Algeria có thể sẽ hỗ trợ chiến dịch quân sự ở Mali
Thủ tướng lâm thời Mali Modibo Diarra ngày 13/6 đã rời Algeria kết thúc chuyến thăm hai ngày theo lời mời của người đồng cấp nước này, Ahmed Ouyahia, nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Mali.
Binh sỹ Mali bảo vệ một tuyến đường ở thủ đô Bamako sau cuộc đảo chính. (Nguồn: AP)
Hai bên đã thảo luận tình hình an ninh ở Mali và dải Sahel trong bối cảnh cuộc khủng hoảng không có lối thoát trong khi các tổ chức khu vực quyết định yêu cầu Liên hợp quốc ủng hộ can thiệp quân sự để khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Mali. Đây là chuyến thăm Algeria đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Mali kể từ sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Amadou Toumani Touré ngày 22/3.
Từ đó đến nay, Chính phủ Algeria một mặt giữ lập trường không can thiệp vào công việc nội bộ của nước láng giềng và yêu cầu khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Mali, mặt khác tăng cường tiếp xúc với các nước có liên quan trong vùng và trên thế giới, đặc biệt là Pháp và Mỹ. Algeria luôn phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào Mali và cho đó là việc của các nước trong khu vực.
Theo giới quan sát, Chính phủ Algeria có thể phải điều chỉnh lập trường trong những ngày tới. Ngoại trưởng Niger Mohamed Bazoum đã lên tiếng phê phán Algeria không kích hoạt Ban tham mưu tác chiến hỗn hợp (CEMOC) để giúp tháo ngòi nổ tình hình trong vùng. Áp lực gia tăng đối với Algeria sau khi Liên minh Châu Phi yêu cầu Liên hợp quốc ủng hộ giải pháp này và không loại trừ khả năng Algeria buộc phải tham gia chiến dịch quân sự nếu các nước châu Phi được bật đèn xanh.
Tạp chí “Jeune Afrique” ngày 13/6 cho biết Algeria có thể sẽ không trực tiếp tham gia can thiệp mà hỗ trợ về hậu cần (tình báo, vận chuyển quân và trang thiết bị, tiếp tế) cho Lực lượng gìn giữ hòa bình của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi ở Bắc Mali, qua cầu hàng không từ các sân bay ở Tamanrasset và Reggane.
Cùng ngày, Chính phủ Mali đã quyết định thành lập Ủy ban quân sự hỗ trợ quân đội và an ninh ở Mali với nhiệm vụ cải thiện điều kiện sống và làm việc của lực lượng vũ trang trong bối cảnh một chiến dịch can thiệp quân sự đang hình thành nhằm giải phóng vùng Bắc Mali khỏi các nhóm vũ trang chiếm đóng.
Tạp chí “Focus” cho biết Hội đồng Bộ trưởng Mali cùng ngày thông qua dự luật thành lập ủy ban nói trên trong khuôn khổ thỏa thuận khung được ký giữa Ủy ban quốc gia khôi phục dân chủ và nhà nước và Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Mali./.
Theo TTXVN
Cộng đồng quốc tế bác tuyên bố độc lập ở Bắc Mali
Ngày 6/4, sau khi Mặt trận dân tộc giải phóng Azawad (MNLA) của phiến quân Tuareg tuyên bố độc lập ở khu vực miền Bắc Mali, cộng đồng quốc tế đã mạnh mẽ lên tiếng bác bỏ tuyên bố này.
Phiến quân Tuareg tuyên bố độc lập ở khu vực miền Bắc Mali (Nguồn: AFP/TTXVN)
Liên minh châu Phi (AU) nhấn mạnh tuyên bố độc lập này "vô hiệu lực và không có giá trị nào cả." Chủ tịch Hội đồng AU Jean Ping tuyên bố khối này "bác bỏ hoàn toàn" tuyên bố của MLNA, đồng thời khẳng định AU cùng các thành viên sẽ nỗ lực hết sức giúp khôi phục quyền lực của Cộng hòa Mali trên toàn bộ lãnh thổ nước này.Algeria, láng giềng với Mali, cũng phản đối tình trạng lãnh thổ Mali bị chia cắt. Thủ tướng Algeria Ahmed Ouyahia cho rằng nên tìm kiếm một giải pháp thông qua đối thoại.
Thủ tướng Uyahia từng làm trung gian thương lượng giữa phiến quân Tuareg với chính quyền Mali hồi năm 1991 khi lực lượng này tiến hành cuộc nổi dậy lần đầu. Theo ông Uyahia, can thiệp quân sự từ bên ngoài không phải là giải pháp tối ưu cho cuộc khủng hoảng Mali, mà sẽ chỉ khiến mọi thứ càng trở nên khó kiểm soát. Tình trạng bất ổn tại Mali đang khiến Algeria lo ngại khi hai nước có chung đường biên giới dài 1.000km.
Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ phản đối việc Mali bị chia cắt. Người phát ngôn của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU, bà Catherine Ashton, cho biết EU luôn tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Mali và bất cứ giải pháp chính trị nào cho cuộc khủng hoảng hiện nay cũng phải được tìm kiếm trong khuôn khổ hiến pháp hiện hành.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp cho rằng tuyên bố độc lập của Mali là "vô giá trị," khẳng định Pháp cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Mali. Paris yêu cầu MNLA chấp nhận giải pháp thông qua thương lượng với chính phủ Mali.
Bộ Ngoại giao Anh ngày 6/4 thông báo nước này đã đóng cửa tạm thời Đại sứ quán tại Mali, đồng thời rút các nhân viên ngoại giao khỏi đây do tình trạng bất ổn sau cuộc đảo chính quân sự ngày 22/3. Anh cho biết quyết định này của London đồng nghĩa với việc sẽ chỉ duy trì có giới hạn các nhân viên sứ quán ở lại Mali để giúp đỡ các công dân Anh tại đây. Anh cũng khuyến cáo công dân nước này rời khỏi Mali càng sớm càng tốt.
Trong khi đó, chỉ huy quân sự của một nhóm phiến quân Hồi giáo có tên Ansar Dine, đang kiểm soát thành phố Timbuktu ở Mali, cũng lên tiếng phản đối việc MNLA tuyên bố độc lập ở miền Bắc. Chỉ huy nhóm này Omar Hamaha nói rằng họ đơn thuần theo đuổi một "cuộc thánh chiến" vì đạo Hồi, phản đối các cuộc "nổi loạn và độc lập." Nhóm này cũng nhận đã bắt cóc 7 nhà ngoại giao Algeria tại Tòa lãnh sự Algeria ở thành phố Gao./.
Theo TTXVN
Anh lập căn cứ chống khủng bố giữa Algeria và Mali Theo mạng tin IRIB ngày 2/12, Ngoại trưởng Anh William Hague mới đây tiết lộ Chính phủ Anh đang đồng tài trợ để lập một căn cứ quân sự tại biên giới giữa Algeria và Mali nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống tổ chức khủng bố al-Qaeda Bắc Phi (AQMI) hiệu quả hơn tại dải Sahel. Các phần tử khủng bố al-Qaeda. (Nguồn:...