‘Ai muốn học Y khoa để kiếm tiền thì hãy nghĩ lại’
“Những ai muốn con học Y khoa để sau này làm thầy thuốc kiếm được nhiều tiền thì hãy suy nghĩ và cẩn trọng vì thường đầu tư nhiều, mà lương rất thấp”, Bác sĩ Đỗ Hoàng Dương viết.
Ai cũng hiểu được rằng, đã thi vào trường Y phần lớn đều có mơ ước thánh thiện là làm thầy thuốc trị bệnh cứu người, nhưng cần phải hiểu thêm rằng quá trình hiện thực hóa nó không hề đơn giản, đòi hỏi người sinh viên Y khoa cần có nhiều tố chất khác.
Sinh viên Y khoa trong giờ học.
Đòi hỏi đối với sinh viên Y khoa
Trí tuệ để học trường Y không cần quá xuất sắc, quá thông minh, tư duy thông minh chỉ là phương tiện giúp học nhanh, học nhàn và nhớ lâu thôi.
Hầu hết môn học trong trường Y là thuộc lòng, hoạt động suy luận trên cơ thể người phải được kiểm chứng và không bao giờ cho phép bác sĩ tự suy luận cá nhân để đưa ra cách chữa như kiểu giải bài tập toán.
Trí tuệ trong trường Y lại vô cùng cần thiết để logic hóa các hiện tượng rời rạc, để kết nối thành hệ thống thông tin giúp cho chẩn đoán đúng và nhanh trong những trường hợp khó, nó là chất liệu mạnh để tạo nên các thầy thuốc giỏi.
Chăm chỉ là đức tính quan trọng và cần thiết nhất. Chăm chỉ giúp sinh viên thuộc và hiểu nhiều thông tin, các thông tin được hấp thụ vào người chăm chỉ sẽ tạo nên các phản xạ kiến thức, giữa hàng trăm ngăn kiến thức, bất ngờ cần dùng một thông tin nào đó, người chăm chỉ sẽ dễ dàng đáp ứng.
Kiên trì là phương tiện thứ hai, vì học Y khoa là học một chuỗi các kiến thức theo logic, nếu không học lần lượt sẽ chẳng hiểu gì, chẳng có kết quả, muốn học được hệ thống như vậy, cần phải kiên trì liên tục.
Sẵn sàng hy sinh các thú vui cá nhân. Học Y khoa cần nhiều thời gian, kiến thức yêu cầu nhiều, lượng thông tin nhiều, đòi hỏi sinh viên Y khoa phải dành nhiều thời gian học, cho nên không có thời gian chơi.
Có những dịp hè, chúng tôi không về quê, mà đến bệnh viện học để trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm, và đương nhiên một số thú vui như đi du lịch, thể thao, giải trí cũng nhiều khi phải gác lại để dành thời gian cho học tập.
Chi phí tài chính lớn và kéo dài, học 6 năm mới tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, vẫn chưa biết chữa bệnh gì. Muốn học và hành nghề tàm tạm cũng phải học ít nhất 9 năm, học dài như vậy, lại học khó và học nhiều, nên chẳng có thời gian làm thêm kiếm tiền, tất cả phải trông chờ gia đình chu cấp.
Video đang HOT
Tôi chưa thống kê cụ thể nhưng chắc chắn chi phí cho quá trình học để trở thành một bác sĩ là một con số không hề nhỏ, có thể tương đương giá trị một căn hộ nhỏ.
Ai đó muốn học Y khoa để sau này kiếm tiền thì hãy xem lại, vì về mặt tài chính, đầu tư lớn và dài, nhiều rủi ro có thể chẳng thu được vốn nếu chỉ được hưởng lương nhà nước sau khi đi làm công chức y khoa.
Những ai đó muốn cho con học Y khoa để sau này làm thầy thuốc kiếm được nhiều tiền, nhiều lộc thì hãy suy nghĩ và cẩn trọng, vì thường đầu tư nhiều, mà lương rất thấp.
