Ám ảnh lần đầu học giải phẫu xác người của bác sĩ tương lai
Cửa phòng bảo quản thi thể ở Đại học Y Hà Nội vừa mở, mùi formol tỏa ra khiến Thủy buồn nôn, chỉ dám đứng từ xa quan sát.
Phòng xác phục vụ cho bộ môn giải phẫu của Đại học Y Hà Nội nằm trên tầng hai phố Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Hôm nay là buổi thực hành đầu tiên của 25 sinh viên chuyên ngành Răng Hàm Mặt, tất cả đều là sinh viên năm nhất lần đầu tiên nhìn thấy xác người.
Thầy giáo mở cửa. Trần Hoàng Thu Thủy (Hưng Yên) một tay bịt mũi, tay còn lại đặt lên ngực trấn tĩnh. Một vài người bạn trong lớp đeo vội chiếc khẩu trang y tế. Vài bạn khác xúm lại nắm chặt tay nhau vì hồi hộp. Căn phòng lạnh lẽo và sực mùi formol. Thủy chia sẻ: “Ngửi mùi hóa chất bốc lên làm em buồn nôn, chỉ muốn chạy ra ngay”.
Sinh viên quan sát một thi thể. Ảnh: V.Chung
Căn phòng rộng khoảng 100 m2 có hai thi thể đã khô, màu xám, được ngâm trong formol nên vẫn còn giữ được hình dáng. Nhiều năm qua, các khóa sinh viên học giải phẫu đều thị phạm trên hai thi thể này. Theo lời giới thiệu của thầy giáo, thuở còn sống hai người đã tình nguyện hiến xác của mình để phục vụ công tác học tập, nghiên cứu khoa học của sinh viên y khoa. Tại đây còn có hàng chục tiêu bản là những bộ phận trên cơ thể người được cắt ra, đựng trong bình thủy tinh. Các bình sắp xếp gọn gàng trên các kệ sắt, giúp sinh viên có cái nhìn trực quan nhất về cấu trúc cơ thể người.
Thủy chỉ dám đứng từ xa chứ không lại gần. Các sinh viên đã được phổ biến quy định: không sờ vào thi thể, phải dùng phanh kẹp, không nghịch xác, thi thể quấn băng không được mở mặt ra xem, không di chuyển lung tung.
Buổi học đầu tiên, thầy giáo dạy về các chi tiết giải phẫu trên xương, xác và mô hình. “Giải phẫu dạy cho sinh viên biết được cấu trúc cơ bản của con người, hiểu được từng bộ phận mới có thể phẫu thuật được, chữa bệnh được cho người dân”, thầy nói. Do điều kiện về thời gian và số lượng thi thể không cho phép, các sinh viên chỉ được quan sát thầy giáo thực hành.
Video đang HOT
25 sinh viên được yêu cầu tiến lại gần để quan sát thầy phẫu tích bộc lộ các mạch máu, dây thần kinh trên xác. Tuy nhiên, là con gái lại sợ ma, Thủy và một vài bạn nữ khác vẫn không dám lại gần để nhìn thẳng vào xác người. “Em vô cùng hoảng sợ”, Thủy chia sẻ.
Khó khăn lắm Thủy mới lại được gần một chút đủ để nghe thầy giảng. Cô gái đứng nép phía sau một bạn khác để quan sát. Những bản thể còn giữ nguyên hình dáng, rõ từng bộ phận: các mạch máu, hốc mũi, dây chằng, dây thần kinh sọ, dây thần kinh gai sống, cơ xương… ngay trước mắt, chỉ có điều đã khô và xám đi. Thầy giáo dùng phanh kẹp gắp từng dây thần kinh lên để giới thiệu. Một vài sinh viên nhìn vào sâu bên trong, vài người khác lùi bước chân ra sau. Thủy không dám nhìn. Khoảng 30 phút sau cô gái phải xin ra ngoài vì buồn nôn.
Các tiêu bản được đựng trong bình thủy tinh giúp sinh viên quan sát trực quan nhất về cấu trúc cơ thể người. Ảnh: V.C
Thủy cho biết, trước khi học giải phẫu, em được các anh chị khóa trên chia sẻ về những khó khăn của bộ môn này. Tuy nhiên cô gái không nghĩ lần đầu nhìn xác người lại có cảm giác bị sốc đến thế.
Khác với Thủy, Nguyễn Tuấn Anh (Nghệ An), một sinh viên cùng lớp, bước vào nhà xác với chút bỡ ngỡ và lo lắng. Sau đó chàng trai tự trấn anbản thân và bắt kịp rất nhanh vào bài giảng. Tuấn Anh chăm chú lắng nghe thầy giáo và quan sát tỉ mỉ thi thể, tiêu bản phần ngực, tiêu bản cánh tay… Tuấn Anh cùng các bạn bàn bạc rất sôi nổi. Thế nhưng, đến phần thực hành, sinh viên được thầy yêu cầu tự dùng phanh kẹp, gim, gắp các dây thần kinh lên để phân tích cấu trúc, Tuấn Anh “em bắt đầu lo sợ”. Chưa bao giờ chàng trai tiếp xúc với các bộ phận cơ thể như thế nên không quen, tay run rẩy và chỉ cầm được vài giây đã phải bỏ xuống. Được một lúc, Tuấn Anh cũng phải xin ra ngoài vì buồn nôn.
