Ám ảnh cái chết bất đắc kỳ tử: Hé lộ nguyên nhân
Trước những cái chết dồn dập trong làng, người dân Minh Hà ( Quảng Trạch, Quảng Bình) bắt đầu suy diễn thành những câu chuyện nghe đến rợn người. Những câu chuyện được thêm nếm ấy cứ loang dần, loang dần…
Những lời đồn ma quái
Không chỉ người làng Minh Hà, mà ngay cả dân ở những làng bên cũng cho rằng, những cái chết bất đắc kỳ tử dồn dập vừa qua ở làng Minh Hà là có nguyên nhân của nó. Chuyện kể rằng, cuối năm 2012, một phụ nữ người làng Minh Hà lấy chồng ở làng Thái Hòa, bên kia sông, qua đời khi sinh con đầu lòng. Đáng ra sản phụ này phải được chôn ở nghĩa địa của làng Thái Hòa, nhưng dân làng này cho rằng, xui xẻo nên gia đình nhà chồng của sản phụ phải mang về chôn ở nghĩa địa của làng Minh Hà.
Tuy nhiên, khi thuyền tang cập bến, người làng Minh Hà hay tin kéo ra ngăn cản, không cho vào làng, giằng co nhau hết cả buổi sáng. Người đưa tang quyết đi bằng được, còn người làng Minh Hà cố ngăn lại, chiếc quan tài của sản phụ xấu số cứ bị xô đi đẩy lại phía bờ sông. Cuộc giằng co chỉ kết thúc khi lãnh đạo xã nhận được tin và cử công an về giải quyết.
Sau một hồi thuyết phục, người làng Minh Hà cũng chấp nhận, nhưng với điều kiện, thuyền tang phải chở thẳng quan tài của sản phụ về nghĩa địa, chứ không được đưa qua làng.
Người chết nằm cạnh người sống cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật của người dân.
Một phụ nữ trong làng Minh Hà ghé tai chúng tôi nói nhỏ: “Do chết nhiều quá nên người trong làng đi coi bói. Thầy bói nói là do sản phụ đó về trả thù. Muốn giải được nạn này, cần phải mời thầy cao tay ấn về cúng bái, trấn yểm. Nhưng dân chúng tôi theo công giáo nên việc cúng bái không cho phép. Nếu cố làm là vi phạm luật của giáo hội. Dân làng lo lắm, nhưng không biết làm răng cả”.
Ông Thành, Bí thư chi bộ thôn Minh Hà, xác nhận câu chuyện ngăn cản quan tài của sản phụ là có thật, nhưng đó là do dân làng tự phát chứ không phải chủ ý của lãnh đạo thôn. Còn về lời đồn, hồn ma của sản phụ trả thù dân làng thì ông Thành cho rằng: “Tui cũng nghe dân làng nói với nhau như vậy. Mình là người trần, mắt thịt nên cũng không biết nó thế nào, nhưng hoang mang lắm?”.
Chết do trùng tang
Bà Quế kể: Vì quá hoảng loạn, mặc dù nhà không còn đồng xu dính túi, nhưng bà cũng cố vay mượn ít tiền, nhờ cháu chở đi xem bói. Thầy bói phán rằng, nhà bà chết nhiều là do trùng tang. Nếu không cúng bái, trấn yểm thì còn chết nữa. Ma trùng tang sẽ về bắt bằng hết người trong họ hàng mới thôi. Nghe đến số tiền mà thầy bói đưa ra để làm lễ trấn yểm, bà Quế hoa cả mắt, cắn răng trở về nhà trong nỗi lo lắng đến tột độ.
Đời mệ răng mà khổ ri không biết. Mệ có ăn ở ác với ai mô, răng mà ông trời lại trừng phạt mệ đến như ri. Còn lại mấy đứa cháu đó, không biết ông trời có buông tha cho không, hay lại tiếp tục đưa hắn đi thì mệ biết sống với ai” – Bà Quế nức nở
Với hi vọng giữ lại sinh mạng của mấy đứa cháu, bà Quế nghe ai mách gì làm nấy. Không có tiền để mua lá cọ, bà Quế cùng hai đứa cháu lên rừng chặt lá cọ về trùm lên mộ của những người xấu số, rồi lấy đá đè lên với hi vọng gia đình sẽ được bình an.
“Sợ lắm chú ơi, nhưng sức của mệ cũng chỉ làm được đến đó thôi. Có tiền mô mà cúng bái như người ta nói. Đến 2.000 đồng nộp quỹ lớp cho cháu mà mệ cũng không có. Nhớ lời thằng An dặn trước khi chết, là cho hắn đi học để sau ni bớt khổ, nhưng mệ già rồi, cố không nổi nữa. Mỗi lần nghe cháu xin tiền học mà mệ chín ruột, chín gan.
Đời mệ răng mà khổ ri không biết. Mệ có ăn ở ác với ai mô, răng mà ông trời lại trừng phạt mệ đến như ri. Còn lại mấy đứa cháu đó, không biết ông trời có buông tha cho không, hay lại tiếp tục đưa hắn đi thì mệ biết sống với ai” – bà Quế nức nở.
Video đang HOT
Lí giải cho những cái chết bất thường
Nói về những cái chết dồn dập và bất thường ở làng Minh Hà, Linh mục quản xứ vùng cồn bãi của xã Quảng Minh, Nguyễn Văn Phú cho rằng: Những lời đồn thổi lâu nay của dân làng là vô căn cứ, đậm chất mê tín dị đoan. Không có chuyện ma quỷ nào bắt người cả, mà có nguyên nhân của nó, có thể giải thích được.
Theo vị linh mục này, người làng Minh Hà vốn rất nghèo nên việc học hành ít, dẫn đến nhận thức cũng bị hạn chế. Từ chuyện vệ sinh môi trường sống, đặc biệt là nạn rượu chè khiến người dân mang bệnh, hoặc dẫn đến tai nạn giao thông.
Nghe người ta bày, bà Quế lấy lá cọ và trùm lên mộ để trấn trùng tang, với hy vọng giữ được mấy đứa cháu còn lại.
“Dân ở đây uống rượu khiếp lắm, họ uống ly cối, hoặc ngửa cổ đổ cả chai chứ không có chừng mực như những nơi khác. Như cái chết của anh An, anh Sự… đều do trước đó uống rượu. Đi làm cả đêm mệt, sáng ra bụng đói chưa ăn gì, uống cả cối rượu nên dẫn đến trụy tim mạch mà chết. Hay như những cái chết do tai nạn giao thông, toàn trai trẻ trong làng. Đi chơi đêm, uống rượu vào, chạy xe loạng quạng rồi va vào xe đi ngược chiều hay vào cống, vào vệ đường mà chết” – Linh mục Phú nói.
Với trách nhiệm của mình, buổi lễ nào linh mục Phú cũng nhắc nhở chuyện rượu chè vô độ của giáo dân và cầu nguyện cho những người xấu số. Tuy nhiên, Linh mục Phú cho rằng, về mặt phong thủy của làng Minh Hà không ổn. Hiện có đến 3 nghĩa địa vây lấy làng Minh Hà. Hai cái ở đầu và cuối làng, còn một cái nằm ngay sát nách làng.
Xét về mặt cảnh quan, vào ra làng Minh Hà ai cũng có một cảm giác tang tóc, buồn bã. Còn về vệ sinh môi trường thì không tốt, người chết nằm cạnh người sống, bệnh tật, rồi âm khí sẽ truyền qua không khí lây nhiễm bệnh cho dân làng.
Hỏi về những cái chết ở làng Minh Hà, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Minh Hoàng Ngọc Thắng đồng quan điểm với Linh mục quản xứ. Theo ông Thắng, Minh Hà là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Quảng Minh. Cuộc sống thiếu thốn, lại thêm cách sông trở đò nên người dân ở đây gần như biệt lập, đau ốm không đi bệnh viện để kiểm tra, bệnh ủ lâu ngày, đến khi phát ra thì không kịp trở tay nên mới sinh ra những đồn đoán như thế.
“Khi nghe dưới thôn báo cáo lên, tôi đã chỉ đạo trạm y tế xã về kiểm tra. Theo báo cáo của trạm y tế, thì hầu hết những người chết ở thôn Minh Hà đều do lao lực, tai biến mạch máu não, hoặc nhồi máu cơ tim sau khi uống rượu quá nhiều.
Riêng trường hợp nhà bà Quế, hầu hết các trường hợp qua đời đều do trước đó có uống rượu. Còn lại hai trường hợp con anh An là do tai nạn trên biển và tai nạn giao thông. Biết gia đình bà Quế rất khó khăn nên xã cũng đã có trợ cấp và động viên bà con làng xóm trợ giúp. Nhưng, thật là vẫn không bù đắp nổi”.
Linh mục quản xứ và Bí thư Đảng ủy xã Quảng Minh đều khẳng định, người làng Minh Hà bớt rượu chè đi, vệ sinh môi trường thật tốt thì sẽ không còn ai bị chết bất đắc kỳ tử nữa.
Ông Đậu Minh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết: Minh Hà là một trong 10 thôn nằm trên 8 cồn nổi giữa sông Gianh, với hơn 1,5 vạn dân sinh sống. Đây là những vùng đất đặc thù nên cần có những chính sách đặc thù, nhưng lâu nay huyện vẫn chưa làm được điều này. Vừa rồi huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng về điều tra khảo sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân. Tới đây, huyện sẽ có một chuyên đề riêng biệt về phát triển kinh tế, xã hội, cũng như văn hóa đối với những vùng đất này. Tuy nhiên, để làm được điều này nội lực của huyện khó mà giải quyết nổi.
Theo Hoàng Nam
Ám ảnh những cái chết bất đắc kỳ tử
Chỉ đầu năm đến nay, ngôi làng nổi Minh Hà, nơi chỉ có vài chục ngôi nhà nằm giữa dòng Gianh thuộc xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) liên tục chứng kiến gần hai chục cái chết bất ngờ của con em mình, khiến dân làng hoang mang tột độ...
Minh Hà là một trong 4 thôn trên một cồn nổi giữa dòng Gianh. Bí thư chi bộ thôn Nguyễn Trung Thành, toát mồ hôi hột khi chúng tôi nhờ ông thống kê những người trong làng qua đời từ đầu năm đến nay. "Nhiều quá, nhớ không hết, có chi chiều mấy chú quay lại nhé" - ông Thành trì hoãn vì ông cứ lẫn lộn từ người này sang người khác.
Ảm đạm một ngôi làng
Dạo một vòng quanh ngôi làng nhỏ này mới thấy hết cảnh hiu quạnh, tang tóc và ánh mắt lảng tránh khi hỏi về những cái chết trong làng gần đây. Ông Nguyễn Thái Mãn, trưởng thôn Minh Hà, đầu quấn khăn tang con trai mới chết chưa đầy tháng buồn rầu nói: "Không biết răng mà từ đầu năm đến nay làng chết nhiều quá, toàn chết trẻ mà chết bất đắc kỳ tử mới sợ chứ. Mới đây nhất là con trai tui với một đứa cháu cạnh nhà đi chơi, bị tai nạn giao thông chết ngay tại chỗ. Chúng mới 20 tuổi. Hôm đưa hai đứa ra nghĩa địa mới thương. Làng không đủ người để khiêng cùng lúc, nên phải lần lượt đưa đứa ni trước, chôn xong, mới quay về đưa đứa còn lại".
Ông Mãn cho biết, làng Minh Hà xưa nay nghèo lắm, nếu tính đúng thì phải trên 90% hộ nghèo. Nhưng vì trên "ép" bình bầu hộ nghèo theo chỉ tiêu cố định nên chính quyền thôn và dân đành cắn răng thống nhất với nhau, hộ nào có người đau ốm, con cái phải nộp tiền học hành thì được bầu hộ nghèo để họ được hưởng những chế độ ưu đãi của nhà nước.
Ông Mãn, trưởng thôn Minh Hà nói, làng có đến hơn 90% hộ nghèo.
"Chú coi, đất đai thì không có để sản xuất. Dân lại không có vốn nên không sắm được tàu thuyền đi biển như những làng khác. Người làng chỉ biết bám vào khúc sông quanh làng mà mưu sinh, hoặc phiêu bạt đi làm thuê làm mướn để sống qua ngày" - ông Mãn nói.
Cầm bảng thống kê số người chết trong thôn của ông Nguyễn Trung Thành đưa cho khiến chúng tôi không khỏi giật mình. Từ đầu năm đến nay, làng Minh Hà có 17 người chết, chỉ có 2 trường hợp chết trên 60 tuổi, số còn lại chủ yếu từ 20 tuổi đến 50 tuổi.
