Ai sẽ công nhận kết quả bầu hiệu trưởng của Hội đồng trường?
Lãnh đạo một số trường đại học cho rằng, nếu việc bầu hiệu trưởng trình cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận thì sẽ thuận lợi hơn.
Ai là người công nhận kết quả Hội đồng trường bầu hiệu trưởng?
Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định, hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện các bên có lợi ích liên quan và đại diện quyền sở hữu nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học.
Hội đồng này có nhiệm vụ và quyền hạn: quyết định đường lối phát triển, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; quyết nghị chủ trương thu chi tài chính của nhà trường; được tổ chức bầu hiệu trưởng, hiệu phó và lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đột xuất nếu cần thiết…
Hội đồng trường phải có ít nhất 17 người và là số lẻ. Thành viên trong đó ngoài hiệu trưởng, một hiệu phó, chủ tịch công đoàn, đại diện hội sinh viên… phải có ít nhất 25% là giảng viên khoa/bộ môn, tối thiểu 30% thành viên bên ngoài trường.
Góp ý cho dự thảo Luật giáo dục đại học sửa đổi, nhiều đại biểu quan tâm đến việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn, thành viên của hội đồng trường.
Theo dự thảo, ban soạn thảo xin ý kiến ở khoản 2 mục d Điều 16 với 2 phương án chọn về nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng trường.
Phương án 1 là hội đồng trường sẽ tổ chức thực hiện quy trình bầu hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng trình Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.
Phương án 2 là hội đồng trường sẽ tổ chức thực hiện quy trình bầu hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng trình cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận.
Theo ông Đào Văn Đông – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải nghiêng về phương án 2 bởi theo ông điều này đảm bảo nếu sau này không còn cơ chế bộ chủ quản thì vẫn áp dụng được.
Đồng thời, theo ông Đông, hội đồng trường không nên quy định “cứng nhắc” với các thành viên trong trường là có 1 phó hiệu trưởng.
“Cần xem xét thực tế rằng 1 trường thường có 2 đến 3 phó hiệu trưởng. Mỗi người thường được hiệu trưởng giao phụ trách một số lĩnh vực nhất định.
Trong khi thành viên hội đồng trường cần sâu về từng lĩnh vực để góp ý xây dựng định hướng, chiến lược phát triển.
Nếu giả sử chỉ lấy 1 phó hiệu trưởng thiên về đào tạo thì mảng tài chính hay khoa học công nghệ lại hụt,…”, ông Đông phân tích.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Đình Thi – Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội cũng đồng tình phương án 2 vì cho rằng nếu việc bầu hiệu trưởng trình cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận thì sẽ thuận lợi hơn.
Video đang HOT
“Bởi như trường chúng tôi, nếu chỉ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thôi thì vai trò của Bộ chủ quản như thế nào? Nếu sau này cơ chế bộ chủ quản xem xét lại thì việc này cũng giúp dễ khắc phục hơn sau này về luật”, ông Thi nói.
Qua góp ý này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, “dự thảo đưa ra 1 phó hiệu trưởng nhằm mục đích để bộ máy của hội đồng trường không trùng với bộ máy quản lý hành chính của hiệu trưởng.
Nó là cơ quan quyền lực chứ không phải cơ quan điều hành. Do đó chỉ cần 1 hiệu trưởng và 1 phó hiệu trưởng tham gia”.
Hội đồng trường không nên can thiệp vào những việc hành chính “hậu cần”"
Về vấn đề nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng đồng trường, ông Nguyễn Văn Nội – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng:
Việc đưa vào dự thảo nhiệm vụ và quyền hạn cho hội đồng trường “quyết nghị chủ trương về thu, chi tài chính; mua sắm tài sản thiết bị hằng năm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để phát triển nhà trường” là chưa hợp lý.
“Công việc đó dành cho hội đồng trường tôi nghĩ là không thực sự cần thiết. Theo tôi, chỉ nên dừng ở việc thông qua kế hoạch tài chính hàng năm và báo cáo quyết toán tài chính hằng năm là đủ rồi”.
Đồng tình với ông Nội, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội nêu quan điểm:
“Hội đồng trường theo tôi chỉ nên có nhiệm vụ là định hướng và thông qua tất cả những chiến lược phát triển, chủ trương chính, chứ không phải vai trò là can thiệp quá sâu vào những việc hành chính “hậu cần”".
Tuy nhiên, đại diện một số trường đại học cho rằng, không nên để hội đồng trường can thiệp quá sâu vào hành chính, mua sắm vì không đúng vai trò.
Theo Hiệu trưởng Đại học Điện lực Trương Huy Hoàng, nếu để hội đồng trường quyết nghị thu chi tài chính, mua sắm hàng năm thì sẽ phải có một ban bệ để xem xét được những báo cáo đó, như vậy hội đồng trường sẽ “phình” lên rất lớn.
Là một trong số ít đại học đầu tiên của Việt Nam có hội đồng trường từ năm 2007, nhưng Hiệu phó Đại học Hàng hải Việt Nam – Nguyễn Khắc Khiêm cho biết, đến nay vai trò của hội đồng trường vẫn chưa rõ ràng.
Ông Khiêm cho hay: “Khi họp để ra quyết sách cuối cùng thì hiệu trưởng và bí thư Đảng ủy vẫn là người quyết định”.
Từ thực tiễn này, ông Khiêm cho rằng, cần tăng thực quyền cho hội đồng trường.
