Ai là hậu vệ hay nhất đội tuyển Việt Nam 25 năm qua?
25 năm qua, tuyển Việt Nam có những hậu vệ tài năng như Công Minh, Đỗ Khải, Như Thành, Quang Thanh, Quế Ngọc Hải, Văn Hậu.
Việc tìm kiếm và lựa chọn những người xứng đáng nhất trong 25 năm là điều không hề dễ dàng. Zing đã trao đổi với nhiều chuyên gia để chọn ra những cái tên tiêu biểu, thuyết phục nhất, những lựa chọn không chỉ vượt trội ở thời đại ấy, mà còn có vị trí vững chắc trong dòng chảy lịch sử bóng đá sau này.
Ba tiêu chí lựu chọn chính là tài năng, đóng góp và tầm ảnh hưởng của cá nhân cầu thủ đó lên đội tuyển quốc gia.
Tuyển Việt Nam chứng kiến nhiều hậu vệ giỏi trong 25 năm qua. Đồ họa: Minh Phúc.
Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sỹ Hiển nhận xét: “Từ năm 1991 đổ lại đây, tôi được tham gia và nắm sát tình hình các đội tuyển Việt Nam. Tôi tin chọn hay loại ai, cũng phải xem xét cả yếu tố chuyên môn lẫn đạo đức, chọn những người tròn trịa, có nhiều đóng góp. Lựa chọn nên thuyết phục được không chỉ giới trẻ mà cả những người làm truyền thông, các nhà chuyên môn, việc lựa chọn để mọi người đều phục”.
“Dựa trên các tiêu chí, tôi tin lựa chọn Trần Công Minh, Đỗ Văn Khải, Vũ Như Thành, Huỳnh Quang Thanh, Quế Ngọc Hải và Đoàn Văn Hậu là xứng đáng”.
Quan điểm của ông Hiển cũng được chia sẻ bởi HLV Hoàng Anh Tuấn: “Đánh giá về hậu vệ hay nhất tuyển Việt Nam 25 năm qua nên nhìn nhận cả quá trình, chứ không chỉ vài giải đấu. Xét tất cả, tôi thấy lựa chọn như vậy là hợp lý”.
Sau ngày giải nghệ, Công Minh (giữa) theo đuổi nghiệp huấn luyện và có nhiều đóng góp cho các đội tuyển quốc gia. Ảnh: Hoàng Tâm.
Trong 6 người, Trần Công Minh là cái tên lớn tuổi nhất. Anh khoác áo tuyển quốc gia từ năm 1995 tới 2000, có vị trí bất khả xâm phạm tại đội tuyển ở Tiger Cup và SEA Games. Là hậu vệ, nhưng Công Minh vẫn ghi không ít bàn thắng cho đội tuyển và nổi tiếng với khả năng lên công, về thủ. Anh là cầu thủ phòng ngự duy nhất 4 lần có tên trong top 3 đề cử Quả bóng vàng và giành danh hiệu này năm 1996.
Ông Hiển cho rằng: “Nếu ta muốn một người trọn vẹn về chuyên môn, tư cách đạo đức và nhiều đóng góp cho đội tuyển, tôi tin Công Minh vẫn là người được quý mến hơn cả”.
Sau Công Minh là đồng đội Đỗ Văn Khải. Anh là trung vệ hiếm hoi của bóng đá Việt Nam có phong cách chơi bóng lãng tử, sở hữu tầm ảnh hưởng và khả năng kết nối toàn đội. Danh thủ sinh năm 1974 giành Quả bóng đồng 2000, Quả bóng bạc 2001. Hạn chế của Đỗ Khải là sự nghiệp ngắn ngủi khi anh giải nghệ năm 27 tuổi.
BLV Ngô Quang Tùng cho rằng: “Đỗ Khải được nhớ tới lâu bởi phong cách kỹ thuật và ảnh hưởng tới tập thể. SEA Games 1999, bộ ba trung vệ với Mai Tiến Dũng, Phạm Như Thuần đá dập cùng Đỗ Khải đá thòng đã giúp tuyển Việt Nam đi một lèo tới chung kết, thua 2 bàn trước Thái Lan ở trận cầu cuối”.
Vũ Như Thành (phải) trong lễ trao giải vô địch AFF Cup 2008. Ảnh: Hoàng Khánh.
Gần thập niên sau Đỗ Khải, bóng đá Việt Nam tiếp tục chứng kiến Vũ Như Thành và Huỳnh Quang Thanh lên đỉnh cao. Như Thành là người được HLV Henrique Calisto khen 100 năm bóng đá Việt Nam mới sản sinh nổi. Anh là trung vệ số một của tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2008 và trước đó là Asian Cup 2007, chủ nhân Quả bóng bạc 2008. HLV Hoàng Anh Tuấn cho rằng: “Như Thành là số một nếu chỉ xét về chuyên môn thuần túy”. Tuy vậy, đỉnh cao của anh ở đội tuyển chỉ dừng lại trước tuổi 30.
Đồng đội của Như Thành là Quang Thanh cũng ghi dấu ấn lớn giai đoạn đó với những màn trình diễn ở đẳng cấp châu lục. Anh đá tốt 2 cánh phải, trái, là hậu vệ công hay nhất dưới thời HLV Riedl và Calisto. Bàn đầu tiên của tuyển Việt Nam tại Asian Cup 2007 vào lưới UAE được ghi bởi Quang Thanh.
