Algeria: Giờ phút kinh hoàng của con tin
Một số con tin bị bắt phải đeo mìn vào người, một số người khác trốn dưới gầm giường hay trên nóc nhà, một người bị bắn vào lưng – những con tin trốn thoát khỏi vụ bắt cóc ở Algeria kể lại.
Những tay súng đầu đội khăn, tay lăm lăm vũ khí ồ ạt xông vào nhà máy lúc trời sắp bình minh, tuyên bố sự xuất hiện của mình bằng hàng loạt phát súng.
Hàng chục nhân viên đang ăn sáng trước khi bị dẫn xuống đường hầm dưới nhà máy khai thác khí Amenas, nơi hàng trăm người Algeria và người ngoại quốc đang làm việc để khai thác gas dưới vùng sa mạc cằn cỗi của Sahara.
“Chúa trời thật vĩ đại”, những tay súng gào lên khi vừa ập đến.
Đó là lúc bắt đầu bắt đầu những giờ phút kinh hoàng – một trong số con tin ngoại quốc bị bắn bởi cả quân nổi dậy và quân chính phủ. Đối với những con tin còn lại, thử thách vẫn chưa kết thúc.
Một số con tin bị bắt phải đeo mìn vào người. Một số người khác nằm trốn dưới gầm giường và nóc nhà, miệng lẩm nhẩm cầu nguyện sẽ sống sót, nhưng vẫn nghĩ chắc mình khó thoát. Một người bị bắn vào lưng ngay trước mắt các con tin khác. Được các tay súng cho phép, một số con tin gọi điện về nhà để thông báo tình hình.
Đó là câu chuyện kinh hoàng mà một vài trong số hàng trăm công nhân hôm 18/1 trốn thoát khỏi nhà máy nằm ở vùng rìa đông nam của Algeria nhớ lại khi bị các tay súng Hồi giáo ập vào cách đó 2 ngày.
Những nạn nhân thoát khỏi vụ bắt cóc ở Algeria. (Nguồn: NYT)
Các tay súng thuộc nhóm Al Mulathameen nói rằng chúng đang trả đũa sự can thiệp của Pháp vào quốc gia Mali láng giềng, các quan chức Algeria cho biết. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy vụ tấn công đã được lên kế hoạch từ lâu trước khi quân Pháp bắt đầu chiến dịch giành lại vùng lãnh thổ rộng lớn phía bắc mà chính phủ Mali để mất kiểm soát vào tay lực lượng nổi dậy.
Những kẻ tấn công tỏ ra rất tỏ tường nhà máy gas này.
“Chúng tôi biết các bạn bị đàn áp; chúng tôi tới đây để các bạn đòi lại quyền của mình”, các tay súng nói với những người Algeria đang làm việc tại nhà máy, một con tin người Algeria kể lại. Một con tin khác nói rằng các tay súng đã hỏi về các kế hoạch đình công của nhân viên ở đây.
Những con tin trốn thoát nói rằng trong nhóm khủng bố có nhiều người nước ngoài, vì giọng nói của họ không phải ở Algeria. Một công nhân bản địa nói rằng họ có thể là người Libya và Syria, và một người rất giống người Pháp. Một tay súng nói giọng tiếng Anh rất chuẩn được phân nhiệm vụ nói chuyện với những người nước ngoài.
Video đang HOT
Khi quân đội Algeria thực hiện chiến dịch tấn công, tình huống trở nên hỗn loạn hơn nhiều. Theo một nhân chứng, các trực thăng của chính phủ bắn vào các xe jeep đang chở con tin. Số phận của nhiều con tin đến nay chưa biết ra sao. Cơ quan thông tấn Algeria thông báo 12 công nhân nước ngoài và bản địa đã thiệt mạng kể từ lúc bắt đầu chiến dịch, còn hàng chục người khác vẫn chưa thống kê được.
Ngay từ đầu, các tay súng chỉ muốn nhằm vào người nước ngoài. Các công nhân Algeria cùng với nhiều người Hồi giáo khác có thể tự cứu mình bằng cách đọc to kinh Koran, sau đó được lùa sang một khu vực riêng.
“Họ nói rằng: Chúng ta là anh em. Các bạn có điện thoại ở đây, hãy gọi cho gia đình để thông báo”, Moussa, một công nhân Algeria kể lại.
Những phụ nữ Algeria trong nhóm con tin được thả ngay vào sáng hôm 16/1, Moussa cho biết, nhưng các tay súng lúc đầu từ chối thả nhóm nam giới Algeria bị giữ vì nói rằng điều đó tốt cho họ. “Chúng tôi sợ rằng nếu chúng tôi thả các anh, thì các anh sẽ bị quân đội bắn”, Moussa nói.