Sức khỏe phải tốt mới học được Y khoa. Với thời gian học dài, học nhiều, phải có sức khỏe tốt mới trụ được, còn phải đối mặt với trực đêm, với học – thi – học liên miên không ngừng.
Tuy nhiên, ngành Y vẫn là ngành được không ít người lựa chọn theo học, muốn con cái theo học, vì tính thánh thiện của nó, vì sự hấp dẫn của một ngành khoa học có đầu tiên trong lịch sử loài người và chắc chắn sẽ tồn tại lâu nhất, ngành Y cũng mang lại nhiều cung bậc cảm xúc buồn vui cho các thầy thuốc.
Trải nghiệm hạnh phúc của tôi trong ngành Y là sự khỏi bệnh của bệnh nhân. Mỗi lần bệnh nhân của tôi đỡ bệnh, khỏi bệnh, tôi lại rất vui và đó cũng chính là động lực mạnh mẽ để tôi vượt qua những thách thức trong nghề nghiệp và cuộc sống.
Đứng trước thách thức chọn nghề, nhất là những người đang muốn chọn con đường đại học Y khoa, tôi xin chia sẻ chân thành để những bạn trẻ có thể hình dung phần nào, từ đó có quyết định sáng suốt nhất cho mình.
Hãy suy nghĩ cẩn trọng, chọn trường nào, chọn thầy nào là rất quan trọng, tránh nghe người khác một cách mù quáng để rồi ảo tưởng về ngành Y.
Tấm gương của các thầy thuốc – thầy giáo
Sinh viên Y khoa bị ảnh hưởng rất nhiều từ các thầy thuốc – thầy giáo, những người thầy tốt và giỏi sẽ được sinh viên tìm ra ngay, họ tôn vinh ngay. Sinh viên sẽ học rất nhanh cách các bậc thầy đối xử với nhau, đối xử với sinh viên, sự yêu ghét sẽ được sinh viên bình phẩm ngay.
Để sinh viên Y khoa học chăm, cẩn thận thì chính các thầy lãnh đạo, các thầy dạy phải mẫu mực một cách trung thực và tự trọng, để làm gương cho các thế hệ sau đó noi theo. Nếu thầy nào đi dạy chỉ để kiếm sống thôi, các sinh viên sẽ biết ngay, và sẽ ảnh hưởng ngay đến kết quả đào tạo.
Thầy dạy Y khoa phải luôn đàng hoàng, không được bắt chẹt, kiếm tiền bất chính của sinh viên – Đây là điều tồi tệ nhất đối với một thầy giáo, nhất là người thầy dạy Y khoa. Nếu thầy giáo ăn tiền của bệnh nhân, ăn tiền của sinh viên thì hậu quả là những sinh viên là “nạn nhân” của thầy hôm nay sẽ trở thành thủ phạm và tội đồ trong tương lai.
Thầy dạy Y khoa yêu cầu bắt buộc phải là thầy thuốc giỏi, có như thế sinh viên mới phục, thầy mà không chữa khỏi bệnh được cho bệnh nhân thì sinh viên có dám học thầy không ?
Đẳng cấp bệnh viện đại học sẽ là thước đo khẳng định tầm cao chuyên môn của sinh viên ra trường, của đào tạo Y khoa. Nếu bệnh viện đại học nào đó chuyên môn kém thì không thể biện minh cho chất lượng sinh viên học ở bệnh viện đó vẫn giỏi được. Thầy nào trò nấy cũng là thứ hay được dùng đánh giá trong y giới, thầy chữa bệnh kém, khó dạy ra học trò là bác sĩ giỏi.
Theo TS.BS Đỗ Hoàng Dương/Tiền Phong
ĐH Kinh doanh Công nghệ dạy y: Bác sỹ kém có thể giết nhiều người
"Bác sỹ không giỏi là có thể dẫn tới chết người. Mà chết người thì không thể khắc phục được. Vì thế, cho mở ngành đào tạo y dược dễ dàng khiến các nhà khoa học như chúng tôi bức xúc lắm".
Theo tin tức mới nhất câu chuyện về trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, một trường nghe như không liên quan gì tới lĩnh vực y học được phép đào tạo ngành y, dược đang khiến dư luận xã hội nóng bỏng.
Đào tạo y dược là ngành đào tạo đặc thù và có yêu cầu khắt khe
Hai Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế dường như chưa có sự đồng thuận cao. Bộ Giáo dục cho rằng đồng ý là do Bộ Y tế đã duyệt. Tuy nhiên, Bộ Y tế lại cho rằng Bộ đã ra văn bản yêu cầu trường hoàn thiện danh sách giảng viên cơ hữu chuyên ngành cũng như cơ sở thực hành ngoài trường, cơ sở thực hành tại trường, thì mới ủng hộ việc mở ngành, nhưng hai ngày sau Bộ GD-ĐT đã có quyết định cho phép trường mở mã ngành đào tạo bác sĩ đa khoa.
Đào tạo y dược là ngành đào tạo đặc thù và có yêu cầu khắt khe. Thế nhưng được biết, không chỉ trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được phép mở mã ngành đào tạo này mà nhiều trường đa ngành khác cũng đã được đào tạo ngành này. Con số đó đã lên tới 10 trường, trong đó có ĐH Ban Mê Thuột, ĐH Tân Tạo, ĐH Duy Tân, ĐH Thành Đô, ĐH Trà Vinh...
Trước thực trạng này, PV báo Người Đưa Tin đã có buổi trao đổi với thầy thuốc nhân dân, giáo sư, tiến sĩ, đại tá Hoàng Văn Thuận - Phó Chủ tịch Hội Thần kinh Việt Nam, Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Thần kinh, Chủ nhiệm khoa nội Thần kinh, BV Trung ương Quân đội 108.
Thầy thuốc nhân dân, giáo sư, tiến sĩ, đại tá Hoàng Văn Thuận.
Trường Đh Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vừa được cho phép đào tạo ngành y dược. Là một người tâm huyết với sự nghiệp y khoa nước nhà, ông có suy nghĩ gì về quyết định này của Bộ GD-ĐT?
Điều trị con người không giống như các chuyên ngành khác. Nếu một người làm nghề chữa tivi ấm ớ khiến tivi bị hỏng thì có thể mua cái khác. Nhưng nếu người bác sỹ chữa bệnh mà bị sai thì sức khỏe của con người không thể lấy lại được. Tôi ở Châu Âu, Châu Mỹ cũng gần 20 năm nên hiểu ở các nước phát triển họ đặc biệt chú ý tới việc đào tạo ngành y.
Với người thầy thuốc, ngoài cái tâm, đức thì yêu cầu đặc biệt là phải giỏi. Các sinh viên y khoa có thời gian học rất lâu. Các cháu học 6 năm xong nhưng nói thật là ra trường đã biết gì đâu. Nếu cháu nào chịu khó học, chúng tôi còn phải hướng dẫn, dạy dỗ 10-15 năm sau thì mới gọi là biết làm ăn. Đào tạo ngành y phải rất thận trọng.
Như ông đã nói, đạo tạo ngành y khoa đào tạo đặc biệt nghiêm ngặt, liên quan đến sức khỏe con người. Thế nhưng việc mở mã ngành y dược như hiện nay thì có quá liều lĩnh không, thưa ông?
Vấn đề đào tạo của chúng ta có nhiều cái cần phải bàn. Tôi là người chấm cho lớp tiến sỹ đầu tiên của nước ta (tức là năm 1981). Hồi ấy, đào tạo tiến sỹ vô cùng khó khăn. Thế nhưng đến một giai đoạn sau, đào tạo tiến sĩ lại chỉ có 6 tháng thôi. Vấn đề đào tạo chúng ta cũng cứ chỉnh mãi chỉnh mãi, đến bây giờ đào tạo tiến sỹ cũng có thể nói là tạm được.
Quay trở lại việc cấp chứng nhận cho đào tạo ngành y của các trường đa ngành, tôi được biết, lúc đầu các anh bên bộ giáo dục đẩy sang cho bộ Y tế. Bộ Y tế đi thẩm tra thì bảo rằng tạm được, nhưng vẫn có một số một số thứ vẫn chưa được, cần củng cố thêm.
Hiện nay các anh bên Bộ Giáo dục đã cho phép rồi thì đành vậy. Nhưng nếu các anh ấy có hỏi ý kiến các nhà khoa học như chúng tôi thì chắc chắn chúng tôi sẽ lên tiếng.
Chúng tôi cứ thắc mắc là các trường đang đào tạo kinh tế mà nay lại "nhảy" vào đào tạo cái vấn đề y khoa là vấn đề rất khó. Các anh nhảy vào lĩnh vực này là còn phải trang bị từ khâu khoa học cơ bản, y học cơ sở... Trang bị những cái ấy tốn kém vô cùng.
Việc trường chuẩn bị nhân sự là những người đã về hưu, đến xin chữ ký của họ để điền vào đủ danh sách thì theo tôi cũng dễ thôi.
Theo thông tin từ đại diện trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, trường này lấy đầu vào từ 20 điểm. Trong khi đó, điểm đầu vào trường đại học y công lập tới 27,28,29. Việc hạ thấp đầu vào này, liệu có đáng lo ngại cho chất lượng của một lớp bác sỹ sau này không, thưa ông?
Đặc thù của ngành y là điều trị không giỏi là có thể dẫn tới chết người. Mà chết người thì không thể khắc phục được. Vì thế, cho mở ngành đào tạo y dược dễ dàng khiến các nhà khoa học như chúng tôi bức xúc lắm.
Theo tôi, đây là các trường đào tạo theo kinh tế thị trường. Họ lấy đầu vào có 20 điểm đã thấy rằng đó là một sự cẩu thả. Họ lấy có 20 thì các thí sinh nhảy vào ào ào thôi.
Mà như mọi người đều biết, hiện các trường công lập còn thiếu thí sinh chứ chưa nói đến các trường ngoài công lập. Có trường rất khang trang nhưng tuyển không ai vào. Vì thế, với ngành y, các trường công lập đang lấy 27-28 mà giờ trường ngoài công lập lấy có 20 thì chắc chắn các thí sinh sẽ nộp hồ sơ vào rồi.
Các Bộ có nói là rộng đầu vào nhưng sẽ siết đầu ra. Đặc biệt là sắp tới sẽ cấp chứng chỉ hành nghề 5 năm/lần. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Làm như thế này thì đầu ra sẽ rất méo mó. Nếu các trường đa ngành đã đào tạo ngành y khoa thì phải làm đúng chuẩn. Phần khoa học cơ bản thì các trường có thể thực hiện được. Ngoài ra cơ quan chức năng cũng phải thẩm tra kỹ phần y học cơ sở . Phải lấy chuẩn như ĐH Y Hà Nội, Học viện Quân Y, ĐH Y Dược TP HCM thì theo tôi mới có đủ tin tưởng được. Mà đủ như thế thì theo tôi mới đủ cơ sở để đạo tạo. Nhưng tôi cũng nói thật, để chuẩn bị phần y học cơ sở thì mấy anh công lập khó đủ khả năng.
Xin cám ơn ông về những chia sẻ tâm huyết!
Theo nguoiduatin.vn
Tại sao giáo sư xin rút khỏi khoa Y ĐH Kinh doanh Công nghệ? Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội xác nhận, GS.TS Lê Gia Vinh và một giảng viên xin rút, không tham gia giảng dạy ở khoa Y đa khoa và Dược học của trường. Ngay sau khi Bộ Y tế kiểm tra lại các điều kiện mở ngành Y đa khoa và Dược học tại ĐH Kinh doanh và...