Đa số họ đều chết trong những trường hợp bất ngờ: tai nạn sông biển, giao thông, hoặc tự dưng lăn đùng ra chết không kịp đưa đi bệnh viện. Làng chỉ có 70 nóc nhà, nhưng bình quân cứ mỗi tháng làng chết gần 2 người. Đặc biệt, có nhà bà Nguyễn Thị Quế (75 tuổi), 6 tháng đầu năm, chết 7 người thân.
"Không chỉ người dân, mà lãnh đạo thôn như chúng tôi cũng hoang mang lắm. Đây là hiện tượng bất thường, chứ ngày trước họa hoằn lắm vài ba năm, thậm chí cả chục năm mới có một người chết. Nhưng nay thì chết liên tục, giờ ai cũng sợ, đêm không dám ra đường" - ông Thành nói.
Họa vô đơn chí
Nhà bà Nguyễn Thị Quế nằm ngay cạnh nhà ông Thành bí thư chi bộ. Ngôi nhà cấp bốn, cũ nát xiêu vẹo, trống hoác. Trong chiếc tủ kính để đầy di ảnh của những người đã khuất. Gọi mãi không thấy ai thưa, chúng tôi vào nhà, bà Quế nằm trên chiếc giường ọp ẹp quay mặt vào tường. Vợ ông Thành đi tới vỗ vào người, bà mới choàng dậy hỏi "ai rứa?".
Bà Quế cho biết, vì quá nhiều biến cố đau khổ, giờ tai nặng, mắt mờ nên không biết có khách đến. Không biết chữ, đã gần đất xa trời. Những nơi xa nhất mà bà Quế đến, đó là lên chợ ở trung tâm xã. Khi hỏi về gia cảnh, bà Quế ngồi lặng người, hai hàng nước mắt lăn dài trên hai gò má nhăn nheo.
Bà Quế xót xa nhìn một loạt di ảnh của người thân trong chiếc tủ kính.
Chị Thảo vợ bí thư Thành nói: "Trên đời ni e không còn ai khổ như mệ Quế chú à. Chỉ trong vòng 3 năm nhà mệ có đến 9 người chết. Riêng 6 tháng đầu năm nay con cháu nhà mệ dồn dập ra đi đến 7 người. Tội lắm chú ơi, nhớ con, nhớ cháu, cứ đêm hôm khuya khoắt là mệ lại khóc rống gọi người thân, nghe mà não ruột lắm".
Trong tiếng nấc nghẹn, mệ Quế kể: Tai họa giáng xuống gia đình mệ cách đây 3 năm khi người con dâu cả Nguyễn Thị Chí, vợ của anh Nguyễn Văn An đột ngột ra đi không rõ lí do, để lại 4 đứa con. Rạng sáng hôm ấy, như thường lệ anh An đi đánh cá ven sông về không thấy chị ra đón.
Anh An gọi chị từ ngoài cửa cũng không thấy thưa. Mệ Quế đang ngủ, lồm cồm dậy, đi lại giường con dâu lay gọi, thì chết lặng vì người chị Chí đã cứng đơ, lạnh toát. Con dâu chết chưa hết tang thì đến chồng mệ Quế là ông Nguyễn Văn Nghệ cũng lặng lẽ ra đi trong một đêm đông lạnh giá mà không trăng trối được lời nào với con cháu.
Nhưng nỗi đau không dừng lại ở đó. Đầu năm nay, hai người em chồng là Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Văn Hiệp, rồi đến anh Nguyễn Văn An, con cả bà Quế lần lượt chết đột tử, báo hiệu cho một chuỗi tang tóc trong gia đình bà Quế và ngôi làng nhỏ Minh Hà. Bà Quế nghẹn ngào kể: Chiều mồng 6 Tết, anh An, đi bốc cát thuê về, thấy bà Quế dọn ra chỉ một ít cơm với nước mắm, anh An nhường cho mẹ rồi pha mì tôm ăn.