Trong khi đó, những người nước ngoài bị dồn vào một chỗ, tay bị trói lại. Nhiều công nhân Philippine từ chối rời khỏi phòng đã bị đánh. Một người châu Âu bị bắn chết khi đang cố gắng chạy thoát thân. Các nhân chứng nói rằng họ nhìn thấy một người châu Âu trung tuổi, có lẽ là thuộc lực lượng an ninh, bị bắn vào lưng ở khu vực quán ăn tự phục vụ. Lúc đó đèn đã bị tắt, nhưng các nhân chứng nghĩ rằng người đàn ông đó đã chết.
Trước khi bị bắt làm con tin, anh Stephen McFaul, 36 tuổi, kỹ sư điện đến từ Belfast, Bắc Ireland, trốn trong phòng cùng một đồng nghiệp sau khi nghe thấy tiếng súng đầu tiên, rồi dùng điện thoại gọi điện về nhà để thông báo anh vẫn bình an.
“Tôi đùa với đồng nghiệp rằng tôi đến từ Bắc Ireland và đã trải qua nhiều cuộc bạo động ghê gớm hơn”, McFaul nhớ lại.
McFaul được cử đến làm việc ở Algeria cách đây 3 tuần. Vừa lúc gọi điện xong, anh bị các tay súng tóm được và đưa lên 1 trong 5 chiếc xe tải mà sau đó trúng bom của quân đội.
4 chiếc xe đi đầu bị phá hủy, còn chiếc xe thứ 5 đâm vào vệ đường, McFaul và người đồng nghiệp chui ra từ cửa phía sau đã vỡ. Tay họ vẫn bị trói, miệng bị dán băng dính và trên người vẫn đeo thuốc nổ.
Cả hai đã chạy thục mạng và gặp lực lượng an ninh, rồi họ được gỡ thuốc nổ ra. McFaul đang nôn nóng muốn trở về nhà.
Ít nhất một người Mỹ được đài truyền hình Corpus Christi nhận diện là Mark Cobb cũng trốn thoát. Cobb được cho là đã trốn trong một phòng trống rồi sau đó chạy khỏi nhà máy mà không bị phát hiện. Hôm 18/1, Cobb đã gửi tin nhắn cho một người bạn để nói rằng anh vẫn còn sống.
Một số người nước ngoài khác, như Alexandre Berceaux, quốc tịch Pháp, đang làm cho công ty dịch vụ ăn uống tại khu vực này, cũng tìm cách trốn càng kỹ càng tốt.
“Tôi trốn trong phòng ngủ gần 40 giờ đồng hồ. Tôi nằm dưới gầm giường, tôi có nước và thức ăn trong phòng, và tôi không biết mình sẽ phải ở đó bao lâu”, Berceaux kể lại.
Berceaux nói rằng mình đã cầm chắc cái chết. “Khi những người lính Algeria đến cứu, tôi thậm chí còn không nghĩ rằng sự việc đã kết thúc. Họ đến cùng với các đồng nghiệp của tôi, nếu không thì tôi đã không mở cửa”.
Berceaux kể rằng binh lính Algeria tìm thấy một số con tin người Anh trốn trên nóc nhà, và họ vẫn đang tìm kiếm những người khác trong khi Berceaux được hộ tống tới một căn cứ quân sự gần đó để được đưa về Pháp. Theo Berceaux, một số người khác có thể vẫn đang ẩn náu đâu đó.
Trong số những người thiệt mạng có một công dân Pháp tên là Yann Desjeux. Ông Desjeux liên lạc với gia đình bằng điện thoại hôm 18/1 và thiệt mạng không lâu sau đó, báo Sud Ouest của Pháp cho biết.
Theo tờ báo này, một nhà báo tự do đã gọi điện cho một tay súng nổi dậy mà anh từng liên lạc trước đó nên biết rằng một trong những công nhân làm việc trong nhà máy chính là thành viên của nhóm nổi dậy. Nhà báo này đã hỏi có còn người Pháp nào bị giữ hay không thì tay súng đó đã chuyển điện thoại cho anh Desjeux, 52 tuổi. Desjeux nói rằng ông được đối xử tốt và những kẻ bắt cóc muốn chính phủ Pháp cảnh báo Algeria không nên tấn công nhà máy.
Chi tiết về vụ ông Desjeux thiệt mạng như thế nào vẫn chưa được làm rõ.
Theo 24h
Chân dung kẻ chủ mưu vụ bắt cóc con tin ở Algeria
Mokhtar Belmokhtar - Ảnh: AFP
Người được cho là chủ mưu vụ bắt cóc con tin kéo dài bốn ngày nay ở Algeria có tên Mokhtar Belmokhtar, còn gọi là Khaled Aboul Abbas, một trong những tay súng Hồi giáo đáng sợ nhất trong khu vực.