Ngoài ra, ông Khiêm cũng đặt ra băn khoăn rằng, liệu có mâu thuẫn khi Luật giáo dục đại học nêu ra việc hội đồng trường sẽ bầu hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng nhưng hiện nay rất nhiều bộ ngành đã tiến hành thi chức danh Hiệu trưởng, Hiệu phó.
Trước các ý kiến góp ý này, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về vấn đề này.
Theo Giaoduc.net
Một số điểm mới đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa chính thức công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ.
Tại sao đến bây giờ vẫn chưa có Luật Nhà giáo?Muốn tự chủ đại học phải tự chủ về khoa học - công nghệGiáo dục đại học của Việt Nam đang ở trạng thái "1 khóa, 2 chìa và 4 nấc"
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đề xuất một số nội dung đáng chú ý như các phương án về công nhận hiệu trưởng và hiệu phó, trường đại học tự quyết định mức học phí...
Dự kiến, có 36 điều thuộc 10 chương trên tổng số 73 điều, 12 chương của Luật Giáo dục Đại học sẽ được sửa đổi nhằm mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ giáo dục đại học, nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở giáo dục đại học cũng như đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn quốc tế.
Đầu tư theo cơ chế đặt hàng
Ở phần Những quy định chung (Chương 1), dự thảo sửa đổi Điều 9 về phân tầng, xếp hạng đại học, Điều 11 về quy hoạch mạng lưới các trường đại học và Điều 12 về Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học.
Cụ thể, Điều 9 được sửa đổi theo hướng các cơ sở giáo dục đại học được tự xác định sứ mạng, mục tiêu phát triển theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng ứng dụng chứ không phải do Nhà nước quyết định.
Còn việc xếp hạng cơ sở giáo dục đại học chỉ được dự thảo quy định là "được thực hiện bởi các tổ chức có tư cách pháp nhân, có chức năng nhiệm vụ phù hợp, đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật" chứ không phải do Nhà nước thực hiện.
Điều 11 quy định về quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học được sửa đổi theo hướng chuyển từ quy hoạch theo đơn vị hành chính sang quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, nhu cầu của xã hội và thị trường, thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 19 tháng 10/2017 vừa ban hành.
Ở Điều 12 về chính sách đầu tư cho giáo dục đại học quy định việc đầu tư sẽ thực hiện thông qua các đề dự án, chương trình, chính sách tín dụng sinh viên và đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa chính thức công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ. (Ảnh minh họa: VTV.vn)
Chính sách đấu thầu, đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học được thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, không phân biệt loại hình cơ sở giáo dục đại học.
Dự thảo cũng quy định việc các cơ sở giáo dục đại học thực hiện xã hội hóa được ưu tiên giao đất không thu tiền hoặc cho thuê đất để xây dựng trường, được miễn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu các trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học...
Hội đồng trường bầu hiệu trưởng
Tại Điều 14 quy định cơ cấu tổ chức của các trường đại học, học viện, dự thảo Luật giáo dục đại học bổ sung cơ cấu doanh nghiệp trong cơ cấu tổ chức của trường đại học, học viện và cả các đại học.
Bên cạnh đó, bổ sung điều khoản cơ sở giáo dục đại học có từ 51% vốn của nhà đầu tư nước ngoài trở lên được tự quyết định cơ cấu tổ chức.
Dự thảo đưa ra 2 phương án để lựa chọn cơ cấu tổ chức của các đại học:
Phương án thứ nhất là trong các đại học sẽ có "trường" và "viện nghiên cứu".
Phương án hai là trong đại học sẽ có "trường thành viên" và "viện nghiên cứu thành viên".
Về mặt quản trị, các đại học đa lĩnh vực thường có cấu trúc 3 cấp: cấp đại học (University), cấp trường và tương đương (College, Faculty, School) và cấp khoa (Deparment).
Còn về những quy định về hội đồng trường và hiệu trưởng thì dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học nêu cụ thể:
Điều 16 quy định về Hội đồng trường đã quy định cụ thể về số lượng thành viên hội đồng trường là 17 người và phải là số lẻ, hay các thành viên bên ngoài trường chiếm tỷ lệ tối thiểu 30% tổng số thành viên, trong đó bao gồm một đại diện của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Về quyền hạn, nhiệm vụ của hội đồng trường cũng được quy định khá chi tiết, trong đó có quyền tổ chức thực hiện quy trình bầu hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng.
Về việc công nhận hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tại Điều 16 và Điều 20 quy định về Hiệu trưởng, dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án thứ nhất là việc công nhận sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện và phương án hai là sẽ do cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận.
Trường tự quyết mức học phí
Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi cũng đưa ra nhiều quy định mới theo hướng giao quyền tự chủ cho các trường.
Cụ thể, các cơ sở giáo dục đại học được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ về giá dịch vụ đào tạo, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo. Giá dịch vụ đào tạo phải được công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh.
Trong khi đó, theo Luật Giáo dục đại học 2012 quy định: "Chính phủ quy định nội dung, phương pháp xây dựng mức học phí, lệ phí tuyển sinh, khung học phí, lệ phí tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập", và "Cơ sở giáo dục đại học công lập được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh nằm trong khung học phí, lệ phí tuyển sinh do Chính phủ quy định".
Theo GDVN
Giáo dục đại học của Việt Nam đang ở trạng thái "1 khóa, 2 chìa và 4 nấc" Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Tự chủ phải đi xuống từng trường đại học, đến tận khoa, bộ môn, giảng viên một cách xuyên suốt". Ngày 20/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập...