“Ám ảnh” đồng phục đầu năm
Từ ý nghĩa tốt đẹp ban đầu, những bộ đồng phục dần trở thành nỗi ám ảnh của nhiều bậc phụ huynh vào mỗi mùa tựu trường.
Mỗi năm một kiểu
Có thể nói, ý nghĩa ban đầu của việc mặc đồng phục chính là làm giảm cách biệt giữa các học sinh, tạo sự gắn bó, hoà đồng giữa học sinh của lớp và toàn trường, bởi khi tất cả cũng ăn mặc giống nhau, việc phân biệt giàu-nghèo, sang-hèn sẽ mất đi.
Tuy nhiên, việc một số trường học quá coi trọng chuyện đồng phục, mẫu mã, màu sắc… rồi bắt học sinh phải đáp ứng khiến nhiều phụ huynh cảm thấy “ám ảnh”.
Nhiều phụ huynh phàn nàn, trong mấy năm nay, vừa rục rịch chuẩn bị vào đầu năm học, nhiều trường đã sốt sắng đưa mẫu mã tự thiết kế đồng phục mới cho học sinh trường để đặt hàng các cơ sở sản xuất may hàng loạt với lý do là để tạo nét đặc trưng riêng của trường. Chỉ vì một “nét” đặc trưng này mà rất nhiều phụ huynh chới với.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Chi có con theo học một trường tiểu học tại quận Ba Đình, Hà Nội cho hay: “Năm nay đồng phục của trường thay đổi một chút thôi, mặc dù cháu nhà tôi không lớn hơn năm ngoái đáng kể nhưng vẫn phải mua đồng phục mới. Điều đáng nói là thay đi đổi lại hằng năm nhưng chưa năm nào thấy được bộ đồng phục như ý. Kiểu dáng xấu đã đành, chất liệu lại rất nóng”.
Đồng phục học sinh chưa đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh.
Theo nhiều phụ huynh, năm nay, đồng phục học sinh đang có xu hướng tăng “đột biến” so với năm trước. Chưa hết, nhiều trường còn đưa ra nhiều quy định “ngặt nghèo” khiến học sinh không dùng được đồng phục của năm trước càng làm các gia đình có thu nhập thấp thực sự lao đao. Đồng phục học sinh lớp 1, 2 về cơ bản kích cỡ như nhau, nhưng in tên lớp khác nhau. Ví dụ như lớp 1A, 2A… nên dù cháu nào học lớp 1A, mặc vừa đồng phục cũ cũng phải bỏ vì lên lớp 2A phải mặc đồng phục in chữ 2A chứ không được giữ nguyên đồng phục in chữ khác.
Cũng như chị Chi, con gái chị Nguyễn Thị Nga (Tây Hồ, Hà Nội) vừa trúng tuyển vào một trường THPT có tiếng trên địa bàn thủ đô. Trong giấy nhập học, khoản đồng phục đầu năm gia đình phải đóng là 798.000 đồng, trong đó có 2 áo sơ mi, quần âu, áo khoác mùa đông.
Video đang HOT
Chị than thở, ngoài đồng phục học sinh, danh sách các khoản đóng góp đầu năm nhà trường đưa ra còn có rất nhiều khoản, số tiền phải đóng lên tới vài triệu đồng. Theo chị, đồng phục do nhà trường liên kết với công ty may, do sản xuất hàng loạt nên các cơ sở may rất sát để tiết kiệm vải, chất liệu thì dày, dễ nhàu.
Chị phàn nàn: “Quần áo pha nilon nhiều quá, đi lại cứ xột xoạt, mùa đông thì lạnh mà mùa hè thì nóng. Biết là đắt nhưng tôi không thể không mua, để cháu mặc giống bạn bè”.
Chất liệu kém, giá “trên trời”
Điều mà phụ huynh phàn nàn nhiều nhất, thường xuyên nhất không phải kiểu dáng mà chính là chất liệu đồng phục.
Chất liệu xấu, gây khó chịu nên đồng phục trở thành nỗi sợ đối với học sinh. Ngoài bộ đồng phục hằng ngày, vài năm gần đây, nhiều trường còn quy định học sinh phải mặc đồng phục thể thao dành cho giờ học thể dục.
Với học sinh bậc trung học thì quy định này còn có vẻ hợp lý, nhưng với bậc tiểu học thì cứ nhắc đến đồng phục thể thao là các ông bố, bà mẹ lại lắc đầu ngao ngán vì chất liệu của loại đồng phục này quá khó chịu. Một phụ huynh có con học Trường tiểu học Kim Liên (Hà Nội) cho biết: “Một tuần cháu có hai giờ học thể dục, nhưng cả ngày hôm đó cháu phải mặc đồng phục thể thao vì có mang đi thì các cháu cũng không có chỗ nào để thay. Những ngày mùa đông thì chịu khó được, chứ ngày hè mặc như vậy chắc chắn rất có hại cho sức khỏe vì chất liệu không thấm mồ hôi”.