Là cựu lãnh đạo của tổ chức khủng bố ở Tây Bắc Phi AQIM(al-Qaeda in the Islamic Maghreb - al-Qaeda ở vùng Maghreb Hồi giáo), phần tử cực đoan người Algeria là một tay súng Hồi giáo hoạt động nhiều năm trời.
Sinh năm 1972 tại tỉnh Ghardaia, cách thủ đô Algiers của Algeria khoảng 480 km về phía nam, Belmokhtar đã được huấn luyện với các chiến binh thánh chiến ở Afghanistan từ năm 1991 đến 1993, theo tờ Le Monde.
Tại những trại huấn luyện này, hắn đã gặp gỡ những kẻ sau này sẽ trở thành các lãnh đạo al-Qaeda. Cũng tại Afghanistan, Belmokhtar đã dính phải một mảnh đạn, khiến hắn bị mù một mắt và từ đó có biệt danh "Độc nhãn".
Lầu đầu tiên trở lại Algeria vào năm 1993 trong cuộc nội chiến, hắn là thủ lĩnh quân sự của nhóm Hồi giáo vũ trang AIG (Armed Islamic Group) chiến đấu với quân chính phủ.
Belmokhtar đã tham gia thành lập Nhóm rao giảng và chiến đấu người Salafi (Salafist Group for Preaching and Combat), tiền thân của AQIM.
Nghi phạm có liên quan đến nhiều vụ bắt cóc
Hắn được cho là chịu trách nhiệm trong nhiều vụ bắt cóc con tin, gồm một vụ dẫn đến cái chết của hai thanh niên Pháp tại Niger vào tháng 1.2011.
Tổ chức của Belmokhtar đóng tại thành phố Gao của Mali trong vài năm qua, ít nhất cho đến khi không quân Pháp oanh tạc thành phố này vào ngày 11.1.
Nhóm của Belmokhtar sau đó tách ra khỏi AQIM vào tháng 12.2012 và thành lập phong trào riêng, lấy tên là "Tiểu đoàn Máu", ngoài ra còn được gọi dưới các tên khác như "Lữ đoàn Những người mang mặt nạ" hoặc Lữ đoàn Khaled Aboul Abbas.
Ông Dominique Thomas, một chuyên gia về các mạng lưới Hồi giáo, nói với tờ Le Monde: "Tiểu đoàn được thành lập từ một nhóm chống đối hoặc nhóm bị trục xuất khỏi AQIM. Nhóm này tập hợp xung quanh thủ lĩnh Mokhtar Belmokhtar. Sau khi tách ra riêng, họ thiết lập quan hệ với Phong trào Nhất thể và Thánh chiến ở Tây Phi (Movement for Oneness and Jihad in West Africa - MOJWA), vốn kiểm soát phần lớn phía đông Mali, Gao và những vùng phụ cận".
Nhóm này tập hợp từ 200 đến 300 tay súng thiện chiến và vũ trang hạng nặng, theo Le Monde.
"Tổ chức của hắn và MOJWA có thể đạt được một thỏa thuận ở Mali song chúng tôi không nghĩ tầm ảnh hưởng của hắn mở rộng đến Algeria. Tuy nhiên, bởi hắn là người Algeria, hắn biết địa thế và có những đầu mối liên lạc tại đây", ông Thomas nói.
Trước khi rời khỏi AQIM vào năm 2012, Belmokhtar nói hắn muốn mở rộng mạng lưới của mình tại Libya, theo Thomas.
"Những bất đồng trước đây, vốn xuất phát từ sự xung khắc của những cái tôi, đã được xóa bỏ với chiến dịch này, một chiến dịch rõ ràng là có phối hợp", ông Thomas nói.
Trong tổ chức, Belmokhtar bị chỉ trích vì xu hướng thích ứng với môi trường bản địa, nổi tiếng với việc buôn lậu. Ngoài biệt danh "Độc nhãn", hắn còn được gọi là "Mr Marlboro" vì vai trò trong hoạt động buôn thuốc lá để cung cấp tài chính cho tổ chức, theo BBC.
"Điều này trái với đường lối chính thức của AQIM, vốn tự xem mình là một nhóm thanh sạch và kỷ luật, chống lại việc buôn lậu. Mặc dù, thực tế, họ cũng thích ứng với môi trường bản địa", ông Thomas nói.
Tuy vậy, với AQIM, việc buôn lậu của Belmokhtar đã trở nên có tổ chức quá mức, theo ông Thomas.
Theo TNO
Algeria: Quân nổi dậy thả 100 con tin Vụ giết hại đẫm máu nhiều con tin nước ngoài tại nhà máy khí gas trên sa mạc Sahara của Algeria có bước chuyển mới khi cơ quan tin tức nước này cho biết gần 100 trong số 132 công nhân nước ngoài bị các tay súng Hồi giáo bắt cóc vừa được trả tự do. Số lượng con tin bị giam giữ...