ lớn hơn đọc - hiểu
PGS Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 cho biết đề thi tốt nghiệp THPT có 2 phần: đọc - hiểu và viết (tạo lập văn bản).
Phát biểu tại hội thảo, ông Thống cho biết: "Sẽ có cả phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Tuy nhiên, yêu cầu của đề thi tốt nghiệp sẽ thiết kế sao cho phù hợp với khả năng của HS và phù hợp với thời gian làm bài là 120 phút". Do vậy, có thể có những phần chỉ yêu cầu HS thể hiện quan điểm ở một khung hoặc một đoạn viết nhất định chứ không nhất thiết phải trình bày trọn vẹn cả 2 bài luận.
Ông Thống phân tích: Phần đọc hiểu là kiểm tra kiến thức mang tính thông tin thuần túy. Phần viết kiểm tra kiến thức toàn diện hơn, trong đó đánh giá cả về chính tả, ngữ pháp; sự trong sáng về tiếng Việt; sự sáng tạo và cả quan điểm riêng... của HS.
Áp dụng với cả đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định cách ra đề môn ngữ văn với những yêu cầu mới sẽ áp dụng cả với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Bộ GD-ĐT chủ trương năm nay nhất định sẽ đổi mới và định hướng ngày càng có những yêu cầu cao hơn ở những năm sau.
Trao đổi bên lề với phóng viên Thanh Niên, ông Thống cho biết tuy chưa định rõ tỷ lệ giữa 2 phần này trong đề thi nhưng chắc chắn phần viết sẽ chiếm thời lượng và điểm số lớn hơn. "Nếu nắm vững kiến thức cơ bản, HS có thể sẽ chỉ làm phần đọc hiểu trong vòng 15 phút, còn lại dành cho phần viết", ông Thống nói.
Chấm thi mở
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng nêu thực tế đổi mới cách ra đề thi không khó nhưng đổi mới cách chấm mới là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.
PGS Phan Trung Dũng (Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Vinh) đề nghị đáp án chấm thi môn văn phải rất linh hoạt, không gò bó và không nên đòi hỏi một đáp án chuẩn. Khi đề thi đã mở thì đáp án cần xây dựng cụ thể nhưng chỉ đưa ra như một gợi ý chứ không bắt buộc giám khảo chấm thi phải tuân thủ tuyệt đối. Bà Nguyễn Thị Thu Thanh (Sở GD-ĐT Hải Dương) cho rằng việc cần làm ngay là thay đổi nhận thức của các thầy cô giáo trong biên soạn đề theo hướng mở, chấm mở và trân trọng những cái mới của HS.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: "Cách xác định trong bài làm phải có bao nhiêu ý cũng phải được thay đổi. Quan trọng là xác định những yêu cầu, kỹ năng HS đạt được ở mức độ nào; cách thức giải quyết vấn đề của HS khi làm bài văn để cho điểm". Ông Hiển cũng nói rõ với hướng ra đề thi và chấm thi như vậy thì chắc chắn là từ năm nay sẽ không để xảy ra việc HS học thuộc văn mẫu rồi mang vào chép vẫn đạt điểm cao.
Theo TNO