Bỗng dưng anh An nhìn mẹ chằm chằm trong hai hàng nước mắt giàn giụa nói: "E con chết thôi mạ ạ! Con mà chết thì mạ khổ lắm, biết nương tựa vào ai đây?!". Nghe con nói vậy, nghĩ về những cái chết dồn dập trong gia đình khiến bà Quế thấy lạnh sống lưng nhưng vẫn cố gạt đi: "Chết răng được mà chết, đừng ăn nói bậy bạ".
Đến nửa đêm, anh An gọi mọi người dậy, kêu tức ngực, toàn thân toát mồ hôi. Anh cầm tay người con cả Nguyễn Văn Quang (23 tuổi) nói: "Cha chết rồi, con phải thay mặt cha nuôi mệ, nuôi ba đứa em, phải cố gắng cho thằng út đi học, đừng bắt em bỏ học mà tội". Nói xong anh An rống lên một tiếng, ngã vật ra giường tắt thở.
Đúng 49 ngày của anh An, anh Nguyễn Văn Sự (49 tuổi), người con thứ của mệ Quế cũng lăn đùng ra chết mà không kịp đưa đi bệnh viện. Anh Sự đi đơm đó cả đêm ngoài bờ sông, được ít cá mang vào để vợ đi bán chợ sáng. Xin vợ được 2.000 đồng, anh ghé vào cái quán nhỏ đầu làng mua cốc rượu uống. Khi chưa kịp về đến nhà thì anh ngã lăn ra đường chết.
Ngôi nhà xiêu vẹo của bà Quế giờ chỉ còn ba bà cháu nương tựa vào nhau.
Nhưng số phận nghiệt ngã vẫn không dừng lại ở đó, anh Nguyễn Văn Lý (45 tuổi) người con út của bà Quế cũng ra đi đột ngột, đúng vào ngày thứ 49 của anh Sự. Tang tóc bao trùm lên gia đình bà Quế. Vì quá sợ hãi trước những cái chết bất ngờ, hai người con dâu của bà Quế phải bỏ làng chạy về nương tựa nhà ngoại ở xã bên.
Chồng con lần lượt ra đi hết, ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo giờ chỉ còn lại bà Quế và 4 đứa cháu nội, là con của anh An nương tựa vào nhau. Những tưởng số phận nghiệt ngã đến thế là cùng, nhưng rồi nỗi đau cứ bám riết lấy bà Quế không tha.
Nguyễn Văn Quang, người con cả của anh An, trong một chuyến đi biển đánh cá thuê, bị chìm tàu chết mất xác. Mới đây là Nguyễn Văn Tùng, em kế của Quang, đi làm phụ hồ ở xã bên, trên đường về nhà, do đêm tối, gặp tai nạn giao thông, chết khi chưa kịp đưa đi cấp cứu.
Chỉ chưa đầy nửa năm, ông trời cướp mất của bà Quế 7 người thân, khiến gia đình trở nên kiệt quệ. Kể từ sau đám tang của anh An, những đám tang còn lại đều do bà con làng xóm góp tiền lo ma chay cho bà Quế. Giờ chỉ còn lại ba bà cháu trong ngôi nhà trống hoác lạnh lẽo đến rợn người. Nguyễn Văn Bình mới 19 tuổi đầu đã trở thành trụ cột gia đình, suốt ngày chui rúc trong rừng để kiếm cơm nuôi bà và em út Nguyễn Văn Luận đang học lớp 9...
Bỗng dưng anh An nhìn mẹ chằm chằm trong hai hàng nước mắt giàn giụa nói: "E con chết thôi mạ ạ! Con mà chết thì mạ khổ lắm, biết nương tựa vào ai đây?!" Nghe con nói vậy, nghĩ về những cái chết dồn dập trong gia đình khiến bà Quế thấy lạnh sống lưng nhưng vẫn cố gạt đi: "Chết răng được mà chết, đừng ăn nói bậy bạ".
Còn nữa
Theo Hoàng Nam
Người đàn bà tận khổ Trong vòng ba năm, mệ Quế phải chôn cất cả thảy chín người thân. Nước mắt mệ như vơi cạn giữa cuộc đời cay nghiệt. Mệ Nguyễn Thị Quế 75 tuổi. Tóc bạc răng long, mệ Quế tưởng cuộc đời thế là hạnh phúc. Ai ngờ trong vòng mấy năm mà chồng, con, dâu, cháu cứ lần lượt bỏ mệ ra đi. Những...