Trong 6 cầu thủ phòng ngự được lựa chọn, anh là người có thời gian đóng góp dài hơi nhất cho đội tuyển (10 năm). Quang Thanh từng được Goal châu Á chọn vào đội hình tiêu biểu vòng bảng Asian Cup 2007. Cựu cầu thủ Long An đã có hơn 10 năm ở đội tuyển và giành đủ mọi vinh quang tại Bình Dương.
Hai cái tên vẫn còn thi đấu trong danh sách này là Quế Ngọc Hải và Đoàn Văn Hậu. Ngọc Hải được gọi từ năm 2014 và hiện là đội trưởng tuyển quốc gia. Anh đã 2 lần vào bán kết AFF Cup với HLV Toshiya Miura và Nguyễn Hữu Thắng, vô địch cùng ông Park Hang-seo. Tại Asian Cup 2019, Ngọc Hải là hậu vệ duy nhất ghi bàn cho tuyển Việt Nam.
Quế Ngọc Hải (trái) là thủ lĩnh hàng thủ Việt Nam tại Asian Cup 2019. Ảnh: Minh Chiến.
HLV Hoàng Anh Tuấn nhớ lại: “Khi ông Park sang Việt Nam, tôi là người đầu tiên đề nghị chọn Quế Ngọc Hải. Khi đó, ông ấy nghe được nhiều dư luận chưa tốt về Hải. Tuy nhiên, Hải đã chơi ổn định hơn trong 2 năm qua và dần trở nên nổi bật dưới thời ông Park”.
Người cuối cùng, cái tên trẻ nhất trong danh sách là Đoàn Văn Hậu. Cầu thủ sinh năm 1999 sở hữu kỷ lục khoác áo 4 đội tuyển quốc gia hồi năm 2017. Anh gần như không bỏ trận nào của tuyển Việt Nam 3 năm qua và đã giành đủ mọi vinh quang ở cấp U19 cũng như U23. Hậu cũng là cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng tại Hà Lan và nhiều khả năng sẽ có năm thứ hai tại đây.
BLV Quang Tùng khẳng định: “Hậu vệ như Văn Hậu rất hiếm, gần như chưa từng xuất hiện. Các hậu vệ xưa thường chỉ là người chuyền bóng, tạt bóng chứ không phải người dứt điểm trực tiếp. Các bậc cha anh thiếu màu sắc hiện đại, thiếu sự toàn diện như Hậu. Ở Đông Nam Á bây giờ, không nhiều cầu thủ tấn công làm khó được Văn Hậu”.
Những 'tay chơi' khét tiếng của bóng đá Việt Nam
Như Thành, Quang Thanh hay Văn Quyến... không chỉ được biết đến với tài năng bóng đá mà họ còn từng là những "tay chơi" thực thụ.
Cựu tuyển thủ quốc gia Vũ Như Thành từng được biết đến là một trong những tay chơi có "số má" trong giới quần đùi áo số của bóng đá Việt Nam. Với khoản thu nhập kếch xù, Như Thành từng có thời gian tiêu tiền như nước.
"Có thời điểm tôi làm song song giữa 2 việc là đá bóng và đi chơi. Có những buổi tối hôm trước đi chơi nhưng ngay ngày hôm sau tôi đã có thể tập luyện và thi đấu. Sau một đêm ăn chơi, số tiền tôi mất mát có thể lên tới 1, 2 tỷ đồng", Như Thành thừa nhận.
Một người đồng đội khác của Như Thành trong màu áo ĐTQG là Huỳnh Quang Thanh cũng có thời ăn chơi không cần suy nghĩ về chuyện tiền bạc.
Như Thành (trái) là hậu vệ đắt giá nhất Việt Nam nếu tính theo tổng giá trị các lần chuyển nhượng. Ảnh: VSI
"Tôi đi chơi, sắm đồ, tối đi bar này nọ. Mọi thứ gần như không có sự suy nghĩ nhiều về chuyện tiêu tiền. Nếu tính ra thì tôi từng tiêu phải tầm cỡ 200 triệu một ngày", cựu hậu vệ CLB B.Bình Dương tiết lộ.
Trong khi đó, ở cuốn tự truyện "Phút 89" của Công Vinh, Văn Quyến xuất hiện đúng "chất" của tay chơi thứ thiệt. Công Vinh nói về đàn anh Văn Quyến như sau: "Ngày lên đội một, tôi làm gì đã có điện thoại di động. Nhưng anh Quyến đã "hai tay hai súng", với hai chiếc điện thoại vô cùng sành điệu. Một tay là Nokia bầu bầu hình chiếc lá, tay kia là chiếc Nokia... beo béo. Tất cả đều là những điện thoại "hot" nhất thời bấy giờ...".
Mạnh Đức
Quang Thanh phơi bày góc khuất cầu thủ Việt "Tôi đi chơi, sắm đồ, tối đi bar này nọ. Mọi thứ gần như không có sự suy nghĩ nhiều về chuyện tiêu tiền. Nếu tính ra thì tôi từng tiêu xài phải tầm cỡ 200 triệu một ngày", cựu hậu vệ ĐTQG Huỳnh Quang Thanh vừa tiết lộ với giới truyền thông nhằm nhắn nhủ thế hệ đàn em về thói quen...