Tuy vậy, không hẳn đồng phục nào cũng chất lượng kém. Rất nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội có đồng phục khá bắt mắt, thời trang, chất vải tốt và đương nhiên, số tiền phụ huynh bỏ ra cho mỗi bộ đồng phục như thế không hề nhỏ.
THPT Chu Văn An là một trong những trường đầu tư “mạnh tay” vào đồng phục học sinh.
Trường phổ thông đa cấp Olympia (Hà Nội) có giá đồng phục khá choáng với nhiều người. Giá 2 bộ đồng phục đầy đủ cho cả mùa đông và mùa hè của học sinh tiểu học: Nam 4.268.000 đồng, nữ 4.466.000 đồng THCS: Nam 5.632.000 đồng, nữ 4.554.000 đồng THPT: Nam 6.710.000 đồng, nữ 5.830.000 đồng. Đồng phục của Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cũng ngót nghét 2 triệu đồng/bộ với áo sơ mi, váy (nữ), quần âu (nam), vét và áo khoác mùa đông.
Với những học sinh có điều kiện kinh tế khá giả thì việc sở hữu một bộ đồng phục có giá tiền triệu là điều dễ dàng, nhưng không phải gia đình nào cũng có thể bỏ ra khoản tiền lớn như vậy vào đồng phục cho con. Bởi ngoài đồng phục, phụ huynh còn phải đóng rất nhiều khoản khác như tiền học phí, tiền xây dựng trường, hội phụ huynh…
Nhận thấy những bức xúc của phụ huynh và học sinh về đồng phục, vào ngày 3/8/2012, Sở GD-ĐT Hà Nội đã thông báo đến các trường về quy định trang phục đồng phục cho giáo viên, học sinh trước năm học mới.
Theo đó, các trường cần thực hiện quy định về đồng phục tùy theo khả năng, điều kiện kinh tế và phải có sự thống nhất cao của cha, mẹ học sinh. Việc trang bị đồng phục của các trường phải đảm bảo đúng phương thức mua sắm, đúng kích cỡ, màu sắc, logo của trường, giá cả, thủ tục thanh, quyết toán theo quy định của tài chính đảm bảo công khai, dân chủ.
Rõ ràng, ở các trường phần đông học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn chưa thể thay đổi mẫu mã đồng phục đẹp hơn, thì việc nâng cao hơn nữa về chất lượng và kiểu dáng cho phù hợp là cần thiết. Còn đối với những trường có điều kiện thay đổi mẫu mã, nên chú trọng khâu thiết kế để đồng phục đồng bộ và đẹp mắt.
Mặt khác, nhà trường nên dành thời gian tham khảo, lấy ý kiến rộng rãi trong học sinh về đồng phục, chứ không nên chỉ dựa chủ yếu vào các thầy cô và Ban phụ huynh trường như hiện nay. Nhà trường cũng nên công khai địa chỉ các cơ sở may để mọi người dễ dàng đến đó mua thêm hoặc may đo theo nhu cầu, tránh tình trạng độc quyền mẫu mã, “ép” học sinh phải may đồng phục tại trường.
Theo Vương Tâm
Theo Petrotimes
Con đỗ đại học, cha mẹ toát mồ hôi
Ngày nhận kết quả thi của con cũng là ngày bố mẹ lại bắt đầu vào một vòng quay mới với nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Với các gia đình có điều kiện kinh tế thì việc lo cho ăn học ở thành phố không phải là chuyện lớn. Đỗ đại học sẽ là niềm vui trọn vẹn. Nhưng với những gia đình khó khăn, khi con em đỗ đại học, còn canh cánh nỗi lo với chặng đường dài trước mắt, đâu chỉ toàn niềm vui.
Bán cả bò, bê chuẩn bị tựu trường
Câu chuyện của gia đình chị Nguyễn Thị Cườm (Duy Tiên, Hà Nam) khá tiêu biểu cho những gia đình nông thôn nghèo quyết cho con em theo đuổi giấc mơ đèn sách. Nhà có 2 cô con gái, cô lớn hiện đang là sinh viên năm 3 và năm nay cô em thi đỗ Học viện Hậu cần. Với chị Cườm đó là niềm vui, là sự an ủi lớn. Nhưng ít ai biết được trong lòng chị lúc này đang chất chứa nỗi lo làm sao kiếm đủ tiền cho con lên thủ đô học. Người chồng làm thợ xây trên Hà Nội, còn chị ở nhà chỉ làm ruộng, chăn con bò, con bê với mong muốn có đủ tiền cho 2 cô con gái ăn học. Nhưng câu chuyện nhà nông hình như bao lâu nay vẫn vậy, chị phải bán cả bò, bê khi nhận được tin con gái thứ hai đỗ đại học. Số tiền để chuẩn bị cho việc nhập học của cả 2 người con không phải là nhỏ. "Biết bán bò đi lúc này chẳng được bao nhiêu nhưng không bán thì lấy tiền đâu cho 2 đứa nhập học. Đủ tiền cho 2 đứa đã, ở nhà thì lại tự lo liệu sau", chị tâm sự. Thu nhập nhà nông chẳng đáng là bao, cộng thêm lương thợ xây của người chồng, thêm một đứa con đỗ đại học, nỗi lo hiện rõ trên khuôn mặt người mẹ đã bao năm dãi dầu nắng mưa.
