Ai thông cảm cho học sinh cuối cấp?
Trong khi chúng tôi – những học sinh lớp 12 phải gồng mình “nhồi” hết môn này đến môn khác, thì thầy cô vẫn có suy nghĩ “coi trọng bộ môn của mình” và xã hội thì quan niệm “vào được đại học mới giỏi”.
Thầy cô: “Học đi mấy em!”
Hãy thử tưởng tượng bạn đang học lớp 12 và ở bộ môn nào bạn cũng được giao một “sứ mệnh”: học thuộc lòng kiến thức, và làm trọn vẹn các bài tập! Giáo viên nào cũng cho rằng “môn này quan trọng” nên chẳng thèm quan tâm rằng học sinh có “nuốt” nổi bài học hay không.
Một ví dụ cụ thể: chúng tôi học lớp cơ bản A nâng cao, và là lớp tuyển. Vì thế chúng tôi chú trọng Toán, Lí, Hóa phần nhiều. Thế nhưng, môn chúng tôi sợ lại là… giáo dục công dân và Sử!
Cứ mỗi hai tiết, chúng tôi lại được học… 3 bài Sử. Vậy nhưng đôi lúc vẫn không theo kịp chương trình. Vì thế, thay vì đọc – chép, chúng tôi gạch ý trong sách và học dần. Dù đã được rút gọn, nhưng mỗi bài không dưới 5 trang. “Tội nghiệp” hơn, chúng tôi toàn “được” khảo một lúc cỡ… 5 bài! Có bạn vì phải học thêm quá nhiều môn nên phải thức trắng đêm để học, một số bạn không thèm học, vì “chẳng nhồi vào đâu được nữa, đầu óc bão hòa rồi, nhiều bạn có “mưu đồ” chép phao, vì họ đã quá “túng”, chẳng còn cách nào khác…
Giáo dục công dân, kiến thức khô đã đành, chúng tôi còn phải chống mắt nghe giảng trong cơn buồn ngủ rũ rượi. Các môn Toán, Lí, Hóa, chúng tôi còn chưa có thời gian làm bài tập, thì nói gì đến giáo dục công dân. Vậy mà khi năn nỉ giáo viên cho kiểm tra 15 phút trắc nghiệm thì nhận được cậu trả lời: “Như thế thì không tổng quát”, và cô vẫn giữ ý định trắc nghiệm kèm tự luận. Cả lớp nhìn nhau thở dài.
Video đang HOT
Trong một tuần, chúng tôi có… nhiệm vụ: Làm bài tập đề cương Toán, Lí, Hóa; học “vài trang” Sinh kèm với giải 50 câu hỏi trắc nghiệm soạn sẵn; học 10 bài Sử, 5 trang Địa, chưa kể chúng tôi học 4 ngày trái buổi, và đi học thêm ít nhất 3 môn…
Nhưng giáo viên bộ môn nào cũng giao cho chúng tôi: “Có gì trong sách giáo khoa phải học hết, làm hết nhé mấy em”.
Vì thế, mỗi học sinh đều quyết định “buông xuôi” một số môn, và đầu tư cho những môn quan trọng.
Teen 12 đang phải đối mặt những áp lực vô cùng nặng nề. (Ảnh minh họa)
Gia đình: “Phải thi đậu!”
Trên 70% học sinh lớp 12 thú nhận: “Học để vào đại học, vào đại học để… vừa lòng bố mẹ!”
Ngoài áp lực, học sinh còn phải chịu những cơn đau tinh thần khi ba mẹ rầy la vì điểm thấp. Đôi khi phụ huynh không thông cảm cho con mình mà còn trách: “Học cho lắm vào mà chẳng có kết quả gì cả! Chắc là chơi nhiều chứ gì!”. Thỉnh thoảng, dân 12 cảm thấy như đang “rơi tự do” vì không biết mình sống vì điều gì, khi việc học trượt dốc, thầy cô đốc thúc và gia đình càm ràm…
Thời điểm cuối cấp là lúc học nhiều, ít có thời gian dành cho gia đình, nên họ rất muốn có sự động viên, chia sẻ từ ba mẹ. Vậy mà có không ít bậc phụ huynh chỉ thấy kết quả kém và trách móc, không hiểu rằng con mình đang chịu sức ép quá lớn.
Thực tế cho thấy, nhiều bậc phụ huynh hiện nay muốn con mình vào đại học cốt yếu để… nở mặt nở mày với láng giềng, hàng xóm, chứ họ cũng biết “Đại học không phải con đường duy nhất”…
Xã hội: “Bằng cấp là thước đo giá trị!”
Nếu muốn bớt áp lực, đôi khi chúng tôi buộc phải “học lệch” vì không còn cách nào khác.
Chính vì “học lệch” mà một số môn có điểm không cao.
Chính vì điểm không cao nên bằng tốt nghiệp cũng “không đẹp”, dù thật sự, sức học cũng chưa đến nỗi…
Nhưng buồn thay, người ta chỉ nhìn vào danh hiệu, bằng cấp và điểm số để đánh giá về một học trò?
Chúng tôi tự thông cảm lẫn nhau
Đôi khi, chúng tôi có những bất công, oan ức trong học tập, nhưng không thể giãi bài cho ai cả, thế là tâm sự với bạn bè. Chúng tôi động viên nhau: “Cố lên, chỉ năm nay thôi, thời gian trôi qua nhanh mà”.
Chúng tôi quả quyết một điều rằng, khi xưa, ba mẹ và thầy cô không mang nặng áp lực như chúng tôi hiện tại, và học cũng không nhiều như chúng tôi bây giờ.
Nhưng ai thông cảm cho chúng tôi? Trong khi chờ câu trả lời thì chúng tôi tự thông cảm cho chính mình.
Bởi chỉ có dân 12 mới thấu…