Tâm lý của Thủy và Tuấn Anh là diễn biến chung của sinh viên năm nhất lần đầu học bộ môn giải phẫu và tiếp xúc trực tiếp với xác người. Mỗi người có một mức độ tâm lý khác nhau, hầu hết đều cảm thấy ám ảnh với buổi học đầu tiên về giải phẫu. “Ăn cơm cũng nghĩ đến mùi formol, nhiều đêm liền nằm ngủ mơ thấy xác đến tìm mình”, Thủy chia sẻ. “Chưa bao giờ em thấy con đường từ học tập đến làm nghề lại gian nan đến thế”. Phải đến buổi thứ ba Thủy mới bắt đầu quen với bộ môn này.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Trưởng bộ môn giải phẫu, Đại học Y Hà Nội cho biết, bộ môn giải phẫu được đưa vào giảng dạy cho sinh viên năm nhất. Nhiều em lần đầu tiếp xúc với thi thể và mùi formol bảo quản thi thể sẽ bị cay mắt, sốc hoặc gặp các vấn đề về tâm lý, sức khỏe. Đến những buổi sau sinh viên sẽ quen dần và ý thức được cơ hội thực hành quý giá trên xác người.
Hiện nay, công tác giảng dạy bộ môn giải phẫu ở trường Đại học Y Hà Nội gặp nhiều khó khăn, chỉ có hai thi thể cho sinh viên thực hành qua nhiều năm.
Thúy Quỳnh
Theo Vnexpress
ĐH New York bất ngờ miễn học phí cho mọi sinh viên ngành y
Trường Y thuộc ĐH New York, Mỹ (NYU) vừa có một quyết định gây chấn động khi thông báo sẽ miễn học phí cho mọi sinh viên hiện tại cũng như tương lai của trường.
Đại diện Trường Y NYU công bố quyết định miễn học phí cho mọi sinh viên của trường. Ảnh: ABC News
Tuyên bố có thể "thay đổi cả cuộc đời" nói trên được công bố sáng 16/8, vào cuối "Lễ hội áo trắng" thường niên dành cho các tân sinh viên y khoa của trường. Các tân sinh viên sẽ được mặc áo khoác thí nghiệm màu trắng tham gia sự kiện đánh dấu việc họ bắt đầu khóa học.
Theo hãng thông tấn ABC, mọi sinh viên trường y NYU hiện tại đã nhận được một bức thư điện tử thông báo, trường cũng sẽ cấp học bổng toàn phần cho họ.
"Điều cuối cùng cần nói với các sinh viên và cha mẹ họ là, học phí sẽ thuộc trách nhiệm của chúng tôi. Thật tuyệt vời khi nhìn thấy các cảm xúc trên gương mặt họ", Tiến sĩ Rafael Rivera, Phó hiệu trưởng phụ trách tuyển sinh và hỗ trợ tài chính của Trường Y NYU cho hay.
Học phí tăng cao chóng mặt có thể dẫn tới những khoản nợ lên tới hàng trăm ngàn USD cho sinh viên. Điều này đã trở thành một đề tranh cãi nảy lửa trên khắp nước Mỹ. Các bác sĩ tương lai có thể đang phải đối mặt với các khoản nợ nần vì học hành cao nhất.
Các tân sinh viên và mọi sinh viên khác đang theo học tại Trường Y NYU đều được hưởng chính sách học bổng toàn phần mới. Ảnh: ABC News
Theo Hiệp hội các trường y Mỹ, năm 2017 có 75% bác sĩ tốt nghiệp ở Mỹ cùng với một khoản nợ tín dụng giáo dục. Tính trung bình, các bác sĩ tốt nghiệp từ một trường tư nợ tới 202.000 USD. Áp lực vay nợ có thể khiến nhiều bác sĩ mới ra trường lảng tránh việc nghiên cứu, các hoạt động cộng đồng và khám chữa đa khoa, những công việc không được trả thù lao cao như việc khám chữa chuyên khoa.
Trường Y NYU là trường y tư thục đầu tiên ở Mỹ và cũng là trường duy nhất thuộc tốp 10 miễn học phí cho mọi sinh viên theo học, trích thông cáo của trường. Học phí hàng năm trước đây của trường lên 55.108 USD/năm.
Sáng kiến miễn học phí đã bắt đầu cách đây hơn một thập niên, khi trường NYU xúc tiến chương trình quyên góp tài chính phục vụ mục đích đó. Cho tới hiện tại, trường đã quyên góp được hơn 450 triệu USD trong tổng số gần 600 triệu USD ước tính cần thiết cho chương trình học bổng toàn phần cho mọi sinh viên y khoa.
Động thái tiếp sau quyết định năm 2013 của trường nhằm cung cấp chương trình đào tạo bác sĩ cấp tốc 3 năm, giúp cắt giảm học phí cho các sinh viên.
Theo tiến sĩ Robert Grossman, Hiệu trưởng Trường Y NYU kiêm tổng giám đốc điều hành Trung tâm y tế Langone NYU, mục tiêu của chương trình học bổng toàn phần là nhằm cho phép các bác sĩ tham vọng "thuộc mọi tầng lớp xã hội" có thể theo đuổi đam mê với ít áp lực hơn. Ông Grossman giải thích, nỗi ám ảnh nợ nần đã tác động tiêu cực đến việc chăm sóc các bệnh nhân, vì nó khiến các sinh viên tài năng hoảng sợ, không dấn thân theo nghiệp y khoa, dẫn đến việc thiếu hụt các bác sĩ và sự đa dạng của đội ngũ bác sĩ ra trường.
Theo vietnamnet.vn
Những kỹ năng sống học sinh Nhật Bản nắm rõ từ tiểu học Trồng và chăm củ cải, sau đó nấu món ăn từ thực phẩm này là một trong những nhiệm vụ trẻ tiểu học ở Tokyo được dạy. Kumiko Makihara (gốc Nhật Bản), tác giả cuốn "Dear Diary Boy", nhận con nuôi từ Kazakhstan và cho học tại trường tiểu học ở Tokyo. Khi con trai lớn lên, trở thành sinh viên đại học...