Chị Cườm đã phải bán cả bò để có tiền cho con nhập học
Làm nhiều hơn cho con nhập học
Phạm Phương Anh, cô sinh viên năm 2 trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học quốc gia Hà Nội đến giờ vẫn còn nhớ như in câu chuyện của gia đình mình những ngày này cách đây 1 năm. Là học sinh giỏi, thi đỗ đại học với điểm số cao nhưng ngày nhập học là biết bao lo lắng về vấn đề kinh tế gia đình. Bố mất, mẹ Phương Anh một mình tảo tần nuôi 2 chị em ăn học. Đỗ đại học, đi học xa đồng nghĩa với những khoản tiền cần tiêu cũng sẽ tăng lên. Phương Anh xin vào ở ký túc xá với mong muốn đỡ được phần nào tiền nhà cho mẹ trong những ngày đi học. "Để có đủ tiền cho mình nhập học, mẹ đã phải kiếm việc làm thêm ngoài giờ, làm tăng ca... Những ngày ấy mình thương mẹ nhiều lắm. Cũng may vào trường rồi, tiền học phí mình không phải đóng, các chi phí khác cũng cố gắng hạn chế nên mẹ mình đỡ vất vả phần nào. Năm nay thì đỡ hơn rồi, nhưng để đủ tiền cho mình mấy hôm nữa lên trường, mẹ cũng đã phải lo lắng, tiết kiệm nhiều lắm", Phương Anh tâm sự.
Phương Anh (bên trái) trong ngày lễ tốt nghiệp THPT
Còn rất nhiều câu chuyện về những người cha, người mẹ phải theo con lên tận Hà Nội với gánh hàng rong để lo cho con ăn học, những cô cậu tân sinh viên vừa chân ướt chân ráo đến với thủ đô đã bắt tay ngay vào tìm việc làm thêm. Bán hàng, phát tờ rơi, làm gia sư... tất cả đều chỉ mong muốn kiếm được ít tiền để tự trang trải cho cuộc sống của mình, để chia sẻ phần nào nỗi nhọc nhằn với cha mẹ.
Tự kiếm tiền nhập học, nuôi thân
Không chỉ có các bậc phụ huynh lo lắng mà ngay bản thân các em thí sinh cũng đầy những trăn trở khi đỗ đại học. Các em phải suy nghĩ xem mình sẽ bước vào cánh cổng trường đại học ra sao với biết bao bỡ ngỡ và khó khăn. Nhất là với những em gia đình khó khăn về kinh tế. Con đường đến với giảng đường đại học của các em nhiều chông gai, thử thách hơn bạn bè đồng trang lứa bởi ngoài nỗi lo về học hành, thi cử các em còn gánh cả nỗi lo về kinh tế. Cô học sinh Nguyễn Thị Ngọc Thúy (Hà Nam), thi đỗ Đại học ngoại ngữ - Đại học quốc gia Hà Nội đã bắt tay đi làm ngay khi biết điểm thi đại học. Xin vào làm công nhân đóng gói tại khu công nghiệp Đồng Văn với mong muốn giúp đỡ được bố mẹ phần nào trong số tiền em cần để nhập học vào tháng 9 tới. Hoàn cảnh gia đình đã buộc em phải tự lao động để thực hiện được ước mơ đại học của mình. Thúy tâm sự: "Nhà em bố mẹ đều làm nông, nuôi em ăn học đến bây giờ tốn kém nhiều lắm. Đỗ đại học mà không biết có tiền nhập học không. Em xin đi làm để phụ giúp thêm cho bố mẹ, để đủ tiền mấy hôm nữa lên trường nhập học. Lên đại học rồi chắc em cũng đi làm thêm, tự lo cho mình, bố mẹ em ở nhà còn phải nuôi em em ăn học nữa".
Ngày các tân sinh viên đến với giảng đường đại học không còn xa nhưng trong nhiều gia đình, bài toán kinh tế vẫn chưa có câu trả lời. Con đỗ đại học vui lắm nhưng rồi biết lấy đâu tiền để nó học, thành phố tiêu cái gì cũng đắt, tốn lắm... đó là tâm sự của hầu hết những gia đình khó khăn về kinh tế có con đỗ đại học.
Theo khám phá
Hà Nội dự kiến điều chỉnh mức học phí năm học 2012-2013 Ngày mai 4/5, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ có buổi làm việc với UBND thành phố về đề án học phí mới. Dự kiến tờ trình sẽ được đưa ra bàn thảo trong kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố vào tháng 7/2012. Để có cơ sở xây dựng tờ trình này, Sở GD-ĐT Hà Nội đang yêu cầu phòng GD-ĐT các...